Hồn của tông vụ không phải là nguyện
cầu, như Dom Chautard nghĩ, nhưng là đức Ái. Ðức Ái Chúa Kytô là hồn sống duy
nhất cho cả Hành lẫn Chiêm.
Theo
thánh Tôma, "toàn thiện cốt yếu ở huấn lệnh Chúa, trong có lời khuyên
(Phúc Âm)... Nhưng cả lời khuyên lẫn huấn lệnh đều quy về đức Ái cả". Do
đó theo Gustave Thils, để đi vào tinh thần và ý nghĩ của lời khuyên Phúc Âm,
cần ghi tạc sống động vào lòng sự liên đới ấy của lời khuyên với đức Ái.
K.
Rahner cũng coi "toàn thiện Kytô giáo là ở sự hoàn thiện đức Ái
thôi". Ðức Ái ấy mở đồng thời về phía Thiên Chúa và loài người, nên rất
nhân bản, mà cũng hoàn toàn siêu nhiên, lại có tính cách chung và siêu thế. Do
tính cách chung và siêu thế, siêu nhiên, cũng như vì sự hoàn thiện đức Ái ở mặt
này, mà việc thanh luyện từ Trời phải thật gắt gao.
Tân Ước thích nhìn đức Ái dưới
dạng Agapê, nhưng Cựu Ước lại quen ngắm nó như một Erôs.
Thật ra, Yêu trong Hy ngữ có tới
ba động từ để chỉ: Fileô, Erômai và Agapaô. Người ta dùng Fileô cho những đối
tượng thanh cao, có khi trừu tượng, như Theo-filos, kẻ yêu Thiên Chúa; như
filo-sofia, sự yêu đại trí, tức triết học. Người ta dành Erômai khi nói đến
những mối tình say đắm, tình lứa đôi. Còn Agapaô là yêu vị tha và cao thượng,
hợp với cách thẩm định của lý trí, như giữa cha con với nhau, một thứ yêu
chuộng (estime). Có lẽ Fileô thì không đủ, còn Erôs trong thực tế lại quá
nghiêng về nhục dục và chiếm hữu, nên để khỏi hiểu lầm, các tông đồ và giáo phụ
đầu tiên cố tránh từ ngữ đó. Thế nhưng các huyền nghiệm nhân sau này, nhất là ở
phái nữ, hình như không thể diễn tả hết sự thân mật trong kinh nghiệm mà lại
không nhờ đến ý tưởng Erôs.
Ðức Ái của giai đoạn đầu, giai
đoạn Minh minh đức (illuminativa), dù ảnh hưởng mạnh đến đâu, cũng chỉ làm nên
những Vượng cảm (consolation) với độ cồn quá yếu. Ðể nồng thành men say, ngọt
thành mật vị (gout, theo tiếng gọi của Tiên Sa), mật trấp (nước mật), thì đức
Ái thiên phú phải trực tiếp vào cuộc. Có điều vì nó là một thứ mật và lửa mới
mẻ, mà cảm năng lại chưa quen, nên không cảm nhận chi hết. Nếu trong Chiêm, thì
đây là Ðêm tối; nếu trong Hành, hẳn đây là Ðơn lạnh. Ðêm tối và Ðơn lạnh sẽ
giúp khiếu năng tri và cảm cai sữa và lọc trong, nhờ đó đức Ái thiên phú có thể
nổi hẳn lên và làm chủ cuộc sống.
Khi Thần Khí đã làm chủ cảm tính
(và ý chí) hoàn toàn bằng Tín-Vọng-Ái thiên phú, thì cảm tính hết còn gây nguy
hiểm, khiến hành giả có thể yêu thương tự nhiên, khi mà nước tự nhiên ấy đã hòa
tan trong sông biển của siêu nhiên rồi:
Như thế, đức Ái thiên phú không
hề đối lập với tình yêu tự nhiên. Khi nó đã chiếm hữu hoàn toàn cảm tính rồi,
thì hòa tan trong siêu nhiên, tình yêu (tự nhiên) sẽ bội tăng sức mạnh.
Bước tiến của đức Ái đi từ thủ
đắc sang thiên phú. Tới thiên phú, thì đó là huyền nghiệm. Ðến lượt huyền
nghiệm đức Ái cũng tiến nữa, và tiến từ nông sang sâu. Kịp đến khi đạt hết
chiều sâu, thì như trong chiêm, nó lại tràn ra hết bề mặt, để không còn phân
biệt giữa trong với ngoài, giữa tự nhiên với thiên phú, cũng như giữa yêu Chúa
với yêu anh (chị) em. Ðây là Hôn nhân thiêng liêng, và đường tiến tới cao điểm
ấy có thể là chiêm hay hành cũng được.
Ở trên, chúng ta đã đặt ra hai
mốc chính của tiến trình đức Ái: mốc thủ đắc và mốc thiên phú, mốc chủ động và
mốc thụ động.
Nếu xét về hiệu quả ở đức hạnh,
cũng được phác họa nhiều thứ tiến trình khác, của đức Ái minh nhiên hay mặc
nhiên. Thánh I nhã chẳng hạn nói đến Ba hạng người và Ba cấp khiêm nhường. Ở Ba
hạng người, thì cao nhất là kẻ siêu thoát, chỉ muốn điều Chúa muốn thôi. Ở Ba
cấp khiêm nhường, thì siêu thoát lại ở hạng hai, còn chỗ cao nhất dành cho kẻ
vượt trên bất thiên, đã chọn nghèo túng và sỉ nhục để nên giống hoàn toàn với
Chúa của lòng mình.
Yoan Thánh Giá trình bày một
thang cấp khác, thang muời bậc, nó chi tiết hơn:
-- cấp
dưới cùng: không thiết chi ngoài Chúa.
-- cấp
hai: khắc khoải kiếm tìm một mình Chúa.
-- cấp
ba: thấy Chúa thánh thiện đến nỗi, bất cứ gì tôi làm, tôi cũng thấy bất xứng
cả.
-- cấp
bốn: yêu mạnh đến nỗi muốn làm bất cứ gì có thể vui lòng Chúa, chứ không nghĩ
đến mình.
-- cấp
năm: khát Chúa đến nỗi như không đợi chờ nổi.
-- cấp
sáu: tình yêu rất thanh khiết và phát triển đến nỗi ta tiến rất lẹ, bay rất
nhanh.
-- cấp
bảy: đức Ái mạnh đến nỗi vượt trên mọi toan tính, khiến hành giả lớn mật, bạo
gan, chẳng gì mà không dám làm vì Chúa.
-- cấp
tám: thuộc về kẻ đã tìm thấy cái mình thiết tha ao ước, nên an thỏa hoàn toàn
(trong Ðấng lòng mình yêu). Tình trạng ấy, trong giai đoạn tám này, chỉ đạt
được từng lúc và trong thoáng chốc thôi.
-- cấp
chín: đã được thanh lọc thuần khiết và cảm nhận Chúa có mặt thường hằng, nên
lửa dù bốc rất cao, mà lửa ấy vẫn êm dịu, ngọt ngào. Hẳn đây là Hôn nhân thiêng
liêng, chỗ mà chiêm và hành không còn khoảng cách, chỗ mà từ đó sang vĩnh phúc
chỉ còn một bước thôi, lúc cuộc sống chấm dứt rồi.
-- cấp
mười: chỉ đạt ở thiên quốc, chỗ mà hồn thấy Chúa trực diện bằng cái nhìn trong
suốt, cái nhìn nó biến hồn nên giống Chúa như in.
Ðức Ái thập cấp của Yoan Thánh
Giá đúng là đức Ái của chiêm nhân. Quả là ở vài giai đoạn giữa và cuối, nó có
thúc bách hành động đấy, nhưng hành động mới được coi như hậu quả của chiêm lại
chưa đủ nhấn mạnh, cũng như yêu người chưa được nối liền ngay với yêu Chúa. Cho
nên, để tạo thế quân bình giữa hành và chiêm, phải đưa yêu người và tiếng gọi
lên đường vào buổi gặp Chúa đầu tiên. Vâng, tiếng gọi của Chúa luôn là tiếng
gọi lên đường lưỡng diện: tìm Chúa ở nội tâm và tìm hạnh phúc của loài người.
Ngay lúc gặp Phêrô trong mẻ cá thứ nhất, Chúa đã hứa: Ta sẽ biến anh thành ngư
phủ kéo cá người! Và khi gặp lại các tông đồ sau Phục Sinh, Chúa sai họ đi
giảng và làm phép Rửa. Vâng, sự gặp gỡ Chúa luôn đi đôi với tiếng gọi lên
đường.
Thế nhưng, vì người ta có những
khả năng và khuynh hướng rất khác nhau, nên Chúa có thể mời một số người vào
con đường tu ẩn. Có điều dù tu ẩn, họ vẫn phải tham gia vào sứ mệnh mở Nước
Cha, tham gia bằng hy sinh cũng như cầu nguyện. Như thế, người ta có thể mở
Nước Cha và nên thánh hoặc bằng con đường Hành, hoặc bằng con đường Chiêm. Kẻ
đi con đường Chiêm và Xuất thế trình bầy bộ mặt cánh chung và siêu thế của Ðạo.
Còn kẻ đi con đường Hành và Nhập thế thì làm chứng cho việc Nhập Thể của Ngôi
Lời. Hai con đường và hai loại người có thể bổ túc cho nhau vì ý nghĩa kép ấy
của Nước Chúa nhờ vào nhất tính của Hội Thánh huyền thân Chúa Kytô.
Dù Chiêm hay Hành, nếu nên thánh
thì bước tiến vẫn là từ đức hạnh thủ đắc sang đức hạnh thiên phú, do đó huyền
nghiệm là cần. Huyền nghiệm chẳng qua là biểu hiện của đức thiên phú khi nó vào
cuộc thẳng với cuộc sống chúng ta. Vâng, chỉ có Tín-Vọng-Ái thiên phú mới đủ
sức làm những thanh lọc cuối cùng và đưa đức hạnh đến đỉnh cao của nó. Vả cũng
chính sự vào cuộc trực tiếp của thiên phú mới chuyển hẳn cuộc sống và công việc
sang cho đầu tầu Thần Khí, nhờ đó hoàn tất sự Thuận Thiên của chúng ta. Có điều
ý thức về huyền nghiệm (huyền nghiệm ánh sáng trong chiêm) không phải là cần.
Một huyền nghiệm phảng phất vì tiềm ẩn trong cuộc sống và hành động mới là điều
không thể thiếu cho sự hoàn thành thánh thiện nơi chúng ta.
Huyền nghiệm là sự vào cuộc trực
tiếp của các đức thiên phú chúng đến thanh lọc tận căn và đốt nóng đến độ chót.
Bởi thế, huyền nghiệm rất cần để ta nên thánh, nhất là thánh cao. Thế thì làm
sao để nên thánh, nhất là thánh cao, những con người suốt đời bôn ba vì Nước
Chúa, không có nhiều giờ chuyên chiêm được? Vậy hẳn phải có một thứ huyền
nghiệm khác cho hành nhân, huyền nghiệm ấy hẳn không sáng lên được như trong
chiêm, do đó mà gần như không có nghiệm tri, không được ý thức.
Nếu huyền nghiệm trong chiêm
thiên về sáng và tác động đến các khiếu năng tri thức, thì huyền nghiệm trong
hành hẳn nghiêng về nóng và xâm chiếm đến cảm tính và ý chí thôi, nên đương sự
gần như không thấy chi, mà hành động cũng không hề bị cản trở.
Nếu trong chiêm, ánh sáng mới làm
khiếu năng không quen mà thấy tối, thì trong hành, lửa mới do không quen mà cảm
tính cũng thấy đơn côi, vắng lạnh. Ðây là lúc Tín-Vọng-Ái thiên phú bắt đầu vào
cuộc, sẽ thay chỗ dần cho các đức đắc thủ vốn yếu ớt, khiến từ đây cuộc sống và
hành động sẽ do Thần Khí làm chủ hoàn toàn.
Tùy theo độ sâu của tác động đức
Ái-Vọng thiên phú mà có những biểu hiện trong đức hạnh khác nhau, chúng nói lên
những cấp bậc khác nhau của thánh thiện. Cấp cao nhất sẽ là một với Hôn nhân
thiêng liêng, điểm hẹn cho cả Chiêm lẫn Hành.
Nguồn: https://vntaiwan.catholic.org.tw/syquy/thlieng.htm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét