Thứ Năm, 17 tháng 10, 2024

Thần học thiêng liêng (tiếp theo)

 



Hoàn hiệp (union pleine)

Trong giai đoạn trước, lý trí, trí nhớ và trí tưởng còn hoạt động được. Ðôi phen, một trong ba bị hút, nhưng chỉ giây lát thôi. Hoàn hiệp bắt đầu khi các khiếu năng ngủ hết, mà ngủ không hoàn toàn. Hoàn hiệp chỉ diễn ra chừng nửa giờ chi đó, nhưng đã ở trên đường dẫn tới Ðính hôn (xuất thần), rồi Hôn nhân thiêng liêng.

Nói ngủ (sommeil des puissances) như Tiên sa, cốt là để chỉ thứ tĩnh lặng của các khiếu năng đang bị hút vào Chúa, ở bề sâu của hồn. Chúng như ngưng hoạt động, không để ý đến đời phía ngoài và mình phía trong. Lý trí đôi khi cựa quậy, tìm xem cái gì đang diễn ra mà kỳ diệu thế, nhưng rồi chẳng hiểu, nó lại nằm im. Có thể xem như yêu đấy, mà chẳng rõ yêu gì và yêu cách nào. Vâng, khiếu năng gần như im lặng với tất cả, trừ Chúa. Xác do đó bị ảnh hưởng: chân tay không cử động và đời sống thực vật chậm lại, dù chưa có xuất thần.

Tuy hoàn hiệp diễn ra chừng nửa giờ, nhưng tỉnh lại thì dường như mới bắt đầu thôi, bởi ý thức thời gian đã mất. Tỉnh rồi thì biết rõ mình vừa ở nơi Chúa. Cảm nhận tuy không rõ nét, nhưng ấn tượng rất sâu, đến nỗi không thể mờ phai theo chiều dài năm tháng.

Ðây là sức hút rất mạnh của Chúa từ bên trong, mạnh hơn ở giai đoạn trước rất nhiều, nên vị ngọt cũng ngọt lịm khác xa trong An tĩnh. Cả niềm xác tín về Hiện diện cũng thật lớn lao. Sự kết hợp với Chúa gần như đã trọn vẹn, với kèm theo một an định sâu xa.

Con người luân lý vì thế đổi lốt hoàn toàn, tới mức kỳ diệu. Lửa Ái nung nấu khiến anh phải gào lên trong tán tụng bằng những lời bi bô, không thứ tự nào cả (Có gì giống như lời chúc tụng bằng ơn dị ngữ trong buổi họp Thánh Linh), trong khi lòng cũng khát mong cho mọi người tán tụng theo như thế. Yêu Chúa, anh rất quảng đại trong hy sinh, sẵn sàng chịu điêu đứng vì Chúa, dù cái chết hay hỏa ngục, sẵn sàng làm những gì khó nhất để tôn vinh Chúa, dù phải đảo lộn thế giới này. Nghĩ đến tội lỗi người đời, anh như đứt từng khúc ruột và muốn xả thân cứu vớt.

Trong hoàn hiệp, trí năng như ngủ hoàn toàn. Tuy chẳng hiểu gì, nhưng hành giả lại hiểu rất nhiều chỉ trong tích tắc bằng thứ trực giác đầy bề sâu nó mang đến một cái biết "không chính xác rõ ràng" kiểu Descartes, nhưng lại vượt xa mọi thứ biết trước đây. Do trực giác, cũng là nghiệm giác ấy, những chân lý trừu tượng quen thuộc như "Có Thiên Chúa", "Chúa có khắp chốn", "Tôi đến từ hư không" nay bỗng thành hiển nhiên, cụ thể vô cùng.

Ở giai đoạn An tĩnh, chiêm hành vẫn còn phân cách. Sau Hoàn hiệp, chị bắt đầu hành động với sự có mặt cảm thấy của Chúa. Dẫu sao, hơi hướm Chúa từ chiêm ra đã mờ nhạt phần nào. Cả yêu người cũng chưa thành một hẳn với yêu Chúa đâu. Trong hành động, Chúa vẫn còn khoảng cách nào đó như vậy, khiến cho Satan vẫn quanh quẩn đâu đây, và sự cảnh giác cần được duy trì. Trong giai đoạn này, Satan thường xuất hiện dưới lốt thần lành để đưa anh xa dần ý Chúa và gần lại ý anh. Vậy thái độ cần cho anh là luôn trông chờ "cho ý Cha thực hiện" !

Xuất thần hay Ðính hôn

Sức hút có thể tăng cường độ đến nỗi các khiếu năng bị xâm chiếm hết, rồi cảm giác cũng cuốn theo. Ðây là trời mưa, nên xảy ra vào lúc tôi không ngờ, mà cũng không cưỡng lại nổi.

Hồi đầu, chỉ có xuất thần sau lâu giờ cầu nguyện. Sau này, chỉ cần một ý tưởng thôi, là đủ bốc thần lên khỏi xác. Hồi đầu, xuất thần diễn ra từng đợt ngắn liên tiếp. Về sau, nó có thể kéo dài một hơi suốt cả ngày.

Cũng hồi đầu, khiếu năng đôi lúc còn cựa quậy; chứ sau đó, chúng an giấc hẳn, cả giác quan cũng thế luôn. Nhìn từ ngoài, xem như đương sự ngất xỉu. Có điều nếu ngất xỉu, thì khiếu năng tắt mạch, mà giác quan cũng ngưng tiếp xúc với thế giới. Chứ đằng này, tất cả chỉ bị hút mạnh về phía trong, đến nỗi quên hết thảy. Một đôi khi, như trong trường hợp Phan Sinh nghèo và Catarina Siena, đương sự có thể xướng lên mạc khải để người ngoài ghi chép.

Trong Tự truyện, dù nói đến ba chữ Xuất thần, Ðoạt thần và Phi thần, Tiên sa cho rằng chỉ có một hiện tượng (dưới ba danh hiệu ấy) thôi. Nhưng theo diễn tả trong Lâu đài, thì có vẻ đây là ba tiểu cấp khác nhau của Xuất thần, mà bước một là Xuất thần đơn.

Với Xuất thần đơn (extase simple), việc "lịm đi" diễn ra từ từ, với cảm nhận đau khổ vô song, mà cũng sung sướng vô ngần. Trong giai đoạn này, huyền ngôn (paroles surnaturelles) và mạc khải dễ xảy ra.

Việc xâm chiếm sẽ mạnh như gió cuốn, đại bàng xớt mồi, khi tới cấp Ðoạt thần (rapt, ravissement). Cảm giác như ngưng tắt khi ấy, bởi nếu cảm giác còn hoạt động bình thường, thì ắt xác chết mất do không chịu nổi.

Khi Ðoạt thần quá mạnh, đến nỗi thấy như hồn lìa khỏi xác, đất sụt dưới chân, thì đó là Phi thần (vol d'esprit). Trong Phi thần, xác thường được nâng lên khỏi đất.

Trong Ðoạt thần hay Phi thần, tình yêu có thể phụt lên thành tên lửa xuyên suốt, chỉ trong nháy mắt thôi, mà đau không gì sánh nổi, sướng không sao tả được.

Nói chung, thì ở giai đoạn Xuất thần, tình yêu không có vị ngọt thuần túy. Sướng khổ được cảm nhận đồng thời, hòa lẫn với nhau. Thấy Chúa thật đáng yêu, mà khoảng cách lại còn đó, thì sướng đấy cũng là rất khổ vậy. Chính vì yêu khát và khát yêu như lửa dễ bốc, nên hơi tí là xuất thần ngay.

Dẫu sao, vàng vẫn chưa thuần thành, nên luyện lọc còn phải tiếp, nhất là khi rời bỏ cung sáu sang Hôn nhân thiêng liêng. Ðêm tối mà Chúa gửi lúc này thường là đêm tối tinh thần, nó cạo rửa tới đáy sâu, nền tảng nhất, nên cũng rát đau kinh khủng, như địa ngục vậy. Một trong những đêm tối như thế là cảm giác bị Chúa ruồng bỏ. Phải chăng đây có gì giống với kinh nghiệm của Chúa Yêsu: "Cha ơi, sao nỡ bỏ con"?

Gần Chúa quá rồi, không thể vấn vương gì với thụ tạo nữa. Yêu Chúa vì Chúa thực tình rồi, hồn chẳng muốn sướng riêng cho mình, mà muốn mọi người cùng hưởng với mình. Vì Chúa, hồn có thể làm những gì thật táo bạo.

Trong cung sáu nói trên, hồn gặp nhiều huyền kiến, cả hình tưởng lẫn tuệ trí, nhờ đó đi sâu vào những mầu nhiệm cao cả. Chỉ như một tia chớp lóe lên, và hồn nắm được ngay cả mớ chân lý, mà dù một đời học hỏi cũng không có được, xét cả về khối lượng lẫn chiều sâu.

Hôn nhân thiêng liêng, hay Hóa hiệp (union transformante)

Ở đây, cùng với giác quan và thân xác, các khiếu năng vẫn sinh hoạt bình thường. Chiêm không còn tách khỏi cuộc sống, và giữa chiêm hành cũng chẳng có chi khác biệt. Chúa có mặt không từng lúc như trước đây, mà thường hằng trong cảm nhận của anh, có mặt mà không làm gián đoạn công việc nữa. Nghĩa là khi bận bịu, anh vẫn cảm nhận Chúa có đó một cách phảng phất, như hai vợ chồng yêu nhau cùng làm bên nhau trong một gian phòng. Kịp đến lúc rảnh rang, chỉ cần nghĩ tới, là anh lại "đối diện" ngay với Chúa, thật sung sướng biết bao. Dù cường độ của "gặp gỡ" gia tăng, nhưng bão táp thì chẳng còn. Yêu thật nhiều đấy, mà thuyền vẫn đằm, chứ không đong đưa trên đầu ngọn sóng. Nghĩa là dù lửa lớn bên trong, dù cuồng phong bên ngoài, một bình an sâu xa vẫn ngự trị và tỏa bóng tới ngoại diện con người hành giả.

Từ đây, Chúa và hồn "tuy hai mà một" khi mà nước mưa đã hòa với nước sông, và nước sông tới biển đã hòa trong nước biển. Chúa và hồn như cũng trao đổi với nhau những quan tâm của đôi bên. Chúa thì lo đến sự an toàn và lợi ích của hồn, khiến hồn thâm tín không bao giờ bị Chúa bỏ, bị Chúa rút lại sự có mặt thường hằng của Ngài. Còn hồn thì không còn thiết sống hay chết, địa ngục hay thiên đường, mà chỉ lo đến vinh quang của Chúa và hạnh phúc của anh em.

Tình yêu Chúa quả không còn khoảng cách với tình yêu anh em nữa. Hễ thấy ai khổ, là hồn khổ lây trong Chúa nỗi đau khổ của họ. Hồn sẵn sàng dấn thân dù vào địa ngục để cứu nếu còn có thể cứu. Lại dù yêu ai đến đâu, hồn không thể yêu ngoài Chúa, mà yêu vì hạnh phúc của họ trong đức Yêsu Kytô.

Không bị treo nữa, nên các khiếu năng dự vào những gì mà thần (noũs, esprit) đang hưởng. Trí năng có thể hiểu đôi chút, bằng cách siêu thường, về những gì mà thần đang nghiệm tri. Có thể nói cuộc sống trở nên một huyền nghiệm kéo dài. Và huyền kiến trong giai đoạn này thường là huyền kiến tuệ trí về Ba Ngôi. Với hồn, Ba Ngôi có mặt khi thì dưới dạng phân biệt (từng ngôi), lúc lại dưới dạng đồng nhất (một vinh quang, một thể). Có thể có biểu tượng đi kèm: ngọn lửa hay đám mây sáng theo kinh nghiệm Tiên sa Avila, hình tròn trắng hay trái cầu trắng trong kinh nghiệm I-nhã.

(Còn tiếp)
- Trích từ tác phẩm "Thần Học Thiêng Liêng" của Lm. Hoành Sơn - Hoàng Sỹ Quý, SJ.

0 nhận xét: