ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3
CHƯƠNG 24
NHỮNG ĐIỀU TỐT THUỘC CẢM TÍNH (tiếp theo)
5 - Vì thế, tôi muốn đưa ra đây một quy tắc giúp nhận biết khi nào các hoan lạc giác quan nói trên mang lại lợi ích và khi nào không. Nếu mỗi lần nghe một điệu nhạc, thấy những gì đẹp mắt, ngửi được mùi hương thơm dịu, nếm những vị lạ hoặc có được vuốt ve âu yếm tinh tế nào đó, mà ngay lập tức, ngay từ rung động đầu tiên lòng muốn đã hướng nhận thức và tâm tình lên Thiên Chúa, và nghiệm thấy chính nhận thức này đem lại thích thú hơn là cái nguyên nhân khả giác đã gây nên thích thú ấy, đồng thời thấy hương vị khả giác gây thích thú chỉ vì động cơ ấy, thì đúng là dấu hiệu cho thấy họ đang thu lượm được lợi ích từ những hoan lạc nói trên và ấn tượng khả giác đã giúp ích cho tâm linh. Trong trường hợp này, ta có thể sử dụng những yếu tố khả giác ấy bởi chúng phục vụ cho các mục đích mà vì đó Thiên Chúa đã tạo ra và ban chúng cho ta, tức là, nhờ chúng người ta được nhận biết và yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn.
Ở đây nên hiểu rằng những người rút được cái kết quả tâm linh tinh tuyền đang nói đây, thường không ao ước nó và cũng không bận tâm tới nó. Tuy nhiên khi nó xuất hiện, họ sẵn lòng tiếp nhận vì nó mang lại cho họ niềm hoan lạc nơi Thiên Chúa. Như thế, họ chẳng nhọc công tìm kiếm nó và nếu nó có xảy đến với họ, lòng muốn của họ lập tức để nó qua một bên và hướng về Thiên Chúa.
6 - Dù các “duyên cớ” khả giác này giúp họ đến với Thiên Chúa, những người ấy ít bận tâm đến chúng, vì tâm linh họ đã đạt tới chỗ mau mắn hướng mọi sự về Thiên Chúa. Họ đã bị cuốn hút, được nuôi dưỡng và được no thỏa bằng Thần khí Thiên Chúa, đến nỗi chẳng còn điều gì bên ngoài lôi cuốn được họ hoặc có thể khiến họ thèm khát. Nếu họ có ước ao điều gì để giúp họ nâng hồn lên với Thiên Chúa thì lập tức sau đó họ cũng gạt nó qua một bên, quên ngay, chẳng lưu tâm gì đến nữa.
Những ai không cảm nhận được sự tự do tâm linh như vậy đối với những sự vật và những thích thú khả giác nói trên, và để cho lòng muốn dừng lại tìm vui thỏa nơi chúng, nhất định chúng sẽ gây tác hại. Họ cần phải từ khước chúng. Mặc dầu theo lý mà xét, họ cũng muốn nhờ chúng giúp họ đến với Thiên Chúa nhưng chắc chắn chúng sẽ gây cản trở hơn là giúp đỡ bởi họ mê thích vui hưởng chúng dựa theo yếu tố khả giác, họ chỉ tìm sự thích thú hợp với khuynh hướng của họ, vì thế sẽ thiệt hại nhiều hơn lợi ích. Khi thấy mình bị sự mê thích những chuyện giải trí như thế thống trị, ta phải dẹp bỏ ngay, bởi sự mê thích ấy càng mạnh, ta càng bất toàn và yếu nhược.
7 - Vậy, trước bất cứ sự thích thú nào thuộc giác quan, dù là tình cờ dù là chủ tâm, người sống theo tâm linh chỉ được hưởng dụng nó vì Thiên Chúa bằng cách nâng sự vui thỏa của linh hồn lên cùng Ngài. Có thế, sự vui thỏa này mới trở thành hữu dụng, sinh ích và hoàn hảo. Cần nhớ rằng sự vui thỏa mà không kèm theo sự chối bỏ và hủy diệt như thế đối với mọi thú vui khác, dù nó liên can đến những điều có vẻ rất cao nhã, nó cũng chỉ là hão huyền, vô ích và ngăn cản không cho lòng muốn được nên một với Thiên Chúa.
Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét