3. Yêu mến Đấng không thể đạt thấu
Khi con người đến gần Thiên Chúa, và tưởng rằng mình đang ôm ghì được Người trong mối thân tình thiết yếu nhất, lúc ấy họ mới hiểu rằng mối thân tình đang mời gọi họ còn cao xa và sâu kín hơn vô cùng. Vì càng gần Thiên Chúa người ta càng khám phá ra sự siêu việt tuyệt đối không thể vươn tới được. [32]
Vì không thể đạt thấu Thiên Chúa, nhưng khi người ta buông mình để cho Ngài chạm thấu thì bằng con tim người ta lại cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Ngài, sự hiện diện mạnh mẽ và gần gũi hơn cả mình ở trong mình. Đấng không thể đạt thấu chỉ có thể yêu mến mà thôi. Khi đến với Thiên Chúa bằng một tình yêu chân thành đã được tôi luyện trong thử thách, người ki-tô hữu sẽ biết Chúa bằng cách không biết. Chính Chúa biến đổi người ta nên giống Ngài, khi đó những gì người ta biết về Chúa là do được tham dự vào sự sống của Chúa. Cho nên nhờ yêu mến Đấng không thể đạt thấu, người ta có thể biết Thiên Chúa trong Thiên Chúa, đó là cách biết Thiên Chúa khi “là Thiên Chúa”.
3.1. Yêu mến Đấng Vô Hình
Yêu một người không gặp mặt đã là khó, yêu Đấng Vô Hình thì còn khó hơn gấp bội, thậm chí là không thể với những người chưa có đức tin. Cảm nghiệm thần bí của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá cho thấy rằng con người có thể không chỉ chiêm ngắm mà còn yêu mến Đấng Vô Hình với tình yêu của con người.
Với mầu nhiệm Nhập Thể, Đấng vô biên đã trở nên hữu hạn để cái hữu hạn đi vào vô biên. Đấng Vô Hình đã trở nên hữu hình để loài hữu hình được tham dự vào sự sống Vô Hình, nhờ đó mà yêu mến Đấng Vô Hình. Tuy nhiên, dù có thể cảm nhận sự chân thật của tình yêu ấy, nhưng nó vẫn luôn tối tăm với con người, nên lòng mến được kiện toàn nhờ lòng tin.
Như vậy, việc gắn bó trong lòng cách tối tăm với Đấng Vô Hình mới là nền tảng của tôn giáo thật, và là ngọn lửa tác động trên toàn bộ đời sống người ta.[33] Và nếu không ngừng đi vào thế giới vô hình nơi Thiên Chúa ngự, tất cả những khía cạnh khác của việc làm môn đệ Chúa Ki-tô sẽ thành vô vị.[34] Bởi Chúa Ki-tô là đường dẫn người ta đến Chúa Cha, Đấng Vô Hình.
3.2. Tình yêu không biên giới
Cảm nghiệm thần bí về tình yêu chân thật có đặc tính ngang hàng, và tình yêu như tình bạn của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá làm cho quan niệm về tình yêu vượt qua biên giới tưởng chừng như chỉ phù hợp trong tình yêu giữa con người với nhau, thì lại sáng đẹp hơn trong tình yêu giữa Thiên Chúa và con người.
Quả thật,“Thiên Chúa là tình yêu”,[35] và Ngài chẳng làm gì khác ngoài hành động yêu thương. Đối với Thiên Chúa yêu một người là đặt người đó ngang hàng với Ngài để yêu. Cảm nghiệm này cho phép người ta nói về một tình yêu không biên giới, đúng hơn là trong tình yêu mọi biên giới đều bị xóa bỏ.
Làm sao có thể kể hết những khoảng cách mà biên giới giữa Thiên Chúa và con người tạo ra : nó là vô biên và hiện hữu, là trời và đất, là Đấng sáng tạo và loài thụ tạo, là tuyệt đối và tương đối, là vĩnh cửu và thời gian, là toàn thiện và tội nhân, là Tất cả và hư không… Chẳng có trí tuệ nào dám dung hòa những khác biệt đó. Trong Đức Giêsu, điều con người còn không dám mơ đã trở thành hiện thực. Nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa đã tự hủy mình đi, Đấng vĩnh cửu đi vào thời gian, Đấng vô hạn trở nên hữu hạn, Đấng là Tất Cả trở thành thiếu thốn, Thiên Chúa đã thay đổi tất cả. Tình yêu Thiên Chúa đã xóa bỏ mọi khoảng cách, nối liền các biên cương, san bằng những vực thẳm nhờ một vực thẳm vô biên là tình yêu và lòng thương xót của Ngài. Không còn biên giới chỉ còn bên nhau, không còn khoảng cách vì được nối liền, không còn là hai vì đã nên một, không còn xa lạ mà là gần gũi, không còn sợ hãi, chỉ còn yêu thương. Thật là mầu nhiệm và cao cả!
3.3. Từ hữu hình đến vô hình
Con người tự bản chất là hữu thể có khả năng mở ra với vô biên. Cảm nghiệm thần bí cho phép người ta đón nhận những thực tại siêu nhiên vượt trên bình diện tự nhiên. Điều này phản ánh tính năng động của sự sống Thiên Chúa trong linh hồn và nơi vạn vật. Những hình ảnh hữu hình qua cảm nghiệm thần bí trở nên như cách thức thực sự mà ân sủng Thiên Chúa thông truyền xuống trên con người.[36]
Thánh Têrêsa Avila mô tả đời sống cầu nguyện như chăm sóc một thửa vườn. Với người làm vườn, điều quyết định cho cây sinh hoa kết trái là nước. Biết cách lấy nước và tưới nước sẽ quyết định hiệu quả cây trồng. Cũng vậy, trong đời sống cầu nguyện việc đón nhận ân sủng sẽ quyết định sự thăng tiến của đời sống tâm linh. Bốn cách lấy nước từ chủ động đi gần đến thụ động, tương ứng với tiến trình cầu nguyện.[37]
Trong tác phẩm Đường hoàn thiện, thánh nhân còn dùng thuật chơi cờ để diễn tả đức khiêm nhường, nền tảng thăng tiến đời sống tâm linh. Ngài ví sự khiêm nhường chiếm hữu được Thiên Chúa như sức mạnh của quân hậu trong bàn cờ vua.[38] Vì không có “bà hoàng” nào có sức thắng cho bằng đức khiêm nhường. Bởi đức khiêm nhường đã kéo Chúa từ trời xuống lòng Đức Trinh Nữ thế nào, thì nhờ nhân đức ấy người ta cũng kéo Người xuống lòng mình dễ như nhổ một sợi tóc.[39] Như thế, có thể nói nhờ khiêm nhường người ta chiếm ngay được Chúa, và ai sống khiêm nhường sẽ được Ngài nâng lên.[40]
Thánh Gioan Thánh Giá trong tác phẩm Đêm dày đã dùng hình ảnh mẹ con diễn tả cuộc thanh luyện trong đêm tối của Thiên Chúa.[41] Thông thường khi người ta đã cương quyết quay trở về phụng sự và yêu mến Thiên Chúa, Ngài sẽ chăm sóc họ, cho bú mớm về mặt tâm linh chẳng khác nào một bà mẹ đầy yêu thương xử sự với đứa con bé bỏng của mình : bà ấp ủ nó trong lòng, nuôi dưỡng nó bằng sữa ngọt ngào và thức ăn ngon mềm, đồng thời nâng niu bồng ẵm nó trên tay. Tuy nhiên, vừa khi đứa bé lớn lên hơn người mẹ liền thôi không nựng chiều vuốt ve, bà không còn tỏ ra dịu dàng âu yếm, bà bôi lô hội đắng trên núm vú của mình cho nó thôi bú, bà không còn bồng ẵm mà đặt nó xuống đất cho nó tập đi, để giúp nó lớn lên.
Cũng thế, ân sủng của Thiên Chúa tác động trong linh hồn như bà mẹ yêu thương. Sau khi cho linh hồn hồi sinh với lòng nhiệt thành hăng say phục vụ Ngài, Thiên Chúa ban những an ủi thiêng liêng như dòng sữa tâm linh thơm tho ngọt ngào, khiến linh hồn say sưa thích thú thực hành tâm linh. Nhưng để thanh luyện linh hồn và giúp nó “lớn lên”, Thiên Chúa rút những sự dịu ngọt tâm linh, như bà mẹ thôi không cho con bú và thay vào đó bà cho ăn thức ăn khô và rắn, Thiên Chúa cũng làm cho linh hồn có thời gian khô khan kéo dài trong cầu nguyện để thanh tẩy và làm cho nó mạnh sức. Điều đó chứng tỏ ân sủng Thiên Chúa chẳng khác nào người mẹ hiền âu yếm yêu thương con.
Hình ảnh mẹ con nói trên cho thấy sự chăm sóc ân cần của Thiên Chúa với con người, điều đó chứng tỏ thánh Gioan Thánh Giá đã cảm nghiệm được cả một dòng máu thần linh lưu chuyển trong tâm hồn.[42]
Còn một hình ảnh cũng sống động khác được thánh Gioan Thánh Giá dùng để mô tả các mầu nhiệm Đức Ki-tô, những phán quyết khôn ngoan của Thiên Chúa, những uy lực và những thuộc tính của Thiên Chúa, đó là quả lựu.[43] Trong quả lựu có nhiều hạt nhỏ, được tạo thành và nuôi dưỡng bên trong một lớp vỏ hình tròn, cũng thế, mỗi một phán quyết và uy lực của Thiên Chúa cũng chứa nơi chúng vô số những lớp lang kỳ diệu và những hiệu quả tuyệt vời.[44] Khi người ta ăn quả lựu, từ nhiều hạt trong quả lựu chỉ tuôn ra một thứ nước mà thôi, tương tự như vậy : tất cả những điều kỳ diệu và cao cả của Thiên Chúa cũng chỉ phát sinh một thứ hoa trái và hoan lạc tình yêu, là thức uống của Thánh Thần.[45]
Từ những hình ảnh hữu hình, bằng cảm nghiệm thần bí người ta như thấy Đấng vô hình đang hiện diện cách sống động trong con người và vạn vật. Tất nhiên, để thấy Đấng vô hình, người ta phải có tâm hồn trong sạch, vì:“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” (Mt 5, 8).
Tóm lại, điều được cảm nghiệm thì vượt qua sự hiểu biết của trí tuệ, và điều đón nhận trong ân sủng thì thuộc về tâm thức, nó là tiếng nói của con tim, vượt qua nghi lễ và đạo đức. Điều vĩ đại thuộc về bản chất người ki-tô hữu là chức vụ làm con Thiên Chúa. Nhờ hồng ân cao cả này, người ki-tô hữu được ân sủng Chúa khai mở ra với vĩnh cửu và luôn khao khát hợp nhất với Đấng là Vĩnh Cửu, từ đó họ sống trong niềm vui và hạnh phúc của người được chọn, được yêu thương. Trong cầu nguyện, chiêm ngắm những thực tại hữu hình, họ yêu mến Đấng Vô Hình, dù không thể đạt thấu bằng sự hiểu biết, nhưng bằng tình yêu người ta có thể biết Ngài bằng cách không biết, khi để cho ân sủng, tình yêu Ngài chiếm lấy.
Chiều kích huyền bí tạo nên cốt lõi tinh túy của một tôn giáo. Với Ki-tô giáo cảm nghiệm thần bí đưa tâm hồn con người lên với chính Thiên Chúa là cội nguồn và đích điểm của mình, và nơi ấy không còn gì nữa, chỉ có Ngài mà thôi.
(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm "Đời sống thần bí Ki-tô giáo qua cảm nghiệm của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá" của Phêrô Tạ Văn Tuân.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét