ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3
CHƯƠNG 27
NIỀM VUI TỪ CÁC NHÂN ĐỨC (1) *
Chương này bàn về bản chất những điều tốt về mặt luân lý, tức là loại thứ tư, và về việc lòng muốn có thể được phép vui thỏa nơi những điều ấy cách nào.
1 - Loại điều tốt thứ tư có thể khiến cho lòng muốn vui thỏa là điều tốt về mặt luân lý. Những điều tốt về mặt luân lý ở đây được hiểu là các nhân đức và thói quen về mặt luân lý, việc tập luyện một nhân đức nào đó hay việc thực thi bác ái, việc tuân giữ luật Thiên Chúa, sự khôn ngoan ở đời và mọi sự tập luyện để có được bản tính và khuynh hướng tốt.
2 - Như thế, một khi đã được sở hữu và tập luyện, có lẽ những điều tốt về mặt luân lý này đáng cho lòng muốn vui thỏa hơn bất cứ loại nào trong ba loại nói trên. Người ta có thể vui thỏa về những điều tốt ấy vì một trong hai lý do sau đây hoặc do cả hai lý do hợp lại, hoặc vì các điều ấy vốn tốt lành hoặc vì chúng là phương thế mang lại điều tốt cho ta.
Chúng ta đã thấy rằng việc chiếm hữu ba loại điều tốt nói trên chẳng đáng để cho lòng muốn vui thỏa. Tự chúng, chúng chẳng có gì tốt lành, cũng chẳng mang lại điều tốt lành cho ai, bởi chúng rất dòn mỏng và chóng qua. Nói rõ hơn, chúng chỉ sinh ra nhiều đau đớn muộn phiền sầu não trong tâm trí. Mặc dù chúng cũng đáng để người ta vui thỏa đôi chút theo hướng thứ hai, tức là vì có thể vận dụng chúng để đến với Thiên Chúa, tuy nhiên chuyện này cũng rất bấp bênh, bởi như chúng ta thường thấy, chúng có thể gây thiệt hại hơn là lợi ích cho người sử dụng chúng.
Còn những điều tốt về mặt luân lý thì ngay với lý do thứ nhất, tức là bản chất chúng vốn tốt, chúng đã đáng cho người sở hữu chúng vui thỏa đôi chút, vì chúng đem lại an bình thư thái, lý trí được sử dụng trật tự và đúng đắn, mọi hoạt động ăn khớp với nhau. Xét về phương diện phàm nhân, người ta không thể đạt được điều gì tốt hơn chúng ở đời này.
3 - Nói theo góc độ nhân loại, các nhân đức tự chúng đáng được yêu mến và quí chuộng cho nên người ta có thể vui thỏa cách chính đáng vì mình sở hữu chúng. Người ta cũng có thể thực hành các nhân đức ấy, vì tự bản chất chúng vốn tốt và còn mang lại điều tốt cho người ta, cả trên bình diện nhân bản lẫn trần thế. Theo cách này và vì lẽ ấy, các triết gia, các hiền giả và lãnh chúa thời xưa đã quí chuộng, ca tụng và cố gắng sở hữu và thực hành các nhân đức. Vì còn là lương dân, họ tìm cách đạt được và thực hành các nhân đức chỉ vì những lợi ích vật chất, trần thế và tự nhiên mà họ biết các nhân đức sẽ đem lại cho họ. Dù vậy không những họ gặt hái được những điều tốt và tiếng tăm về mặt vật chất, mà còn được Thiên Chúa chúc lành, vì Ngài vốn yêu mến tất cả những gì là tốt lành, cả nơi những người bán khai và dân ngoại. Như lời trong sách Khôn Ngoan, Thiên Chúa là Đấng "chẳng hề ngăn cản bất cứ công việc lành nào" (Kn 7,2), Thiên Chúa ban cho họ được gia tăng tuổi thọ, danh dự, chủ quyền và bình an như Ngài đã từng làm cho dân Rôma vì dân này đã chấp hành luật lệ tốt. Chính Ngài đã qui phục hầu như toàn thể thế giới cho họ, trả cho họ phần thưởng vật chất vì những phong tục tốt của họ mặc dù, do còn chưa chịu tin Ngài, họ không thể lãnh phần thưởng đời đời.
Thiên Chúa rất yêu quí những điều tốt về mặt luân lý này nên Ngài rất mực hài lòng về Salômôn nguyên vì một việc ông xin Ngài ban cho ông được khôn ngoan để có thể giáo hóa dân chúng, cai trị họ cách công minh và dạy họ những phong tục tốt lành. Chính Thiên Chúa đã phán với Salômôn rằng bởi lẽ ông đã không xin Ngài ban của cải và danh dự, nhưng lại xin được ơn khôn ngoan vì mục đích trên, nên Ngài đã ban cho ông điều ấy và cả những thứ ông không xin Ngài, đến nỗi về điều này Salômôn vượt trội tất cả các vị vua trước và sau ông (x. 1V 3,11-53).
Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét