Chủ Nhật, 04/01/2009, 14:33 (GMT+7)
Giáo sư Mỹ đưa chữ Nôm lên mạng
Là người nước ngoài đầu tiên dịch ca dao Việt Nam sang tiếng Anh, tiếp đó là tập thơ Hồ Xuân Hương và Truyện Kiều, giáo sư Mỹ John Balaban đã tổ chức thành lập Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm tại Hoa Kỳ và một dự án số hóa Hán Nôm đầu tiên ở Việt Nam sắp được giới thiệu trên Internet.
Giáo sư John Balaban trong lễ kỷ niệm 10 năm Hội Di sản bảo tồn chữ Nôm tại Hà Nội |
Nhịp cầu
John tổ chức thành lập Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm tại Hoa Kỳ để giúp đỡ Việt Nam gìn giữ di sản văn hóa quí giá của cha ông.
Ông cùng hội tổ chức hai hội thảo quốc gia về chữ Nôm, xuất bản từ điển chữ Nôm, trao học bổng chữ Nôm cho học giả Mỹ và sinh viên Việt Nam cùng nhiều công trình nghiên cứu khác về chữ Nôm.
|
Là giáo sư văn học tại Đại học North Carolina (Hoa Kỳ), yêu thơ, John Balaban sưu tầm rất nhiều ca dao của đồng bào Nam bộ. Thơ ca truyền miệng đưa ông đến với thơ Nôm.
Những năm đầu thiên niên kỷ mới, John Balaban là hiện tượng đặc biệt trên văn đàn Mỹ với việc dịch tiếng Anh và xuất bản tới 20.000 bản thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Bạn đọc Mỹ tìm thấy cái tình trong thơ, cái tinh túy trong nghệ thuật chơi chữ của Hồ Xuân Hương qua tác phẩm dịch của John Balaban.
Cuối năm 2000, trong buổi chiêu đãi của Chính phủ Việt Nam tại Hà Nội, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton nhắc tới tập thơ Hồ Xuân Hương do John Balaban dịch và coi đó như một cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.
Từ năm 2006 tới nay, John Balaban đã cùng hội xây dựng dự án số hóa kho sách Hán Nôm của Thư viện Quốc gia Việt Nam, nhằm giúp thư viện vừa bảo quản lâu dài vừa phát huy giá trị kho sách quí tới bạn đọc trên toàn thế giới.
Dưới sự chỉ đạo của chủ tịch John Balaban, nhóm dự án đã số hóa gần 50.000 trang sách chữ Nôm đạt chuẩn chất lượng quốc tế. Trong thời gian không xa, dự án số hóa Hán Nôm đầu tiên ở Việt Nam sẽ được giới thiệu trên Internet để phục vụ bạn đọc.
Trở lại Việt Nam vào tháng 12-2008 nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm, John Balaban vận động thư viện Trường đại học North Carolina tài trợ trang thiết bị có giá trị lớn tặng Thư viện Quốc gia Việt Nam làm phương tiện mở lớp huấn luyện bảo quản tài liệu cổ.
Cũng nhân dịp này, giáo sư John Balaban được Bộ VH-TT-DL Việt Nam trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa - thể thao và du lịch”.
Nguyện gắn bó với chữ Nôm
Bốn năm trước, trong chuyến công tác châu Âu, giáo sư John Balaban bất ngờ bị đau ruột thừa suýt đe dọa tính mạng.
Ông cho biết: “Rất may tôi còn được sống sót để tiếp tục với Truyện Kiều. Tôi sẽ dành phần đời còn lại cho việc dịch Truyện Kiều”. Khi hỏi về tiến độ dịch Truyện Kiều, ông cho biết đã dành 10 năm cho tập thơ Hồ Xuân Hương và hy vọng việc dịch Truyện Kiều sẽ nhanh hơn bởi ông đã giải mã được nhiều vấn đề văn hóa của người Việt.
Hồ Xuân Hương và Kiều, hai người phụ nữ Việt giúp Balaban hiểu được phần nào thân phận của những người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến trước kia. Ông cảm thông trước số phận trớ trêu của Kiều và yêu thích sự hài hước, hóm hỉnh của Hồ Xuân Hương.
Giáo sư John Balaban đọc thơ Hồ Xuân Hương
|
Ngành giáo dục Việt Nam phải có chương trình giảng dạy chữ Nôm ở trường học, giáo sư John Balaban nói.
“Ngày càng có nhiều học giả trên khắp thế giới muốn nghiên cứu chữ Nôm và bảo tồn nền văn hóa cổ này”.
|
Nhưng nếu phải đem so sánh, ông vẫn thích tính cách mạnh mẽ của Hồ Xuân Hương hơn, còn Kiều thì có vẻ yếu đuối và không tự đấu tranh giải thoát cho mình được.
Hỏi về những khó khăn khi dịch thơ Hồ Xuân Hương, Balaban cười: “Dịch thơ Việt sang tiếng Anh đã khó, đằng này lại là thơ Hồ Xuân Hương. Do Hồ Xuân Hương hay dùng cách nói lái.
Thơ Hồ Xuân Hương không chỉ gây nên sự ngạc nhiên mới của người Mỹ về Việt Nam mà còn giúp chúng tôi tìm thấy một Việt Nam với những tầng sâu văn hóa khác”.
Giáo sư Balaban cho biết: “Chúng tôi đang nghiên cứu việc dạy học chữ Nôm trên máy tính và trên Internet. Nếu không làm sớm và nhanh việc số hóa các tác phẩm chữ Nôm, tôi lo ngại nó sẽ biến mất”.
Để bảo tồn chữ Nôm, theo giáo sư John Balaban, đầu tiên phải ủng hộ việc số hóa chữ Nôm. Năm 2009, Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm dự định số hóa khoảng 1.000 cuốn sách. Hiện có trên 400 đầu sách được số hóa và đưa lên trang http://nomfoundation.org/.
John Balaban đã bốn lần đoạt giải thưởng lớn Lamont của Viện Hàn lâm Thi sĩ Mỹ và hai lần được đề nghị Giải sách toàn quốc. Năm 1971, ông ở Việt Nam một năm để sưu tầm ca dao. Với tập Ca dao Việt Nam, ông là người đầu tiên dịch ca dao ra tiếng Anh. Cuối năm 2000, Balaban xuất bản cuốn sách dịch 48 bài thơ của Hồ Xuân Hương với phần đối chiếu bằng tiếng Nôm và tiếng quốc ngữ ra Anh ngữ. Balaban đang tiếp tục dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh.
|
Theo LAN ANH - Tiền Phong
0 nhận xét:
Đăng nhận xét