ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 1
CHƯƠNG 12
TÁC HẠI DÂY CHUYỀN VÀ ĐỒNG BỘ *
Chương này giải thích rõ đâu là những mê thích đủ sức gây cho linh hồn những thiệt hại đã nêu.
1 - Thiết tưởng còn có thể nói rộng nói dài về vấn đề đêm giác quan này, vì còn lắm điều phải nói về những tác hại mà các mê thích gây ra, không những theo mấy cách thế đã trình bày, mà còn theo nhiều cách thế khác nữa. Tuy nhiên, theo mục đích chúng tôi tự đề ra, những điều nói trên đây đã tạm đủ. Có lẽ bấy nhiêu cũng đủ giúp hiểu tại sao lại gọi việc giết chết các mê thích là đêm tối, và tại sao cần phải lao vào đêm ấy để đến với Thiên Chúa. Nhưng trước khi nêu rõ linh hồn phải lao vào đó cách nào, và cũng để kết thúc phần này, còn phải làm sáng tỏ vấn nạn mà độc giả có thể gặp phải về những gì đã nói.
2 - Vấn nạn ấy gồm hai điểm: Một là, phải chăng bất cứ mê thích nào cũng đủ tạo nên trong linh hồn hai tác hại đã bàn đến: Một tác hại ngăn cản, tức là khiến linh hồn mất ơn thánh Chúa, và một tác hại gây rối, gây cho linh hồn năm thiệt hại chính đã nêu trên. Điểm thứ hai là, phải chăng bất cứ mê thích nào, dù hết sức nhỏ bé, thuộc bất cứ loại nào, cũng đủ sức gây ra hết mọi thiệt hại ấy cùng một trật, hay chỉ là, một số mê thích gây nên những thiệt hại này và những mê thích gây những thiệt hại khác, chẳng hạn một số mê thích gây dằn vặt, một số khác gây mệt mỏi, và một số khác lại gây tăm tối v. v...
3 - Về điểm thứ nhất, xin thưa, nếu nói tới tác hại ngăn cản, khiến linh hồn mất ơn Chúa, thì chỉ những mê thích tự ý và mang tính chất tội trọng mới có thể gây nên tác hại ấy cách dứt khoát, cướp mất ơn thánh ở đời này và cướp mất vinh quang ở đời sau, không cho ta được chiếm hữu Thiên Chúa.
Còn về điểm thứ hai, xin thưa: Cả những mê thích đưa đến tội trọng, những mê thích hữu ý đưa đến tội nhẹ, cho tới những mê thích chỉ mang tính chất là những điều bất toàn, mỗi một mê thích đều đủ sức cùng một lúc tạo nên hết mọi thiệt hại gây rối trong linh hồn. Những thiệt hại này càng lúc càng đẩy linh hồn hướng về thụ tạo, cũng y như tác hại ngăn cản hỗ trợ cho việc quay lưng với Thiên Chúa.
Tuy nhiên giữa các mê thích vẫn có điểm khác biệt: Những mê thích thuộc tội trọng gây nên sự mù tối, khổ hình, nhơ nhớp, yếu nhược toàn diện... Còn những mê thích khác thuộc tội nhẹ hoặc chỉ là những điều bất toàn thì không gây những tác hại ấy cách toàn diện và dứt điểm, vì chúng không tước đoạt được ơn thánh (nếu tước đoạt được thì chúng đã bắt linh hồn phải nằm dưới sự thống trị của chúng, bởi lẽ cái chết của ơn thánh đem lại sự sống cho chúng). Tuy nhiên chúng vẫn đẻ ra được đôi điều trong các tác hại ấy, dù ở mức độ yếu ớt hơn và tùy sự suy yếu của ơn thánh mà chúng tạo ra trong linh hồn. Theo đó, mê thích nào càng khiến ơn thánh nguội đi, càng gây nên nhiều khổ hình, mù tối và nhơ nhớp hơn.
4 - Cần lưu ý rằng mặc dầu mỗi mê thích đều gây ra những tác hại gây rối trên đây, nhưng trong đó, một số thì chủ yếu và trực tiếp gây những tác hại này, một số gây các tác hại khác; và những mê thích khác cũng vậy. Mê thích nhục dục cũng gây ra tất cả các tác hại ấy, nhưng cốt yếu và đặc thù của nó là làm nhơ nhớp cả linh hồn và thân xác. Mê thích thuộc tính hà tiện cũng gây ra tất cả các tác hại ấy, nhưng chính yếu và trực tiếp, nó gây nên sầu muộn. Mê thích hư danh cũng gây ra hết mọi tác hại, nhưng chính yếu và trực tiếp, nó gây ra tăm tối và mù quáng. Sự mê ăn uống cũng gây ra hết mọi tác hại nhưng chính yếu là nó khiến người ta lãnh đạm với đường nhân đức. Về các mê thích khác cũng tương tự như thế...
5 - Sở dĩ bất cứ tác động nào của một mê thích hữu ý đều cùng một lúc gây ra trong linh hồn hết mọi hậu quả ấy, chính là vì nó trực tiếp đối nghịch với hết mọi tác động nhân đức đang làm phát sinh trong linh hồn những hậu quả trái ngược. Một tác động nhân đức làm phát khởi và sinh ra trong linh hồn cùng một lúc vừa sự dịu dàng, bình an, an ủi, ánh sáng, sự trong suốt và sức mạnh, còn một mê thích vô trật tự gây ra dằn vặt, khổ não, mệt mỏi, mù tối và yếu nhược. Việc thực hành một nhân đức làm cho mọi nhân đức được lớn lên, ngược lại, việc chiều theo chỉ một nết xấu thôi cũng đủ làm lớn mạnh hết mọi nết xấu khác và các hậu quả của chúng trong linh hồn. Ngay khi chiều theo sự mê thích người ta không thấy được tất cả mọi tác hại ấy - vì lúc ấy người ta đang mải mê với sự thích thú nó đem lại, nhưng sớm muộn người ta sẽ cảm thấy rõ các tác hại nó để lại. Điều ấy được biểu thị nơi cuốn sách thiên thần đã ra lệnh cho thánh Gioan phải ăn (x. Kh 19,9): Mới ngậm vào miệng thì thấy ngon ngọt nhưng nuốt vào bụng rồi lại gây cay đắng. Cũng vậy, các mê thích khi vừa mới chiều theo thì dịu ngọt và có vẻ tốt lành, nhưng sau đó người ta sẽ cảm thấy cay đắng. Những ai đã từng buông mình theo mê thích có thể nhận thấy rõ điều ấy. Dĩ nhiên cũng có một số người bị mù tối và vô cảm đến độ không còn cảm thấy được chuyện ấy; họ không nghĩ tới chuyện tiến bước trong Thiên Chúa, nên không thấy được những gì ngăn cản họ đạt tới Ngài.
6 - Ở đây tôi không nhắm nói về những mê thích tự nhiên khác không mang tính hữu ý, cũng không nhắm nói về những tư tưởng không vượt qua những rung động sơ khởi, và không nhắm nói về nhiều cám dỗ mà người ta không chiều theo, bởi vì tất cả những điều ấy không gây nên trong linh hồn một tác hại nào trong những tác hại kể trên. Thật vậy, mặc dầu sự náo loạn và đam mê chúng quấy lên trong lúc ấy khiến cho người bị thử thách có cảm tưởng chúng đã làm họ bị nhơ nhớp và mù quáng, nhưng thật ra không phải vậy, mà đúng hơn, chúng còn nên cớ cho họ được những lợi ích ngược hẳn. Tùy theo sức chiến đấu chống cự của họ nhiều hay ít, mà họ được thêm sức mạnh, sự tinh ròng, ánh sáng và niềm an ủi, cùng với nhiều ơn lành khác, như lời Chúa đã phán với thánh Phaolô: Quyền năng được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối (2Cr 12,9).
Trong khi đó, những mê thích hữu ý sẽ sinh ra hết mọi tác hại chúng tôi đã nói tới, và còn nhiều hơn nữa. Vì thế, bận tâm chính yếu của các bậc thầy tâm linh là đòi hỏi các môn đệ phải giết chết ngay bất cứ một mê thích nào, và ở lại trong sự “rỗng không” đối với những điều họ mong ước, ngõ hầu được giải thoát khỏi tình trạng khốn nạn kinh khủng ấy.
Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét