Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Vừa được UNESCO công nhận, Hát Xoan đã bị “cải biên”


Cập nhật 04/04/2012 09:29:00 AM (GMT+7)

“Cấy nhạc vào điệu xoan cổ để có giai điệu dễ nghe, múa hát xoan lại có tay múa như hát chèo là điều không thể chấp nhận được”, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Xương, người nghiên cứu hát xoan, con trai của nhà văn Tản Đà sống trên chính mảnh đất của Hát Xoan bức xúc. 



Việc biểu diễn và truyền bá hát xoan đang có hiện tượng bị sai lệch.

Hát Xoan đang bị “chèo hóa”


Trong một chương trình truyền hình quảng bá về hát xoan ngày 28/2 âm lịch, một đoàn hát chèo đã biểu diễn hát xoan với trang phục, điệu múa và thậm chí là “cấy” cả nhạc khi biểu diễn khiến những ai nghiên cứu và yêu hát xoan rất bức xúc.

“Vừa rồi, vào dịp chuẩn bị cho hội đền Hùng ngày 28/2 âm lịch, tôi có thấy đoàn chèo biểu diễn hát xoan và đã múa hát hát xoan theo phong cách của chèo. Đặc biệt với y phục chèo, và cầm quạt để biểu diễn, tay múa của chèo lại ngửa lên khác hoàn toàn với xoan”, ông Nguyễn Khắc Xương chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Lịch – nghệ nhân hát xoan phường An Thái – Phú Thọ cũng khẳng định điều trên là có thật. Thậm chí bà còn cho biết trong một lớp dạy xoan, có cô giáo từng học hát xoan của bà trong khóa học ngắn 10 ngày đã “cấy” cả nhạc vào điệu hát xoan để cho dễ nghe!

Bà Lịch nói: “Hát và biểu diễn hát xoan bị “chế” nhạc, “chèo” hóa có thể sẽ dễ nghe và có những điệu múa có phần dí dỏm nhưng tôi cho rẳng cần phải tôn trọng và bảo tồn nguyên cách hát và biểu diễn khi hát xoan. Ông cha ta đã để lại từ xa xưa không có lí do gì để chúng ta không tôn trọng một di sản đã được công nhận là di sản của thế giới”.
  “Hát xoan cổ cần phải được tôn trọng!” – Nghệ nhân hát xoan Nguyễn Thị Lịch

Cùng chung ý kiến ông Nguyễn Khắc Xương cho rẳng: “Hát xoan động tác tay khác với các dân ca khác, nếu làm như vậy thì hát xoan sẽ không hề có nét độc đáo riêng !”.

Ông cũng cho biết thêm: “Trong khi bảo tồn hát xoan nếu “chèo” hóa hay có bất kì sự biến đổi gì khác so với hát xoan cổ sẽ không còn là hát xoan nữa. Hát xoan là loại hình nghệ thuật bình minh của dân tộc. Vì vậy nếu muốn quảng bá hát xoan không cần thiết phải chế lời, thêm nhạc mà cần phải giữ nguyên được hát xoan cổ như đúng giá trị mà nó đã được công nhận”.
 “Bất kì có sự biến đổi gì khác với hát xoan cổ sẽ không còn là hát xoan nữa” - Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Xương
Bất cập trong việc bảo tồn

Theo như tìm hiểu của PV Vietnamnet, việc bảo tồn hát xoan hiện nay còn gặp rất nhiều vấn đề. Đó là hiện nay chưa có một đội hát xoan mang tính chuyên nghiệp và hình mẫu để có thể biểu diễn trong các sự kiện quan trọng.

Việc đãi ngộ với các nghệ nhân hát xoan trong việc truyền dạy và bảo tồn hát xoan cũng là điều đáng để bàn. Bà Nguyễn Thị Lịch cho biết từ khi được công nhận là nghệ nhân hát xoan đến nay, bà không hề nhận một đồng lương từ nhà nước mà đi dạy hát xoan chỉ vì yêu hát xoan.

Còn ông Nguyễn Khắc Xương lo lắng trước thực trạng việc nghiên cứu hát xoan sau khi được UNESCO công nhận đã tạm dừng lại: “Việc nghiên cứu để tìm ra lề lối và làn điệu hát xoan cổ chính gốc vẫn còn thiếu và rất cần được nghiên cứu tiếp”, ông nói.
Tay múa của hát xoan không giống như chèo mà cần phải tuân thủ các quy tắc riêng để đảm bảo tính tín ngưỡng bởi loại hình hát thường được phục vụ tại của đình mỗi dịp quan trọng.

Việc công nhận hát xoan hiện nay một tín hiệu tích cực từ sự hứng khởi của nhân dân khi hồ hởi tham gia các lớp học về hát xoan. Hát xoan đã đi vào trường học như một môn học tại tỉnh Phú Thọ nhưng lại bất cập trong việc đưa ra mô hình phù hợp với lứa tuổi học sinh khi tiếp cận với xoan”.

Công ước của UNESCO khi vinh danh một di sản đã khẳng định rõ di sản đó phải được bảo tồn nguyên hiện trạng khi được công nhận. Như vậy nếu như hiện tượng Hát Xoan bị “chèo” hóa hay “chế” thêm nhạc điệu còn tiếp tục xảy ra sẽ có ảnh hưởng không tốt đến danh hiệu mà UNESCO đã trao tặng cho hát xoan. Một bài học rất lớn là UNESCO đã từng tước đi sự công nhận đối với một số những di sản văn hóa phi vật thể ở một số nước dù trước đó họ đã từng công nhận.
Ông Nguyễn Đắc Thủy – Phó ban Tuyên giáo tỉnh Phú Thọ: “Năm nay có hiện tượng thêm nhạc hay biểu diễn sai tại một số chương trình chúng tôi xin rút kinh nghiệm và sẽ tiếp thu mọi ý kiến. Tuy nhiên cũng cần phải biết rẳng tại một số nơi biểu diễn là các CLB yêu xoan nhưng chưa hiểu rõ các quy tắc khi hát xoan, chúng tôi đã cử những nghệ nhân đến rút kinh nghiệm.
Việc đãi ngộ với các nghệ nhân hát xoan sắp tới tỉnh cũng sẽ có những đề án để hỗ trợ phù hợp hơn với các nghệ nhân trong việc bảo tồn hát xoan”.


Vĩ Lam

0 nhận xét: