2. Vài Nét Nhân Thân
Léopold-Michel Cadière chào đời ngày 14/2/1869 tại Aix-en-Provence, địa phận Aix, hạt Bouches-du-Rhône, giáo xứ Sainte-Anne-de-Pinchinats, miền Nam nước Pháp. Là con trai một chủ trang trại miền Provence, cậu theo học tại địa phương từ tiểu học, lên trung học, rồi gia nhập Tiểu chủng viện, trước khi vào Đại chủng viện Địa phận Aix, chịu các chức nhỏ ngày 21/12/1888.
Thầy Léopold Cadière gia nhập chủng viện Hội Thừa Sai Nước Ngoài ngày 6/6/1890 và ở đó Thầy chịu các chức cao trọng hơn, rồi chịu chức linh mục ngày 24/09/1892. Bắt đầu từ giã quê hương đi truyền giáo ngày 26/10/1892, tân linh mục đến Huế, Việt Nam, chỉ một tháng sau đó. Ngài hoạt động hăng say như một nhà truyền giáo nhiệt thành, đồng thời, miệt mài nghiên cứu tìm tòi như một nhà ngôn ngữ học, một nhà nhân loại học, dân tộc học uyên thâm. Qua đời ngày 07/06/1955, an táng tại Đại chủng viện Huế.
3. Môi Trường Sự Nghiệp Truyền Giáo Và Văn Hóa Việt Nam
Cuộc đời LM. Léopold Cadière diễn ra qua nhiều chặng khác nhau theo hai khía cạnh truyền giáo và văn hóa đặc biệt này. Ngay khi tới Huế, Giám mục Caspar đã nhận thức và quí trọng những khả năng trí thức và nhiệt tình kiên trì làm việc không ngơi nghỉ của vị thừa sai mới trẻ trung, đầy nghị lực. LM. lăn xả vào công cuộc nghiên cứu tiếng Việt một cách có phương pháp khoa học, sâu sắc và tinh tế đến tận nguồn ngọn các thổ ngữ khác nhau (như trong các tiểu luận của ngài, chẳng hạn “Phonétique annamite”, “Syntaxe”, “Dialectes du Haut et Bas Annam”).
Trước hết LM. được bổ nhiệm làm giáo sư tại Tiểu chủng viện An Ninh, cách phía Bắc Huế khoảng 100 cây số, trong hai năm trời, rồi ngài làm việc với LM. Renould ở Đại chủng viện Phú Xuân (Huế) năm 1894. Năm 1895, theo yêu cầu của chính ngài, LM. Cadière được giao trông coi xứ đạo Tam Tòa và hạt Quảng Bình trong suốt 14 năm. Thế là LM. bắt đầu cuộc tìm tòi hình thành một công trình lịch sử đồ sộ về cuộc thành lập các Chúa Nguyễn. Công trình này mang nhan đề biểu tượng “Le Mur de Đồng Hới”.
Năm 1896, LM. Cadière chú trọng đến địa điểm ở cực Bắc khu giáo, đó là khu Cù Lạc, một địa danh nổi tiếng vì có nhiều khó khăn đủ loại (như khí hậu, vấn đề bội giáo vì nhiều áp lực khác nhau…). Chính ở nơi đây LM. bắt tay vào nghiên cứu thật sít sao các tín ngưỡng tổ tiên của dân quê trong vùng, hình thành nên công trình lớn lao mang tên “Croyances et Pratiques religieuses des Annamites de la région de Huế”.
Năm 1902, LM. di chuyển đến phía Đông của khu giáo Cù Lạc ở Bồ Khế, thi hành thừa tác vụ truyền giáo và mục vụ trong hai năm. Năm 1904, LM. được bổ nhiệm làm quản xứ Cổ Vưu và là hạt trưởng giáo hạt Dinh Cát. Tại đó LM. khánh thành một nhà thờ mới và dựng nên nhiều trường học được trao cho các nữ tu phụ trách.
Năm 1911, quá miệt mài làm việc nên sức khỏe suy kiệt, ngài phải về nghỉ tại Pháp. Dù vậy, không hề bỏ lỡ cơ hội đó, ngài tham dự vào Hội Nghị họp tại Louvain trong “Semaine d’ethnologie” do LM. Schmidt thuộc Dòng Verbe Divin (1912) tổ chức. Từ năm 1913 đến 1918, LM. Cadière làm nhiệm vụ tuyên úy của trường Pellerin, do các Sư Huynh Trường Thiện Giáo trông coi ở Huế. Với cương vị đó, ngài thành lập Association des Amis du Vieux Huế (Hội ‘Ái Hữu’ Đô Thành Hiếu Cổ). Hội này cho ra đời định kỳ Bulletin des Amis du Vieux Huế (Tập San ‘Ái Hữu’ Đô Thành Hiếu Cổ), liên tục từ năm 1913 đến năm 1944. Toàn bộ tập san bằng tiếng Pháp nay đã được chuyển dịch sang Việt ngữ, sau khi công trình nghiên cứu của ngài được đánh giá lại là gồm chứa nội dung Việt học uyên bác về nhiều lãnh vực khác nhau.
Từ năm 1918 đến 1945, LM. Cadière sinh sống tại Di Loan, với tư cách LM. quản xứ và làm Hạt trưởng giáo hạt Đất Đỏ. Trong thời gian giữa hai cuộc chiến, LM. tất bật hăng say hoạt động. Ngài tiến hành hoàn tất ngôi thánh đường đẹp đẽ do LM. Barthélémy khởi công dựng nên. Ngài tổ chức lại tu viện các Nữ tu Mến Thánh Giá ở Di Loan, Cửa Tùng, giúp các chị đan lát dệt vải, thay thế hết tất cả những thứ bông vải kém chất lượng. Trong lãnh vực nghiên cứu dân tộc học, ngài hoàn chỉnh công trình đã kể trên về “Croyances et Pratiques religieuses des Annamites de la région de Huế”. Các bài viết được lần lượt đăng trên Tập San Đô Thành Hiếu Cổ, trước khi được tổng hợp đầu năm 1942 do l’École Française d’Extrême-Orient ở Hà Nội thành ba cuốn. Công trình đồ sộ này không làm trở ngại các hoạt động mục vụ của LM. với tính cách chính xứ, hạt trưởng, vì ngài không nề hà chăm sóc giảng dạy giáo lý cho các trẻ em, cho các tân tòng, và lo ngồi tòa giải tội.
Năm 1942, nhân kỷ niệm năm mươi năm chịu chức linh mục của ngài, bạn hữu và các giới chức đạo đời tổ chức một buổi lễ hội thật long trọng. Trước những lời khen ngợi công lao của ngài, ngài đã đáp lại một cách đơn sơ đầy xúc động. Ngài nói rằng tất cả những điều ngài làm là để thể hiện chân thành lòng yêu mến dân tộc Việt Nam. ‘Tôi đã hiểu người Việt, vì tôi nghiên cứu những gì liên quan đến họ. Tôi đã nghiên cứu tiếng Việt ngay từ khi mới đến đây, và tôi hiện nay vẫn tiếp tục nghiên cứu… Tôi đã nghiên cứu tín ngưỡng, lễ nghi tôn giáo, phong tục người Việt, tôi yêu mến người Việt. Tôi yêu mến người Việt vì họ thông minh xuất sắc và tinh thần linh lợi…’. [Ngọc Quỳnh, “Hoài Niệm Cố Cả”. Nguyệt san Nguồn Sống (số 1, 15/7/1958), giáo phận Huế, tr. 45].
Năm 1945, chính biến do quân đội Nhật (ngày 9 tháng 3) đã nhanh chóng tác động đến vùng Cửa Tùng. LM. ra khỏi nơi đó và vào Huế, ngay tại nhà của các thừa sai gần Tòa Giám Mục.
Sau khi người Nhật thất bại, năm 1946, LM. Cadière trở lại Di Loan. Tháng 1/1947 đến tháng 6/1953: 6 năm rưỡi, LM. được lệnh tập trung tại Vinh cùng với 6 LM. thừa sai người Pháp khác, Trong thời gian đó ngài vẫn không ngưng các hoạt động trí thức, ngài đã biên soạn “Souvenirs d’un vieil Annamisant”. Về sau các bài kỷ yếu ấy được tạp chí Indochine xuất bản ở Hà Nội. Các bài ngài viết thời đó gộp lại có tới 1500 trang sách xuất bản.
Tháng 9 năm 1948, khi còn đang tình trạng tập trung tại Vinh, LM. được bổ nhiệm làm hội viên danh dự của Trường Viễn Đông Bác Cổ.
LM. Cadière biết rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là người xuất thân từ Nghệ An, vì thế ngài đã tranh thủ viết một lá thư cho Hồ Chủ tịch, trình bày việc giữ tập trung lâu ngày nhóm các nhà truyền giáo có tuổi này là một chuyện bất thường. Ngày 11/6/1953, tập thể các thừa sai kia đã được trao trả tự do.
Kể từ cuộc thử thách lâu dài đó, LM. Cadière trở nên suy nhược hơn, phải đến Huế cư ngụ tại nhà các thừa sai kế bên Tòa Giám Mục. Ngài từ chối không chịu “hồi hương” như nhà cầm quyền đề nghị, nhưng quyết tâm hoàn tất những ngày sinh sống giữa người Việt mà ngài tận lực yêu mến với hết linh hồn và thân xác. Ngài mất ngày 6/7/1955 và được an táng tại Nghĩa trang Đại chủng viện Huế ở Kim Long như ngài hằng ao ước khi sinh thời. Đại chủng viện đó hiện do các linh mục Xuân Bích phụ trách đào tạo.
Tại Paris, mấy tháng sau, ngày 16/1/1956, tại Institut Catholique, một lễ nghi được tổ chức do chính giám mục Blanchet, Viện trưởng Học viện này chủ tọa, để tôn vinh một vị thừa sai bác học, dưới quyền bảo trợ của Giám mục Marella, Sứ thần Tòa Thánh, và Giám mục Lemaire, Tổng Quyền Hội Thừa Sai Nước Ngoài. Nhiều viên chức đến tham dự trong đó có Hoàng Hậu Nam Phương, các đại diện chính quyền Pháp và Trường Đại Học Cộng đồng Pháp (Collège de France).
Nguồn: Trích trong bài "Thân thế và Sự nghiệp Linh mục Léopold-Michel CADIÈRE"
http://tonggiaophanhue.net
0 nhận xét:
Đăng nhận xét