Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2024

Bậc cầu nguyện thứ ba (Tiếp theo)

 


CHƯƠNG 17

Mẹ thánh tiếp tục cùng đề tài, trình bày bậc cầu nguyện thứ ba và kết thúc việc diễn giải các hậu quả các bậc cầu nguyện này. Người ghi nhận: trí tưởng tượng và trí nhớ là những trở ngại trong bậc cầu nguyện này.

***

Tôi đã đề cập đầy đủ về những gì liên quan đến cách thức cầu nguyện (thứ ba) này và linh hồn phải xử sự thế nào ở đây hay đúng hơn, tôi đã nói về những gì Thiên Chúa hoạt động trong linh hồn. Vì bây giờ chính Người đảm nhận công việc người làm vườn để cho linh hồn lo tận hưởng. Ý chí chỉ có việc là phải bằng lòng tiếp nhận những ơn Chúa cho nếm hưởng và ưng thuận cho Đấng Khôn Ngoan chân thật được tự do hoàn tất trong mình tất cả những gì Người muốn. Vì thế, chắc chắn là linh hồn phải có can đảm, vì sẽ hưởng những niềm vui lớn lao đến nỗi đôi khi linh hồn gần như ra khỏi xác và đó sẽ thật là cái chết hạnh phúc!

2. Như cha đã nghe nói, điều thích hợp hơn hết trong tình trạng này là linh hồn phó thác mình hoàn toàn trong tay Thiên Chúa. Nếu Người muốn đưa nó về thiên đàng, thì nó về. Nếu Người muốn đem nó xuống hoả ngục, cũng chẳng khốn khổ gì khi nó xuống đấy với Đấng thiện hảo của nó. Nếu Người muốn cất mạng sống nó đi, nó cũng muốn thế, hay có phải sống tới ngàn năm, nó cũng muốn như vậy. Chúa cư xử với linh hồn như của riêng Người. Nó không còn thuộc về mình nữa. Nó đã tự hiến hoàn toàn cho Chúa, nó không phải lo lắng về điều gì cả. Khi Chúa ban cho linh hồn ơn cầu nguyện cao siêu thuộc về bậc này, Người có thể thực hiện tất cả những điều ấy và còn nhiều hơn nữa, vì đó là hậu quả của những bậc cầu nguyện này. Linh hồn nhận biết rằng Người đang thực hiện những điều này mà không làm cho lý trí của nó phải mệt mỏi. Con nghĩ tất nhiên là tài năng này chỉ bỡ ngỡ nhìn xem những gì Người làm vườn nhân hậu và là Chúa đang thực hiện và thấy rằng Người muốn cho linh hồn khôn còn phải lao nhọc nữa, mà chỉ sung sướng tận hưởng, những hương thơm đầu tiên của các loại hoa. Trong bất cứ cuộc viếng thăm nào, dù mau chóng đến đâu, thì Người chủ vườn là Đấng tác tạo ra nước cũng đổ tràn ngập nước vào linh hồn. Và cái điều mà lý trí vất vả đến mệt mỏi trong suốt hai mươi năm trường mà linh hồn đáng thương đã không chiếm hữu được, thì Đấng Chủ vườn thiên đình hoàn thành chỉ trong giây lát. Trái đã lớn và chín mùi nên nếu Chúa muốn, linh hồn có thể tự bồi dưỡng dư dật bằng hoa trái vườn mình. Người chỉ để cho nó chia xẻ hoa trái cho tha nhân khi nào đã ăn thoả thích, đã nên thật mạnh mẽ để không tiêu tán hết hoa màu bằng cách từ từ làm mất đi, không biết lợi dụng và không ân cần đền đáp Đấng đã ban hoa trái ấy, chỉ lấy hoa trái ấy bồi dưỡng người khác trong khi có lẽ chính mình lại sắp chết đói. Những người thông minh sẽ hiểu thấu đáo điều này và họ sẽ có thể áp dụng cách hữu hiệu hơn là tôi có thể diễn tả, vì vậy tôi có mệt mỏi nói dài ở đây cũng là vô ích.

3. Vậy vào thời kỳ này, các nhân đức đã vững mạnh hơn trong bậc cầu nguyện Yên tĩnh trước đây, vì linh hồn đã biến đổi hẳn và không biết nhờ hương thơm từ bông hoa toả ra cách nào mà mình đã thực hiện được những việc trọng đại. Chúa muốn những bông hoa này nở ra để linh hồn có thể thấy là mình có nhân đức, dầu nó cũng biết rõ rằng thực sự sau nhiều năm luyện tập nó vẫn không sao thành công được. Còn Người làm vườn thiên đường trong giây lát đã có thể cho nó tất cả. Lòng khiêm nhường của linh hồn cũng vững mạnh và sâu xa hơn trước rất nhiều, vì nó thấy rõ hơn rằng chính mình chẳng làm được gì ngoài việc bằng lòng để Thiên Chúa thi ân cho và ý chỉ muốn tiếp nhận những ơn ấy. Con nghĩ bậc cầu nguyện này là sự kết hợp toàn diện và xác thực của linh hồn với Thiên Chúa. Trừ khi Chúa muốn để cho các tài năng hiểu và nếm hưởng những điều trọng đại Người thực hiện lúc ấy.

4. Điều đó đôi khi xảy ra, thực sự là rất thường xuyên. (con nói điều này ở đây để cha biết là điều đó có thể xảy ra và nhận ra khi nó xảy đến với cha. Chính con đã rất bận tâm vì điều đó), là khi ý chí kết hợp với Thiên Chúa, thì linh hồn nhận thấy ý chí bị cầm giữ và hoan hưởng và chỉ một mình ý chí cảm nghiệm được sự an tĩnh thâm sâu. Trái lại, khi ấy lý trí và trí nhớ thì tự do đến nỗi có thể lo công việc và thực hiện những công cuộc bác ái. Bậc cầu nguyện này có vẻ giống y như bậc cầu nguyện Yên tĩnh con đã nói, nhưng thực sự khác hẳn – vì trong bậc cầu nguyện Yên tĩnh, linh hồn không muốn động cựa nhúc nhích và chỉ muốn hưởng thụ sự nhàn hạ thánh thiện giống như Maria. Còn trong bậc cầu nguyện này, linh hồn cũng còn có thể làm trọn nghĩa vụ Martha nữa. Vậy đồng thời linh hồn sống cả đời sống hoạt động và đời sống chiêm niệm: tức là thi hành những công việc bác ái, chu toàn những việc trong bậc sống của mình và chăm chỉ đọc sách. Tuy nhiên những người ở bậc này không hoàn toàn làm chủ được chính mình và họ biết rất rõ rằng cái phần cao trọng hơn của linh hồn thì ở nơi đâu khác. Sự kiện đó giống như chúng ta đang đàm đạo với một người thì đồng thời có ai khác lại đang nói với chúng ta: chúng ta không thể hoàn toàn để tâm vào câu chuyện bên này cũng như bên kia. Có thể hiểu được điều này rất rõ ràng và khi đã có kinh nghiệm, nó sẽ đem lại sự thoả mãn và vui sướng tràn trề. Đó cũng là một cuộc chuẩn bị kỳ diệu để đạt tới tột đỉnh của tình trạng an tĩnh nghỉ ngơi. Vì nó cũng hiến cho linh hồn khoảng thời gian cô tịch xa lìa khỏi mọi bận tâm lo lắng. Thực trạng đó diễn ra như một người đã no nê không cần ăn nữa. Cũng không màng chi tới những món ăn twhường tình nữa. Nhưng vẫn không quá no, nên nếu thấy món ngon vật lạ, thì vẫn muốn (và có thể) ăn thêm đôi chút. Linh hồn ở trong tình trạng này không thoả mãn với những thú vui trần gian, không thèm khát những thú vui ấy, vì nó được thoả mãn bằng một thú vui cao trọng hơn: đó là niềm vui trong Chúa. Những khát vọng làm thoả mãn khát vọng của nó là được hưởng Người cách thâm thuý trọn vẹn hơn và được ở với Người. Đó là những gì linh hồn tìm kiếm.

5. Còn một thứ kết hiệp khác, dầu chưa phải là kết hiệp hoàn toàn, nhưng cao hơn thứ kết hiệp tôi vừa trình bày, nhưng lại thấp hơn thứ kết hiệp chưa đề cập đến khi nói về thứ nước thứ ba. Giả như Chúa vẫn chưa cho cha các ơn ấy, thì cha sẽ rất sung sướng khi có một bản phác hoạ các ơn ấy ra và bấy giờ cha có thể hiểu được cả bản chất các ơn đó nữa. Được Chúa ban cho ơn này đã là một hồng ân rồi. Nếu hiểu được hồng ân và ân sủng là gì thì lại là một ơn hoàn toàn khác. Có thể trình bày và giải thích ơn mình được nhận lãnh lại là một ơn khác nữa. Mặc dầu linh hồn chỉ cần có ơn thứ nhất để can đảm tiến bước trong đường lối Chúa và đạp dưới chân hết mọi sự thế gian mà chẳng bối rối lo sợ. Nhưng hiểu biết được các hồng ân lại có lợi và cũng là một hồng ân nữa! Người được hồng ân, hãy ca tụng Chúa. Những ai không được cũng chúc tụng Chúa, vì Chúa đã ban ơn ấy cho một số người, để nhờ đó chúng ta có thể cũng hưởng được kho tàng ấy. Loại kết hợp mà tôi muốn trình bày bây giờ đây thường tiếp diễn theo sau (và đặc biệt là cho tôi) vì Chúa thường ban cho tôi ơn này rất thường xuyên. Thiên Chúa cầm giữ ý chí, và tôi nghĩ là cả lý trí nữa, vì lý trí không suy luận mà chỉ lo hưởng Thiên Chúa. Giống như một người, khi nhìn một đối tượng thì tập trung hết chú ý vào đấy nên không nhìn được chỗ bên cạnh đó nữa. Vì đã nhìn một đối tượng thì không thể nhìn đối tượng khác nên không thể diễn tả đối tượng khác đó gì. Trí nhớ thì tự do – cả trí tưởng tượng cũng thế - và khi chúng ở trơ trọi một mình, người ta không thể ngờ được chúng có thể gây náo loạn như thế nào và làm sao chúng có thể làm đảo lộn mọi sự được. Theo kinh nghiệm bản thân, tôi thấy chúng làm tôi mệt. Tôi ghét chúng và tôi thường cầu xin Chúa, nếu Chúa muốn con phải chiến đấu nhiều, thì cũng xin cho con được thoát khỏi chúng vào những lúc (kết hiệp) như thế này. Đôi khi con thưa với Người: “Lạy Thiên Chúa của con, khi nào linh hồn con mới được trọn bề chúc tụng Chúa, chứ không bị phân tán thành từng mảnh, và hoàn toàn bất lực như thế này”. Tình trạng này làm cho con nhận ra tội lỗi tác hại chúng ta phần nào! Nó trói buộc chúng ta để chúng ta không thể làm được điều mình muốn – tức là luôn luôn nghĩ đến Thiên Chúa.

6. Tôi nói điều này đôi khi xảy ra – và hiện thời cũng xảy ra. Bởi vậy tôi thấy rõ trong trí – tôi thấy hồn tôi trở nên bất lực, vì nó muốn tập trung tất cả các tài năng vào phần cao trọng hơn của linh hồn mà vẫn không có thể được. Trí nhớ và trí tưởng tượng gây náo loạn trong linh hồn khiến cho linh hồn ra bất lực. Còn các tài năng khác không được tự do thì không thể làm gì, dù là làm hại. Dĩ nhiên khi quấy rối, chúng làm hại linh hồn rất nhiều. Khi con nói “không có thể dù là làm hại” là con có ý nói rằng chúng không có sức mạnh và không thể tập trung lại được. Những gì trí nhớ bày vẽ cho trí tưởng tượng chẳng giúp được gì cho linh hồn. Nó chẳng nhớ hẳn cái gì cả, mà chỉ chạy lang thang từ đối tượng này qua đối tượng khác, chẳng khác chi những con thiêu thân bất hạnh vô ổn, bay ban đêm. Trí nhớ cũng bay từ thái cực này sang thái cực kia y như vậy. Tôi nghĩ lối so sánh này rất thích hợp, vì dù trí nhớ không có sức mạnh để gây thiệt hại, thì nó vẫn quấy rầy những ai để ý đến nó. Tôi không biết có phương dược nào để chữa trị tai hoạ này, vì Chúa chưa tỏ cho con phương dược nào cả. Nếu Người tỏ cho tôi, tôi đã mau mắn áp dụng. Vì như tôi nói, tôi thường xuyên phải chịu cực hình này. Cảnh tượng này là một bức hoạ nói lên sự khốn nạn của chúng ta và cũng phô bày rất rõ quyền lực vô biên của Thiên Chúa. Tài năng nào được tự do thì gây mệt mỏi và làm thiệt hại cho chúng ta. Còn các tài năng khác ở với Chúa thì đem lại cho chúng ta sự an nghỉ.

7. Sau bao năm mệt mỏi tôi đã khám phá ra phương dược mà tôi đã đề cập đến khi trình bày bậc cầu nguyện Yên Tĩnh, nghĩa là linh hồn đừng quan tâm gì đến trí nhớ cả, hãy coi nó như con điên, cứ để nó muốn làm gì thì làm, vì chỉ Thiên Chúa mới cầm giữ nó được thôi. Tóm lại, trong tình trạng này, trí nhớ là một tên nô lệ. Chúng ta phải kiên nhẫn chịu đựng nó như Giacóp chịu đựng cô Lia thôi. Thiên Chúa đang tỏ cho chúng ta lòng thương xót vô biên vì rồi đây Người sẽ cho chúng ta được vui hưởng Rachel. Tôi nói trí nhớ là tên nô lệ, bởi vì xét cho cùng, dù có cố gắng đến đâu, trí nhớ cũng không thể lôi cuốn các tài năng khác theo mình. Trái lại thường là chẳng cần cố gắng gì mà các tài năng vẫn cưỡng bách được trí nhớ đi theo chúng. Đôi khi vì thấy linh hồn quá bấn loạn và nôn nả đi theo các tài năng khác, nên Chúa thương xót nó và cho nó bùng cháy lên ngọn lửa thần linh. Lửa này làm cho các tài năng mất bản chất tự nhiên, biến chúng nên tro bụi. Chúng được nếm hưởng những hồng ân trọng đại nên hầu như đã trở thành siêu nhiên vậy.

8. Trong tất cả các bậc cầu nguyện mà tôi vừa trình bày khi bàn về thứ nước sau cùng từ suối chảy đến, thì niềm hạnh phúc và sự an nghỉ của tâm hồn rất lớn lao đến lan tràn cả ra thân xác, có thể trông thấy được. Các nhân đức đã phát triển tới mức độ rất cao như tôi đã nói. Dường như Chúa muốn bày tỏ cho linh hồn thấy thực trạng diễm phúc của mình một cách rất rõ theo khả năng có thể thấy được ở trần gian này. Cha nên bàn luận vấn đề với một vài linh nhân (những người chuyên nghiên cứu về những vấn đề thiêng liêng) thông thái và chính họ đã đạt tới trình độ này. Nếu họ nói những gì con nói trên đây là đúng, thì cha hãy coi xác quyết ấy như của chính Chúa và hãy cảm tạ Người về điều đó. Vì như con đã nói, có thể Chúa đã cho cha vui hưởng mà cha vẫn chưa hiểu được ơn ấy cách đầy đủ. Nhưng đến lúc Chúa cho cha hiểu được cả bản chất cả hồng ân này, cha sẽ được tràn đầy hoan hỉ. Chúa đã ban cho cha ơn thứ nhất, thì với trí thông minh và kiến thức rộng của cha, cha cũng sẽ hiểu được ơn ấy. Nguyện Chúa được chúc tụng đến đời đời kiếp kiếp cho hết mọi sự Amen.

(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm “Tiểu Sử Tự Thuật Thánh Teresa thành Avila”

0 nhận xét: