Thứ Hai, 9 tháng 9, 2024

Hành Trình Tâm Linh - Tiếng gọi thứ nhì (tiếp theo)





19. Hai lời chứng

19.1. Lời chứng của Chloé

Trong khi học đại học tôi đã gặp một cộng đoàn tu trì và tôi đã dâng hiến đời mình trong cộng đoàn này hơn hai mươi năm rồi. Việc này phù hợp với một cuộc gặp gỡ mạnh mẽ với Chúa, Đấng đã dẫn dắt tôi đến việc trao trọn đời mình trong gia đình mới này.

Tôi đã tiến bộ từng chút một, qua đời sống huynh đệ là nguồn mạch chữa lành cho tôi: tôi đã cảm thấy mình được yêu thương trong chính hiện trạng của mình! Rất nhanh sau đó, tôi đã đạt được một sự quân bình nhất định về mặt nhân bản và tâm linh cho phép tôi tiến tới và bảo đảm một vài trách nhiệm trong hội dòng. Vài năm trước, tôi đạt tới một điểm mà tôi cảm thấy mình được thỏa nguyện, Chúa là tất cả đối với tôi.

Thế rồi cuộc gặp gỡ, cách đây năm năm, là cơ hội làm cho một khuyết điểm sâu xa trong cảm tính của tôi lộ ra. Tôi như bắt đầu chìm xuống vực thẳm, và tôi đã sống trong sự dằn vặt nội tâm đến độ tôi thường tự vấn về sức khỏe thâm thần của mình. Tất cả các phản ứng mà tôi từng nghĩ rằng mình đã làm chủ từ hai mươi năm nay giờ vùng dậy: ganh tị, kiêu căng, háo danh, đóng kịch để lôi kéo sự quan tâm của người khác, tính khí thất thường, hờn dỗi, đó là chưa nói đến những nghi ngờ trái với đức tin... Tất cả điều đó đã dẫn tôi tới cơn khủng hoảng thời niên thiếu mà tận thâm sâu tôi chưa hề trải qua.

May thay, lúc đó Chúa ban cho tôi ơn được những anh em chung quanh chấp nhận, nâng đỡ, trợ giúp. Tôi đã nhanh chóng đưa ra ánh sáng nguyên nhân sâu xa gây ra vết thương của tôi (liên quan đến mẹ tôi) và được hưởng phúc nhờ lời cầu nguyện chữa lành.

Ngay sau giai đoạn này, Chúa đã cho phép tôi thay đổi nơi ở và làm việc để tới một nơi mà Mẹ Maria luôn hiện diện. Ở đó tôi thấy Mẹ lưu tâm đến tôi một cách đặc biệt, và tôi chắc chắn rằng từ đó, chính Mẹ dạy dỗ và xây dựng lại nội tâm của tôi.

Bây giờ, nhìn vào bên ngoài có thể khiến người ta tưởng rằng tôi đang thoái bộ so với đời sống tâm linh của tôi trước kia (một thí dụ nhỏ: trước đó tôi chỉ đọc các sách thiêng liêng, còn hiện nay tôi lại ngấu nghiến... Agatha Christie!) Nhưng ánh sáng của Chúa soi cho thấy rằng giai đoạn đau khổ mà tôi trải qua đã mang lại hoa trái:

- một cái nhìn trong sự thật về bản thân tôi. Tôi nhận thấy rằng trước đây tôi đã có nhiều ảo tưởng về chính mình. Giờ đây, như Têrêsa, tôi không còn ngạc nhiên khi khám phá ra những yếu đuối mới nơi bản thân. Đồng thời, tôi chấp nhận hiện trạng của mình một cách dễ dàng hơn. Đối với tôi dường như đó là con đường khiêm nhường đích thực;

- một sự cởi mở hơn với tha nhân, liên kết với cái nhìn bình an hơn về chính mình, và dễ quên đi bản thân cũng như dễ trao tặng bản thân;

- một sự bao dung hơn với tha nhân, là những người mà tôi được mang đến để thực thi lòng thương xót như Ngài đã xót thương tôi;

- một đức tin (và một đức ái) được lột bỏ khỏi mọi cậy dựa cảm thấy được: quyết định để đi đến cùng điều mà tôi tuyên xưng, ngay cả khi điều đó xem ra điên rồ đối với tôi;

- một tinh thần thực tế hơn.

Tôi tin rằng tất cả việc đó đều từ sự dạy dỗ của Mẹ Maria mà đến.

Chắc hẳn là tôi vẫn rất cần một cuộc hoán cải mới nữa. Nhưng tôi tin rằng Chúa sẽ hoàn thành công việc mà Ngài đã khởi sự, bởi vì Ngài đã khiến tôi vượt qua một giai đoạn quyết định, cho dù tôi đã sống cộng đoàn hai mươi năm rồi. Chính Ngài sẽ làm mọi sự: “Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành: Người sẽ thực hiện điều đó” (1Tx 5,24).

19.2. Lời chứng của Stéphane

Tôi là một thành viên của Cộng đoàn Emmanuel từ mười bảy năm nay. Ở đó, tôi đã tập làm các trách vụ khác nhau và, nếu nhìn lại, tôi tin rằng tôi có thể nói rằng mình đã tìm được nơi chốn hạnh phúc của mình sau một thời gian dài tìm kiếm. Tôi đã luôn rất hạnh phúc ở đó, và hôm nay tôi vẫn đang rất hạnh phúc. Đó là gia đình của tôi, là người thân của tôi.

Nói như vậy có nghĩa là tôi không hẳn rơi vào loại “khủng hoảng” theo nghĩa khủng hoảng niềm tin trong cộng đoàn. Tuy nhiên, tôi tin đó là một “tiếng gọi thứ nhì” đối với tôi. Việc ấy đã xảy ra như thế nào?

Trong quá khứ, tôi đã nỗ lức rất nhiều để xây dựng bản thân, và đời sống cộng đoàn đã giúp tôi rất nhiều trong việc này. Đã có một thời kỳ mà tôi có cảm tưởng, với ơn Chúa, mình biết rõ và làm chủ bản thân, mình hoạt động thành công và được nhìn nhận, đặc biệt trong lãnh vực tôn giáo, tóm lại, đó là một thời kỳ trưởng thành. Tôi cảm thấy tốt đẹp từ mọi mặt.

Rồi sau đó tôi đã khám phá ra tính dễ bị tổn thương. Trước hết là tính dễ bị tổn thương của tôi, qua một loạt các biến cố và các khám phá về chính mình. Tôi đã được Chúa che chở rất nhiều, tôi đã không phạm những lỗi nghiêm trọng. Nhưng tôi cũng đã hiểu ra một cách sâu xa rằng tôi đã rất có thể phạm các lỗi ấy. Đó là một khám phá gây hoang mang và đầy ấn tượng đối với tôi. Có những lúc, tôi đã không còn biết rõ mình là ai nữa. Bấy giờ tôi khám phá ra rằng tôi đã không dùng sức riêng của tôi để tự cứu lấy mình, nhưng tôi đã thật sự cần được cứu. Và chỉ nhờ ân sủng mà tôi đã được cứu. Tôi đã từng luôn hiểu biết và ngay cả được giảng dạy về điều này, nhưng trải nghiệm nó nơi chính con người mình lại là một chuyện khác! Như Têrêsa nhỏ, tôi cũng ngồi vào bàn của những người tội lỗi, và tôi vẫn còn ngồi đó.

Một khám phá khác là tính dễ bị tổn thương của anh em tôi. Tôi đã hiểu rằng ngay cả những nhân vật cứng cáp và được xây dựng vững vàng đi chăng nữa thì họ vẫn có những điểm mong manh dễ vỡ kín đáo mà một ngày kia có thể vùng dậy hoạt động. Chẳng ai là sắt thép cả.

Từ các khám phá này, chắc chắn tôi rút ra được một lòng khiêm nhượng lớn lao hơn và một tinh thần thực tế hơn. Nhờ tình yêu thương tế nhị và sự tín nhiệm của các anh chị em trong cộng đoàn, tôi đã có thể tiến lên và hội nhập những điều đó. Và rồi Chúa đã yêu cầu tôi đi xa hơn, yêu cầu tôi thưa với Ngài rằng tôi đã sẵn sàng trao tặng đời tôi cho anh em của tôi, nếu Ngài đòi hỏi. Ngài đã yêu cầu tôi chấp nhận ít nhất là vác lấy một phần Thánh giá, vì tình yêu đối với Ngài và đối với anh em tôi. Tôi đã hiểu rõ hơn rằng mình có một phần trách nhiệm về sự thánh thiện của cộng đoàn. Tôi không thể lùi bước trước sự cam kết nội tâm bao hàm trong việc này. Điều đó đã tạo cho tôi một động lực lớn hơn rất nhiều để phục vụ, và một sự tín nhiệm lớn hơn rất nhiều vào công trình của Chúa Thánh Thần giữa lòng cộng đoàn.

Hiện thời, tôi cảm thấy mình được kêu gọi để dâng hiến hơn nữa những vất vả, những khổ đau và những hoan lạc của mình. Tôi bắt đầu hiểu một cách mãnh liệt hơn rằng việc làm quan trọng nhất của tôi chính là cầu nguyện. Tôi phát hiện ra thêm một lần nữa tầm quan trọng chính yếu của việc ca tụng và thờ lạy. Tôi hiểu rằng tất cả đều xuất phát từ đời sống nội tâm của mình, từ mối thâm tình với một vị Thiên Chúa đang vẫy gọi tôi: “Hãy đến bên cạnh Ta”. Tôi cũng nhận được mối tình thân mới với Mẹ Maria. Và rồi, trong khi tôi đã luôn yêu thương các anh chị em của mình, tôi cũng nhận được, theo tuổi tác, một sự trìu mến dịu dàng hơn, cởi mở hơn đối với họ. Vâng, đối với tôi chữ “nhân từ” dường như rất đúng để miêu tả điều mà Chúa yêu cầu tôi và ban cho tôi để sống.

Tôi hoàn toàn ngạc nhiên khi sống điều đó. Tôi vẫn luôn sợ rằng mình sẽ già cỗi đi với tuổi tác. Nhưng điều đang xảy ra lại hoàn toàn trái ngược. Cám ơn Chúa!

+++

Hiểu biết Chúa, chính là yêu mến Ngài và đến gần Ngài với trái tim, nhưng còn hơn thế nữa, là để cho Ngài đến gần mình. Ngài quả thật đang đến gần chúng ta. Chúng ta được cứu độ chỉ thuần nhờ ân sủng chứ không do công đức của chúng ta, ban đầu, đó là nguyên nhân. Giờ đây, nhân danh chính lòng thương xót của mình, Chúa muốn chúng ta tiến xa hơn và sâu hơn.

“Tiếng gọi thứ nhì”, đó là sự trao tặng bản thân một cách miễn phí, nhưng đó cũng là ý thức về lý do mà mình trao tặng, hay đúng hơn là ý thức mình trao tặng vì ai và cho ai: vì Chúa, vì Hội thánh.

“Tiếng gọi thứ nhì”, đó rốt cùng chính là chấp nhận trở nên trong suốt, chấp nhận phó mình cho tha nhân, chấp nhận chia sẻ một cách đơn sơ hơn những gì đang làm chúng ta sống, trong sự tự do lớn hơn cả bên trong và bên ngoài.

“Tiếng gọi thứ nhì” là tiếng gọi về một đức ái lớn lao hơn. Thế giới của chúng ta không còn nhận biết Đức Kitô nữa. Chúng ta được kêu gọi làm chứng cho Ngài bằng đức ái mà chúng ta đang sống. Chúng ta chỉ có thể nhận đức ái đó từ chính Chúa Giêsu mà thôi, bằng cách xây dựng đời mình nhiều hơn nữa trên nền móng là chính Ngài bằng việc thờ lạy và lắng nghe Lời Ngài.

Chúng ta cũng đừng dập tắt trong mình tiếng gọi mới này của Thần Khí, tiếng gọi này cũng quan trọng như tiếng gọi mà chúng ta đã nghe được khi lần đầu tiên trải qua kinh nghiệm về sự tuôn đổ Thần Khí. Chúa Giêsu phải càng lúc càng chiếm nhiều vị trí hơn trong chúng ta. Sao cho đời ta thật sự được tổ chức lại xoay quanh Ngài. Sao cho Ngài trở thành trung tâm của đời ta. Hãy chấp nhận rằng chính Chúa Thánh Thần đến sở hữu con tim chúng ta, loại bỏ khỏi nó tất cả những gì không thích hợp, lấy đi tất cả những gì chúng ta đang tìm cách giữ lại, đặt các tư tưởng và hành động của riêng Ngài vào trong con tim không còn gì là của nó nữa. Hãy chấp nhận để Ngài lột bỏ chúng ta, nhưng cũng hãy chấp nhận để Ngài đổ đầy chúng ta bằng một sự sống mới mà chúng ta chưa hề biết, và ở đó Thiên Chúa nắm quyền lãnh đạo nhiều hơn: “Hỡi anh em, anh em là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên” (1Cr 3, 9-17).

Để kết thúc, phải nhớ rằng với Đức Trinh Nữ Maria, mọi sự trở nên chắc chắn hơn và tiến nhanh hơn. Chúng ta hãy dâng hiến chính mình cho “Má trên Trời của chúng ta”. Hãy áp tim chúng ta vào Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria. Đó chính là nơi chốn của chúng ta, và mọi sự sẽ đẹp đẽ hơn, dịu dàng hơn và mạnh mẽ hơn.

- Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, theo ý Chúa Cha và với quyền năng của Chúa Thánh Thần, Chúa đã ban sự sống cho thế gian qua cái chết của Chúa. Nguyện xin Mình và Máu Chúa giải thoát con khỏi tội lỗi và mọi sự dữ. Xin hãy giữ con trung thành với các lệnh Chúa truyền và giữ con đừng bao giờ lìa xa Chúa.

* Kinh nguyện của linh mục trong thánh lễ,
trước khi hiệp lễ.

. Kinh Việt - Trầm Tĩnh Nguyện lược dịch và đánh thêm số đề mục từ tác phẩm "L’itinéraire de la vie spirituelle" của Bernard Peyrous.
(Còn chương 9 & 10 chưa dịch)

0 nhận xét: