Mới đây, hội thảo góp ý về giáo dục và đào tạo đã tập hợp nhiều nhà khoa học, nhiều GS và một số vị nguyên là "tư lệnh" ngành GD, một lần nữa thu hút sự quan tâm của tất cả những ai lâu nay đau đáu về nền GD nước nhà.
Đây không phải là lần đầu tiên có một hội thảo như thế. Biết bao hội nghị, hội thảo, rất nhiều đề xuất tâm huyết vì một nền GD nhân bản, tiên tiến, hiện đại, nhưng vẫn chỉ là "đá ném ao bèo". Vì sao?
Cái gì đã kìm hãm?
Phát biểu tại hội thảo, GS Hoàng Tụy, một lần nữa nhấn mạnh: Trong thế giới hiện đại, với xu thế toàn cầu hóa không thể đảo ngược được, nước nào không hội nhập được, không thích nghi được sẽ bị cô lập, sẽ bị bỏ rơi đằng sau đuôi, "chết lâm sàng" rồi từ từ bị đào thải nếu không sớm tỉnh ngộ.
Và rằng, sau mấy chục năm giáo dục chìm đắm trong khủng hoảng triền miên bởi các ràng buộc ý thức hệ cứng nhắc, đã đến lúc phải có lựa chọn. Hoặc là tiếp tục con đường cũ, tiếp tục giam hãm đất nước trong nền giáo dục ngày càng tụt hậu so với thế giới. Hoặc là cương quyết thay đổi tư duy - thực hiện bước ngoặt cơ bản, mở đường cho một giai đoạn GD khai phóng phát triển?
"Ý thức hệ cứng nhắc" ấy là cái gì mà "đã kìm hãm" đất nước trong nền GD ngày càng tụt hậu so với thế giới?
Tại sao lại cứng nhắc? Tại sao cứ khư khư ôm cái cứng nhắc để GD tụt hậu kéo theo nhiều cái đứng phía sau thiên hạ? Ai sẽ phải trả lời câu hỏi này? Đã đến lúc cần chỉ rõ cái cứng nhắc ấy là gì? Ở đâu?
Hơn 20 năm đổi mới, nhiều lĩnh vực đã thay da đổi thịt. Giáo dục luôn luôn được coi là "quốc sách hàng đầu" vậy mà cứ ì ạch, phải chăng vì cái "gông" quá nặng, quá chặt đè xiết lên tư duy của chúng ta?
Có lẽ nhiều người nghĩ đổi mới kinh tế thì mọi thứ sẽ đổi mới theo trong đó có GD. Thực tế không phải vậy. Kinh tế tăng trưởng chỉ như một cú hích. Còn đến nay, GD sau những tìm tòi, thả nổi, lại trong trạng thái rơi...tự do!
Quốc sách hàng đầu nghĩa là được ưu tiên trước hết để phát triển. Nhưng hai thập niên vừa qua chúng ta hình như chỉ làm được bề nổi. Trường, lớp tăng, môn học tăng, chương trình nặng. Cao đẳng, đại học đủ mọi loại hình mọc ra như nấm sau mưa. Rồi liên kết, liên thông, đào tạo từ xa đến gần...
Sự phát triển GD không giống đâu. Vì thế, tú tài, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ càng lúc càng nhiều, nhưng chất lượng thì càng ngày càng đi xuống. Chỉ cần tham khảo các cuộc thi tuyển tại các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước và nhất là tại các tổ chức, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, thì đủ biết chất lượng GD thảm hại đến chừng nào.
Giáo dục luôn luôn được coi là "quốc sách hàng đầu" vậy mà cứ ì ạch. Ảnh minh họa
|
Cử nhân văn chương, ngôn ngữ, mà không viết nổi một biên bản cuộc họp bình thường. Cử nhân báo chí chưa viết nổi một bài báo đúng chuẩn. Cử nhân kinh tế không viết nổi một dự án ở cấp thấp nhất. Bác sĩ cầm bơm tiêm lóng ngóng...là chuyện ngày thường ở huyện. Còn kỹ năng mềm thì hầu như không có gì, ngu ngơ như kẻ chưa bao giờ được học.
Thạc sĩ, tiến sĩ cũng chẳng hơn bao nhiêu. Thế mới có chuyện một giảng viên, TS tại một trường đại học có tiếng giữa Thủ đô đã copy gần như 100% một tiểu luận của một sinh viên năm thứ hai làm báo cáo nghiên cứu khoa học cho mình ở cấp ĐH Quốc gia.
Tuy nhiên không thể phủ nhận có khoảng 10% sinh viên thực sự có tư chất để làm việc tốt (với tư cách là tập sự) sau khi ra trường. Cũng không thể phủ nhận có không ít giáo viên, giảng viên giỏi, tâm huyết với nghề, cống hiến đáng kể cho GD nước nhà trong những năm tháng được xem là trì trệ, ì ạch hiện nay.
Thủ khoa với thảm đỏ
Từ khoảng 10 năm trở lại đây, thảm đỏ với những sinh viên thủ khoa như một vinh danh, một sự tiếp tục truyền thống "chiêu hiền đãi sĩ", một sự phát huy "hiền tài là nguyên khí quốc gia". Nhưng...thảm đỏ không hấp dẫn họ.
Rõ ràng, GD đang rất cần một cuộc đại phẫu. Cần một "khoán 10" như trong nông nghiệp. Mọi e ngại, chậm trễ sẽ là quá muộn.
|
Không ít, nếu không muốn nói là nhiều sinh viên giỏi xuất sắc khước từ việc ở lại trường làm giảng viên. Không ít thủ khoa thờ ơ với thảm đỏ của nhiều cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước.
Không ít thạc sĩ, tiến sĩ sau khi học ở nước ngoài (học bổng Chính phủ) không trở về, hoặc trở về lại không làm việc tại các cơ quan, trường học, viện nghiên cứu của Nhà nước. Chất xám không chỉ đã chảy ra nước ngoài, mà chảy ngay... trong nước.
Không ít "chim họa mi" (những người đoạt giải Toán, Lí, Hóa...quốc tế) đã không còn "hót" được sau khi nhận vòng nguyệt quế.
Vì sao?
Làm gì để thoát "ý thức hệ cứng nhắc"?
Câu trả lời đã được các đại biểu tại hội thảo trả lời, và chỉ ra những việc cần làm ngay.
GS Chu Hảo nói "không ba sôi hai lạnh" nữa. Cần tiến hành cải cách triệt để. Nhất thiết phải thành lập UBQG độc lập với Bộ GD và ĐT.
GS Hoàng Xuân Sính: Phải thiết lập một mạng lưới trường, lớp hợp lí. Phải bỏ lối quản lí bằng mệnh lệnh.
Nguyên Phó CT nước Nguyễn Thị Bình: Phải làm sao phát huy tiềm năng của từng con người. Sửa đổi chính sách đối với nhà giáo. Cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Và nhiều ý kiến khác nữa...
Lâu nay, có lẽ ít nơi nào trên thế giới, GD được nói nhiều, được quan tâm nhiều như ở Việt Nam. Mỗi ngày có hàng chục bài báo được đăng tải về GD với những góc nhìn khác nhau, và đều cùng mục đích làm sao để GD nước nhà phát triển và hội nhập thế giới hiện đại.
Người người quan tâm, nhà nhà quan tâm, cả xã hội quan tâm bằng cả tinh thần và vật chất, bằng cả tâm huyết và tất cả những gì có thể. Vậy mà GD vẫn như một lô cốt bất khả kháng.
Phải chăng chúng ta đang thiếu rất nhiều thứ cho con tàu GD: Không có một thuyền trưởng đủ tầm? Không có một tổ lái dũng cảm, kinh nghiệm? Hoa tiêu mù mờ? Nhiên liệu không sạch? Đích cần đến chưa được xác định?
Cách ứng xử và tiếp thu sự góp ý có nhiều phần bảo thủ, quan liêu, ít chịu học hỏi. Hoặc học không đến nơi đến chốn. Hoặc cái tiên tiến không học lại học cái thiên hạ đã và đang "bỏ đi".
Rõ ràng, GD đang rất cần một cuộc đại phẫu. Cần một "khoán 10" như trong nông nghiệp. Mọi e ngại, chậm trễ sẽ là quá muộn.
Đinh Việt Bình
0 nhận xét:
Đăng nhận xét