(Trao đổi với học giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh về sử Việt)
Hà Văn Thùy
Sau khi được công bố trên anviettoancau.net, bài “Có cần viết lại tên Bách Việt?” được nhiều trang mạng đăng lại. Học giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh đưa lên diễn đàn Lý học phương Đông của ông với lời phê bình công phu. Cảm mối thịnh tình của ông, tôi xin thưa lại đôi điều.
1. Về con số 5000 lịch sử
Là người sớm đứng ra đòi lại bản quyền kinh Dịch cho tộc Việt, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh cũng là học giả kiên trì quan điểm “5000 năm sử Việt.” Trong bối cảnh giới sử học chính thống dùng những phát hiện mới về thời Đông Sơn-Hùng Vương để khẳng định “2800 năm sử Việt” thì việc bảo thủ quan điểm “thiếu cơ sở khoa học” như vậy dễ bị cho là lạc hậu!
Có thể vì vậy, ông níu bám cái “cọc khoa học” duy nhất có thể ủng hộ ông là “Tiêu chí lịch sử xác định rằng: Lịch sử của một dân tộc chỉ được coi là bắt đầu từ khi dân tộc đó lập quốc.”
Quả là đã có một tiêu chí như vậy, do học giả phương Tây đưa ra từ thế kỷ trước. Thời đó, khoa học chưa biết tổ tiên Homo sapiens là ai, lại càng mù mờ hơn khi nói đến cội nguồn của mỗi tộc người. Vì vậy, thời điểm lập quốc được dùng làm mốc son ghi sự trưởng thành của một dân tộc. Do tính hợp lý và hữu dụng nên nó nhận được sự đồng thuận của giới khoa học. Và lịch sử loài người đã định hình chính trên tiêu chí đó.
Nhưng sang thế kỷ này, tình hình đã khác. Không những biết tổ tiên duy nhất châu Phi 160.000 năm trước của nhân loại mà nhờ di truyền học, nhiều dân tộc còn biết đích xác nguồn cội của mình.
Riêng với người Việt, may mắn hơn, nhờ khám phá của nhân loại, chúng ta biết rằng, 70.000 năm trước, người tiền sử từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ đặt chân lên vùng đất nay là thềm Biển Đông, sinh ra tổ tiên chúng ta. Từ cái nôi này, người Việt đã lan tỏa ra khắp thế giới. Từ 40.000 năm trước, đã chiếm lĩnh đất Trung Hoa và sau đó sang khai phá châu Mỹ.
Nhờ khảo cổ học, chúng ta cũng biết rằng, khoảng 20.000 năm trước, tại Hòa Bình, tổ tiên ta đã chế tác rìu đá mài, công cụ lao động tiên tiến của nhân loại. Khoảng 15.000 năm trước, tại nơi nào đó ở thềm Biển Đông, tổ tiên ta thuần hóa được cây lúa nước, thực hiện phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử loài người.
Những trí tuệ hàng đầu thế giới đã ghi nhận: “khoảng 4000 năm TCN, người Việt xây dựng nền văn minh nông nghiệp sớm và rực rỡ nhất hành tinh.”
Thật lạ là, không hiểu sao, tuy biết những điều trên nhưng ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh lại bỏ qua để chỉ chăm bẵm vào “6000 năm trở lại”?
Nếu dừng lại ở thời gian 5000 năm thì chúng ta vô hình trung chỉ nhận phần ngọn mà bỏ đi cái gốc. Một việc làm phi khoa học vì cắt đứt sự liên tục của dòng chảy lịch sử. Không những thế, lại còn chối bỏ những thành tựu vĩ đại nhất của tổ tiên. Điều đó cũng không ổn về tâm linh vì chúng ta mắc tội vong ơn, quên những vị tổ khai dòng cho nòi giống! Cũng phải nói rằng, chính vì chuyện này mà ông tự mâu thuẫn với mình. Theo truyền thuyếtPhục Hy làm Dịch, sách Dịch ra đời trước 4000 năm TCN. Vậy, chấp nhận lịch sử 5000 năm thì mặc nhiên,ông đã bỏ cái cội nguồn kinh Dịch ra ngoài sử Việt!
Hiểu biết mới, cần định nghĩa mới. Khi đã biết đầy đủ hơn lịch sử loài người cũng như lịch sử nòi giống, cố nhiên cần có định nghĩa mới về lịch sử. Lịch sử tộc Việt không chỉ được ghi trong sách sử, trong huyền thoại, trong những vật chứng khảo cổ mà còn được ghi ngay trong máu huyết chúng ta: DNA. Vì vậy, theo thiển ý, lịch sử của tộc Việt phải được tính từ ngày Người Khôn ngoan (Homo sapiens) đặt chân tới thềm Biển Đông, 70.000 năm trước!
2. Học giả nguyễn Vũ Tuấn Anh viết:
“Cổ thư ghi lại dưới dạng truyền thuyết và huyền thoại về trận Hoàng Đế chiến Xuy Vưu và chiến thắng ở Trác Lộc. Ông ta dừng vó ngựa ở Bắc Dương Tử và phát biểu: "Phương Nam khó đánh"... Câu nói này của ông Hoàng Đế đã xác nhận ở Nam Dương tử có một xã hội hùng mạnh ở đây từ khoảng 6000 năm trước ngày nay.”
Huyền thoại trên đời nhiều vô kể. Không tin huyền thoại là người nông cạn nhưng quá tin dễ sa vào vô minh, giống như “tận tín thư” vậy!
Sau khi diệt triều Thương của tộc Việt, người Hoa Hạ xây dựng vương triều Chu của mình. Để phủ định những triều Việt trước đó, nhà Chu chỉ chép sử từ ông tổ của họ là Hậu Tắc rồi bái vọng ông thủy tổ Hoàng Đế. Công quy vu trưởng, người ta gán cho Hoàng Đế quá nhiều công tích. Có thể lừa được nhiều người, nhiều thời nhưng làm sao lừa được mãi mãi? Liệu còn mấy người dám tin rằng dân lùa cừu chăn bò trên đồng cỏ lại làm ra thuyền, ra buồm? Dân uống sữa ngựa, mặc áo cừu lại phát minh nghề dệt vải? Thật khôi hài, cả đến nghề thuốc của dân nông nghiệp cũng được trao cho Hoàng Đế thành Hoàng Đế nội kinh!
Có một định kiến dai dẳng trong tâm thức loài người, nhất là người Việt, đó là ý tưởng cho rằng, người Việt chỉ làm chủ nam Dương Tử. Lầm to! Từ 40.000 năm trước, người Việt đã làm chủ toàn bộ đất Trung Hoa. Vào Trung Nguyên, Hiên Viên chỉ chiếm được phần đất hoàng thổ phía nam Hoàng Hà rồi tự xưng Hoàng Đế với nghĩa vua của vùng đất vàng. Cái đế quốc hạt cải này bị kẹp giữa các quốc gia Việt hùng mạnh: Ba Thục phía Tây, nước của Đế Lai ở phía đông và Văn Lang phía nam. Có lần tôi nói với bác sỹ Trần Đại Sỹ: “Khi cho rằng biên giới của người Việt chỉ tới nam Dương Tử, có nghĩa là ông đã “cho không” người Hoa vương quốc mênh mông của Đế Lai?” Bác sỹ rất vui nhận ra sai lầm của mình!
Cần làm rõ điều này: “Đây là thời điểm trước khi quốc gia Văn Lang thành lập ở Nam Dương tử mà chính những học giả Trung Hoa hiện đại gọi là: Một nền văn minh biến mất một cách bí ẩn vào thế kỷ thứ ba BC; hoặc những học giả Trung Hoa và quốc tế nói về nền văn minh thứ V tồn tại ở Nam Dương tử”
Lại một sự bé cái lầm! Hoàn toàn không có nền văn minh nào biến mất vào thế kỷ III TCN và cũng chẳng hề có cái gọi là “nền văn minh thứ V” nào cả(!) Đó là văn minh Việt rực rỡ của Ba Thục, Ngô, Việt, Sở và Văn Lang, bị nhà Tần thôn tính rồi sáp nhập đế chế Trung Hoa!
3. Học giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh viết:
“Tôi cho rằng sau chiến thắng của Hoàng Đế với Xuy Vưu về căn bản người Hoa Hạ ở Bắc Dương tử chưa bị đồng hóa về văn hóa của Việt tộc. Hoặc sự đồng hóa không đáng kể. Bằng chứng: Vào thế kỷ thứ V BC Khổng từ viết trong sách Luận Ngữ: "Nếu không có Quản trọng thì người Hán mặc áo cài vạt bên trái như người Man rồi!". Như vậy - gần 2500 năm sau tính từ thời Hoàng Đế - sự giao lưu văn hóa của người Hoa Hạ với Việt tộc ở Nam Dương tử gần như rất không đáng kể.”
Xin thưa, cố nhiên, sự đồng hóa không xảy ra một sớm một chiều nhưng có lẽ còn nhanh hơn so với vài trăm năm của người Mông Cổ sau đời Nguyên, người Mãn sau đời Thanh! Tuy giỏi xâm chiếm, cướp bóc nhưng với số người không đông và chưa có văn hóa, lọt vào giữa cái bể người bản địa vừa đông vừa văn minh gấp bội, sự đồng hóa xảy ra mau lẹ là cái chắc! Chả thế mà chỉ vài đời sau Hoàng Đế, vương vị đã vào tay người Việt!
Câu nói của Khổng Tử, theo thiển ý, phải chăng nên hiểu thế này: Trong các nước chư hầu nhà Chu, người Hoa và người Việt ăn chung ở lộn. Lúc này cả Việt cả Hoa cùng mang bộ gen Mongoloid phương Nam, nghĩa là cùng một “giống” và thêm nữa, cùng nói tiếng Việt theo cách nói Mông Cổ (Mongoloid parlance) phụ trước chính sau, do sự áp đặt của nhà cầm quyền. Cái khác nhau chỉ là cài khuy áo bên trái hay phải.
Vương triều Chu lại bị vây quanh bởi những quốc gia “man, di” nhưng hùng mạnh và đông đúc, cài khuy bên trái. Để tôn “quốc thống”, Quản Trọng nước Tề lệnh cho toàn dân cài khuy bên phải, một bước đồng hóa về văn hóa. Vậy là Việt biến thành Hoa, nhẹ nhàng như khi người Mãn cắt bỏ đuôi sam là trở thành người Hán!
Sự hiểu lầm vẫn dai dẳng đeo bám học giả đáng kính nên ông không thấy rằng, “cải cách” của Quản Trọng là nhằm đồng hóa khối dân Việt đang sống ngay trong lòng vương triều Chu chứ không phải do tiếp xúc với phương nam!
4. Với câu hỏi hỏi:
“Vậy người Việt Bắc Dương tử từ 4600 năm trước mà người Hán vượt sông Hoàng Hà tấn công chiếm Trung Nguyên từ đâu lại,” tôi xin thưa như sau:
Người Việt từ 40.000 đến 30.000 năm trước đã làm chủ Trung Hoa, từ lưu vực Hoàng Hà tới lưu vực Dương Tử. Đấy là điều được khẳng định về mặt khảo cổ học: cái sọ cổ nhất 18.000 năm trước, phát hiện ở hang Chu Khẩu Điếm là của người Việt. Văn hóa Ngưỡng Thiều có tuổi 8000 năm, trước đây được cho là cội nguồn văn hóa Hán thì thực sự cũng từ văn hóa Hòa Bình đưa lên!
Còn người Mông Cổ từ đâu ra, tôi đã trình bày vấn đề này trong bài Sự hình thành dân cư Đông Á công bố trên mạng, sau đó in trong cuốn Hành trình tìm lại cội nguồn (NXB Văn học, 2008). Bằng nhiều chứng cứ khảo cổ học, cổ nhân học kết nối với những tài liệu di truyền học mới nhất (những tài liệu mà ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh bỏ qua), tôi đã chứng minh:
Người Mông Cổ phương Bắc cũng từ Việt Nam theo con đường Ba Thục đi lên tây bắc Trung Quốc và đất Mông Cổ khoảng 40.000 năm trước. Khảo cổ học phát hiện di cốt 40.000 năm của họ trên đất Mông Cổ minh chứng cho điều này. Lúc đầu họ sống bằng săn hái, tới 10.000 năm trước, khi băng hà tan, do địa hình đồng cỏ, họ chuyển sang sống du mục. Mùa đông khô lạnh, nhiều bộ lạc tập trung về nguồn nước bên Hoàng Hà. Cố nhiên, họ luôn nhòm ngó dân trồng kê có cuộc sống sung túc ở bờ nam và hàng ngàn năm, chuyện vượt sông cướp bóc luôn diễn ra mà trận Trác Lộc là cuộc xâm lăng quy mô nhất.
Những điều trên không ai có thể bịa ra được mà phải dựa vào nhiều nguồn tài liệu, trong đó mũi tên chỉ đường là di truyền học. Không đi xa nên khó hiểu được gần. Rõ ràng, nếu chỉ chăm bẵm vào thời điểm 6.000 năm thì không thể nào hiểu được những điều vô cùng quan trọng trên. Do vậy, sự hiểu về “lịch sử 5000 năm” cũng khó đầy đủ.
Đã từng “đơn thương độc mã” vì kiên định lập trường “5000 năm sử Việt”, rất có thể, học giả của chúng ta một lần nữa lại “độc mã đơn thương” vì không theo kịp những tri thức mới!
Đường Lê Lư, tháng Ba, 2012
Hà Văn Thùy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét