Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

Chữ Nôm Đang Biến Mất

VIẾT "DI CHÚC" CHO CHỮ NÔM?
GiadinhNet - Nhiều người trẻ thường nhầm rằng chữ Hán và chữ Nôm là một. Và, là chữ của người Trung Quốc.
Thế là số phận của chữ Nôm, chữ của ông bà ta tích cóp bao thể kỉ trước hết chẳng được hiểu đúng khái niệm, nói gì đến việc chữ Nôm còn sống được bao lâu (!?).
Chữ Nôm đang chịu một sóng gió khác
Long đong chữ Nôm
"Tôi đang viết chữ của ông bà mình đấy" - TS Cung Khắc Lược vừa cho chữ một người trung tuổi vừa giải thích. "Dạ, có nghĩa là chữ Hán Nôm phải không cụ?" -Người đó băn khoăn. "Tôi đã bảo là tôi đang cho chữ của ông bà mình, không phải chữ của người Trung Quốc" - TS Cung Khắc Lược bật cáu và phăng phăng đứng dậy bỏ đi.
Ông Lược được biết đến như một trong những người ít ỏi còn lại mang vốn cổ học uyên bác trong người, nhưng cũng chính vì đó mà ông trở nên lạc lõng, ngồi một chỗ và bực dọc với chính mình. Chẳng còn ai biết chữ của ông bà mình là chữ gì nữa.
Nhiều người trẻ thường nhầm rằng Hán, chữ Nôm là một và là chữ của người Trung Quốc. Thế là số phận của chữ Nôm, chữ của ông bà ta tích cóp bao thể kỉ trước hết chẳng được hiểu đúng khái niệm, nói gì đến việc chữ Nôm còn sống được bao lâu (!?).
Phận long đong của chữ Nôm có từ khi ra đời, vì được tạo nên trong hoàn cảnh khắc nghiệt lâu dài nên niên đại của nó không được xác định chính xác. Chữ Nôm ra đời từ những năm đầu khi người Trung Quốc đô hộ nước Việt.
Những chữ Nôm đầu tiên được sử dụng để chỉ cách gọi địa danh, hoặc những khái niệm không có trong chữ Hán, mặc dù điều này do những cứ liệu thành văn còn lại hết sức ít ỏi, đã không thể kiểm chứng chính xác.
Nhà nghiên cứu Phạm Huy Hổ trong "Việt Nam ta biết chữ Hán từ đời nào" cho rằng chữ Nôm có từ thời Hùng Vương. Văn Đa cư sĩ Nguyễn Văn San cho rằng chữ Nôm có từ thời Sĩ Nhiếp cuối đời Đông Hán thế kỷ thứ 2. Nguyễn Văn Tố dựa vào hai chữ "bố cái" trong từ ngữ "Bố Cái đại vương" do nhân dân Việt Nam suy tôn Phùng Hưng mà cho rằng chữ Nôm có từ thời Phùng Hưng thế kỷ 8. Có ý kiến khác lại dựa vào chữ "cồ" trong quốc danh "Đại Cồ Việt" để đoán định chữ Nôm có từ thời Đinh Tiên Hoàng.
Các ông đồ ngồi ở Văn Miếu chủ yếu viết chữ Hán
Trong một số nghiên cứu vào thập niên 1990, các nhà nghiên cứu căn cứ vào đặc điểm cấu trúc nội tại của chữ Nôm, dựa vào cứ liệu ngữ âm lịch sử tiếng Hán và tiếng Việt, so sánh đối chiếu hệ thống âm tiếng Hán và tiếng Hán Việt đã đi tới khẳng định âm Hán Việt (âm của người Việt đọc chữ Hán) ngày nay bắt nguồn từ thời Đường - Tống thế kỷ 8 - 9.
Sau khi nước Việt thoát khỏi ách đô hộ phương Bắc, chữ Nôm được hoàn chỉnh dần dần và chỉ đến thế kỷ 13 - 15 mới được dùng nhiều trong văn chương. Tuy nhiên, vẫn không được dùng trong các văn bản chính thống của triều đình.
Chữ Nôm do đó, dù ghi âm tiếng Việt, là văn hóa Việt, là đời sống Việt lại phải sống đời lạnh lùng như một người vợ lẽ, đành lòng nhìn chữ Hán "đắp chăn bông".

John Balaban - Giáo sư tại đại học North Carolina (Hoa Kỳ) là hiện tượng đặc biệt trên văn đàn Mỹ với việc dịch tiếng Anh và xuất bản tới 20.000 bản thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, là người quan tâm đến việc số hóa chữ Nôm nói: "Chúng tôi đang nghiên cứu việc dạy học chữ Nôm trên máy tính và trên Internet. Nếu không làm sớm và nhanh việc số hóa các tác phẩm chữ Nôm, tôi lo ngại nó sẽ biến mất".
Tuy nhiên, không vì thế mà chữ Nôm bị mai một đi. Nó ngày một hoàn thiện hơn, phát triển đặc biệt rực rỡ trong dân và trong thơ ca. "Chữ Nôm phát triển như một tất yếu, bởi chữ Hán không đủ đáp ứng đời sống Việt" - TS Lược cho biết.
Chữ Nôm, vốn ghi âm tiếng Việt thân quen và dễ hiểu hơn tiếng Hán, không phải qua một bước trung gian giải nghĩa nào khác nên được ưa chuộng nhiều hơn trong dân.
Cũng chính vì lý do này, thơ văn Nôm đọc lên đã thấy như có chuông trong lòng, không kiểu cách cao vời. Những người được cho là "đấng" trong văn chương Việt đều lấy chữ Nôm làm trọng cả. Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du là ví dụ.
Tuy nhiên, chưa bao giờ trong lịch sử chữ Nôm được coi là công cụ trong các văn bản chính thống. Chính vì chưa được một thể chế nào coi trọng nên chữ Nôm cũng bị coi thường . Từ xưa, khi cho một chữ nào đó, các ông đồ nghĩ ngay đến một chữ Hán, cũng như người xin chữ cũng quen với việc xin một chữ Hán để rồi phải lòng vòng mãi mới hiểu được chữ mình xin, thay vì một chữ Nôm giản dị, vừa đọc lên đã hiểu mà vẫn mang đầy đủ thâm ý.
Điều này góp phần vào việc khiến cho di sản chữ Nôm để lại ngày nay không nhiều, qua bao nhiêu thăng trầm càng ít đi và giờ đây đang đến ngày biến mất.
Nhà văn Bắc Sơn
Biến mất giữa ban ngày ban mặt?
Số phận long đong của chữ Nôm rồi sẽ thêm phần gay cấn vì nó đang biến mất ngay giữa thanh thiên bạch nhật. "Chữ Nôm rồi sẽ chết vì còn mấy ai biết chữ Nôm đâu", nhà văn Bắc Sơn bình luận. Rất nhiều người đang nhìn thấy mồn một chữ Nôm đang bốc hơi trước mặt họ như nước trong nồi điện đang sôi, như hình hài cánh tay, tóc tai mặt mũi một người đang dần tan biến, nhưng "làm gì được, chữ Nôm khó quá", nhà văn Bắc Sơn nhận xét.
Việc chữ Nôm có quá khó để học không xin được bình luận sau. Tuy nhiên, việc chữ Nôm đang biến mất là có thật. Không cần nói đến giới nghiên cứu, nó biến mất ngay trong ý niệm của người dân về một thứ chữ vốn mang trong mình không biết bao nhiêu văn hóa Việt cổ.
"Tớ cứ tưởng chữ Hán với Nôm là giống nhau, đều là chữ người Trung Quốc cả", Chương - một sinh viên đi xin chữ nói. Cậu không biết mình đang xin chữ gì, chữ của người Hoa hay chữ người Việt, chỉ biết rằng thư pháp là ngoằn nghèo và không cần đọc, chỉ cần ông đồ giải nghĩa cho để về nói lại với bạn bè.
Chữ Nôm ít ỏi còn lại trong dân
Ngay cả giới Hán Nôm, hoặc những người còn đam mê cổ học cũng ít người thành thạo Nôm. Phố ông đồ hàng năm mở ra, người ta thấy phần nhiều chữ quốc ngữ, còn lại thì các ông đồ mải mê cho chữ Hán, chỉ còn một vài, rất ít người cho chữ Nôm. Những người trân trọng Nôm cũng ngày càng ít đi, những người hiểu biết giá trị Nôm cũng vì thế chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.
Khách nước ngoài khi đến Văn Miếu cũng thường hiểu rằng tất cả các chữ cổ ở Việt Nam đều là chữ Trung Quốc cả. "Đây là chữ của của Việt Nam, gọi là chữ Nôm, hệ thống chữ của riêng chúng tôi, không phải chữ người Trung Quốc" - TS Lược giải thích cho Sarah, một khách du lịch Mỹ. "Ồ, các bạn muốn giữ nét văn hóa riêng của mình" - Sarah gật gù. Tuy nhiên, chẳng có mấy người nói cho họ biết điều đó. Các hướng dẫn viên du lịch cũng nhất loạt nói với khách của mình rằng "đây là chữ Nho...", một cách giải thích chung chung và gây hiểu lầm đáng sợ.
Thùy Ninh


(Còn nữa )

Nguồn: http://giadinh.net.vn/20101119033037210p0c1003/viet-di-chuc-cho-chu-nom.htm

0 nhận xét: