Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

Trường Lũy, Quảng Ngãi: Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Quốc Gia


Thứ ba, 29/3/2011, 08:56 GMT+7

Đại sứ châu Âu: 'Nên nâng tầm quốc tế di sản Trường Lũy'

Cùng các đại sứ châu Âu thăm địa điểm khảo cổ học Trường Lũy ở Quảng Ngãi cuối tuần qua, Trưởng phái đoàn Ủy ban châu Âu Sean Doyle đề nghị Việt Nam sớm xây dựng dự án chi tiết để bảo tồn, phát huy giá trị di sản này.
> Thành lũy hơn 500 tuổi được khai quật

“Chúng tôi cam kết hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi với vai trò kết nối các nước thành viên, tiếp tục nghiên cứu sâu, đầu tư du lịch cũng như tài chính để nâng tầm quốc tế công trình kiến trúc độc đáo của Việt Nam này”, ông Sean Doyle nói.
Đại sứ các nước Pháp, Ba Lan, Hungary, Anh, Hy Lạp, Itally cùng Phái đoàn Ủy ban Châu Âu (EU) đã đến thăm di tích Trường Lũy và tham dự hội thảo về di sản văn hóa này.
Đại sứ Châu Âu thăm Trường Lũy. Ảnh: Trí Tín
Ông Nguyễn Thiệp, Vụ trưởng Vụ Châu Âu, Bộ Ngoại giao, cùng đại sứ Hungary Laszlo Vizi bên một đoạn lũy. Ảnh: Trí Tín
Sau 5 năm (2005-2010) nghiên cứu, các nhà khoa học của Viện khảo cổ Việt Nam, Trung tâm Viễn đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội đã công bố di tích khảo cổ này vào cuối năm ngoái. Trường Lũy dài khoảng 133 km trải dài từ huyện miền núi Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến huyện An Lão (Bình Định). Chạy dọc theo Trường Lũy, mỗi đoạn dài 500 đến 1.000 mét có một đồn lính sơn phòng đóng vai trò vừa bảo vệ vừa điều hòa các mối quan hệ buôn bán giữa các tộc người ờ vùng cao với người Kinh ở khu vực đồng bằng
Tại hội thảo hôm 27/3, Tiến sĩ Andrew Hardy, Trưởng đại diện Trung tâm Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh: “Trường Lũy minh chứng cho sự lưu thông hàng hóa giữa người miền ngược với người miền xuôi”.
Còn ông Jean Francois Girault, Đại sứ Pháp, cho rằng lũy ở đây không chỉ đảm bảo an ninh mà chủ yếu hướng đến mục tiêu giao thương, trao đổi mua bán. Ông nói: "Trên thế giới có những bức tường thể hiện sự ngăn cách cộng đồng nhưng đến xem Trường Lũy Quảng Ngãi chúng tôi có thêm bài học mới, cái nhìn mới về sự hỗ trợ của những nhóm cộng đồng khác nhau cùng chung tay xây nên”.
Trường Lũy là bức tường đá khổng lồ với nhiều đồn bảo, kéo dài 133 km từ Quảng Ngãi đến Bình Định. Ảnh: Trí Tín
Hiện tại, tỉnh Quảng Ngãi đã bắt đầu triển khai cắm mốc, làm biển hiệu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, tuyên truyền người dân ở các địa phương cùng chung tay bảo vệ di tích Trường Lũy. Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Thông qua đại sứ các nước châu Âu, tỉnh hy vọng các tổ chức, bạn bè quốc tế cùng chung tay đánh thức tiềm năng to lớn của di sản đặc biệt này".
Trường Lũy là công trình kiến trúc độc đáo được xếp bằng đá xen lẫn với những đoạn lũy bằng đất được đắp công phu trải dài qua khắp núi đồi nơi vùng cao heo hút trải dài 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Qua 3 đợt khai quật tại chân móng đồn trên đỉnh đèo Chim Hút, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), các nhà nghiên cứu phát hiện nhiều mảnh gốm không tráng men hay những mảnh bằng đất nung vỡ ra từ chum chóe, những mảnh vỡ của bát đĩa có xuất xứ từ Quảng Đông, Hải Nam (Trung Quốc) và gốm Bát Tràng, Hải Dương.
Ông Sơn nói rằng, Quảng Ngãi sẽ lập hồ sơ đề nghị UNESSCO công nhận Trường Lũy là di sản văn hóa thế giới. Hiện công trình này đã được Việt Nam công nhận là di sản văn hóa quốc gia.
Trí Tín

28/03/2011 23:27
Trường Lũy - Di sản quý báu

Trong 2 ngày 26 và 27.3 đại sứ một số nước châu Âu cùng các nhà khoa học nước ngoài đã có chuyến tham quan và hội thảo về di tích quốc gia Trường Lũy Quảng Ngãi.
Một đoạn lũy làm bằng đá còn khá nguyên vẹn tại xã Ba Động, H. Ba Tơ - Ảnh: Hiển Cừ
Sau khi tận mắt chiêm ngưỡng di tích, được hai hướng dẫn viên đặc biệt là TS Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học VN) và TS Andrew Hardy - Trưởng đại diện Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội giới thiệu sự hình thành, chức năng của hệ thống trường lũy, đồn bảo, quá trình nghiên cứu, khai quật suốt 5 năm qua, các đại sứ và nhà khoa học nước ngoài đều chung một nhận xét: “Công trình kiến trúc Trường Lũy Quảng Ngãi thật ấn tượng và độc đáo”.

Trường Lũy là công trình có quy mô lớn và được xem là dài nhất Đông Nam Á với chiều dài khoảng 130 km, kéo dài từ H.Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến H.An Lão (Bình Định), trong đó địa bàn tỉnh Quảng Ngãi dài 111 km được làm bằng đá hoặc đất do cộng đồng người Việt và H’re cùng tham gia xây dựng. Bên cạnh hệ thống lũy là đường đi và đồn bảo, mỗi đồn bảo rộng từ 900 đến vài ngàn m2, có 10-15 lính sơn phòng canh gác kiểm tra, kiểm soát việc giao thương, buôn bán hàng hóa giữa miền ngược và miền xuôi.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Sean Doyle - Trưởng phái đoàn EU tại VN thổ lộ: “Tôi hết sức ấn tượng về một kiến trúc hoành tráng đã được các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước phát hiện, khai quật một cách cẩn trọng. Đây là một di sản quý báu không chỉ của VN mà là của cả nhân loại”.
Ông Jean Francois Girault - Đại sứ Pháp tại VN nói rằng, trước đây ông biết đến Trường Lũy Quảng Ngãi chỉ thông qua các phương tiện truyền thông. Giờ đến tận nơi tìm hiểu thật thú vị vì đã giải đáp những thắc mắc xây dựng trường lũy nhằm mục đích gì. Ở một số nước châu Âu cũng có những bức tường nhưng ý nghĩa của các bức tường đều khác nhau. Trường Lũy Quảng Ngãi không chỉ có vai trò an ninh mà còn là một bức tường được xây dựng trên sự hợp tác giữa các dân tộc trong vai trò thông thương để cùng nhau phát triển. Việc phát hiện trường lũy mở ra một cách nhìn mới về quan hệ giữa người Việt và người H’re ở Quảng Ngãi từ hàng trăm năm trước.
“Nói một cách dễ hiểu, lũy là ranh giới giữa hai nhà hàng xóm có quan hệ tốt, cùng nhau kiểm tra sự giao thương vì lợi ích kinh tế”, TS Đông giải thích. Cũng theo TS Đông, qua khai quật tại một số đồn bảo với các hiện vật như đồ gốm xuất xứ từ nam Trung Hoa, Hồng Kông và các tỉnh phía Bắc Việt Nam có niên đại từ cuối thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 18 đã chứng tỏ việc mua bán, trao đổi hàng hóa qua các đồn bảo thời ấy thời khá nhộn nhịp, trong đó có nhiều đồn bảo được xây dựng trước lũy.
Kết nối đoàn kết
Theo TS Nguyễn Tiến Đông, dù thời gian nghiên cứu, khai quật còn quá ít, chỉ trong vòng 5 năm, nhưng bước đầu các nhà khảo cổ học đã khám phá ra nhiều bằng chứng khẳng định Trường Lũy Quảng Ngãi chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, dân tộc.
Tại cuộc hội thảo, GS Oscar Salemink (ĐH Copenhagen - Đan Mạch) nhận định: “Trường Lũy là sự kết nối giữa các dân tộc cùng nhau chia sẻ lợi ích kinh tế. Vì thế cả hai bên cùng nhau xây dựng và mở ra mối quan hệ đoàn kết, hòa hảo giữa người miền ngược và miền xuôi”. Theo TS kinh tế học Alain Henry - Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp tại VN, Trường Lũy Quảng Ngãi cùng hệ thống đồn bảo là con đường giao thông, giao thương mang nhiều giá trị về mặt kinh tế hơn là quân sự, là cơ sở quản lý giữa các dân tộc, tạo điều kiện cho việc thông thương hàng hóa theo con đường Đông-Tây và Bắc-Nam ngày càng phát triển.
Cũng tại cuộc hội thảo, các đại sứ, các nhà khoa học cũng đã chia sẻ những ý kiến của mình trong việc xác định vai trò, chức năng của Trường Lũy Quảng Ngãi, trong đó đều nhấn mạnh đến giá trị văn hóa, lịch sử, là công trình độc đáo, sáng tạo của người dân lao động. “Một công trình lớn như Trường Lũy còn có nhiều điều ẩn chứa chưa thể khám phá hết. Do vậy các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu đánh giá đúng giá trị của di tích để giới thiệu cho bạn bè trên thế giới”, PGS Trần Đức Cường - Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Khoa học xã hội VN, đề nghị.
Hiển Cừ
Nguồn :

http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20110328/Truong-Luy-Di-san-quy-bau.aspx



Thứ sáu, 11/3/2011, 09:48 GMT+7

Trường Lũy được công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia

Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch văn hóa cấp quốc gia đối với công trình kiến trúc Trường Lũy tại Quảng Ngãi.

Trường lũy có chiều dài gần 200 km, là công trình kiến trúc lớn và đa dạng với nhiều phần bằng đá, đất; một số đoạn làm bằng cả đất và đá. Hơn 50 đồn báo được tìm thấy liên quan đến Trường Lũy có tình trạng bảo tồn tốt. Điểm đầu của trường lũy bắt đầu từ huyện Trà Bồng của Quảng Ngãi và chạy qua huyện Hoài Nhơn và An Lão của tỉnh Bình Định.
Nhà khảo cổ đang nghiên cứu tại Trường Lũy. Ảnh: Trí Tín
Nhà khảo cổ đang nghiên cứu tại Trường Lũy. Ảnh: Trí Tín
Theo cứ liệu lịch sử, công trình được xây vào khoảng đầu thế kỷ 19 dưới thời vua Gia Long - Nguyễn Ánh. Tuy nhiên các tài liệu khảo cổ học mới nhất cho thấy nó được hình thành cách đây hơn 400 năm. Từ năm 2005, các nhà nghiên cứu của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu. Những kết quả thu được sau 5 năm đã chỉ ra rằng, Trường Lũy không những là công trình quân sự (thế kỷ 17) mà còn là điểm giao lưu văn hóa, xã hội và phát triển kinh tế của cộng đồng dân cư thời bấy giờ.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi nhận định: “Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định là một công trình có giá trị văn hóa đặc biệt, là công sức của người dân lao động. Di sản này không chỉ của riêng Quảng Ngãi hay Bình Định mà còn là của quốc gia, nhân loại”.
Ông Vũ chi biết sẽ tiến tới làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Trường Lũy là di sản văn hóa thế giới.
Trước đó , Quảng Ngãi đã kiến nghị Bộ Ngoại giao làm thư mời đại sứ các nước châu Âu đến thăm Trường Lũy nhằm quảng bá di sản lịch sử văn hóa này
Trí Tín

0 nhận xét: