Linh Mục
Hoành Sơn, SJ, Việt Nam
Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
Các tôn giáo đã có bề dầy lịch sử
và bề sâu phát triển đều phong phú về huyền nghiệm. Ít nhất, đó là Ấn giáo,
Phật giáo và Kytô giáo (Ðạo giáo và Hồi giáo cũng có ít nhiều). Ấn, Phật luôn
coi huyền nghiệm là cùng đích của con đường. Huyền nghiệm, đó là giác ngộ nó
giải thoát ta, đưa ta nhập Niết bàn hay đồng hóa với Brahma.
Kytô-giáo không coi huyền nghiệm
là cần cho cứu độ. Nhưng hữu thức hay vô thức, phần đông vẫn tưởng huyền nghiệm
làm nên thánh nhân. Dẫu sao thì huyền nghiệm vẫn là một trong những biểu hiện
của thánh thiện, dù không chắc hoàn toàn. Nói rõ hơn, một thánh nhân bình
thường thế nào cũng trải qua một số kinh nghiệm diệu kỳ nào đó, dù không phải
cứ có kinh nghiệm ấy là thánh đâu. Vì cả lý do trên lẫn lý do dưới, việc tìm
hiểu huyền nghiệm rất hữu ích cho cả người làm linh hướng lẫn kẻ đang leo đồi
thánh thiện.
Kytô-giáo xưa tưởng chỉ
"người của Chúa" (homme de Dieu) mới có ơn huyền nghiệm. Còn nhiều
người trong Ấn, Phật giáo lại tưởng Kytô-giáo chỉ là đạo lập công, không biết
đến huyền nghiệm, nên họ coi rẻ coi khinh.
Vậy huyền nghiệm là gì, và có gì
khác nhau giữa huyền nghiệm Dân Chúa và huyền nghiệm "dân ngoại"?
Trước hết, không nên lẫn huyền
nghiệm với "hiện ra" (apparition). Trong Hiện ra (như ở Lộ đức, La
vang), kẻ thấy thì nhìn bằng mắt, nghe bằng tai đối tượng ở ngoài mình. Còn kẻ
huyền nghiệm không thấy bằng cảm giác, mà bằng trí tưởng, tuệ trí..., nghĩa là
bằng kinh nghiệm nội tâm. Cái mà họ cảm nhận có thể là một hiện diện kỳ bí, mà
hiện diện sâu nhất sẽ là "từ bản gốc (Thiên Chúa) đến bản gốc (hồn)"
(substance à substance), không qua ý tưởng hay ảnh tượng hoặc trung gian
(medium) nào khác.
Thực ra theo thánh Tôma Aquinô,
chỉ trong cuộc sống vinh phúc mai sau, hồn mới biết Chúa không qua trung gian
nữa, mà biết thẳng Ngài ở yếu tính (yếu tính Thiên Chúa đến thay thế ý tưởng ta
về Ngài). Còn trong cuộc sống lữ khách này, dù biết sâu đến đâu cũng phải qua
một cái gì phản chiếu (1Cor. 13.12), cái mà thần học gọi là mô thức thiên phú
(formes infuses).
Ðối tượng của huyền kiến thường
là Thiên Chúa của kinh nghiệm. Vâng, của kinh nghiệm, chứ không của tri thức
trừu tượng và khách quan. Ðối tượng ấy cũng là một mầu nhiệm được hiểu, không
bằng cách hiểu lạnh lẽo của khoa học, mà bằng một thứ trực giác nó đánh cuộc cả
con người tôi.
* * *
Nghiên cứu các loại huyền thức
trong và ngoài Kytô-giáo bên phương Tây, có học giả phân chúng thành ba loại:
huyền nghiệm yếu tính (d'essence), huyền nghiệm hôn hiệp (nuptiale) và huyền
nghiệm trống vắng (d'absence).
- Huyền nghiệm yếu
tính cho một cái nhìn nghiêng về siêu hình và có hướng nhất nguyên
(monisme), hơi hướm Tân Platon-phái. Hồn thấy mình như hòa vào cái Thể siêu
việt gốc nguồn, mà nó là phản ảnh. Tiêu biểu cho loại hình kinh nghiệm này có
thể tìm thấy nơi Thầy Eckhart. Eckhart phân biệt giữa Thiên Chúa và Thiên tính.
Thiên tính thì không thể được xác định thành một dạng thức, một cái gì rõ rệt.
Từ vùng âm u ấy sẽ hiển định lên đấng là Thiên Chúa. Ðối xứng với Thiên Chúa
thì có hồn. Tự bề sâu thăm thẳm của nó, hồn được làm vừa đúng để chứa đựng
Thiên Chúa. Lý do là vì hồn được Thiên Chúa sinh ra bằng một hành động vĩnh
hằng và theo khuôn mẫu Ngài.
Trước khi làm nên vạn vật, trong
có con người, Thiên Chúa mới chỉ là Thiên tính thôi. Ðã thành xa lạ với khuôn
mẫu của mình là Thiên Chúa rồi, hồn chỉ tìm lại nguyên căn (identité) mình khi
được hư vô hóa bởi ân sủng. Do ân sủng mà trở về hư không rồi, hồn được nâng
khỏi tình trạng thụ tạo để đón nhận Thiên Chúa cũng trở về với Thiên tính. Và
đây là cái nhìn hơi lệch về nhất nguyên chủ nghĩa của Eckhart.
Tuy De Jefferies (1848-1887)
không biết đến tiền bối Eckhart (1260-khoảng 1327) hay một huyền nghiệm nhân
nào khác, nhưng cũng như Eckhart, ông kinh nghiệm cái "Hiện tại vĩnh
hằng", cái Thiên (deity) vượt trên Thiên Chúa (deity), và cái hồn thiên
tính của mình.
Kinh nghiệm De Jefferies, nhất
của Eckhart (nói cho đúng ra, cách hiểu của họ về kinh nghiệm ấy) có gì khá
giống với kinh nghiệm cổ điển của Upanisad vốn phân biệt Brahmâ Thượng đế hữu
định với Brahma siêu việt vô định.
- Huyền nghiệm hôn
hiệp tập trung nhiều ở môi trường đan viện, giữa giới nữ lưu. Với
họ, Chúa Yêsu là Tình lang và Phu quân. Tình phu phụ thiêng liêng ấy làm nên do
một hiệp nhất sâu nó biến cải hồn trong Chúa, nó nâng hồn lên (như) ngang hàng
Chúa để hồn có thể nói năng rất bạo dạn, tự nhiên, đôi khi "nhõng
nhẽo" nữa.
Trong Ấn độ giáo, ở những nơi mà
trào lưu sùng mộ (bhakti) lên cao, sự phân biệt Chúa-Hồn ngày càng thêm rõ, cả
trên bình diện tư tưởng lẫn huyền thức. Cùng với sự phân biệt, có sự xác định
đôi bên như những cái Tôi (ngã) cụ thể. Có điều những người như huyền nghiệm nữ
Mirâ Bâi, trong quan hệ "ăn ở" với ông vua chồng mình, chỉ dùng ông
này để thể nghiệm sự hôn hiệp của mình với Ðức Chúa thôi.
- Huyền nghiệm trống
vắng theo Von Balthasar là kinh nghiệm thông hiệp với Chúa Yêsu ở
chỗ Ngài khác với Cha Ngài, vào lúc mà Ngài, vì mang tội chúng ta, được đặt vào
địa vị tội nhân để chết như một tội nhân. Vẫn theo Von Balthasar, đây là đỉnh
cao nhất của huyền nghiệm.
Theo H. Brémond, kinh nghiệm nói
trên là về sự thiếu vắng Thiên Chúa, với cảm giác khô khan, với đức Vọng trống
trơn (pure espérance) không ước muốn: "Cha ơi, sao nỡ bỏ con?"
Chẳng những Vọng tinh thuần, mà
Yêu cũng giống thế: một tình yêu vô vị lợi, với niềm tùng thuận vô biên, không
với điều kiện chi hết.
H. Brémond xếp kinh nghiệm đau
khổ nói trên vào loại hướng thiên (théocentrique), đối nghịch với loại hướng
nhân (anthropocentrique) trong đó Thiên Chúa được cảm thấy như hướng về con
người và sự cứu vớt của nó, khiến nó được no nê trong vui thỏa của hiệp thông.
Kinh nghiệm trống vắng, khô cằn
này phải chăng là đêm tối thụ động được nói đến trong Yoan Thánh giá? Nếu quả
đây là thứ đêm tối ấy, thì đây cũng là cách thanh luyện cần thiết để đưa vào
những huyền nghiệm no say cuối cùng, và như thế, kinh nghiệm trống vắng đâu chỉ
là hướng thiên, cũng như kinh nghiệm no say đâu chỉ là hướng nhân và ở vào thế
đối nghịch?
Ngoài ra, Thần khí Chúa vốn tự do
và phóng khoáng, nên không thể khoanh vùng rõ các hoạt động của Ngài trong tâm
hồn ta. Sự phân chia theo cấp loại chỉ nói lên cố gắng của lý trí để hiểu về
một cái mà bản chất là vô cùng khó hiểu. Trong thực tế, Thiên Chúa thường dựa
theo thiên hướng, tập quán và tình trạng đức hạnh mỗi người để tu sửa, bồi
dưỡng và hướng dẫn họ. Với I-nhã Loyola, một hiệp sĩ đích danh mà lý tưởng là
xả thân vì minh chủ, đức Kytô đã hấp dẫn ông qua ý tưởng Phụng sự (service).
Tiếng Phụng sự vang lên bất tận trong cuốn Thần thao với một âm sắc thâm trầm.
Phụng sự chính là hướng đi của con đường mà Thần thao đề nghị với ta. Những bài
niệm xương sống của nó: Vương quyền (Le Règne), Hai hiệu kỳ (Les deux
étendards), Người ba loại và Khiêm ba cấp, bằng cách đối lập Yêrusalem với
Babylone và Chúa với Satan, sẽ dẫn dắt cho hành giả biết "chọn mặt gửi
vàng"; thế rồi bằng cách nêu lên những mẫu phụng sự khác nhau, sẽ cho ta
thấy đâu là chọn lựa xứng đáng nhất, cũng là quảng đại nhất. Huyền nghiệm của
huyền sỹ nổi danh I-nhã quả đúng huyền nghiệm Phụng sự, một loại hình không có
gì giống với những huyền nghiệm quen được bàn trước đó, trong đời sống đan tu,
cố nhiên.
Thiết nghĩ, với ai từng đã biết
nhiều về tôn giáo Phương đông, thì không phải môi trường Rhéno-flamand sản sinh
ra huyền nghiệm yếu tính, và môi trường đan viện Kytô-giáo là lò đúc riêng của
huyền nghiệm Hiệp hôn.
Khi còn thiếu vắng tình yêu, Ấn
giáo và Phật giáo đã dồn sức cho cái đầu, tưởng như tri thức là thiêng liêng và
cao quý nhất. Huyền nghiệm được chuẩn bị bằng hạ thức (cái biết lý tính qua học
hỏi) sẽ tận kết ở siêu thức. Tri thức dù là ở siêu thức, vẫn có gì lạnh lẽo do
khí sắc "siêu hình" của nó. Mà cái nhìn siêu hình thì nghiêng về đơn
nhất yếu tính, do đó nhất nguyên: "Thiên địa vạn vật nhất thể",
"Trời là một với tôi". Thật ra, cái Thể tối cao thường được nghiệm ở
hai cấp khác nhau: cái siêu việt thì chưa xác định thành gì để có thể được biết
là gì, còn cái xác định rồi thì trở nên Chúa tể vạn vật ngay: "Vô danh
thiên địa chi thủy, hữu danh vạn vật chi mẫu" (Ðạo đức kinh). Vâng, cái
Thiên siêu đẳng thì vượt trên Thượng đế. Và Brahma vô tạo thì vượt trên Brahmâ
chủ tạo (créateur). Và có lẽ cũng thế đối với Thiên tính và Thiên Chúa của Thầy
Eckhart, đối với thần (deity) và siêu thần (beyond deity) của Richard
Jefferies.
Thế nhưng khi đã kinh nghiệm tình
yêu trong phong trào bhakti rồi, Ấn giáo liền rời bỏ cái đầu để tìm kiếm con
tim, rời bỏ tri thức để chuyển sang tình cảm. Brahma trung tính (neutre) và
siêu hữu-tri (sat-cit) đã rút lui vào bóng tối để nhường chỗ cho Ðức Chúa lang
quân của hồn, một Ðức Chúa xác định như một bản ngã, thậm chí với một thân xác
thiêng liêng. Chưa hết, người ta còn kéo Ngài xuống thấp hơn, cho gần gũi với
loài người: Ngài đã giáng trần (ava-trä) làm người, làm ông hoàng Râma, làm mục
tử Krishna. Ðối diện và phân biệt với Ðức Chúa, có hồn mà Chúa yêu thương, và
vì yêu thương nên tìm đủ mọi cách để cứu vớt, giải thoát. Ðể rồi dù trong tình
trạng giải thoát, tôi vẫn còn là tôi trong Ngài, trong hôn phối thiêng liêng và
vĩnh cửu với Ngài.
Như thế, huyền nghiệm bao giờ
cũng là một kinh nghiệm hiệp nhất. Có điều hiệp nhất yếu tính (hồn tan vào
trong Brahma vô biệt) khác hẳn thứ hiệp nhất bản ngã nói trên. Kẻ theo con đường
cái đầu thì tập trung (định thần) vào một điểm ở đầu. Kẻ theo con đường tình
thì tập trung vào điểm giữa trái tim. Trong Ấn giáo cổ thời, người ta coi huyền
nghiệm yếu tính (Brahma vô biệt nơi mình và vô phân với tôi) là cao nhất. Nhưng
trong Ấn giáo ngày nay ngả theo Bhakti, thì cao nhất lại là huyền nghiệm hôn
hiệp (Xx. Bhagavad-giâtâ, ch.XII). Với Kytô-giáo, khải mạc cao nhất về Thiên
Chúa là mầu nhiệm Ba ngôi, tức Thiên Chúa hữu biệt rõ ràng. Có điều Ba ngôi ấy
lại một Thể, nên trong huyền nghiệm Ba ngôi, hành giả khi thì thấy Một, lúc lại
thấy Ba trội hơn. Còn giữa hồn với Chúa, thì dù cảm nhận hiệp nhất sâu đến đâu,
vẫn thấy "Chúa với hồn tuy hai mà một, hồn với Chúa tuy một mà hai",
chứ không bao giờ chỉ có mặt hòa đồng.
Người ta cũng chia ra hai thứ:
huyền nghiệm thiên về biết và huyền nghiệm thiên về cảm. Chỉ có thể nói là
"thiên" thôi, vì nếu biết bằng nghiệm, thì cái biết ấy là thứ trực
giác nó choán hết nội tâm, khiến không thể thiếu nghiệm cảm. Có nghĩa là tri
đấy cũng là cảm đấy, và ngược lại.
Huyền nghiệm còn nằm ở độ sâu
ngoài tầm với của ý thức, nên không cách nào trí năng hiểu rõ bằng ngôn ngữ của
mình. Khoảng cách giữa hai bên ấy khiến cho cùng một kinh nghiệm có thể được
giải thích khác nhau bởi những nghiệm nhân khác nhau, tùy theo tập quán tư
tưởng và niềm tin của họ.
Khoảng cách giữa nghiệm và hiểu
còn được nối dài thêm bởi khoảng cách vô cùng lớn giữa huyền nghiệm hiện tượng
ấy với huyền nghiệm căn bản. Huyền nghiệm căn bản là ân sủng, hay sự thật của
hôn hiệp giữa hồn với Chúa, sự thật nó chìm ở chỗ tột sâu và chỉ hiển lộ mai
sau trong huyền kiến vinh phúc (vision béatifique). Sự thật của hôn hiệp này,
trong một số điều kiện và dưới tác động của Thần khí, có thể hừng lên ngay phía
dưới ý thức trường thành huyền nghiệm hiện tượng, quen gọi huyền nghiệm, trống
trơn. Huyền nghiệm hiện tượng có thể diễn ra với sự tham dự của lý trí, trí
tưởng hay cảm giác. Hoặc diễn ra ở một vùng sâu hơn, vùng tuệ trí hay buddhi,
mà khiếu năng không vươn tới được, nên cũng chẳng hiểu chi hết. Tuệ trí, trong
tự vựng huyền nghiệm học Kytô-giáo, còn được gọi là "mũi nhọn trí
năng", "đỉnh tinh thần", "mũi nhọn của hồn" hay
"bản thể" (cũng của hồn ấy).
Dẫu sao, cái được gọi là Mũi nhọn
hay Bản thể đó chưa hẳn là điểm sâu chót của nội tâm. Ở chỗ sâu nhất này, ta bắt
đầu gặp Chúa trong ân sủng. Ân sủng tỏa thành động năng trong những đức thiên
phú, mà hạt nhân là Tín-Vọng-Ái. Tín Vọng Ái là hôn hiệp với Chúa nó hướng về
cuộc sống. Khi luồng điện Tín Vọng Ái căn bản vốn thiên phú này nối phần nào
được với mạch điện ý thức, thì có chớp sáng huyền nghiệm. Huyền nghiệm là sự
gặp Chúa bên trong bắt đầu thấy được phần nào ở bên ngoài, tức ở ý thức. Nội
tâm càng được rửa sạch và dọn quang, thì cái nhìn ý thức càng soi tới sâu hơn,
ở "mũi nhọn linh hồn", chỗ mà chỉ Thiên Chúa tới nổi, chứ Satan thì
không.
Ở chỗ sâu nhất của nội tâm, sự
hiệp nhất với Chúa bằng các đức thiên phú bị chìm trong bóng tối vô thức hoàn
toàn. Tại sao thế? Vì đây là ánh sáng thuần túy, ánh sáng không bụi theo cách
diễn tả của Yoan Thánh giá về Ðêm tối thụ động, nên không gì phản chiếu sẽ
không sáng nổi với khiếu năng ta. Ðể sáng lên về phía ý thức, ánh sáng (của
kinh nghiệm căn bản kia) phải chiếu lên các tập quán tư tưởng và do đó lồng vào
các khuôn văn hóa của đương sự. Nó hiển lên nhờ khuôn, nhưng cũng do khuôn mà
biến dạng phần nào. Do đó mà có hồn thấy Chúa như minh quân, hồn lại thấy như
một tình lang lý tưởng. Ramâkrishna cũng huyền nghiệm Chúa Kytô, nhưng lại diễn
tả Ngài như một thượng thần trong Ấn độ giáo của ông. Rất có thể ông gặp Chúa (ở
kinh nghiệm nội tâm) thật, nhưng ông không thể tách ra khỏi các phạm trù tôn
giáo của mình khi hiểu và nói về Chúa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét