Thứ Ba, 13 tháng 8, 2024

Đời sống thần bí Kitô giáo (Phần 3)



III. ‘KHOẢNG LẶNG’ CỦA SỰ HIỂU BIẾT, LÒNG ĐẠO ĐỨC VÀ CẢM NGHIỆM THẦN BÍ

Có một ranh giới giữa sự hiểu biết, lòng đạo đức và cảm nghiệm thần bí tạm gọi là “khoảng lặng”.[20] “Khoảng lặng” bao trùm lên toàn bộ đời sống con người, nó chi phối sự hiểu biết tôn giáo, đời sống luân lý và kinh nghiệm thần bí. Khi vượt qua ranh giới đó người ta sẽ mở ra với vô biên và đi vào kết hợp thân tình với Thiên Chúa. Tuy nhiên, khi ở trong sự kết hợp thân tình với Thiên Chúa người ta càng khát khao im lặng và thờ lạy. Vì lý trí khi đi tìm sự hiểu biết đã khám phá ra sự thật là không thể biết về Thiên Chúa, đơn giản vì muốn biết Thiên Chúa thì phải là Thiên Chúa.[21] Cảm nghiệm thần bí của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá giúp người ta “biết” Thiên Chúa trong Thiên Chúa. Chính việc ở trong Thiên Chúa đem lại cho sự hiểu biết và đạo đức con người một tầm mức mới, tầm mức của hữu thể tự do, và khả năng yêu mến Đấng Vô Biên, Đấng không thể đạt thấu. “Khoảng lặng” ấy mang tên là ân sủng, đức tin và tình yêu.

1. Khoảng lặng của ân sủng

Ân sủng là sự sống của Thiên Chúa, sự sống được ban cho con người, đó là cách Thiên Chúa đưa con người vào siêu nhiên. Đây không phải là sự tan biến vào một đại dương vô danh của “thần tính” nhưng là sự hợp nhất “ngôi vị” tạo nên bởi tình yêu, là thần hóa.

Đời sống người ki-tô hữu, được sinh ra từ dòng suối ân sủng, là đời sống trong Thần Khí. Chính ân sủng tạo nên mối hiệp thông sâu xa giữa Thiên Chúa và con người. Khi mở lòng ra đón nhận và chìm sâu trong ân sủng, trong nguồn tình yêu vĩnh hằng, con người được biến đổi, nhờ đó có thể sống những khoảnh khắc siêu việt, và yêu mến những gì là cao quí thiện hảo.[22]

Ân sủng không đến từ sự hiểu biết, nó cũng không phải là đối tượng của sự hiểu biết. Ân sủng là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa. Khoảng lặng mà ân sủng tạo ra không thể đo lường được bằng sự hiểu biết, cũng không thể dùng sự hiểu biết để vượt qua ranh giới mà nó tạo nên. Người ta không thể hiểu được ân sủng khi chưa đón nhận và sống trong ân sủng.

Chỉ có ân sủng Thiên Chúa mới làm cho linh hồn trong giây lát hiểu được những điều mà trí khôn phải mất cả ngàn năm cũng không sao hiểu được. Thánh Têrêsa Avila ghi lại cảm nghiệm đó ở cư sở thứ năm của Lâu đài nội tâm, khi diễn ra cuộc gặp gỡ ngắn giữa Thiên Chúa và linh hồn. Tuy ngắn nhưng Thiên Chúa làm cho linh hồn am tường những điều mà cả ngàn năm các giác quan và tài năng không thể hiểu.[23] Ân sủng lôi cuốn người ta khao khát đến với Thiên Chúa và hợp nhất với Ngài, như sự tuần hoàn của dòng máu mà Thiên Chúa như là Trái Tim.[24] Trong kinh nghiệm thần bí, ân sủng giúp người ta nhận biết Đức Ki-tô và coi tất cả những sự biết khác là bất lợi, là thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Ki-tô.[25]

Hơn cả sự hiểu biết là đời sống đạo đức được xây dựng trên nền tảng của luật luân lý. Đạo đức vẫn thường được hiểu cách phiến diện là việc chăm chỉ đi nhà thờ, giữ các điều răn, siêng năng Lần hạt, chịu khó hy sinh hãm mình. Những việc thực hành tôn giáo đó diễn tả đạo đức như là một ý muốn của Thiên Chúa trái ngược với ý muốn người ta, như là tính siêu việt của Thiên Chúa tố giác cái hư vô của hiện hữu và công trình của con người.[26] Và để được gọi là “đạo đức” người ta phải gồng mình lên thực thi những điều “trái ngược” đó. Cảm nghiệm thần bí Ki-tô giáo đem lại quan niệm mới về tính siêu việt của Thiên Chúa, để đi tới một sự hiểu biết sáng sủa về đạo đức.

Không hề đè bẹp con người, thông điệp Tân ước đưa con người lên tầm cao mới của sự tự do nội tâm và lòng quảng đại vô bờ. Sự thánh thiện của Thiên Chúa lôi cuốn người ta sống thánh thiện. Nhờ ân sủng trào tuôn nơi thập giá Đức Ki-tô, con người đón nhận giá trị của hiện hữu là yêu thương, từ đây đạo đức có tên gọi mới là yêu thương, và ai yêu thương người ấy đạo đức.

2. Khoảng lặng của Đức tin và tình yêu

2.1. Đức tin là quà tặng

Đức tin là một ân ban chứ không phải là một thành tựu, cũng không phải là khả năng thuần túy của sự hiểu biết do tri thức mang lại, mà là cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong linh hồn.

Ki-tô hữu là những người có phúc vì đã tin.[27] Đức tin mang lại niềm vui và ơn cứu độ. Đức tin giúp ta đón nhận chân lý, chân lý được mặc khải cho những người bé mọn.[28] Nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và yêu mến Ngài là thành quả của đức tin.

Đức tin giúp người ki-tô hữu bước đi trong đếm tối của thanh tẩy để xứng đáng kết hợp với Chúa, nhưng chính đức tin cũng cần được thanh luyện để trở nên tình tuyền có sức mạnh đưa con người vững vàng trong thử thách, vì đức tin có được thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn.

2.2. Tình yêu là tất cả

Đời sống người ki-tô hữu đích thực là nhận ra Thiên Chúa là suối mạch và nguồn gốc của tình yêu.[29] Trong cuộc tiến vào sâu trong Thiên Chúa, khi Ba Ngôi Thiên Chúa thông ban chính Ngài cho con người, con người được biến đổi trở nên Thiên Chúa vì tham dự vào thần tính của Ngài, khi đó mọi hành động của con người đều là hành động của Thiên Chúa trong Thiên Chúa. Tình yêu đã làm thay đổi tất cả.

Như lời dạy của Chúa Giêsu về ngày phán xét,[30] khi ấy Vị Thẩm Phán chỉ hỏi người ta có yêu tha nhân và phục vụ họ không, vì Chúa đồng hóa Ngài trong con người, nhất là những người nghèo khổ, do đó phục vụ con người là phục vụ Chúa, yêu mến con người là yêu mến Chúa. Cũng trong cảm thức đó thánh Gioan Thánh Giá cho rằng khi chiều về người ta được xét xử về tình yêu, bởi tình yêu bao trùm tất cả cuộc sống, tình yêu là tất cả.

Tóm lại, ân sủng nâng con người ra khỏi đại dương của sự hiểu biết để vươn lên đón nhận Đấng không thể hiểu thấu. Tình yêu làm cho người ta vượt qua giới hạn của lề luật và sợ hãi của tội để sống trong bình an và yêu thương. Đức tin dẫn con người vào hưởng hạnh phúc Thiên đàng, nơi họ được diện đối diện với Thiên Chúa, được thỏa lòng chiêm ngắm dung nhan Tình Yêu và Thánh Thiện Ngài.

2.3. Vượt qua ranh giới

Có một ranh giới cần phải vượt qua để đưa con người từ sự hiểu biết đến đời sống đạo đức; từ đạo đức đến kinh nghiệm thần bí là sự “bừng tỉnh thiêng liêng”, cũng được gọi là “cú nhảy của đức tin”.

Bởi lẽ đời sống thiêng liêng không chỉ là đời sống tôn giáo, biểu hiện qua sự hiểu biết và luật thờ phượng, hay đời sống đạo đức, biểu hiện qua việc giữ luật luân lý, đời sống thiêng liêng chính yếu là sự mở ra với Thiên Chúa và sống dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Như thế, chính việc căng mình ra đón nhận Thiên Chúa người ta mới thực hiện được sự bừng tỉnh thiêng liêng.

Ranh giới cần được xé thủng phía bên này đến từ sự tự do nội tâm của con người, nhưng quan trọng hơn từ phía bên kia là ý muốn của Thiên Chúa. Đức Giêsu, con người đã căng mình giữa trời và đất trong sự tự do trọn vẹn của con tim trao hiến theo ý Chúa Cha. Ngài đã xé toang ranh giới giữa vô biên và hữu hạn, giữa vĩnh cửu và thời gian, giữa Thiên Chúa và con người. Cũng nhờ cuộc hiến tế đó Đức Giêsu đã phá hủy mọi sự ràng buộc của “lề luật” và tội lỗi, xé nát đường biên tách biệt của sự thánh thiện, phá đổ nghi lễ thờ phượng hình thức nại vào lễ vật và nơi chốn. Ngài công bố cách thức thờ phượng đích thực trong tinh thần và sự thật. Ngài trao ban tình yêu và ân sủng, tự do và sự sống mới cho con người trong niềm vui cứu độ. Đó là điều mà nghi lễ và Lề Luật không thể làm được vì“Lề Luật chỉ phác hoạ lờ mờ những phúc lộc của thế giới tương lai, chứ không phản ánh chính xác những thực tại đó. Cho nên, Lề Luật không bao giờ có thể làm cho những người tiến lại gần Thiên Chúa được nên hoàn thiện”.[31] Và bao lâu người ta còn sống nại vào những nghi lễ hình thức, chăm chú giữ Luật vì sợ tội, người ta còn sợ hãi và bị kìm giữ bởi sức mạnh của tội, và không thể tiến lại gần Thiên Chúa để yêu mến Ngài. Cách tốt nhất để phá bỏ lối sống này là mở lòng ra đón nhận ân sủng, tình yêu và sự tự do của con cái Thiên Chúa.

Để vượt qua ranh giới, người ta cần đón nhận Chúa Giêsu và bước theo Ngài, sống niềm vui của người được cứu độ. Đó là thái độ của người buông mình để cho ân sủng Thiên Chúa tự do chiếm hữu và siêu thăng tâm trí. Ấy cũng là trạng thái xuất thần của thánh Têrêsa Avila khi chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu thương tích, hay là lúc ngất trí của thánh Gioan Thánh Giá ngày lễ Chúa Ba Ngôi, hoặc là “tiếng sét ái tình” của thánh Phaolô trên đường Đamát, cũng là phút giây tựa đầu vào lòng Chúa của thánh Gioan trong Bữa Tiệc Ly, và cũng sẽ là phút giây đắm mình trong Chúa, khi đón nhận Thánh Thể, khi nguyện cầu của mỗi ki-tô hữu. Cũng có khi Chúa đến và làm cho người ta bừng tỉnh sau cơn bệnh, hay qua các sự kiện, các biến cố trong đời, nêu điều cần là có tâm hồn nhạy cảm với ơn Chúa.

Những khoảnh khắc đó đem lại sự bừng tỉnh thiêng liêng, nó làm cho người ta vượt qua ranh giới của sự hiểu biết để đụng chạm đến Đấng không thể đạt thấu bởi trí tuệ con người. Kết quả của sự bừng tỉnh là người ta thực sự thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và Sự Thật.

(Còn tiếp)

- Trích trong tác phẩm "Đời sống thần bí Ki-tô giáo qua cảm nghiệm của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá" của Phêrô Tạ Văn Tuân.


0 nhận xét: