Nguyễn Long Thao3/29/2012
Tuần Thánh: Tại sao người Công Giáo hiểu Sinh Thì là chết mà không phải là sống?
Kinh sách Công GiáoViệt Nam có một từ ngữ gây nhiều thắc mắc. Đó là từ Sinh Thì. Trong khi người Việt nói chung hiểu Sinh Thì là lúc sống thì người Công Giáo Việt Nam lại hiểu Sinh Thì là lúc chết. Bài viết này nhằm góp phần giải thích tại sao người Công Giáo hiểu Sinh Thì là chết.
Từ Sinh Thì xuất hiện rất sớm trong các văn bản Công Giáo. Các Thánh Truyện là tác phẩm được soạn vào năm 1646 có ít nhất là 30 lần tác giả đã dùng từ Sinh Thì và theo Philipphê Bỉnh trong Truyện Annam Đàng Ngoài Chí Đàng Trong, tác giả sách này là một vị Hòa Thượng theo đạo Công Giáo. Ngắm 15 Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu được sáng tác từ thời cha Đắc Lộ, cũng có từ Sinh Thì. Ngắm thứ 13 viết: “Đoạn thì gục đầu xuống bên Đức Mẹ đứng, như giã Đức Mẹ vậy mà linh hồn cực trọng ấy ra khỏi xác liền Sinh Thì.” Vậy từ Sinh Thì theo nghĩa thông thường của dân gian khác với ý nghĩa của người Công Giáo thế nào?
Hầu hết các từ điển tiếng Việt như Việt Nam Tự Điển của hội Khai Trí Tiến Đức, Từ Điển Hán Việt của Đào Duy Anh, Đại Từ Điển Tiếng Việt do Văn Hóa Thông Tin xuất bản năm 1999, không có từ Sinh Thì, chỉ có từ Sinh Thời , Sinh Tiền hay Sênh Tiền. Cả ba từ đó đều có nghĩa là lúc còn sống của một người nay đã qua đời.
Ngược lại, các từ điển do người Công Giáo viết như Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, Tự Điển của Pigneau de Béhaine cuối thế kỷ XVIII, Từ điển của Génibrel cuối thế kỷ XIX, Dictionarium Anamitico –Latinum của Đức Giám Mục AJ. L. Taberd xuất bản năm 1838 và trong nhiều văn bản Công giáo khác như Thánh Giáo Yếu Lý, Kinh Cầu Bảo Đàng Cho Kẻ Rình Sinh Thì, Ngắm 15 Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu, đều có từ Sinh Thì và được hiểu là chết.
Tại sao lại có sự mâu thuẫn này trong khi Sinh Thời chỉ là tiếng đọc trại của Sinh Thì. Thì đọc trại ra Thời để tránh tên húy vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Thì (阮福蒔). Vậy lý giải làm sao để người Công Giáo hiểu Sinh Thì là lúc chết?
Trước hết hãy giải thích ý nghĩa Sinh Thì theo nghĩa thông thường. Sinh 生 là tiếng Hán Việt như sinh kế, dưỡng sinh, sinh sống. Về mặt chữ Nôm, từ Sinh trong Hán Việt cũng như Sinh trong tiếng Nôm đều viết giống nhau và có nghĩa gần như nhau. Trong tiếng Nôm từ Sinh có các nghĩa (1) Đẻ: mẹ sinh con. (2) Ra đời. (3) Kiếp sống (4) Tạo ra. Như vậy Sinh Thì hay Sinh Thời theo nghĩa Hán Việt có nghĩa là lúc đang sống.
Tuy nhiên, các từ điển do người Công Giáo viết, từ Sinh Thì được định nghĩa như sau?
1. Tự Điển Việt Bồ La của A. de Rhodes giải thích từ Sinh Thì:
-sinh: lên (ascendo: is)
-sinh thì: giờ lên (ascensus hora)
-đã sinh thì: đã chết (iam mortuus est).
2. Từ điển Dictionarium Anamitico Latinum của Đức Giám Mục Taberd xuất bản năm 1838, trang 444, giải thích Sinh Thì là Fato Concedere nghĩa là chết.
3. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của ấn bản 1895-1896 trang 912 định nghĩa Sinh Thì: chết.
4. Trong các kinh sách của người Công Giáo, từ Sinh Thì nếu được đặt trong ngữ cảnh bản văn, phải hiểu đó là một động từ và có nghĩa là chết. Ví dụ: trong Ngắm 15 Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu, ngắm thứ 15 có đoạn: “Khi xác Chúa Giêsu còn trên Thánh Giá thì có một người các quan lấy đòng mà đâm cạnh nương long Đức Chúa Giêsu phải trái tim, bấy giờ máu cùng nước chảy ra, song le, khi ấy xác Đức Chúa Giêsu chẳng có đau vì đã sinh thì”.
Tại sao các vị thừa sai đã dùng từ Sinh Thì để chỉ ý nghĩa chết?
Giải thích vấn nạn này, trước hết ta phải trở về với phong tục của người Trung Hoa cũng như Việt Nam. Khi một người chết, người ta tránh nói từ Chết mà dùng từ Qua Đời, Tạ Thế, hay Quá Vãng. Trong Anh ngữ cũng vậy, thay vì từ To Die: chết, người ta dùng từ To Pass Away: chết.
Đối với các bậc vua chúa, người Trung Hoa cũng như Việt Nam không nói từ Chết, hay Qua Đời mà dùng từ Thăng Hà hay Băng Hà. Sách Lễ Ký có câu: Thiên tử tử viết băng, chư hầu viết hoăng 天子死曰崩, 諸侯曰薨 (Khúc lễ hạ). Dịch nghĩa: Vua chết gọi là "băng", vua chư hầu chết gọi là "hoăng". Trong văn chương Phật Giáo, người ta cũng dùng chữ Thăng để chỉ ý nghĩa chết. Người Phật Giáo thường dùng cụm từ: Cầu cho hương hồn được Siêu Thăng Tịnh Độ hay Siêu Sinh Tịnh Độ có nghĩa là cầu cho linh hồn người chết được thoát khỏi cuộc sống trần thế, tới cõi cực lạc. Như vậy người Việt Nam đã dùng từ Thăng: đi lên, bay lên để chỉ sự chết.
Vậy Thăng Hà và Băng Hà là gì? Thăng 升: từ Hán Việt có nghĩa là lên, đi lên, bay lên. Hà 遐: xa, phương xa. Vậy nguyên nghĩa Thăng Hà là bay lên phương xa. Theo từ điển Hán Việt của cụ Thiều Chửu, Thăng Hà có ba nghĩa: (1) bay lên trời. (2) vua chết. (3) xa lánh trần tục. Còn Băng Hà thì Băng 崩 có 4 nghĩa: (1) Lở, sạt, sụp. (2) Hủy hoại. (3) Mất, diệt vong. (4) Chết. Theo từ điển của cụ Thiều Chửu, hay các từ điển Hán Việt khác, Thăng Hà hay Băng Hà: đều có nghĩa là vua chết.
Tại sao người Đông Phương lại quan niệm chết là Thăng tức bay lên cao. Người Đông Phương quan niệm Sinh Ký Tử Quy: Sống là tạm bợ, chết là đi về: về Thiên Giới, về Cõi Trên. Do vậy người Việt cũng như người Tàu quan niệm khi chết hồn lìa khỏi xác gọi là hồn Thăng. Trong tín ngưỡng đồng bóng của dân gian, người ta cũng dùng từ Hồn Thăng. Hồn Thăng tức hồn đi ra khỏi xác người lên đồng. Quan niệm này chính cha Alexandre de Rhodes cũng xác nhận khi Ngài chú thích từ Sinh Thì: "Chúng tôi mượn cách nói đó của người bên lương để chỉ ý nghĩa sự chết của người Ki tô hữu như đi lên với Thiên Chúa."
Nhưng tại sao các Linh Mục thừa sai lại không dùng từ Thăng mà lại dùng từ Sinh để chỉ sự chết, khiến gây ra rắc rối về ý nghĩa? Nếu xét về cách đọc của người Việt, tức giọng Hán Việt, thì từ Sinh 生 và Thăng 升 hoàn toàn đọc khác nhau. Nhưng nếu theo cách đọc của người Tàu, tức giọng Bắc Kinh, hai từ này đọc giống nhau. Từ Sinh 生và Thăng 升 đều được đọc là Sheng tức Sinh trong tiếng Việt. Hai từ này, nói theo kiểu xưa, là đồng âm dị nghĩa. Như vậy, ta có thể kết luận rằng Thăng Thì = Sinh Thì = Giờ Chết = Hồn ra khỏi xác.
Vấn nạn đặt ra là tại sao trong kinh sách viết cho người Công Giáo Việt, các nhà truyền giáo không dùng từ Thăng mà lại lắt léo mượn cách đọc của người Tàu đọc chữ Thăng là Sheng tức Sinh để chỉ sự chết?
Chưa có tài liệu nào trả lời cho vấn đề này mà chỉ có những suy luận: Có thể trong thời gian đầu, các giáo sĩ trước khi đến Việt Nam truyền giáo thường phải kinh qua Trung Quốc nên họ đã có thói quen đọc Thăng thành "sheng" tức Sinh. Do vậy, khi đến Việt Nam và khi phải sáng tác kinh sách cho người Việt, các ngài đã dùng từ Sinh Thì để chỉ giờ chết của chúa Kitô. Về phía giáo dân, hay các linh mục bản xứ, chắc hẳn thời đó cũng có nhiều vị uyên thông chữ nghĩa, thấy từ Sinh Thì không được ổn cho lắm, nhưng vì vốn có có tâm lý tôn trọng bề trên nên họ đã không phản đối. Do vậy, ngày nay người Công Giáo Việt Nam có riêng từ Sinh Thì để chỉ lúc linh hồn lìa khỏi xác, tức là chết.
Một câu hỏi khác cũng được đặt ra là tại sao khi diễn tả sự chết của Chúa Kitô trên Thánh Giá các nhà thừa sai không dùng các từ ngữ đơn giản và dễ hiểu như Viên Tịch, Tử, Qua Đời, Chết mà lại dùng từ Thăng. Câu trả lời là các Ngài đã triệt để áp dụng tinh thần hội nhập văn hóa trong vấn đề diễn tả sự chết. Như đã nói trên, người Tàu cũng như người Việt dùng từ Thăng Hà hay Băng Hà để chỉ vua Chúa chết. Đối với Chúa Kitô, người Công Giáo coi Ngài là Chúa Cả, là Vua Trên Hết Các Vua, nên các nhà truyền giáo đã gọi việc Chúa chết là Thăng. Và có lẽ các Ngài đã phải quanh co đọc Thăng là Sheng tức Sinh để tránh việc bắt chước tín ngưỡng đồng bóng đã dùng chữ Hồn Thăng. Thời xưa, những gì có dính líu đến các tín ngưỡng không phải của Công Giáo đều không được chấp nhận. Cụ thể như việc thờ cúng tổ tiên.
Cũng có lối giải thích khác cho rằng chết đúng là thời gian sống, là Sinh Thì vì hiểu theo nghĩa thần học Công Giáo: chết là khởi đầu cho cuộc sống mới mà ngôn ngữ thần học gọi cách lạc quan ngày chết là ngày giờ sinh ra: Dies Natalis để được sống trên cõi trường sinh. Tư tưởng đó được diễn tả trong bài hát Kinh Hòa Bình của Linh Mục nhạc sĩ Kim Long "Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời", hoặc câu Kinh Thánh: "Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác".(Gioan 12,24)
Nguyễn Long Thao
0 nhận xét:
Đăng nhận xét