Một vài nhận xét
Rảo qua một lượt những học
thuyết trên, chúng ta nhận ra ai nấy đều tin vào một tiến trình nên thánh.
Nghĩa là chỉ có thể nên thánh dần dần, từng bước một. Và như thế, xem ra có thể
phác họa những bước tiến đó.
Bước tiến dễ được đồng hóa
với bậc thang tri nghiệm, nghĩa là huyền thức càng sâu, thì thánh thiện càng
cao. Và như thế, có gì giống quan điểm của Ấn giáo, Phật giáo. Với Ấn giáo, Phật
giáo, giải thoát là ở một huyền thức, Samâdhi. Chính Samâdhi cũng tiến từng nấc
một.
Nếu toàn thiện là một với
tri nghiệm ở đỉnh chót, thì hẳn chỉ kẻ chiêm chuyên nghiệp mới có khả năng nên
thánh, ít là nên thánh cao. Và như thế, các sứ giả Tin mừng, dù vì Chúa mà gian
khổ đến đâu, thậm chí liều thân nữa, sao có được may mắn đó? Thật "vô lý
chi thậm"!
Sau này, thần học có quan
tâm đến đạo đức thật, chứ không tri nghiệm suông. Có điều huyền thức vẫn được
đề cao, và đạo đức được thang bậc hóa theo lý, chứ chưa được trình bày theo
chuyển biến tâm lý thật sự.
Một khi sau này hai lược đồ
Tam đạo (Thanh-Minh-Hiệp) và Tam bộ (Khởi-Tiến-Thành) song hành với nhau trong
suy tư, người ta cũng đặt cận kề cả nghiệm tri lẫn đức hạnh. Có điều như trong
Tiên sa Avila và Yoan Thánh giá, nghiệm tri vẫn ở vị thế số một, nếu không nói
là độc tôn, trong khi đạo đức chỉ được trình bày trong liên đới với nó thôi.
Về đạo đức, người ta vẫn
nhấn vào đức Ái như Phaolô. Nếu đức Ái là quan trọng nhất, thì nên thánh phải
là vì Chúa hơn là vì chính sự lành thánh của mình. Theo kinh nghiệm, cả thánh
thiện bản thân và vinh quang của Chúa luôn đi đôi với nhau trong tâm ý. Thế
nhưng ở giai đoạn đầu, người ta khát khao nên thánh nhiều hơn, trong khi ở giai
đoạn cuối, người ta lại tìm Chúa, chứ nên thánh không còn là bận tâm chính nữa.
Nếu bước tiến là từ nên
thánh đến tìm Chúa, thì bước tiến ấy cũng là từ đạo đức đắc thủ (vertu acquise)
sang đạo đức thiên phú (vertu infuse). Nghĩa là hồi đầu, người ta tưởng như nên
thánh là nhờ cố gắng và trong khả năng của mình. Nhưng khi vào sâu rồi, người
ta mới cảm nhận sự bất lực để chỉ trông vào Chúa thôi. Cũng hồi đầu, người ta
mỏi tay kín nước giếng để tưới tẩm vườn cây thánh thiện, để cuối cùng, khu vườn
ấy được tưới quá tốt chỉ bằng những cơn mưa (Tiên Sa Avila dùng hình ảnh Tưới
để phân biệt bốn cấp suy chiêm, Xx. Tự Truyện, ch.11).
Ðắc thủ và thiên phú khác nhau bằng khoảng cách quá lớn, khoảng
cách giữa Người làm và Trời làm. Tu đức xưa nói đến Ðắc thủ và Thiên phú trong
chiêm niệm. Thiết tưởng nên nối dài hai chuyên tính sang cả hành động nữa, để
cuộc sống thành một dưới hai mặt chiêm và hành. Nghĩa là có toàn thiện thủ đắc
và toàn thiện thiên phú nó phải thiện toàn hơn hẳn. Và sự toàn thiện hai cấp
hay hai loại ấy diễn ra dưới hai mặt chiêm và hành, với sự nghiêng về hành cho
tông đồ, nghiêng về chiêm trong đan tu.
Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này ở chương 30.
Riêng về ý thức, dù trong
đời sống hành hay chiêm, bước tiến hẳn là từ nên thánh làm giàu sang nên thánh
làm nghèo. Bắt đầu, người ta lo ương trồng các đức và thu nhập ân sủng. Nhưng
rồi người ta sẽ hiểu ra: vấn đề chính là Vét rỗng, sao không còn tưởng mình Có
gì, Là gì nữa, mà CHẲNG ÐÁNG GÌ trước Chúa. Chỉ khi tôi bé lại tới số KHÔNG ấy,
Thần khí hết vướng vít mới có thể vào cuộc toàn phần, hầu biến tôi thành kiệt
tác phẩm.
Nói cho đúng ra, lúc khởi
đầu, không nên đi ngay vào con đường tin tưởng đến Buông mặc (abandon), vì nếu
bị hiểu sai, phó thác sẽ thành ỷ lại, khiến ta không cố công nên thánh, cố rèn
nhân cách, cố luyện sự tự chủ và đạo đức bản thân (vertu personnelle). Chờ khi
cố gắng đã quen, các đức đã có gì vưng vững, ta sẽ bớt dần phần mình để tăng
dần phần Chúa. Ðây là ý thức về sự bất lực và thiếu thốn để dễ buông mình trong
tay Chúa. Có thế, Chúa mới hành động nổi. Chứ cứ ỷ vào mình, tôi sẽ kiêu ngạo
lên, và cái Tôi quá lớn làm nghẽn lối của Chúa.
Cũng nên nhớ, trong tiến
trình nên thánh, quan trọng nhất là cái trớn đầu. Trớn yếu là của kẻ chỉ muốn
bớt tội và tránh địa ngục, khiến không thể tiến xa. Riêng kẻ, do sự thôi thúc
của ân sủng, muốn làm thánh và hiến thân hoàn toàn cho Chúa, chính kẻ ấy mới
trên đà nên thánh thật sự, và lược đồ dù Ba đường hay Ba bước cũng chỉ áp dụng
được cho họ mà thôi. Vâng, miễn là quyết định ban đầu ấy nghiêm túc và do thúc
đẩy của Thần khí, miễn là họ kiên trì, đi đúng lối và đủ thời gian, thì thế nào
rồi họ cũng qua minh đạo vào hiệp đạo.
Sau đây, chúng ta sẽ lần
lượt bàn giải và bàn giải mạch lạc về tiến trình nên thánh ở những mặt khác
nhau của nó. Thế nào cũng phải chia tiến trình ấy thành những giai đoạn, nhưng
nên hiểu rằng sự phân chia ấy chỉ mang tính chỉ dẫn (indicatif) thôi. Vì thật
ra, những gì nói đến trong mỗi giai đoạn cũng gặp phần nào trong các giai đoạn
kia nữa. Như thanh luyện chẳng hạn. Thêm vào đấy, sự "đốt giai đoạn"
có thể xảy ra: Một kẻ đang sống buông thả có thể bỗng nhiên được mang tới cao
đỉnh của chiêm, nhờ đó biến đổi hẳn, như Tiên sa Avila cho biết...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét