Ngày đăng bài Thứ Năm, ngày 05-01-2012
Chữ NHÂN: theo nghĩa sinh vật, nhân [人] là loài người (= một loài động vật); theo nghĩa đạo đức, nhân [仁] là lòng thương người. Tại ý nghĩa này, chữ nhân sở hữu thêm nội hàm là lòng khoan dung, mềm dẻo và thái độ tôn trọng nhân vị người khác, gọi nôm na đó là thế ứng xử nhân văn!
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến thái độ nhân văn của chủ thể tư tưởng Việt Nam đối với các tôn giáo được du nhập vào nước ta.
Từ ban đầu, do điều kiện địa lý và phương thức sản xuất, dân tộc Việt đã hình thành cho mình một loại hình tín ngưỡng nông nghiệp, đó là thờ các thần thiên nhiên liên quan đến NƯỚC: thần Mây, thần Mưa, thần Sấm, thần Chớp. Đó là các hiện tượng tự nhiên biểu trưng cho NƯỚC - yếu tố quan trọng đứng đầu trong sản xuất nông nghiệp lúa nước (khác với lúa cạn): Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.
Khi Phật giáo du nhập Việt Nam, ban đầu là từ Ấn Độ, tôn giáo này đã khoác lên mình các vị thần nông nghiệp kia bộ áo cà sa của Phật giáo, và bốn vị có “tên khai sanh” mới là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Rồi do những điều kiện khách quan của nghề trồng lúa nước: cậy dựa nhiều vào thiên nhiên, trông trời - trông đất - trông mây, trông mưa - trông nắng - trông ngày - trông đêm… hơn là chinh phục thiên nhiên, chất nhân văn đã trở thành một tính cách quan trọng trong ứng xử của người Việt Nam. Và vì đặc trưng cơ bản của tính nhân văn là lòng khoan dung, nên Phật giáo đã được dung hoà với tín ngưỡng bản địa để cho ra đời hệ thống Tứ Pháp như trên.
Do vị trí địa lý đặc biệt của Việt Nam là nằm ở ngã ba đường của các nền văn minh và đường giao thương quốc tế, nên các tôn giáo lớn đều có mặt ở Việt Nam. Sự gia tăng số lượng của các tôn giáo đã tạo nên một bức tranh tâm linh phong phú, nhiều sắc màu; nhưng một tình trạng khác cũng rất phổ biến trong lịch sử là các cuộc chiến tranh tôn giáo. Tuy nhiên, khả năng thứ hai này đã không xảy ra ở Việt Nam. Người đóng vai trò gìn giữ hoà bình ở đây là tính cách nhân văn Việt Nam, mà biểu hiện cụ thể của nó là lòng khoan dung tôn giáo. Đó là lý do tại sao các tôn giáo ngoại lai khi vào Việt Nam đều được bản địa hoá chứ không hề có chiến tranh tôn giáo.
Phật giáo, như nói trên, tuy đã khoác chiếc áo của mình lên tín ngưỡng bản địa để tạo nên hệ thống Tứ Pháp, nhưng thực chất những ngôi chùa thờ Tứ Pháp vẫn mang hình hài của những đền miếu dân gian thờ các vị thần tự nhiên của người bản địa với lối bài trí đặc trưng Việt Nam là “tiền Phật, hậu Thần”.
Tín ngưỡng cổ truyền đã mở rộng cửa cho Phật giáo bước vào như thế nào, thì đến lượt mình, Phật giáo cũng tiếp nhận Đạo giáo một cách vui vẻ như thế. Sau đó, tất cả đã cùng tiếp nhận Nho giáo, tạo thành quan niệm Tam giáo đồng nguyên và Tam giáo đồng quy[1].
Điển hình của tư tưởng dung hợp này được thấy ở vua Lý Nhân Tông (1066/1072-1127): đi đâu nhà vua cũng hay kề cận thiền sư Giác Hải và đạo sĩ Thông Huyền. Có lần vua thử tài hai vị, rất khâm phục nên làm thơ khen tặng rằng:
Giác Hải tâm như hải,
Thông Huyền đạo hựu huyền.
Thần thông kiêm biến hóa,
Nhất Phật, nhất Thần Tiên.
[Giác Hải lòng như biển,
Thông Huyền đạo pháp lại càng huyền diệu.
Đều giỏi thần thông cùng biến hóa,
Như thế, điều cần ghi nhận là vai trò của khoan dung tôn giáo, được chi phối bởi tính chất nhân văn. Chính nhờ chất nhân văn này, người Việt Nam đã tạo cho mình một nhãn quan tích cực để nhìn thấy những giá trị không thể phủ nhận trong các tôn giáo. Và như một hệ quả tất yếu, tinh thần nhân văn ấy đã trở thành “dung môi” cho một tổng mới mang đậm tính cách Việt: Tam giáo Việt Nam.
Đó chính là khả năng bản địa hoá của tinh thần nhân văn Việt Nam. Phật giáo đi vào Việt Nam đã không còn là Phật giáo nguyên thuỷ nữa, Đạo giáo và Nho giáo cũng thế. Ba trường phái tâm linh này đã mang thêm dòng máu Việt để trở thành một bộ phận gắn kết trong hệ thống tư tưởng Việt Nam. Muộn màng hơn, duy lý hơn, và cũng nhiều đoạn trường hơn, khi bước vào ngôi nhà tâm linh Việt với muôn sắc màu tôn giáo, Công giáo cuối cùng cũng mặc lấy một phần tâm hồn Việt với những ngôi thánh đường mái cong cong, những làn điệu thánh ca mượt mà cung điệu dân ca, và nhất là thánh tượng Đức Mẹ La Vang đầu đội khăn đóng tóc bỏ đuôi gà... Công giáo một thời tách biệt làng giáo - làng lương, nay đã thật sự bước vào lộ trình nhân văn Việt với quyết tâm mạnh mẽ: trở nên Giáo Hội Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam[3].
Ở đỉnh cao của tinh thần nhân văn ấy là đạo Cao Đài. Nòng cốt của tôn giáo này là Tam giáo (Phật-Lão-Nho), nhưng đạo Cao Đài còn có ý muốn kết hợp “vạn giáo nhất lý và Thiên nhân hợp nhất”, hướng tới dung hợp tâm linh con người với tâm linh vũ trụ, dựa trên nền tảng là các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc. Tất cả những điều ấy đã làm cho Cao Đài trở thành một tôn giáo giàu chất nhân văn Việt Nam nhất. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Cao Đài được quốc tế nhìn nhận là tôn giáo khoan dung (tolerant) nhất thế giới[4].
Thật sự, ứng xử với lòng khoan dung là một lối ứng xử đầy chất nhân văn và trọng vị. Nhà tư tưởng Pháp Voltaire (1694-1778) đã từng cho rằng chia rẽ, bất hoà là những tai hoạ lớn nhất của loài người, và lòng khoan dung là liều thuốc để chữa tai vạ đó. Một tác giả khác cũng thế kỷ XVIII là Denis Diderot (1713-1784) đồng quan điểm: Thiếu khoan dung tôn giáo sẽ dẫn tới chém giết lẫn nhau…
Nhân văn Việt Nam đi vào các tôn giáo đã tạo nên những thế ứng xử khoan dung, hoà bình, mềm mỏng; đặc biệt với Phật giáo:NHÂN là cứu vớt trầm luân mọi loài.
Người Công giáo được mời gọi sống khoan dung, nhưng đồng thời cũng vẫn không ngừng tuyên xưng đức tin của mình vào Đức Kitô là Đấng cứu độ duy nhất của loài người!
Nhịp Cầu Tâm Giao 4, NXB Phương Đông (3/2011), tr. 73-77
Nguồn: http://www.nhipcautamgiao.net/tintuc/285-tinh-nhan-van-trong-ung-xu-ton-giao-cua-nguoi-viet.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét