CHƯƠNG 20
Người phân biệt sự khác nhau giữa kết hợp và ngất trí. Trình bày bản chất của ngất trí và nói đôi chút về ơn Lòng Thương Xót Chúa ban cho linh hồn, các hậu quả. Chương này đáng ngưỡng mộ đặc biệt.
***
Với ơn Chúa giúp, tôi rất ước mong có thể trình bày sự khác biệt giữa kết hợp và ngất trí hay siêu thăng, trạng thái người ta gọi là phóng tâm. Tất cả các từ ngữ ấy chỉ diễn tả một thực trạng. Tôi có ý nói tất cả những tên gọi khác nhau này đều ám chỉ cùng một thực trạng mà người ta gọi là xuất thần. Thực trạng này cao hơn thực trạng kết hợp, vì các hậu quả cao trọng hơn nhiều và tiến trình diễn biến có nhiều tác động. Trong tiến trình kết hợp, từ lúc bắt đầu, khi ở đích điểm cho tới lúc chấm dứt chỉ giữ nguyên một trạng thái và diễn ra hoàn toàn ở trong tâm hồn. Còn trong phần sau của cơn ngất trí tiến đến một cấp độ cao hơn và có hậu quả cả bên trong lẫn bên ngoài. Chớ gì Thiên Chúa (giúp tôi) giải thích hiện tượng này như Người đã (giúp tôi) giải thích những hiện tượng trước đây. Vì chắc là tôi chẳng biết nói gì, nếu Chúa không chỉ phương thế thì tôi chẳng thể giải thích được chút gì.
2. Bây giờ chúng ta hãy suy rằng thứ nước cuối cùng đã được trình bày, tràn trề lênh láng đến nỗi dường như đất không còn thể thấm đi được nữa. Khi ấy chúng ta có thể tin rằng mây (tức hồng ân) này của Đấng cao cả đang hiện diện với chúng ta trên mặt đất này. Nhưng đang khi cảm tạ Người về hồng ân cao trọng này, và cụ thể là đang nỗ lực để đến gần Người thì Chúa chiếm lấy linh hồn, y như đám mây thu hút lấy hơi nước từ đất bốc lên và nâng nó lên cho tới khi đọng lại với nhau thành hơi nước (tôi nghe người ta nói là mây được hình thành hay là mặt trời làm bốc hơi nước là như thế). Vậy mây cuốn linh hồn theo lên trời và tỏ cho linh hồn những sự thuộc về Vương Quốc mà Người đã chuẩn bị cho nó. Tôi không biết lối so sánh này có chính xác không, nhưng thực trạng diễn ra là như thế.
3. Trong những cơn ngất trí này, dường như linh hồn không còn là động lực linh hoạt thân xác nữa và bởi vậy, người ta nhận thấy nhiệt độ bình thường của xác giảm đi rõ ràng: thân xác lạnh dần, mặc dầu nó cảm được sự ngọt ngào và niềm sướng vui tột độ vô phượng chống cưỡng được. Còn trong tình trạng kết hợp chúng ta vẫn hoàn toàn tự chủ, có thể sử dụng phương tiện chống cự, tuy đau đớn và vất vả nhưng hầu như luôn luôn hữu hiệu. Còn khi ngất trí, cứ sự thường thì không thể chống cự lại được. Cơn ngất trí thường thường đột phát giống như một cảm hứng rất mau và mạnh mẽ, trước khi có thể nghĩ đến việc đề phòng hay có thể làm gì để giữ thế thủ. Đương sự nhìn thấy và cảm thấy đám mây, hay con phượng hoàng mãnh lực này nâng và đem mình lên theo trên cánh của nó.
4. Tôi nhắc lại là đương sự nhận thức và thực sự trông thấy mình đang được đem đi, không biết đi đâu. Dầu cơn ngất trí có đem lại niềm hoan hỉ, nhưng bản chất yếu đuối của chúng ta làm chúng ta sợ hãi (trong giai đoạn đầu, nên cần chúng ta phải mạnh dạn và can đảm). Phải mạnh dạn can đảm hơn nhiều trong những trường hợp đã được trình bày. Vì có thể xảy ra gì đi nữa, chúng ta cũng phải liều. Hãy phó thác hoàn toàn trong tay Thiên Chúa và sẳn lòng đi bất cứ nơi nào Người muốn đem chúng ta đến. Vì thực sự, dù chúng ta muốn hay không, Người cũng đang đem chúng ta đi. Trong lúc cùng quẫn ấy, thường là tôi rất muốn chống cự lại, và tôi lấy hết sức chống cự, nhất là khi cơn ngất trí đột chiếm tôi ở nơi công cộng và cả nhiều lần khác khi ở riêng một mình, vì tôi sợ mình bị lừa. Đôi khi tôi có thể chống cự được đôi chút; nhưng phải vất vả hết sức và sau đó, tôi cảm thấy mệt lử dường như tôi đã phải chiến đấu với một người khổng lồ dũng mạnh. Nhiều lần khác thì không chống cự được. Linh hồn tôi bị đem đi và cứ sự thường là đầu tôi cũng nâng bổng lên mà toàn thân tôi không làm sao ghì lại được. Đôi khi toàn thân tôi bị ảnh hưởng cũng được nâng lên cao khỏi đất.
5. Hiện tượng này chỉ hoạ mới xảy ra. Nhưng có một lần, đang ở trong ca triều với nhau, tôi đang quì và sắp tới lúc rước lễ, cơn ngất trí đột nhập tôi, nó làm tôi khổ tâm quá sức. Tôi nghĩ có lẽ lần ấy là kỳ lạ nhất và có thể là đề tài để bàn tán rất nhiều nên tôi phải cấm các nữ tu không được nói đến (hiện tượng này xảy ra sau khi tôi được chỉ định làm bề trên). Nhiều lần khác khi tôi cảm thấy Chúa sắp làm tôi ngây ngất, tôi liền ngã lăn xuống đất và các nữ tu xúm lại đỡ tôi lên. Nhưng người ta cũng đã nhận ra đó là cơn ngất trí. Một lần xảy ra đang lúc nghe giảng trong ngày lễ kính thánh Bổn Mạng của chúng tôi và có nhiều bà quí phái hiện diện. Tôi tha thiết khẩn xin Chúa đừng ban cho tôi những ơn này nữa vì nó kèm theo những biểu hiện khả giác bên ngoài. Tôi đã kiệt sức vì những nghĩ ngợi như vậy và sau cùng (tôi nói): Chúa có thể ban cho con những ơn ấy mà bề ngoài chẳng có ai biết. Vì lòng nhân hậu của Người, dường như Người đã vui lòng nhận lời tôi xin, vì từ khi tôi cầu xin, tôi không bao giờ còn ngất trí như vậy nữa. Thực ra, tôi cũng chỉ mới khẩn xin Người ban ơn ấy thôi.
6. Khi tôi cố gắng chống cự những cơn ngất trí này, thì dường như có một sức mạnh mãnh liệt mà tôi không biết so sánh với sức nào được, ở dưới chân đẩy tôi lên. Vì sức mạnh đó xâm chiếm tôi mạnh mẽ hơn bất cứ cảm nghiệm thiêng liêng nào khác và tôi cảm thấy mệt nhừ tử. Đó là một trận chiến đấu kinh khủng và cứ tiếp tục chống lại ý Chúa cũng chẳng ích lợi gì, vì không một sức mạnh nào có thể đương đầu với quyền lực Người. Nhiều lần khác, khi thấy chúng ta nhận biết là Người muốn ban cho chúng ta hồng ân này, thì Người đã hài lòng rồi. Nếu bấy giờ chúng ta từ chối vì khiêm nhường thì vẫn có những hậu quả trong tâm hồn dường như chúng ta sẵn lòng tiếp nhận vậy.
7. Những hậu quả này mạnh mẽ lôi cuốn chú ý của chúng ta. Một trong những hậu quả này là nó biểu lộ quyền năng cao cả của Thiên Chúa. Vì khi chúng ta không thể chống cưỡng lại ý của Người cả trong tâm hồn và ngoài thể xác và không làm chủ được mình nữa, và dù sự thật này có làm chúng ta bực bội đến thế nào đi nữa, chúng ta cũng phải nhận thức rằng có Đấng nào đó mạnh mẽ hơn chính chúng ta và Đấng đó ban những ơn này cho chúng ta, còn chính chúng ta thì tuyệt đối chẳng làm được gì. Nhận định này gợi cho chúng ta một tâm tình khiêm tốn sâu xa. Thực sự tôi phải thú nhận: vào buổi đầu, một nỗi sợ hãi kinh hoàng xâm chiếm lấy cả con người tôi. Tôi thấy thân xác được nâng bổng lên khỏi đất, và dẫu tinh thần nhẹ nhàng nâng cả thân xác lên, và dầu không chống cưỡng, tôi vẫn tỉnh táo. – Ít ra chính tôi vẫn tỉnh táo đủ để có thể nhận ra mình đang được nâng bổng lên. Khi thấy uy quyển của Đấng có thể thi thố hiện tượng này thì tóc trên đầu dựng đứng lên và một cảm giác sợ hãi kinh hoàng xâm chiếm lấy cả con người vì sợ xúc phạm đến Thiên Chúa cao cả như thế. Nhưng sự sợ hãi này hoà lẫn trong tình mến thiết tha vừa bừng cháy lên đối với Đấng, như chúng ta thấy là Người tha thiết yêu thương một con sâu ghê tởm đến nỗi dường như Người không thoả mãn bởi chỉ lôi kéo linh hồn đến với Người mà thôi, nhưng cả thân xác nữa, dầu đó là vật phải chết và nhơ bẩn bởi biết bao tội lỗi đã phạm.
8. Ơn ngất trí này đem lại cho linh hồn ơn từ bỏ lạ lùng mà tôi không thể diễn tả được. Nhưng tôi có thể nói nó có đôi chút khác biệt với sự từ bỏ do những ơn thuần tuý thiêng liêng đem lại. Vì dầu ơn thuần tuý thiêng liêng nào cũng làm phát sinh một tinh thần từ bỏ hoàn toàn; nhưng trong hồng ân này, Người muốn chính thân xác cũng được chia xẻ. Bởi vậy thân xác cũng cảm thấy gớm ghét những sự vật trần gian là những yếu tố làm cho đời sống thêm khốn khổ hơn nhiều.
9. Sau khi (ơn ngất trí) gây ra nỗi khổ tâm kinh khủng mà một khi nó đã đến, thì tự chúng ta, chúng ta không thể làm gia tăng hay tẩy chay đi được. Tôi rất muốn giải thích nỗi khổ lớn lao này, (nhưng sợ là không thể làm được), tuy nhiên tôi sẽ nói đôi chút, nếu có thể. Tôi nhận thấy đây là cảm nghiệm mới nhất của tôi, nó đến sau tất cả những thị kiến mà tôi sẽ kể, sau cả thời gian tôi chuyên cầu nguyện và Chúa đã ban cho tôi những hồng ân và an ủi lớn lao. Chúa vẫn ban cho tôi những ơn này, nhưng bây giờ tôi sẽ trình bày nỗi đớn đau hiện thời tôi phải chịu thường xuyên, dù có lúc tăng lúc giảm. Bây giờ tôi sẽ đề cập đến mức độ gắt gao nhất của nó. Về sau tôi sẽ trình bày những cơn cảm kích mạnh mẽ mà tôi thường cảm nghiệm khi ngất trí. Những cảm kích này đem so sánh thì tôi thấy nó như nỗi đau đớn hoàn toàn về thể lý so với nỗi đau đớn thuần tuý về tinh thần vậy. Nói thế, tôi nghĩ là tôi không quá phóng đại. Vì nỗi đau đớn tôi đề cập tới đây, thì cả linh hồn và thể xác đều cảm thấy dường như cả hai cùng chịu đau đớn, nhưng không gây nên cùng một cảm giác từ bỏ cùng độ như nỗi đau đớn tôi đang muốn trình bày đây. Như tôi đã nói, chúng ta không dự gì vào việc tái sinh nỗi đau đớn này, dầu rất thường khi chúng ta cảm thấy một ước muốn từ bỏ lạ lùng theo cách mà tôi không thể giải thích được. Ước muốn này, trong giây lát đã thấu nhập tới chốn sâu thẳm nhất của linh hồn, làm cho linh hồn buồn phiền chán nản muốn bay vụt lên, vượt xa khỏi chính mình và trên tất cả mọi tạo vật. Thiên Chúa làm cho nó chán ghét mọi sự đến nỗi dù cố gắng vất vả đến thế nào đi nữa, nó cũng không thể tha thiết với vật gì trên mặt đất này. Nó cũng chẳng muốn gì cả. Chỉ muốn, tốt hơn là được chết đi trong nỗi cô đơn này của mình. Người lân cận có thể nói với nó và cũng có thể là chính nó cũng cố gắng hết sức để nói, nhưng vô ích. Có làm gì thì tinh thần nó cũng không tránh khỏi nỗi cô đơn này. Dường như bấy giờ Thiên Chúa cũng ở rất xa xôi, nhưng đôi khi Người cũng tỏ bày sự cao cả của Người ra một cách kỳ lạ nhất có thể tưởng tượng ra được. Không thể diễn tạ thực tại này – tôi nghĩ, cũng không thể tin hay hiểu ngầm được – ngoại trừ những ai đã có kinh nghiệm. Vì đó là cuộc chuyển thông không dụng ý an ủi linh hồn nhưng để tỏ cho linh hồn thấy lý do tại sao mình buồn phiền chán nản – nghĩa là phải xa lìa Nguồn Thiện Hảo bao gồm mọi thiện hảo.
10. Trong cuộc chuyển thông này ước muốn cứ gia tăng và cùng với ước muốn đó, linh hồn cảm thấy một nỗi cô đơn cực độ và một nỗi đau đớn nhạy bén đến nỗi dường như nó bị lạc vào sa mạc và có thể nói sát từng chữ như đấng tiên tri vương giả đã nói khi ngài lâm vào cùng tình trạng cô đơn ấy. (Chỉ khác một điều: Ngài đã là vị thánh, nên có thể là Chúa đã để cho ngài cảm nghiệm nỗi cô đơn ấy ở một mức độ thấm thía hơn thôi) “…tôi đã trằn trọc và nên như chim sẻ lạc đàn đậu mái nhà”. Khi ở trong tình trạng này, tôi nhớ đến câu thơ ấy và cảm thấm thía đến nỗi tôi thấy như tâm trạng người diễn tả ấy hoàn toàn ứng nghiệm trong tôi. Thật là một niềm an ủi cho tôi khi biết rằng nhiều người khác, nhất là một vị tiên tri như vậy cũng đã trải qua kinh nghiệm cô đơn nghiệt ngã như thế. Khi ấy dường như linh hồn không còn ở trong chính mình nữa, nhưng ở trên mái nhà, trên chóp đỉnh của mình và được nâng cao trên mọi tạo vật. Tôi nghĩ linh hồn còn ở cao xa hơn cả chính đỉnh cao nhất của mình nữa.
11. Nhiều lần khác, linh hồn dường như sắp rơi vào một tình trạng cùng quẫn và tự hỏi: “Chúa ngươi ở đâu?” (Tv 41,4). Tôi lưu ý ở đây rằng tôi đã không hiểu ý nghĩa câu thơ này ngay trong tiếng bản quốc. Về sau khi đã hiểu, tôi rất sung sướng vì chẳng phải cố gắng gì mà Chúa đã cho tôi hiểu. Nhiều lần khác, tôi nhớ lại những lời Thánh Phaolô đã viết về con người của Ngài đã chịu đóng đinh đối với thế gian (Gl 6,14). Tôi không nói rằng tôi cũng ở trong tình trạng ấy – thực sự tôi biết tôi không như thế – nhưng tôi nghĩ đó là thực trạng của linh hồn khi Chúa không ban an ủi. Vì nó chưa ở trên trời, nhưng chẳng khao khát an ủi trần gian. Nó cũng chẳng còn thuộc về trần gian nên nó như bị đóng đinh lơ lững giữa trời và đất. Nó đau đớn cực độ vì cả trời lẫn đất đều bỏ rơi nó. Vì như tôi đã nói sự trợ giúp từ trời là được nhận biết Thiên Chúa cao cả diệu kỳ, và vượt xa trên tất cả những gì chúng ta có thể khao khát, nên sự khao khát đó nên như cực hình đau đớn hơn cho nó. Vì nỗi khao khát này cứ gia tăng mãi nên tôi nghĩ đôi khi nó ra như bất giác, dù chỉ là trong giây lát, dường như đã bước tới ngưỡng cửa tử thần. Nhưng nỗi đau đớn này được kèm theo niềm hạnh phúc lớn lao mà tôi không biết lấy gì để so sánh. Đó là nỗi đau đớn hãi hùng nhưng cũng đầy hoan lạc, vì tất cả những gì trái đất có thể cung hiến, linh hồn cũng không ưng nhận, dù đó là đối tượng vẫn đem lại cho nó niềm vui khoái nhất, thì nó cũng lãng quên ngay tức khắc. Nó ý thức rõ mình chẳng muốn gì khác ngoài Thiên Chúa. Nhưng tình yêu nó không tập trung vào bất cứ vật nào đặc biệt ám chỉ về Người. Nó khát được trọn cả Thiên Chúa và không nhận biết điều mình ước muốn. Từ ngữ “không nhận biết” đây tôi có ý nói là trí tưởng tượng không hình dung ra được hình ảnh nào cả. Theo tôi, phần lớn thời gian linh hồn ở trong tình trạng này, các tài năng đều không hoạt động. Vì khi đau đớn, các tài năng ngưng đọng hết, thì khi kết hợp và ngất trí, các tài năng cũng ngưng hoạt động vì vui sướng.
12. Chúa ơi! Con ước ao có thể giải thích điểm này rõ ràng cho cha để cha có thể nói cho con biết đó là cái gì. Vì đó là tình trạng thường xuyên của hồn con trong thời gian này. Cứ hễ khi nào không phải bận tâm vào việc gì là tâm tư con lại rơi vào tình trạng khát mong đến chết đi được. Và khi nhận ra nỗi khát mong đó sắp đến, thì con đã kinh hoàng sợ hãi, vì nó không đơn giản như sự chết. Nhưng khi đã thực sự ở trong tình trạng ấy, con lại muốn tiêu hao hết quãng đời còn lại để chịu cực hình này, dù là đau đớn quá sức tưởng tượng, con người tự nhiên khó có thể chịu đựng được. Đây là nhận xét của các nữ tu đôi khi đã chứng kiến con ngất trí và bây giờ họ hiểu tình trạng ấy rõ hơn. Các mạch máu của con hầu như ngưng đập. Tất cả xương cốt như rã rời ra, cánh tay cứng đơ, đến nỗi đôi khi con không còn thể co lại được. Ngày hôm sau, cổ tay và toàn thân vẫn còn đau, các xương như bị xoắn gãy ra vậy.
13. Thỉnh thoảng con đã nghĩ rằng nếu cực hình này cứ kéo dài mãi thì chắc Chúa phải cho con chết đi thì mới chấm dứt nỗi đau đớn này được. Sự đau đớn con đang chịu gắt gao đủ có thể làm con chết được, chỉ tại con chưa xứng đáng chết thôi. Những lúc ấy con chỉ muốn được chết đi, không còn nghĩ tới luyện tội, cũng chẳng nghĩ đến những trọng tội con đã phạm đáng sa hoả ngục. Ước muốn được thấy Thiên Chúa mãnh liệt khiến con quên hết mọi sự và tình trạng cô đơn cô độc con đang phải chịu còn thoải mái hơn mọi tình thân thiết của thế gian này. Nếu có gì có thể an ủi được một người ở tình trạng này thì đó là đàm đạo với người khác đã qua cùng kinh nghiệm (đau đớn) này. Ngoài ra đương sự thấy rằng dù có than vãn thì cũng chẳng có ai tin mình cả.
14. Linh hồn ở tình trạng này còn phải chịu một cực hình hơn nữa là nỗi đau đớn này cứ tăng cường khiến linh hồn không còn muốn sống cảnh cô đơn như trước đây nó muốn nữa. Nhưng cũng chỉ muốn kết thân với ai mà nó có thể trút nhẹ nỗi lòng đi được thôi. Tình trạng ấy giống như người đã tròng dây vào cổ, bị nghẹt thở và đang cố gắng để thở. Vậy con thấy chính vì sự yếu đuối của con người nên mới ước muốn có bạn hữu. Vì nỗi đau đớn này có thể lâm nguy đến tính mạng, hầu như chắc chắn là như thế (như đã mấy lần con nói về cơn bệnh nặng hay những dịp nguy hiểm trầm trọng có thể làm con chết đi được; thì cơn nguy hiểm này cũng trầm trọng như thế). Tâm trạng xác và hồn không muốn lìa nhau như một tiếng kêu, van xin được trợ giúp để thở. Nói về mình, than van và tìm cách để được khuây khoả (tức là) linh hồn tìm kiếm một cách sống hoàn toàn trái với ý chí của tinh thần, tức là ý chí của phần cao thượng hơn của linh hồn. Vì phần cao thượng của linh hồn không muốn xa tránh nỗi đau đớn này.
15. Không biết con có nói đúng điều con muốn nói không. Không biết con có diễn tả tình trạng ấy thích hợp không nhưng theo niềm xác tín của con thì thực trạng xảy ra như vậy. Con hỏi cha làm sao con có thể nghỉ ngơi trong cõi đời này, bởi vì sự nghỉ ngơi và an ủi mà Chúa thường ban cho con trong lúc cầu nguyện và trong chốn cô tịch thì hay thường xuyên đã biến thành cực hình này. Dẫu sao thì cũng được tràn đầy khoái lạc và linh hồn cũng rất ý thức về giá trị nỗi đau đớn, nên nó ước muốn được chịu cực hình này hơn là tất cả những hồng ân mà nó đã thường được hưởng. Vì đây là con đường thánh giá nên nó cũng tin đó là tình trạng chắc chắn hơn. Theo con, tình trạng này bao gồm một niềm vui rất quí giá, bởi vì thân xác chẳng được hưởng một chút vui thú nào mà chỉ phải chịu đau đớn. Còn linh hồn, dầu trong lúc chịu đau khổ, một mình vẫn vui hưởng niềm vui và hạnh phúc do sự đau đớn này đem lại. Con không biết thực trạng có thể xảy ra thế nào, nhưng sự thực là như vậy. Và con sẽ không đổi hồng ân này (vì chắc chắn ơn này hoàn toàn siêu nhiên, từ tay Chúa ban xuống chứ sức riêng thì vô phương đạt được) để lấy bất cứ một ơn nào trong những hồng ân mà con sẽ trình bày sau. Con không nói là để lấy tất cả các hồng ân ấy, nhưng là một trong những hồng ân ấy. Cũng không nên quên rằng ơn Chúa ban cho con đây là ơn ban sau tất cả các ơn đã được trình bày trong sách này, nghĩa là những cảm kích này tiếp theo sau tất cả những ơn Chúa ban cho con, đã được trình bày ở đây.
16. Lúc đầu con sợ hãi. Hầu như con luôn luôn sợ hãi như thế mỗi khi Chúa ban cho con một ơn. Chỉ về sau Chúa mới trấn an con. Người bảo con đừng sợ nhưng phải quí trọng ơn này hơn bất cứ ơn nào khác Người đã ban cho con. Vì nhờ nỗi đau đớn này, linh hồn con được thanh tẩy, được nhồi luyện như vàng trong lò lửa, để Người có thể dễ dàng sơn lên trên đó lớp men dầy đặc hơn: hồng ân của Người. Linh hồn được tẩy sạch ngay từ bây giờ những vết nhơ cần phải được tẩy sạch trong luyện ngục. Con ý thức rất rõ đó là một hồng ân siêu đẳng. Nhưng những lời này của Chúa làm con xác tín hơn về điều đó và cha giải tội bảo con rằng niềm xác tín ấy là chính đáng. Dẫu vì yếu đuối mà con sợ hãi, thì cũng không bao giờ con cho tình trạng đó là mộng ảo. Đúng hơn chính cái tính chất tuyệt vời của hồng ân đã làm cho con sợ khi con nhớ là con quá bất xứng với ơn đó. Chúc tụng Chúa, Đấng nhân hậu dường nào! Amen.
17. Dường như con đã lạc đề vì con bắt đầu nói về ơn ngất trí mà con lại đang nói về một ơn có phần cao xa hơn ngất trí và bởi vậy cũng bỏ những hậu quả con đã nhắc tới.
18. Bây giờ chúng ta trở lại với ơn ngất trí và những đặc tính thông thường của ơn đó. Con có thể xác quyết rằng sau một cơn ngất trí, thường thường là thân xác con ra nhẹ như chẳng còn trọng lượng nào nữa. Đôi khi quá nhẹ đến nỗi khó có thể nói là chân con có còn chạm đất nữa hay không. Vì trong lúc ngất trí, thân xác luôn bất động như chết và tự mình, không thể làm gì được trong suốt cơn ngất trí. Thân xác giữ nguyên trạng thái như khi cơn ngất trí bắt đầu xâm nhập. Chẳng hạn như đang ngồi hay đôi tay đang mở ra hay nắm lại. Tâm tưởng thì ít khi bất tỉnh. Đôi khi con cũng bất tỉnh, nhưng rất ít khi và cũng chỉ trong giây lát. Cứ thường thì tâm trạng bị xáo trộn. Và dù không có khả năng liên lạc cách ý thức với những sự vật bên ngoài, đương sự vẫn có thể nghe và hiểu, nhưng chỉ lờ mờ như sự việc diễn ra từ đàng rất xa kia. Con không nói rằng người ta có thể nghe và hiểu khi cơn ngất trí ở mức độ cao nhất. “Mức độ cao nhất” con có ý nói là vào lúc các tài năng ra như không còn nữa, vì được kết hợp mật thiết với Chúa. Theo con, vào lúc ấy, đương sự không còn thấy, nghe hay nhận thức được gì. Nhưng như đã nói trong khi trình bày về bậc cầu nguyện kết hợp trước đây. Tình trạng linh hồn hoàn toàn biến hoá trong Thiên Chúa này, chỉ kéo dài trong khoảnh khắc và trong khoảnh khắc duy nhất ấy không một tài năng nào của linh hồn lại có thể nhận ra hay biết được những gì đã xảy ra. Bao lâu còn sống trên đời này, chúng ta không thể hiểu được điều đó. Thực sự Chúa không muốn cho chúng ta hiểu điều ấy vì Người không ban cho chúng ta khả năng để hiểu. Chính con đã nhận thấy điều này.
19. Cha sẽ hỏi con vậy tại sao đôi khi cơn ngất trí lại kéo dài nhiều giờ. Đó là tình trạng thường xảy ra cho con, như con đã nói trong bậc cầu nguyện trước, chính cơn ngất trí thì chỉ diễn ra từng cơn một. Linh hồn chìm sâu trong Thiên Chúa – hay đúng hơn Chúa nhận chìm linh hồn trong Người – và khi Người đã cầm giữ linh hồn trong giây lát, Người chỉ còn giữ lại ý chí của linh hồn thôi. Còn chuyển biến của hai tài năng kia, con thấy giống như lối di động của cái bóng que trên mặt đồng hồ mặt trời, không bao giờ bất động. Nhưng nếu Mặt Trời Công Chính muốn, Người có thể khiến nó đứng yên lại. Đó là trạng thái con nói là chỉ diễn ra trong khoảnh khắc. Nhưng vì cơn cảm kích và tâm thần hướng lên quá mạnh thì dù hai tài năng kia đã lại bắt đầu di động và làm thân xác cử động, thì ý chí vẫn chìm ngập trong Chúa và vẫn tuyệt đối làm chủ thân xác. Mặc dù hai tài năng bất ổn kia cố gắng quấy rối. Gặp ít trở ngại thì vẫn tốt hơn, nên ý chí ngăn cản không để cho giác quan quấy rối. Chính vì thế các giác quan ngưng hoạt động, đó là ý của Chúa. Bởi vậy, dù chúng ta không muốn thì phần nhiều là đôi mắt vẫn nhắm lại. Như con đã nói rồi, nếu thỉnh thoảng mắt có mở ra thì đương sự cũng chẳng nhận thấy hay chú ý vào cái gì mình trông thấy cả.
20. Vậy người ở trong trạng thái này hành động được rất ít và như thế có nghĩa là khi các tài năng đã trở lại bình thường thì khả năng hoạt động của người đó cũng chẳng có là bao. Bởi vậy ai được Chúa ban cho hồng ân này thấy, đến lâu giờ sau mà thân xác vẫn không thể nhúc nhích, tri thức và trí nhớ đôi khi cũng lơ đãng thì cũng đừng thất đảm. Thật ra, thường là hai tài năng này còn đang ngây ngất chúc tụng Chúa hay là đang cố gắng hiểu và nhận ra những gì đã xảy ra cho mình. Dẫu vậy, chúng chưa hoàn toàn thức tỉnh. Chúng giống như một người vừa mới ngủ một giấc thật dài, đã mơ màng đủ thứ và vẫn chưa hoàn toàn tỉnh táo.
21. Lý do khiến con giải thích dài dòng về điểm này là vì con biết chính tại đây, bây giờ có nhiều người được Chúa ban cho những hồng ân này. Nếu chính các vị hướng dẫn họ không trải qua kinh nghiệm – nhất là nếu các ngài lại không thành thạo nữa – thì các ngài có thể nghĩ rằng khi ngất trí, những người này phải như chết vậy. Thật là ngượng ngùng cho vị giải tội không hiểu tình trạng mà lầm lẫn như thế, như con sẽ nói sau. Có lẽ con không biết con đang nói gì; nhưng nếu, thưa cha, nếu con nói trúng, thì cha sẽ hiểu, vì Chúa đã ban cho cha hồng ân này. Nhưng vì hiện tượng chỉ mới xảy ra cho cha nên có lẽ cha chưa nghiệm xét kỹ như con. Vậy, tình trạng bấy giờ là thế này: dù vất vả cố gắng đến thế nào, thì thân xác cũng không thể động cựa được trong khoảng thời gian khá lâu. Linh hồn đã lấy đi hết sức mạnh của thân xác. Một người trước đây thường là chỉ đau yếu và bứt rứt khó chịu vì cơn đau dữ dội, lại thấy mình khoẻ mạnh và còn khoẻ hơn trước nữa. Vì những gì linh hồn lãnh nhận trong cơn ngất trí là một hồng ân trọng đại và như con đã nói, đôi khi Chúa để thân xác cùng được chia sẻ ơn đó vì đã vâng theo ý của linh hồn. Nếu cơn ngất trí cao sâu, thì sau khi đã hồi tỉnh lại, các tài năng vẫn bị chi phối tới hai ba ngày sau và dường như ở trong tình trạng tê mê đi, như không còn là chính mình nữa.
22. Lúc đó linh hồn đau đớn vì phải trở lại cuộc sống này. Lúc này linh hồn đã có đôi cánh mới và đã biết bay. Lúc này con chim nhỏ bé đã thay đi bộ lông nham nhở. Lúc này hiệu kỳ được giơ cao nhân danh Đức Kitô. Những gì đã xảy ra dường như chẳng là gì khác hơn vị thủ lãnh của pháo đài đã tiến lên, đã được dẫn lên tới tột đỉnh pháo đài và nhân danh Chúa, đã cắm ngọn cờ trên nơi cao đó. Từ địa điểm cao chắc chắn này, người có thể nhìn xuống những người ở dưới thấp. Người không còn sợ nguy hiểm. Đúng hơn, người còn muốn đương đầu với nguy hiểm, vì nhờ đó người nắm chắc phần thắng lợi. Điều ấy chứng tỏ linh hồn thấy rõ những sự đời này chẳng đáng giá bao nhiêu và lượng định chúng đúng theo mức vô giá trị của chúng. Ai được nâng lên cao thì biết được nhiều điều. Linh hồn không còn muốn tìm kiếm hay chiếm hữu chút ý chí tự do nào nữa, và vì muốn thế, linh hồn cầu xin Chúa cất sự tự do đó đi, tức là muốn dâng cho Người cả chìa khoá ý chí của mình nữa. Thế là người thợ làm vườn đã trở thành người cai quản pháo đài! Người không còn muốn gì khác ngoài ý của Chúa. Người chẳng muốn làm chủ chính mình hay bất cứ ai khác. Người không muốn thu lượm hoa trái nào trong vườn này. Nếu sản phẩm nào trong đó có chút giá trị nào, thì người để Chúa Uy Quyền phân phát đi. Còn chính mình, từ nay chẳng muốn gì cả, chỉ muốn có ước muốn duy nhất là làm mọi sự để làm vinh danh Thiên Chúa và phù hợp với Thánh ý Người thôi.
23. Nếu cơn ngất trí là chân thực, thì thực trạng cụ thể xảy ra là như thế và sẽ có những hậu quả và lợi ích để lại trong tâm hồn mà con đã đề cập đến trước đây. Nếu không có những hậu quả như thế, thì con rất hoài nghi không biết có phải Chúa thực hiện cơn ngất trí không. Con sợ đó là cơn điên mà thánh Vincent đã nói đến. Con biết, vì theo kinh nghiệm cá nhân, con đã quan sát thấy rằng trong khi ngất trí, linh hồn làm chủ mọi sự và chỉ trong một giờ hay chưa tới một giờ linh hồn đã có được sự tự do đến nỗi nó không còn nhận ra chính mình nữa. Nó thấy rõ tâm trạng này không do tự nó mà có. Cũng không biết ai đã ban cho nó một hồng ân vĩ đại như thế. Nhưng nó phân biệt được rõ ràng những ơn trọng đại mà mỗi lần ngất trí đem lại cho mình. Ai không có kinh nghiệm thì sẽ không tin được. Cũng vậy, chẳng ai tin linh hồn đáng thương này, vì biết nó đã một phen quá sa đoạ mà bây giờ lại xả thân vào những hành động anh hùng như thế. Nó không còn hài lòng với việc phục vụ Chúa bằng những điều nhỏ nhặt nữa, nên phải đem hết năng lực ra phục vụ Người. Thấy thế, người ta nghĩ đây chỉ là cơn cám dỗ, một chuyện điên khùng. Nếu họ biết động lực thúc đẩy nó hành động như thế không do tự linh hồn, nhưng do tự Thiên Chúa, chắc là họ không quá ngỡ ngàng như thế.
24. Con tin rằng linh hồn đạt tới trình độ này chẳng nói, cũng chẳng tự mình làm gì cả, nhưng chính Vị Hoàng Đế cao cả để ý lo đến tất cả những gì nó phải làm. Ôi lạy Thiên Chúa của con, ý nghĩa câu thơ xin cho được đôi cánh bồ câu thật rõ ràng và tác giả câu thơ ấy hữu lý chừng nào! Hết thảy chúng ta cũng đều phải xin như thế. Hiển nhiên là tác giả có ý ám chỉ tâm trạng linh hồn ở trên cao khi vút bay lên trên mọi tạo vật, và trước hết là vượt cao khỏi chính con người của mình. Những chuyến bay ấy là chuyến bay sung sướng, dịu dàng lại cũng âm thầm nữa.
25. Linh hồn được Chúa cất nhắc lên cao như thế mạnh mẽ dường nào. Nó có thể nhìn vào mọi sự vật mà không bị xiềng xích vào vật nào cả! Nó xấu hổ cho cái thời gian nó đã gắn bó vào mọi sự! Nó ngạc nhiên tại sao mình lại mù quáng đến thế! Thật thương thay cho những người vẫn còn đui mù, nhất là nếu họ là những người chuyên cầu nguyện và được Chúa vẫn ban cho các đặc ân! Nó muốn la lớn vào tai họ và chỉ cho họ thấy họ lầm lạc chừng nào. Đôi khi nó đã thực sự làm như thế và đã chuốc lấy trăm ngàn ngược đãi gian truân đổ xuống trên đầu. Người ta nghĩ rằng nó thiếu khiêm tốn và có tham vọng dạy dỗ những người (đáng lý) nó phải thụ giáo, nhất nữa đó lại là một phụ nữ thì lại càng đáng đặt vấn đề. Vì lý do này, người ta lên án nó và họ có lý, vì họ chẳng biết động lực thúc đẩy nó hành động như thế. Đôi khi nó không thể cầm mình mà không giác ngộ những người nó yêu mến và ước mong thấy họ được giải thoát khỏi tù ngục cuộc sống này. Vì quả thật linh hồn đang sống trong tù ngục, không kém.
26. Nó buồn phiền về cái thời nó đã chú ý tìm danh thơm, và lầm tưởng coi danh dự, cái mà thế gian gọi là danh dự. Bây giờ nó biết điều đó hoàn toàn là giả dối, và tất cả chúng ta đều sống trong sự giả dối đó. Nó nhận thức được rằng danh dự thật thì khai trừ mọi giả dối, chỉ có sự thật tinh tuyền. Nó coi trọng những danh dự xứng đáng và coi khinh những danh dự chẳng có chi là danh dự. Vì tất cả những gì qua đi và không làm hải lòng Thiên Chúa thì chỉ là hư vô và còn kém hơn cả hư vô nữa. Nó thấy nhục nhã khi nhớ đến thời nó chẳng những quý chuộng mà còn thèm thuồng tiền của. Dù chưa bao giờ con đã phải xưng cái tội thèm khát tiền bạc. Nếu con đã quí chuộng tiền của thì đã đủ xấu rồi. Nếu tiền có thể mua được những ơn mà con đang chiếm hữu đây thì chắc con sẽ quí chuộng tiền lắm. Nhưng rõ ràng là chỉ có thể chiếm hữu được những ơn này bằng cách từ bỏ tất cả.
27. Có thể mua được gì với số tiền người ta mong ước đây? Có phải là cái gì đáng giá không? Có phải là cái gì bền bỉ mãi không? Nếu không, tại sao chúng ta lại khao khát nó? Nó chỉ cung hiến cho chúng ta một chút thoải mái khốn nạn và chút thoải mái đó đòi chúng ta phải trả giá quá nhiều. Nhiều khi tiền bạc đưa chúng ta tới hoả ngục. Tiền bạc mua được lửa để thiêu đốt chúng ta đời đời và một thứ cực hình không bao giờ chấm dứt. Ôi, nếu tất cả mọi người đều đồng ý coi tiền như chút cát bụi vô ích thì thế gian này đã diễn ra tốt đẹp và giảm bớt đi được biết bao lo lắng! Nếu không ai quan tâm đến tiền bạc và danh dự, thì tất cả mọi người đều thân thiết với nhau chừng nào! Tôi xác tín rằng yêu thương nhau là thứ phương dược chữa trị được mọi thứ tai hoạ.
28. Linh hồn thấy thế gian mù tối chừng nào, vì người ta chỉ chuốc lấy đau khổ và bất an! Điên đảo thay! Não nùng biết mấy! Lao nhọc vô ích chừng nào! Linh hồn không những chỉ thấy những mạng nhện giăng mắc trên mặt địa cầu và những tội lỗi tầy trời của nó. Nhưng với ánh sáng mặt trời chói chang, linh hồn thấy cả từng hạt bụi nhỏ, dù nhỏ đến đâu đi nữa. Bởi vậy, dù linh hồn đã vất vả thanh lọc chính mình đến thế nào đi nữa, thì khi mặt trời thần linh chiếu vào, nó cũng thấy mình hoàn toàn chẳng sạch. Cũng như nước trong bình coi có vẻ rất trong khi không có ánh sáng mặt trời chiếu vào. Nhưng khi ánh sáng mặt trời chiếu vào thì thấy đầy bụi bặm. So sánh này chính xác sát chữ. Trước khi linh hồn cảm nghiệm tình trạng ngất trí, nó nghĩ mình đã cẩn thận hết sức để không xúc phạm đến Chúa và đã đem hết sức lực ra làm những gì có thể. Nhưng khi tới được trình độ này, Mặt Trời Công Chính soi sáng nó và bắt buộc nó phải mở mắt ra, lúc đó nó thấy mình quá nhiều bụi bặm nên lại muốn nhắm mắt lại. Nó vẫn chưa hoàn toàn là con của Phượng Hoàng mạnh mẽ để có thể nhìn thẳng vào Mặt Trời này. Nhưng trong khoảnh khắc mở mắt, nó nhìn rõ mình chẳng sạch. Nó lại nhớ câu Thánh vịnh: “Ai là người chính trực trước Nhan Chúa?” (Tv. 142,2).
29.
Khi nhìn lên Mặt trời thần linh này, ánh sáng làm loé mắt nó. Khi nhìn vào chính
mình, thì bùn đất làm mù mắt nó. Con chim câu bé nhỏ đã mù, và rất thường khi
nó mù hoàn toàn. Bị thu hút, ngạc nhiên và bị loá mắt trước tất cả những kỳ
công nó trông thấy. Bởi đó, nó khiêm nhường thực sự, lòng khiêm nhường này sẽ
chẳng bao giờ để nó nói hay nghe điều gì tốt về mình. Không phải linh hồn,
nhưng chính Vị Chủ Vườn phân phát hoa trái của vườn. Vì thế nó chẳng còn giữ lại
gì trong tay nữa. Những gì là tốt ở trong nó, nó đều qui hướng về Thiên Chúa. Nếu
có nói điều gì về chính mình thì cũng chỉ vì vinh quang của Người. Biết rằng
mình chẳng có gì trong vườn này, và dù có muốn cũng không thể biết được, vì
nhìn thẳng vào mình nó chẳng thấy được gì. Bởi thế, nó nhắm mắt lại trước những
sự vật trần gian, và mở ra để hiểu biết về chân lý.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét