Trong đêm tối, không phải chỉ có
tối. Theo kinh nghiệm và hiểu biết của Yoan Thánh giá, thì vì chói bằng ánh
sáng quá sáng lại chưa quen, nên lóa mắt người ta chẳng thấy gì. Vâng, đây là
khởi đầu của một ánh sáng và sức nóng mới. Ta ngỡ ngàng vì không còn cảm nhận
chi (bằng những khiếu năng thường), nhưng giữa tối tăm ấy vẫn có một hiểu biết
(và yêu thương) nào đó thấp thoáng ở bề sâu.
Vậy đêm tối là một cái gì tích
cực, với chức năng kép là sáng soi và thanh tẩy. Ðây là thanh luyện luân lý nó
thiêu hủy thói xấu và tự ái. Ðây là thanh luyện tâm lý nó lấy đi chỗ dựa là
những khiếu năng quen thuộc, là sản phẩm của chúng (như ảnh tượng, ý tưởng...)
cùng tập quán tri cảm cũ xưa.
Ðêm tối có hai cấp, cũng là hai
giai đoạn, với đêm tối giác cảm (nuit des sens) là cửa vào và đêm tối tinh thần
(nuit de l'esprit) là cửa ra. Vì thế, nói đến tiến trình huyền nghiệm, không
thể không nói đến những đoạn đường hầm phải qua là các cấp loại đêm tối ấy.
- Ðêm tối giác cảm
Sau lâu năm chuyên cần suy niệm,
tới giai đoạn nào đó, chỉ cần một ý tưởng thôi, đủ cho anh sốt sắng hằng giờ:
anh đã đạt chiêm hưởng thủ đắc (contemplation active, acquise) rồi đó. Ðể từ
chiêm này chuyển sang chiêm thiên phú hay thụ động (contemplation infuse,
passive), Chúa phải dẫn anh qua Ðêm tối giác cảm nó thanh luyện anh cả về mặt luân
lý lẫn tâm lý, trong khi bắt đầu phú cho anh một thứ nghiệm tri mới từ trong đi
ra.
Ðây là lúc hồn không thể nhiều ý
nhiều lời trong quan hệ với Chúa nữa. Hồn không thể hành ý (discourir) vì cảm
thấy chán ngán, khô khan. Tệ hơn nữa, còn gặp cám dỗ về đức tin và nhục dục.
Ðêm tối giác cảm đã là bắt đầu
huyền nghiệm, chỗ mà hẳn Tiên sa đã gọi bằng tên An tĩnh khô khan (quiétude
aride) nó dẫn vào An tĩnh dịu êm (quiétude suave). Một thứ tia hồng ngoại nó
vượt qua ngưỡng (seuil) nghe và cảm, khiến sáng quá thành tối, nóng quá thành
lạnh đối với ta.
Ðây là thứ khô khan khác hẳn
những khô khan bình thường, do tình trạng tâm sinh hay do lầm lỗi. Nếu do tình
trạng tâm sinh, thì trạng thái ấy qua rồi, sốt sắng hẳn trở lại ngay, và ta suy
niệm dễ. Nếu do thiếu cố gắng, từ chối hy sinh, tìm ý mình hay lỡ chân sa ngã,
thì tuy ngại đến với Chúa, người ta chẳng ngại đến với thụ tạo đâu. Bởi thế,
sau đây là dấu hiệu của kẻ gặp đêm tối thực: Tuy không thể suy niệm nhưng họ
kiên trì trong cầu nguyện, lại ưa thanh vắng, lo phiền lòng Chúa, và chẳng
thiết tha sự đời. Bởi thế, họ rất khổ vì khô. Khô đây không phải là không yêu,
mà khát yêu (soif d'amour). Sự khát yêu hay "lo hoảng vì yêu"
(angoisse d'amour) ấy xuất hiện đôi phen vào lúc không hiểu tự đâu lòng bỗng bốc
lửa bằng một thứ lửa dị kỳ. Và lửa ấy có thể phụt lên từng chập, như tia bắn
vậy (angoisse d'amour d'inflammation).
Ðêm tối giác cảm là thuốc cai sữa
nó giúp ta bỏ dần thức ăn trẻ nít, và đây là sự thích ngọt, quen lấy tình cảm
làm thước đo thánh thiện. Vụ vào tình cảm mà tình cảm lại gần gũi với cảm giác,
người ta dễ bị quỷ đội lốt thần lành đến dẫn ta qua thứ đạo đức ướt át thoái
dần về phía nhục dục chả hạn lúc nào không hay. Lại nữa, lính mới trên đường
tiến đức cũng là kẻ mang nhiều ở ba lô sau lưng những tự mãn, tự phụ và tự ái,
mà đêm tối phải đến tiêu hủy bằng cách lột trần hết cho hồn thấy rõ sự khốn
cùng và bất lực của mình.
Vậy trong giai đoạn Ðêm tối giác
cảm hay An tĩnh khô khan ấy, hãy cố đi vào khiêm nhường và đơn sơ phó thác.
Ðừng ham hành ý (discourir) nữa, mà bằng lòng với thứ chiêm ngưỡng thuần túy
(contemplation pure) hay chiêm ngưỡng dường như không đối tượng, để nhìn bằng
thứ "nhìn suông" (regard simple), như không thấy Chúa đâu. Một cách
đơn sơ nữa, hãy yêu Chúa vì Chúa, chứ đừng vì an ủi, cũng đừng theo thói
"tham ăn thiêng liêng", cố tích góp thật nhiều, hết việc lành này đến
công lao khác. Trong lúc ấy, nhờ ánh sáng không sáng và lửa không nóng, Chúa sẽ
làm việc ở bề sâu vô thức anh, đốt cho các tật xấu và trở lực tâm lý héo khô đi
tự gốc. Tâm hồn anh nhờ vậy cũng trở nên trầm tĩnh và đạt tới niềm an định sâu
xa.
- Ðêm tối tinh thần
Ðêm tối tinh thần diễn ra ở độ
sâu nhất của nội tâm, ở chỗ gọi là Thần (noũs, buddhi), chỗ mà tri nghiệm không
còn phân ly với yêu thương, nhưng vì hết thảy xuất phát từ trong, nên khác lạ
với thức tri và cảm ở bề mặt ý thức. Ðây là thứ ánh sáng thuần túy, không có
bụi trần phản chiếu, nên không cho nhìn thấy gì. Ðây cũng là tình yêu không làm
rung dây đàn xác thịt, nên cũng không cho cảm thấy chi. Không rung lên ở dây
đàn tâm sinh tự nhiên, nên yêu không bốc lửa (inflammation) như đôi phen trong
đêm tối giác cảm, do đó không có yêu say đắm (passionné), mà chỉ có yêu ưa
chuộng (estimatif), yêu theo đánh giá của tinh thần. Do nghiệm định và đánh giá
ấy mà có đói khát dù không cảm đói khát, bởi thế sinh lo hoảng vì yêu, lo sợ
mất Chúa, tưởng như bị Ngài bỏ. Cũng thì lo hoảng vì yêu như ở đêm tối giác
cảm, nhưng lại diễn ra ở độ sâu nền tảng, nên đớn đau ghê gớm.
Ðây là đêm đầy ánh sáng, lạnh đầy
sức nóng, nhưng sáng có thể dồi dào hơn nóng (nghiêng về hiểu) hoặc ngược lại
(nghiêng về tiếp xúc trong yêu). Sáng đây là thứ sáng khác, thứ trực tri bằng
"cảm thức thần linh". Tia sáng này phát ra từ mặt trời bên trong,
"tia sáng của tối tăm" theo cách gọi của thánh Denys. Nóng đây cũng
là nóng ở độ sâu vô cảm, nên hủy thiêu đến rễ, nạo vét đến đáy, đến xương,
khiến hấp hối trong một thứ đau không hiểu nổi. Y như lửa nó vừa soi sáng, vừa
đốt củi cháy đen. Có gì như lao mình vào tay đấng mình yêu, mà lại bị đấng ấy
cự tuyệt, đánh bật ra khỏi Ngài. Thử tưởng tượng cú sốc!
Ánh sáng và tình yêu này diễn ra
tận đáy linh hồn, chỗ chỉ có một mình Chúa tiếp xúc và tiếp xúc thẳng với tôi,
như "từ gốc tới gốc" (substance à substance), khiến Satan không bén
mảng tới được, mà chỉ có thể khuấy phá gián tiếp từ ngoài, ở lớp giác cảm và
hình tưởng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét