THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ
TOÀN VĂN SƯU TẬP CÁC TÁC PHẨM
Tập 3
ĐÊM DÀY
Quyển 1
ĐÊM GIÁC QUAN
CHƯƠNG 12 (tiếp theo)
5 - Cũng chính ngôn sứ Isaia đã giải thích rõ điều ấy qua câu: “Thiên Chúa sẽ truyền dạy kiến thức cho ai? Ngài sẽ cho ai nghe lời Ngài nói? - Thưa, cho những kẻ đã thôi bú, cho những ai đã được dứt ra khỏi vú mẹ” (Is 28,9 vulg). Điều này cho thấy muốn nhận được ơn thần linh tuôn đổ nói trên thì không thể bám mãi vào thứ sữa tâm linh ngọt ngào buổi đầu cũng như bầu vú mẹ của những suy tư nguyện gẫm lý thú linh hồn đã nếm được qua các quan năng cảm giác nhưng phải đi tới chỗ kiêng nhịn thứ sữa kia và tách lìa khỏi bầu vú nọ.
Như thế, để nghe được lời Thiên Chúa, linh hồn phải đứng thẳng trên đôi chân mình, không dựa vào tình cảm lẫn giác quan như lời thổ lộ của vị ngôn sứ: “Tôi sẽ đứng trên chòi canh (tức không dựa vào các mê thích), sẽ đứng gác trên tường luỹ (không suy gẫm dựa vào các giác quan) để ngóng chừng xem Thiên Chúa sẽ nói với tôi điều gì ” (Kb 2,1).
Như thế chúng ta suy luận được rằng nhờ đêm tối khô khan ấy, trước hết ta được biết mình, để rồi dựa trên nền tảng ấy ta được biết về Thiên Chúa. Bởi đó thánh Âu Tinh đã thân thưa với Thiên Chúa: "Lạy Chúa, xin cho con biết con và con sẽ được biết Chúa” (Độc thoại II 1,1 PL 32,885). Bởi vì, như các triết gia vẫn nói, người ta biết rõ một thái cực nhờ vào thái cực kia.
6 - Trong sự khô khan vô vị của nó, đêm giác quan này rất hữu hiệu để đem lại cho linh hồn một luồng sáng mà linh hồn nhận lãnh được ở đó từ Thiên Chúa. Để minh chứng hiệu năng ấy rõ hơn, chúng tôi xin viện dẫn một lời của vua Đavít cho thấy rõ đêm giác quan này có sức đem lại sự hiểu biết cao cả về Thiên Chúa đến mức nào. Ông nói: “Như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước, không lối đi, con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện để thấy uy lực và vinh quang của Ngài” (Tv 62/63,1¬2). Điều vua Đavít nói đây quả là kỳ diệu, cho thấy rằng những phương thế giúp nhận biết vinh quang Thiên Chúa chẳng phải là những hoan lạc và thú vị tâm linh ông đã cảm nghiệm, nhưng chính là sự khô khan và hụt hẫng của phần cảm giác mà ở đây được gọi là mảnh đất khô cằn hoang vu. Ông còn cho thấy rằng con đường dẫn đến chỗ cảm nghiệm và thấy được quyền năng Thiên Chúa không phải là các ý tưởng và suy luận về Thiên Chúa mà ông đã từng quen sử dụng, nhưng con đường ấy nằm ở tình trạng ta không thể nào dùng khái niệm để xác định Thiên Chúa và cũng không thể lần mò bằng suy tư, tính toán hay tưởng tượng, tình trạng mà ở đây được gọi là mảnh đất không lối đi.
Do đó, để nhận biết được Thiên Chúa cũng như để nhận biết được chính mình, cần phải nhờ đến đêm tối này cùng với những khô khan và trống vắng của nó, mặc dù sự hiểu biết nó đem lại chưa được trọn vẹn và phong phú như sự hiểu biết nhờ đêm tâm linh, vì nó chỉ mới là khởi đầu cho sự hiểu biết nhờ đêm tâm linh.
- Nguyên tác của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét