Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Con Chim Việt Đậu Tại Văn Miếu Hà Nội

Suốt một đời, tôi miệt mài đi tìm cái căn cước Việt, cái bản sắc Việt của mình. Từ nhỏ cho tới bây giờ, tôi đã được dậy, đã nghe, đã thấy và đã đọc những điều cho là văn hóa Việt thật là mơ hồ, thật là lẫn lộn với văn hóa Trung Hoa. Nếu chúng ta là Việt khác Trung Hoa thì cái cốt lõi văn hóa Việt phải có sắc thái Việt, khác văn hóa Trung Hoa. Hãy lấy một ví dụ, tại Little Saigon, Orange County, California, đang có dự án xây hai cái cổng chào hình vòm ở hai đầu khu phố Việt trên đường Bolsa, những người thiết kế hai cái cổng này vẽ hình Long, Li, Qui, Phượng và giải thích cho người Mỹ hiểu theo ý nghĩa của tứ linh Trung Hoa. Khi nhìn thấy hình tứ linh này, thì ai ai, nhất là người Tây phương, cũng đều cho đây là biểu tượng của người Trung Hoa. Ngộ nhận là chuyện tất nhiên. Tôi đã lên tiếng và yêu cầu ít ra cũng nên chọn những vật biểu thuần Việt chỉ riêng người Việt có mà người Trung Hoa không có, nhằm mục đích để tránh được lầm lẫn, ngộ nhận, tránh tròng vào cổ cái ách đô hộ của văn hóa Trung Hoa, cũng tránh biến Little Saigon trở thành Little Chợ Lớn (chẳng hạn như thay thế Long, Ly, Qui, Phượng bằng Cò Lang, Chim Việt). Hãy nhìn về diện vật tổ như vừa nói chẳng hạn, thì vật biểu, totem Việt phải thuần Việt. Hôm nay xin nói tới con chim tổ tối cao tối thượng của Đại Tộc Việt là con chim Việt. Chúng ta thường nghe nói tới con Chim Việt đậu cành Nam và nghe bài hát Đàn Chim Việt. Tôi đã tìm thấy hình bóng con chim Việt trong sử sách (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt), trong sử miệng (Ca Dao Tục Ngữ Tinh Hoa Dân Việt) và trong sử đồng (Giải Đọc Trống Đồng Âm Dương Đông Nam Á) (đang in). Tôi biết khó có thể thuyết phục ngay được những người làm văn hóa Việt hiện nay, nhất là những kẻ đang làm xiếc văn hóa Việt, những tên phù thủy văn hóa Việt. Theo linh tính tôi biết con chim Việt phải còn để lại hình bóng, dấu tích ở đâu đó trong văn hóa Việt Nam ngày nay, nhất là ở những nơi thờ tự, miếu đình nào đó. Vì thế nhằm mục đích thuyết phục thêm nữa các người làm văn hóa Việt và phục vị lại được con chim Việt, chim tổ của Đại Tộc Việt, tôi quyết tâm, quyết chí đi tìm một hình bóng chim tổ Việt thật hết sức đặc thù, thật hết sức dễ nhận diện, còn ở đâu đó, ngay trước mắt mọi người, ai nhìn thấy cũng nhận biết ra ngay là chim Việt. Nhưng tìm kiếm bóng chim Việt trong đời sống hàng ngày hiện nay thật là khó khăn vì tôi sống ở đất Bắc, ở đất tổ, nơi chắc chắn còn nhiều dấu tích hình bóng chim Việt, lúc đó còn quá nhỏ, vào Nam lúc còn học tiểu học và rồi ra hải ngoại. Dĩ nhiên trong Nam và nhất là ở hải ngoại càng khó có cơ may tìm kiếm được. May mắn thay! Eureka! Tôi đã tìm thấy! Tôi đã tìm thấy! Tôi đã tìm thấy! Tôi đã tìm thấy con chim Việt rất đặc thù đang đậu ở Văn Miếu, Hà Nội.
Chim Việt là chim gì?
Trước hết nên biết Việt là gì?
Tôi đã viết rất cặn kẽ Việt Là Gì? trong Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt và trong Y Học Thường Thức, ở đây chỉ xin nhắc lại vài điểm chính yếu. Việt có nghĩa gốc, nghĩa chính làbúa, rìu, có nghĩa chung là vật sắc nhọn. Việt là búa, vật nhọn cũng thấy qua tên vua Việt Câu Tiễn thời Xuân Thu. Câu là chiếc móc cong như lưỡi câu, chiếc liềm (câu liêm), Tiễn là Cắt như tiễn mía, là Tiện (cắt) như thợ tiện, Tiễn là vật nhọn như mũi tên (hỏa tiễn dịch là “tên lửa”). Câu Tiễn là vật, khí giới sắt bén hình nhọn và cong, một thứ việt lưỡi cong. Việt lưỡi cong Câu Tiễn mang hình ảnh của chữ yuè (Việt) khắc trên giáp cốt và kim văn:
clip_image002
Chữ yuè khắc trên giáp cốt và kim văn có hình rìu lưỡi cong
(Wang Hongyuan).
Từ Việt là một từ Hán Việt. Tên của tộc họ chúng ta không thể là một từ Hán Việt. Hiển nhiên từ Việt chỉ là một từ phiên âm dịch nghĩa của một từ nôm trăm phần trăm nào đó. Từ Việt phiên âm dịch nghĩa từ một từ Nôm nào? Việt phiên âm hay biến âm với các từ nôm:
-Vớt là “large knife” (used as weapon): dao lớn dùng làm khí giới (Đặng Chấn Liêu). Cũng nên biết các tộc thù nghịch và những người Việt có “Tây học” trước đây thường xỉ nhục những người gốc Việt quê mùa là bọn “răng đen mã tấu”. Mã tấu là một thứ vớt, thứ việt, chính là khí giới biểu của người Việt và răng đen là nét đặc thù của người Việt thuộc tộc Mặt Trời Nước Lạc Việt Lạc Long Quân (màu đen là màu của nước thái âm).
-Việt biến âm với Mường ngữ vác là con dao lớn như chiếc mác, mã tấu. Theo v=m (váng = màng), ta có vác = mác.
-Vọt (theo qui luật biến âm ie=o như hiệp = hợp, ta có Việt = vọt). Nghĩa đen vọt là chiếc roi, chiếc que, chiếc nọc.
-Việt còn biến âm với vạch (khắc, chạm, viết bằng mũi nhọn), với Hán Việt viết cùng nghĩa với vạch, với diết, diệt, giết (làm cho chết bằng vật nhọn sắc như đâm, chém con thú bằng mũi dao, mác, lao, giáo, mũi tên, rìu búa…).
Tóm lại Việt phiên âm hay biến âm với từ vớt, vác (mác), vọt, vạch, viết có nghĩa chính là vật nhọn sắc, nọc nhọn ứng với nghĩa Hán Việt búa, rìu. Dưới diện ý nghĩa biểu tượng, vật nhọn dùng làm biểu tượng cho bộ phận sinh dục (nõ, nọc), đực (nọc), dương, thái dương, mặt trời (dương là đực và cũng có một nghĩa là mặt trời). Vậy Việt mang một ý nghĩa biểu tượng cho mặt trời, mang nghĩa mặt trời nọc, lửa, thái dương có nọc tia sáng tỏa rạng ra như mũi tên, mũi mác (>) như nọc nhọn. Việt hiểu theo nghĩa biểu tượng là MẶT TRỜI TỎA RẠNG, MẶT TRỜI RẠNG NGỜI, HỪNG RẠNG hay muốn dùng theo Hán Việt thì là VIỆT MẶT TRỜI THÁI DƯƠNG. Chúng ta thuộc họ Việt mặt trời rạng ngời, Việt mặt trời thái dương dòng thần Mặt Trời Viêm Đế, Viêm Việt.
Hiểu rõ Việt như thế rồi, nhìn tổng quát tất cả các tên, hiệu, biểu tượng, vật tổ, vật biểu, chim biểu, thú biểu về ngành Nọc, dương của Đại tộc Việt đều có nghĩa nói chung là vật nhọn (nọc,cọc, que, vọt, búa rìu, dao, giáo, mác…), đực, dương, mặt trời thái dương tức là VIỆT ví dụ như trăm lang (lang biến âm với chàng là con trai, chàng cũng là chiếc đục ‘chisel’), Hùng (có một nghĩa là đực như thư hùng), chim biểu của Lang Hùng, Hùng Vương là chim Lang, chim Hùng, chim Việt là chim Nọc, chim Rìu; thú biểu bốn chân sống trên mặt đất là con thú Việt, là Hươu Việt nôm na gọi là con Cọc (Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc)…
Chim Rìu, Chim Việt
Như trên đã nói, con chim tổ tối cao tối thượng của Đại Tộc Việt phải là con chim Việt, chim Rìu. Tôi đã tìm thấy con chim Việt này và đã viết trong ba bộ sử sách, sử miệng, sử đồng, nếu cần các chi tiết xin tham khảo ở đó, ở đây chỉ xin nhắc lại một vài điểm chính yếu để độc giả dễ theo dõi và dễ hiểu bài viết này mà thôi.
Hình bóng chim Việt qua:
Sử sách
Như đã thấy, qua ngôn ngữ, chim Việt là chim Rìu. Đây chính là chim mỏ Cắt còn có tên là chim mỏ rìu như thấy qua bài vè các loài chim:
Cũng còn có chú mỏ rìu,
Rõ là tay thợ, khẳng khiu chán chường.
Chim cắt là chim rìu, chim Việt của đại tộc Việt ở Cõi Trên Tạo Hóa. Cắt liên hệ với Anh ngữcut (cắt), Phạn ngữ khad, to divide, to break, ta có k(h)ad = khắc = cắt (t=d), Tiền cổ-Ấn Âu ngữ *kès- ‘cut’ và gốc Ngôn ngữ của chúng ta Nostratic *k’aca. Theo chuyển hóa c=h (cùi = hủi), ta có cắt, cát, các = hac, hache (Pháp ngữ), hacha (Tây Ban Nha ngữ), hack (Anh ngữ) có nghĩa là rìu, búa chim… Chim cắt là chim rìu, chim Việt…
Chim Cắt là chim Rìu, chim Việt thấy rõ qua truyện thần thoại Con Chim Torok hay Burong Tebang Rumah Bapok Mentua (Con Chim Bổ Sập Nhà Bố Vợ) của thổ dân Kelantan, Borneo. Chim Torok là chim bổ cắt. Mã ngữ torok là thọc, thục, đục, đực… Con chim bổ sập nhà bố vợ hiển nhiên phải có mỏ là mỏ đục (chisel), mỏ rìu, mỏ cắt (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt). Chim cắt Anh ngữ là hornbill, tên khoa học là Rhinoplax vigil, (Forst., Bucerotidae) cóhorn là sừng (vật nhọn) và bill là bổ là mỏ. Chim mỏ cắt có tên Hán Việt là chim hồng hoàng. Chúng ta thường nói tới hai từ Lạc Hồng hay Hồng Lạc, chúng ta là con Hồng cháu Lạc. Nhìn dưới diện vật tổ chim thì Lạc Hồng là chim Hồng, chim Lạc. Chim Hồng là chim Đỏ, chim Lửa, chim Lạc là chim Nác, chim Nước. Chim Lạc chim Nước có thể là loài ngỗng trời (con ngỗng chân có màng là một loài chim nước) không phải là loài cò, một loài chim Gió (xem Chim Lạc hay Cò Lang?). Chim Hồng, theo duy dương, là chim hồng hoàng bổ cắt (xem dưới). Như thế chim cắt là chim Rìu, chim Việt, Chim Lửa, chim mặt trời, chim Nọc, hồng hoàng.
Sử miệng Ca Dao Tục Ngữ
Hình bóng chim rìu, chim cắt còn thấy nhiều trong ca dao như qua bài đồng dao Bổ nông là ông bồ cắt nói về sáu con chim tổ của Đại Tộc Việt ứng với Việt Dịch Chim Nông Cắt ở Cõi Trên, Tạo Hóa.
Bổ nông là ông bồ cắt,
Bồ cắt là bác chim di,
Chim di là dì sáo sậu
Sáo sậu là cậu sáo đen
Sáo đen là em tu hú
Tu hú là chú bồ nông.
……
Sử đồng
Hình bóng chim Rìu, Chim Việt bổ cắt cũng thấy rất nhiều trên trống đồng âm dương Đông Sơn. Trên mặt trống đồng Duy Tiên, mặt tuy bị vỡ nhưng còn thấy rõ hình ba con mỏ cắt, mỏ lớn, đầu có mũ sừng. Đây là loài Great hornbill, loài mỏ cắt lớn nhất.
clip_image004
Chim cắt trên trống đồng âm dương Duy Tiên
(Nguyễn Văn Huyên).
Những hình thuyền trên trống đồng âm dương Ngọc Lũ I, Hoàng Hạ đầu thuyền có hình Rắn-Nước miệng há rộng biểu tượng cho bộ phận sinh dục nữ với hình chim mỏ rìu, biểu tượng cho bộ phận sinh dục nam đâm vào miệng Rắn Nước. Đây là dạng lưỡng hợp sinh tạo thái âm thái dương ở cõi Đại Vũ Trụ. Đuôi thuyền hình chim nông và ngay sau đuôi thuyền có một hay hai cây nọc hình đầu chim cắt, ở dạng lưỡng hợp bổ nông (thiếu âm) với bồ cắt (thiếu dương) ở cõi trời Tiểu Vũ Trụ. Trên nhiều trống đồng khác như trên trống đồng sông Đà, một đuôi thuyền khắc đầu chim hình chiếc rìu (Giải Đọc Trống Đồng Âm Dương Đông Nam Á).
……
Vật Biểu Chim Mỏ Cắt Của Các Chi Tộc Khác Của “Đàn Chim Việt”.
Mường
Mường Việt cổ có vật tổ chim là chim tráng, chim cháng. Giữa Việt và Mường có qui luật biến âm dấu sắc Mường = dấu huyền Việt như mấn = mần (làm) nên ta có tráng (trai tráng) = Việt ngữ chàng (chàng trai) và cháng = Việt ngữ chàng (đục, chisel). Chim cháng là chim chàng, chim đục, chim rìu, chim mỏ cắt. Theo truyền thuyết Mường hai con chim Kláng, Klao (tương ứng với truyền thuyết khác là chim Ây, cái Ứa) đẻ ra trứng trăm trứng nghìn, nở ra muôn vật muôn loài, đẻ ra người Đáo (tức người Kinh, người Việt) đẻ ra người Mường… Từ Kláng chuyển sang Việt ngữ là Tráng, Chàng (đục) tức chim mỏ cắt (xem chương Nhận Diện Danh Tính Hùng Vương trong Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt).
-Chim Khướng
Chim mỏ cắt cũng còn gọi là chim khướng như thấy trong truyện thơ Mường:
Khách phương nào tới
Mà sao tốt tướng oai nghi
Như con chim khướng mấy thu mấy thì
Bay qua lèn đá dựng,
Đã đứng nên đứng,
Đã ngồi nên ngồi…
(Truyện Út Lót – Hồ Liêu, Hoàng Anh Nhân, t.2, tr.99).
Tác giả trên giải thích “Chim Khướng: loại chim lớn, mỏ to và trên mỏ có mũ sừng cứng, thường gọi là chim Phượng hoàng đất”. Tác giả đã không nhận diện ra được “chim Phượng hoàng đất ”mỏ to và trên mỏ có mũ sừng” chính là chim cắt. Rõ ràng chim khướng là chim cắt lớn great hornbill. Theo qui luật biến âm dấu sắc Mường = dấu huyền Việt ta có khướng = khường và kh Mường = s Việt như khang = sang, không = sông, nên khướng = khường =sường = sừng. Con chim khướng là con chim sừng (đầu có mũ sừng), tức chim hornbill và ta cũng thấy khướng biến âm với Hán Việt khương (có nghĩa là sừng). Chim khướng là chim sừng, chim khương. Viêm Đế có họ là Khương (sừng) như thế chim Sừng Khướng mỏ cắt là chim biểu của thần mặt trời Viêm Đế họ Khương, của Viêm Việt. Chim cắt cũng được thờ phượng đúc thành tượng vàng thấy trong truyện Út Lót. Nàng Út Lót nói với hai chị rằng: “Đồ vàng đúc hình con chim cắt...”.
Ê-Đê
Người Ê-đê có chim mling, mlang thấy qua bài hát
Anh đến từ nơi xa,
Anh mang theo chim mơ-linh từ nhà,
Chim mơ-lang từ buôn.
Anh nghĩ rằng em là con gái chưa tơ vương…
(Vũ Ngọc Phan, Tục Ngữ, Cao Dao, Dân Ca, Việt Nam).
Chim mling, mlang này chính là chim cắt. Điểm này ăn khớp trăm phần trăm với Mã Lai ngữlangling: the Southern pied hornbill (chim cắt có lông sặc sỡ, nhiều màu ở miền Nam). Ta cũng thấy rất rõ Mã ngữ lang: a generic name for hauks, kites and eagles (một tên chủng loại chỉ diều hâu và ó, ưng). Như thế chim lang, chim linh chỉ chung loài mãnh cầm, loài chim mang hùng tính biểu tượng cho đực, dương, phái nam, mặt trời. Điểm này ăn khớp trăm phần trăm với hai từ langlinh trong Việt ngữ. Việt ngữ langchàng, con trai. Linh ruột thịt với Ấn ngữ linga (bộ phận sinh dục nam). Linh biến âm với lính (ngày xưa chỉ đàn ông con trai mới phải đi lính), với đinh theo kiểu linh đinh. Đinh là con trai, thanh niên như tráng đinh, lễ thành đinh. Rõ ràng chim mlang, mling là chim langling, chim cắt, chim rìu, loài chim mang biểu tượng cho đực, dương, hùng tính, mặt trời tức chim Việt. Theo giáo sư Trần Quốc Vượng, địa danh Mê Linh mang tên loài chim Việt này. Ông dựa vào các nghiên cứu tổng hợp các tài liệu lịch sử, ngôn ngữ và truyền thuyết dân gian, Mê (Ma, Minh, Mi) Linh là Mling. Mling, mlang (cặp tên có tính chất lấp láy) theo tiếng của các dân tộc Tây nguyên có nghĩa là một loài chim… Mọi tài liệu đều nói lên một cách thống nhất huyện đó, bộ lạc đó, khi xưa mang tên một loài chim Mling với một thị tộc (bào tộc) gốc thờ chim làm vật tổ. Đó là bộ lạc gốc thời Hùng Vương dựng nước (Hùng Vương Dựng Nước, tập I, tr.154). Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, hai Bà Trưng là con cháu, dòng dõi vua Hùng Vương. Hùng Vương đóng đô ở Phong châu. Lê Ngô Các, Phạm Đình Toái, đã ghi lại rành rành trong Đại Nam quốc sử diễn ca:
Bà Trưng quê ở châu Phong,
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân…
Hai Bà khi lên ngôi đóng đô ở đất Mê Linh (Ý Nhĩa Ngày Lễ Hai Bà Trưng Mồng 6 Tháng 2 Âm Lịch, khoahoc.net). Mê-Linh, Mlang, Mling, Langling là chim lang, chim biểu tượng cho Lang Hùng, là chim chàng (chisel), chim đục, chim rìu, chim Việt, chim đực, chim biểu của Hùng Vương (Hùng có một nghĩa là con chim đực). Hùng Vương thế gian theo duy dương ngành lửa có một khuôn mặt chim biểu là chim cắt (có thể là loài chim cắt đất), chim Việt đội lốt chim cắt chim sừng, chim Khướng, chim Khương Great Hornbill, chim biểu của thần mặt trời Viêm Đế dòng Viêm Việt.
Người Co
Người Co ở Trà Bồng, Trà Mi (miền Trung Việt Nam) có con chim biểu có mỏ rất lớn mang hình bóng chim rìu, chim cắt.
Người Ao (Âu) Naga ở Assam, miền cực tây Vân Nam
Người Ao-Naga tức Âu-Rồng Nác, Âu-Long ruột thịt với Âu Cơ-Long Quân, với Âu-Lạc. Chứng tích thờ chim cắt thấy đi kèm với rắn nước, rồng đất cắc kè, kì nhông, kỳ đà, thằn lằn còn thấy nhiều ở người Ao Naga. Trong nghệ thuật khắc gỗ của họ còn thấy chiếc rìu đầu chim mỏ cắt.
clip_image006
Đồ khắc gỗ của người Ao Naga có chiếc rìu đầu chim mỏ cắt (Mills, The Ao Naga).
Sắc dân này có tộc Ozukumtzur (bird-became-woman) tự nhận là con cháu của chim Mỏ Cắt có hèm (taboo) là không ăn thịt chim mỏ cắt (William Carson Smith, p.111).
Người Katu
Người Katu có căn nhà thiêng liêng trên nóc có con chim đực.
clip_image008

Nhà của người Katu trên nóc có con chim đực (theo Maurice).
Chú ý hình chim này đầu có nọc nhọn hay sừng nhọn biểu tượng cho dương, lửa. Đuôi chim cũng vểnh lên thành hình nọc. Đầu nọc (I), đuôi nọc (I) nghĩa là chim thái dương (II). Lưng chim là đường sống nóc nhà có hình chuỗi chữ viết nòng nọc mũi mác, răng cưa, răng sói (>) biểu tượng cho đực, nọc, dương, thái dương, mặt trời, theo thái dương (Càn) là sóng lửa vũ trụ, ánh sáng, theo thiếu dương (Li) là rặng núi tháp, lửa thế gian. Con chim mang hình ảnh con chim cắt.
Người Ngaju, Dayak Nam Borneo.
Giáo sư Kim Định cho họ là Bộc Việt. Hai vật tổ tối cao tối thượng cuả người Ngaju thuộc tộc Dayak, ở miền Nam Borneo là Rắn Nước (Watersnake) và Mỏ Cắt (Hornbill). Chim Cắt gọi làTingang, trong ngôn ngữ của thầy tế pháp sư gọi là bungai. Vật tổ này thường thấy vẽ, khắc trên hình thuyền Chim Cắt, Thuyền Rắn Nước, những con thuyền mà các thần tổ dùng đi từ thượng giới xuống trần gian.
Người Hắc Đảo ở Đại Dương châu.
Các Thổ dân Hắc Đảo cũng coi chim cắt là biểu tượng cho đực, dương, lửa, mặt trời. Mỏ bồ cắt là biểu tượng cho cơ quan sinh dục nam như thấy qua hình chim mỏ cắt để trong một miếu âm hồn ở Maprik, Papua, New Guinea.

clip_image010

Chim mỏ cắt để trong một miếu âm hồn ở Maprik, Papua, New Guinea (Richard Cavendish, p. 282).
Mỏ chim biểu tượng dương vật trong khi mặt trăng ở thân người chim biểu tượng âm hộ. Hình diễn tả nõ nường, nòng nọc, âm dương sinh tạo, giao hợp âm dương. Ở đây ta cũng thấy rõ chim cắt có một khuôn mặt là mặt trời giao hòa với mặt trăng ở thân người chim.
Tóm lại vật tổ chim Mặt Trời thuần dương của họ Nọc Việt Mặt trời thái dương là con chim Cắt, chim Rìu, chim Việt, chim Hồng hoàng. Chim Cắt là chim Nọc (Đực), Chim Việt biểu tượng của họ Nọc Mặt trời Viêm Đế, Viêm Việt.
Những nét đặc thù của chim cắt, chim rìu, chim Việt.
Sau đây là vài đặc tính của chim cắt:
1. Mỏ lớn và dài (prominent bill). Mỏ là yếu tố chủ yếu, nổi bật, đập vào mắt.
2. Có giống cắt có sừng ngà hay “mũ bảo vệ đầu” (bony casque or helmet) nhô ra sau trông như bờm. Chim cắt ngoại trừ hai giống sống dưới đất còn tất cả làm tổ trên chóp ngọn cây cao. Sống trong những rừng cây Đông Nam Á, Ấn Độ, Phi châu, Nam Arabia. Dĩ nhiên Việt Nam cũng có chim này. Trên bìa báo Khoa Học của khoa học gia Nguyễn Công Tiễu số 65 ngày 1er Mars 1934 cũng có vẽ hình con chim “có phong tục lạ” (khi con cái ấp trứng, con đực lấy bùn đắp kín tổ lại, nhốt con cái bên trong, chỉ chừa một lỗ nhỏ để đưa mồi vào nuôi con cái ấp trứng) tên Tây là dichocère và “ta gọi là chim hồng hoàng”. Tại tòa báo Khoa Học ở Ngọc Hà có nuôi một con để độc giả đến xem. Mỏ Cắt Lớn có mỏ lớn dài gần hai tấc rưỡi (25cm) rất đặc biệt. Mũ (casque) con trống có rãnh sâu. Mũ con cái bằng phẳng. Con chim “hồng hoàng” trưng bầy ở tòa báo Khoa Học chính là con Bồ Cắt Lớn, qua lời tả “chim nuôi ở tòa báo dang hai cánh đo được 1 thước 74, từ mỏ đến hết lông đuôi dài 1 thước 25… Mỏ màu vàng trên be ra nom như múi khế…”.
3. Nhưng điểm đặc thù nhất của chim mỏ cắt là cách ăn.
Vì mỏ quá to nên khi ăn phải gắp, nhặt lấy quả hay hạt rồi tung cao lên trời và há to mỏ hứng cho hạt rơi vào phần sau của mỏ gần cổ họng thì mới nuốt được thức ăn. Đây là một nét đặc thù thấy trong các biểu tượng chim cắt thái cổ. Con chim mỏ to như mỏ rìu có mũ sừng, ngậm hạt trong mỏ trăm phần trăm là chim cắt.
clip_image012
Một vài hình bóng chim mỏ cắt với nét đặc thù là ngậm hạt, quả thức ăn trong mỏ còn thấy trong văn hóa Ngaju, Dayak, Borneo. Họ có quan tài dành cho phái nữ thường đầu có hình chim Bổ Cắt để có dạng âm dương hôn phối và quan tài dành cho phái nam có hình Rắn Nước để có dạng dương âm hôn phối, mong hồn người chết được tái sinh hay về miền hằng cửu. Chim bổ cắt đầu quan tài có nét đặc thù chuyên biệt là mỏ đang ngậm một quả hay một hạt thức ăn.
clip_image014
Quan tài hình chim bổ cắt dành cho phái nữ và quan tài rắn-nước dành cho phái nam của người Ngaju, Dayak, Borneo (Hans Scharer). Lưu ý đầu chim bổ cắt đang ngậm một quả hay hạt thức ăn.
Họ cũng có thuyền vong hình Rắn Nước cho phái nam và thuyền vong hình Chim Cắt cho phái nữ. Chim bổ cắt đầu thuyền có nét đặc thù chuyên biệt là mỏ đang mổ một quả hay hạt thức ăn.

clip_image016

Thuyền linh hồn bổ cắt hay thuyền châu báu dành cho phái nữ của người Ngaju (Hans Scharer, Plate XIX, illustration 22). Lưu ý đầu thuyền đầu chim bổ cắt đang mổ một quả hay hạt thức ăn.
Con Chim Cắt, Chim Việt Đậu Ở Văn Miếu, Hà Nội
Tôi đã tìm thấy con chim tổ bổ cắt ngậm quả hay hạt thức ăn này ở Văn Miếu, Hà Nội. Con chim mỏ to như mỏ rìu, có mũ sừng, ngậm hạt trong mỏ này trăm phần trăm là chim cắt, chim rìu, CHIM VIỆT.
clip_image018
Con chim Việt ngậm quả, hột thức ăn trong mỏ tại Văn Miếu, Hà Nội.
Con chim cắt Việt này đã linh vật hóa, thần thoại hóa thành linh điểu Việt nên ngày nay không ai nhận ra. Hiển nhiên như đã thấy với điểm đặc thù ngậm quả, hạt trong mỏ đây không phải là con chim phượng của Trung Hoa. Chim phượng biểu tượng cho Lửa, là con chim Lửa có cốt là con chim trĩ, có đuôi rất dài như những dải lụa vì thế còn có tên là chim giải cùi. Con chim ở đây đuôi ngắn. Đây là con chim Việt cũng là chim biểu cho Lửa nhưng có cốt là con chim rìu, chim cắt. Hai con mang ý nghĩa biểu tượng khác nhau. Chim phượng có cốt là chim trĩ, thuộc họ nhà gà, sống nhiều trên mặt đất nên biểu tượng cho Lửa đất, lửa cõi thế gian có một khuôn mặt chính ứng với Li, trong khi chim Việt, chim rìu, chim cắt có loài sống trên cao, làm tổ trên ngọn cây cao như thấy qua bài đồng dao:
Bổ cu, bổ cắt,
Tha rác lên cây,
Gió đánh lung lay,
Là ông Cao Tổ…
Bài hát này ở thể chơi chữ. Cao tổ là tổ rất cao mà cũng có nghĩa là ông tổ tối cao hay vua Cao Tổ nhà Hán… Chim Cắt sống, làm tổ trên ngọn cây cao biểu tượng cho Lửa trời, lửa vũ trụ ứng với Càn. Lửa vũ trụ sinh ra lửa thế gian. Chim Cắt Việt cõi Tạo Hóa là chim tổ tối cao của Đại tộc Việt. Chim Cắt Việt, chim (mũ) Sừng, chim Khướng, Hornbill là chim biểu của thần mặt trời Viêm Đế có họ Khương (Sừng), là chim biểu của Viêm Việt. Chim Cắt Việt tạo hóa là ông tổ của chim phượng thế gian của Trung Hoa. Văn hóa chim phượng của Trung Hoa là văn hóa thế gian, là di duệ, con cháu của văn hóa chim Cắt Việt vũ trụ. Sau này có lẽ bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa các nhà nho cũng hay nói tới con trĩ Việt tức trĩ lửa thế gian. Cắt Việt vũ trụ là chim tổ của trĩ Việt thế gian, là chim tổ của trĩ phượng Trung Hoa. Ta thấy rất rõ chim cắt là chim Việt nên còn thấy trên trống đồng âm dương Đông Sơn, trong khi chim phượng của Trung Hoa chỉ thấy trên trống đồng ở vùng Nam Trung Hoa và Nam Dương, hai nơi bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa.
clip_image020Chim Việt biểu tượng cho Nọc, đực, dương, lửa, mặt trời nọc rạng ngời, bộ phận sinh dục nam, đối ứng với chim Nông, chim Nước, chim Nòng, hai chim biểu Nọc Nòng tối cao của Đại Tộc Việt. Chim nông, chim cắt là chim nòng nọc, âm dương, chim biểu của Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo, của Dịch nòng nọc. Vì thế con chim Việt đứng ở Văn Miếu phải mang nghĩa vũ trụ tạo sinh ngành nọc, lửa dương. Thật vậy, trên đầu có hình nọc hơi cong như lưỡi lửa cho biết con chim này là con chim nọc Lửa vũ trụ, chim Việt vũ trụ. Phần mũ trên đầu phía trước gồm có ba nọc nhọn tức ba hào dương, quẻ Càn (III), lửa vũ trụ. Phần mũ sau gáy biến thành mào hình móc cong biểu tượng cho khí, gió lửa (khí gió ngành lửa, dương) Đoài. Phần bờm sau cổ hình sóng lưỡi lửa biểu tượng cho nước lửa (nước ngành lửa, dương) ứng với Chấn và chuỗi hình mũi mác răng cưa, cứ ở giữa hai sóng nước lửa lại có hai nọc mũi mác ghép lại thành hình chữ M. Phân tách M ra ta có /\ V /\, tức hai chữ viết nòng nọc mũi mác chỉ thiên /\ hình núi tháp nhọn là hai hào dương (I…I) kẹp ở giữa một chữ viết nòng nọc V, là một hào âm (O) tức /\V/\ = IOI, quẻ Li, lửa thế gian, núi dương, lửa, đất lửa ngành nọc dương. Mặt khác, nếu ta chồng hai nọc mũi mác này lên nhau, ta có hình tháp vách kép biểu tượng cho núi tháp nhọn giống như hình núi tháp vách kép cũng biểu tượng cho lửa thế gian, đất dương Li thấy ở hoa văn Tứ Tượng trên trống đồng âm dương Ngọc Lũ I mà hiện nay các nhà khảo cổ học Việt Nam gọi nhầm là “họa tiết lông công” (xem The Da Vinci Code và Chữ Nòng Nọc Trên Trống Đồng Âm Dương Đông Nam Á). Như thế đầu chim biểu tượng cho Nọc, dương, cho ngành nọc, Việt và Tứ Tượng ngành nọc, lửa, dương… Con chim cắt Việt cho thấy cốt lõi văn hóa Việt là Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo, Mặt Trời giáo và Dịch nòng nọc.
Hạnh phúc thay! Tôi đã tìm thấy con chim Việt, chim biểu của Đại Tộc Việt ở Văn Miếu, Hà Nội, nơi biểu trưng cho trí tuệ Việt, đầu óc Việt, tinh hoa Việt, tinh anh Việt. Tôi đã tìm thấy hình bóng tổ Việt, tìm thấy một mấu chốt của căn cước Việt của mình trong đời sống tâm linh hàng ngày hiện nay. Mong các nhà làm văn hóa Việt nhận ra điểm này và giúp cho con chim Việt vỗ cánh bay bổng trở lại trên bầu trời non nước Việt Nam. Giới khoa bảng ưu việt đã bảo tồn, lưu truyền lại hình bóng chim tổ Việt tại Văn Miếu. Để tránh lầm lẫn với văn hóa Trung Hoa, xin hãy thay thế con chim phượng Trung Hoa bằng con chim Việt có cốt là con chim cắt, chim rìu đang ngậm quả, hạt này.
Tài Liệu Tham Khảo
.Đặng Chấn Liêu, Từ điển Việt Anh, nxb KHXH, 1993.
.Hans Scharer, bản dịch Anh ngữ của Rodney Needham, Ngaju Religion.
.Hoàng Anh Nhân, Tuyển tập truyện thơ Mường, t.2.
.Nguyễn Văn Huyền, Hoàng Vinh, Những Trống Đồng Đông Sơn Đã Phát Hiện ở Việt Nam, Viện Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam xuất bản 1975.
.Kim Định, Việt Lý Tố Nguyên; Hùng Việt Sử Ca, Thằng Mõ xuất bản 1984.
.Mills, The Ao Naga.
.Nguyễn Công Tiễu, báo Khoa Học, số 65 ngày 1er Mars 1934 tr.26.
.Nguyễn Xuân Quang:
-Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt (Y Học Thường Thức, 1999).
-Ca Dao Tục Ngữ, Tinh Hoa Dân Việt (Y Học Thường Thức, 2002).
-Tiếng Việt Huyền Diệu (Hừng Việt, 2004).
-The Da Vinci Code và Chữ Nòng Nọc Trên Trống Đồng Âm Dương Đông Nam Á, khoahoc.net 18 tháng 11 năm 2007.
-Ý Nghĩa Ngày Lễ Hai Bà Trưng Mồng 6 Tháng 2 Âm Lịch, khoahoc. net 15 tháng 03 năm 2007.
-Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc (Y Học Thường Thức, 2006).
-Việt Là Gì? Y Học Thường Thức số 33 bộ IV, tháng 5-6, 1999.
-Giải Đọc Trống Đồng Âm Dương Đông Nam Á (đang in).
.Lê Ngô Các, Phạm Đình Toái, Đại Nam quốc sử diễn ca.
.Richard Cavendish, An Illustrated Encyclopedia of Mythology.
.Trương Sỹ Hùng Bùi Thiện, Vốn Cổ Văn Hóa Việt Nam, nxb Văn Hóa Thông Tin Hà Nội 1995, tập I, II.
.Wang Hongyuan, The Origins of Chinese Characters, Sinolingua Beijing, 2004.
.William Carson Smith, The Ao Naga Tribes of Assam.
. R.J. Wilkinson, Malay-English Dictionary.

Tác giả Nguyễn Xuân Quang, MD.
Nguồn: http://www.dunglac.org/index.php?m=home&v=detail&ia=7593

0 nhận xét: