Thứ Tư, 4 tháng 9, 2024

Hành Trình Tâm Linh - Tiếng gọi thứ nhì (tiếp theo)




17. Phản ứng thế nào? Các phản ứng xấu

Trước tình thế này, tự nhiên ta phản ứng. Nhưng, trong thời gian đầu, phản ứng hiếm khi thích nghi và hợp thời. Ta bị bối rối. Và hơn thế nữa, thường là lúc đầu, ta không có lỗi về việc đang xảy ra. Ta đã làm điều mà ta tin rằng mình phải làm. Cha Voillaume nói: “Điều khiến ta hoang mang hơn nữa, đó là chúng ta càng quảng đại và trung thành với ân sủng thì con đường này càng tỏ ra bất khả thi đối với chúng ta!” Nói cách khác, quá khứ tâm linh của chúng ta, cho dù tốt đẹp đến đâu, vẫn chưa thích nghi được, chưa giúp cho chúng ta nhiều như chúng ta tưởng. Qua đó chúng ta thấy mình không có câu trả lời cho mọi thứ. Từ đó, có thể xảy ra nhiều loại phản ứng xấu.

17.1. Cám dỗ thỏa hiệp

Cha René Voilaulle đã diễn tả thật hoàn hảo về cơn cám dỗ thỏa hiệp này:

- Nguy cơ về độ bền đối với chúng ta, cũng như đối với mọi nghiệp vụ của con người, là nguy cơ bị hao mòn phần nào trong lý tưởng mà ta theo đuổi và trong nỗ lực mà ta cung ứng để thực hiện lý tưởng này, một sự hao mòn dẫn chúng ta đến việc tầm thường hóa sự thánh thiện. Cùng với thời gian và sự chín muồi của tuổi tác, xảy đến cơn cám dỗ thỏa hiệp giữa các đòi hỏi siêu nhiên của tình yêu của Chúa và các đòi hỏi của nhân cách trưởng thành của chúng ta. Mỗi năm lại thấy một số đông người hơn giữa chúng ta bước tới giai đoạn này của đời sống tâm linh, giai đoạn phải xảy ra một lần cuối cùng lựa chọn giữa Chúa Giêsu và thế gian, giữa sự anh hùng của đức ái hoặc sự tầm thường, giữa thập giá hoặc một tiện nghi nào đó, giữa sự thánh thiện hoặc một sự trung tín với việc cam kết trong đời tu. Chính cộng đoàn các Huynh đệ đoàn của Cha Foucauld cũng bước tới sự chín muồi này.

Điều này cũng đúng trong từng cam kết, phong trào hoặc cộng đoàn. Tôi có thể phục vụ, tôi có thể sống các cam kết vì đó là việc phải làm, nhưng tôi đánh mất ý nghĩa của nó. Tuy nhiên, một cách nào đó, điều này tiện giữ cho tôi tiếp tục, vì tôi đang được an toàn, tôi đang được giữ vững. Tôi ít tệ hơn những nơi khác. Tôi đang suy sụp, nhưng tôi vẫn sống. Hoặc ít nữa là tôi đang sống sót. Nhưng đừng có ai nói với tôi về sự triệt để nữa!

17.2. Chạy trốn

Một cách phản ứng xấu khác, cũng rất cổ điển, là chạy trốn. Từ thời Trung Cổ, người ta đã nhận ra rằng, đó là một cám dỗ nặng nề trong giai đoạn này của đời sống tâm linh. Ta không dám chạm trán đối đầu với vấn đề. Từ đó, ta chạy trốn nó. Để làm việc này, có rất nhiều cách tiến hành khá liên quan với nhau:

Chạy trốn trước: Tauler nói: “Vì không muốn cải tạo bản thân [người tu sỹ] muốn cải tạo tu viện, Anh ta phóng chiếu ra bên ngoài sự bất mãn mà anh cảm thấy khi đối diện với chính mình và anh làm tắc nghẽn lối vào tận nơi thâm sâu của linh hồn bởi những cải cách bên ngoài.” Nói cách khác: “Nếu tôi không ổn, đó là do lỗi của những người khác (hoặc của cộng đoàn). Tôi sẽ quan tâm đến họ để thay đổi điều ấy.” Tinh thần chỉ trích tái xuất hiện và phát triển, cái nhìn tích cực biến mất, ta nhanh chóng trở nên khó chịu, tuy nhiên ta thấy mình có rất nhiều lý do để biện minh, dù trong thực tế ta đang khép mình lại.

Chạy trốn về phía những hình thức mới của đời sống tâm linh. Điều này cũng khá cổ điển. “Sự tuôn đổ Thần Khí không đủ cho tôi, tôi muốn nhiều hơn nữa. Các hình thức thiêng liêng của cộng đoàn không đủ cho tôi, tôi đi kiếm những hình thức khác.” Các hiện tượng theo thị hiếu đương thời có thể tác động trong lãnh vực này, ngay cả trong nội bộ cộng đoàn. Người ta rất thỏa mãn vì đã tìm ra điều mới mẻ, thế nhưng ít lâu sau đó thì điều mới mẻ này cũng sẽ không đủ làm họ thỏa mãn.

Hoặc là chạy trốn khỏi lời cam kết, khỏi phong trào, khỏi cộng đoàn hoàn toàn.

Dĩ nhiên, điều đó không muốn nói rằng ta phải đứng im và không tìm kiếm ý Chúa được tỏ lộ và đổi mới. Nhưng khi ta cắt đứt sự hợp nhất thì có những vấn nạn nghiêm trọng được đặt ra cho chính bản thân.

17.3. Phong tỏa

- Một cách khác để phản ứng với khủng hoảng là bất động, tự phong tỏa trước sự xuất hiện của một bước đi mới trên con đường phát triển bản thân, cứ bám chặt lấy lối sống trước đó. Trên bình diện tâm lý, phản ứng này dẫn đến việc ngồi xổm trên các nguyên tắc, trốn đằng sau chúng để che dấu sự sợ hãi của mình. Trên bình diện tôn giáo, sự phong tỏa được thể hiện qua sự cứng rắn trong việc theo đuổi những thao luyện đạo đức trước đây.

Cuộc chạy trốn về phía các việc thực hành hình thức này có thể xảy ra như sau: “Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra với tôi, nên tôi bám lấy các cam kết của mình, ngay cả khi tôi không hiểu được ý nghĩa của chúng.” Thực ra, người ta cũng có ý tốt khi không thay đổi bao lâu họ không chắc rằng mình có phải làm như vậy chăng, thế nhưng họ cũng không buộc phải làm tê liệt bản thân như vậy.

Chắc hẳn ta có thể tìm thấy những cách phản ứng khác hoặc những cách thể hiện khác của các loại phản ứng đã nêu ra ở trên. Thí dụ giận dữ chẳng hạn, đôi khi đó chắc chắn là một dạng chạy trốn. Ngoài ra, ta cũng có thể kết hợp thêm nhiều dạng nữa, đồng thời hoặc kế tục nhau.

Dĩ nhiên, không phải mọi vấn đề mà các bậc tiền bối có thể biết được đều từ “tiếng gọi thứ nhì” mà ra. Cần liên kết với người đồng hành để thực hiện việc phân định. Nhưng nếu quan sát thấy các triệu chứng kể trên thì phải tự vấn về “tiếng gọi thứ nhì”.

(Còn tiếp)
Kinh Việt - Trầm Tĩnh Nguyện lược dịch và đánh thêm số đề mục từ tác phẩm "L’itinéraire de la vie spirituelle" của Bernard Peyrous.

0 nhận xét: