ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2
CHƯƠNG 4
CẦN ĐI QUA ĐÊM ĐEN *
Nói rộng hơn về việc linh hồn phải ở trong tăm tối đến mức nào để được đức tin hướng dẫn tới đỉnh chiêm niệm cách thật tốt đẹp.
1 - Tới đây bạn đã hiểu được phần nào, tại sao đức tin lại là một đêm tối đối với linh hồn và tại sao linh hồn lại phải ở trong tăm tối về mặt tự nhiên, để có thể được đức tin dẫn dắt tới đỉnh cao nên một. Tuy nhiên để linh hồn biết xử sự như thế, cũng nên giải thích chi tiết hơn một chút về bóng tối mà linh hồn phải chịu để được vào trong vực thẳm đức tin. Vậy nơi chương này, tôi sẽ nói về sự tăm tối cần có và nhờ ơn Chúa giúp, tôi sẽ nói khá chi tiết những gì cần làm để đừng cản trở một sự hướng dẫn cao vời đến thế.
2 - Vậy tôi xin nói ngay rằng muốn được đức tin hướng dẫn cách chắc chắn tới tình trạng nên một, linh hồn không những phải ở trong tăm tối về phía những gì liên quan tới các thụ tạo và những cái mau qua (tức là phần cảm giác và hạ đẳng chúng tôi đã bàn tới), mà hơn nữa còn phải làm cho mình thành mù lòa, tăm tối cả về phía những gì liên quan tới Thiên Chúa và tâm linh (tức là phần lý trí và thượng đẳng chúng tôi sắp bàn đến). Hiển nhiên, muốn đạt tới sự biến đổi siêu nhiên ấy, linh hồn cần phải trở thành mù lòa và thoát ly khỏi tất cả những gì thuộc tính tự nhiên, tức là thuộc cảm giác và lý trí. Bởi lẽ, siêu nhiên có nghĩa là ở trên tự nhiên; và tự nhiên thì phải ở dưới.
Muốn cho sự biến đổi và nên một ấy khỏi thành chuyện của giác quan và tài khéo nhân loại, linh hồn cần phải tự nguyện trở nên trống rỗng hoàn toàn về tất cả những gì có thể xâm nhập vào nó, hoặc từ bên trên hoặc từ bên dưới, tức là cả về tình cảm và lòng muốn, và phải cố gắng hết sức nó. Lúc đó, nào ai có thể ngăn cản Thiên Chúa thực hiện điều đẹp lòng Ngài trong một linh hồn nhẫn nại, đã tự hủy và hóa nên trần trụi?
Linh hồn phải trở nên trống rỗng toàn triệt, trút hẳn tất cả những gì đã chất chứa. Dù đạt tới chỗ có được nhiều điều siêu nhiên đi nữa, nó vẫn phải luôn coi mình như tay trắng và đang đi trong tăm tối, lấy đức tin làm người dẫn đường và ánh sáng, chứ không dựa vào những điều mình đã nghe, đã nếm, đã cảm hay đã tưởng tượng được. Tất cả những thứ ấy đều là bóng tối dễ khiến linh hồn lạc đường; còn đức tin thì vượt hẳn trên tất cả những gì người ta đã nghe, đã nếm, đã cảm hay đã tưởng tượng được. Nếu linh hồn không nhắm mắt lại với những chuyện ấy và chìm hẳn trong tăm tối, nó sẽ không đến được tới chỗ mà đức tin dạy bảo cho.
3 - Người mù, nếu không hoàn toàn mù thì không dễ gì để cho người dẫn đường dắt đi. Hễ thấy được chút ít, dù chỉ rất ít ở một phía nào đó, anh ta liền nghĩ rằng đó là con đường tốt nhất, vì anh ta đâu có thấy được những con đường khác tốt hơn. Do đó anh ta có thể khiến người đang dắt anh và thấy nhiều hơn anh bị lạc đường. Về linh hồn cũng vậy. Nếu nó dựa trên một chút gì đó đã biết được, nếm được hay cảm được về Thiên Chúa (dù những điều ấy có lớn lao đến đâu, so với Thiên Chúa cũng thật ít ỏi và hết sức chênh lệch) để làm đường đi thì sẽ rất dễ lạc lối và bị dừng lại, bởi vì không chịu hoàn toàn trở nên mù tối để đức tin có thể đưa đi cách hữu hiệu.
4 - Đó cũng là điều thánh Phaolô muốn nói trong câu: "Ai lại gần Thiên Chúa thì phải tin là Ngài có" (Hr 11,6). Tức là ai ước ao được nên một với Thiên Chúa thì đừng đi bằng con đường trí hiểu, đừng dựa vào sở thích, cảm giác hoặc tưởng tượng hay bất cứ một giác quan nào nhưng chỉ tin vào hữu thể Ngài (hữu thể này vuột khỏi sở thích, cảm giác hoặc tưởng tượng hay bất cứ giác quan nào khác và cũng không để cho ai ở đời này có thể hiểu thấu). Thật vậy, tất cả những gì cao siêu nhất người ta có thể cảm được hay nếm được ở đời này về Thiên Chúa đều cách biệt nghìn trùng so với bản tính Ngài và so với điều chúng ta sẽ biết khi được chiếm hữu Ngài trọn vẹn. Cho nên ngôn sứ Isaia và thánh Phaolô mới nói: "Những điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe và đã không hề nảy lên nơi lòng một người phàm nào, tức là hết thảy những điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Ngài" (1Cr 2,9) [Tác giả nêu cả ngôn sứ Isaia nhưng chỉ trích lời thánh Phaolô. Ngôn sứ Isaia thì nói: “Tự cố chí kim thiên hạ không nghe, không lọt qua tai. . . và mắt không thấy Thiên Chúa nào trừ phi là Ngài, Đấng đã đáp cứu kẻ có lòng cậy trông.” (Is 64,3)]. Thật tốt đẹp khi linh hồn có ý được nên một ngay ở đời này cách hoàn hảo bằng ơn thánh với Đấng mà đời sau nó phải được nên một bằng vinh quang. Đó là điều thánh Phaolô bảo là mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe và lòng người không bao giờ nghĩ tới, cho nên rõ ràng muốn đạt đến chỗ nên một với Chúa ngay ở đời này cách hoàn hảo bằng ơn thánh và tình yêu, thì nhất thiết phải ở trong tăm tối đối với (tức là gạt bỏ hết) tất cả những gì có thể lọt vào qua mắt thấy, có thể tiếp nhận bằng tai nghe, có thể tưởng tượng ra tùy hứng, hoặc có thể hiểu được bằng tấm lòng (ở đây có nghĩa là linh hồn). Như thế, một linh hồn muốn đạt đến tình trạng nên một cao độ ấy với Thiên Chúa, sẽ gặp trở ngại rất lớn khi nó gắn bó với một điều gì đó của trí hiểu, của tình cảm, của tưởng tượng, của phán đoán, của lòng muốn, của một cách hành động, một công việc hay một sự vật đặc biệt nào đó, mà không biết tự dứt bỏ và lột cởi hết những chuyện đó. Bởi lẽ, như đã nói, điểm linh hồn vươn đến vượt trên tất cả những chuyện đó, cho dù chúng có thể làm thỏa mãn trí hiểu và sở thích đến đâu cũng vậy; và như thế, linh hồn cần vượt lên trên tất cả để đạt tới tình trạng không biết gì.
5 - Do đó, muốn lên đường cần phải bỏ lối mình đang đi, hay nói đúng hơn, phải vươn tới mục đích và bỏ qua phương tiện, bỏ qua cách thế, để đạt đến cùng đích vượt mọi cách thế, tức là đạt đến Thiên Chúa. Linh hồn nào đạt tới tình trạng ấy thì chẳng còn cần gì phương tiện hay cách thế, nó không gắn bó và thậm chí không thể gắn bó với chúng nữa. Nó không còn gắn bó gì với những cách nghe, nếm hoặc cảm, mặc dù nó có đủ các cách thế ấy; nó chẳng khác nào một người không có gì mà lại sở hữu tất cả. Một khi đã can đảm vượt khỏi giới hạn tự nhiên của những khả năng bên trong và bên ngoài của mình, linh hồn tiến lên bình diện siêu nhiên thật trọn vẹn, không còn cần gì đến các cách thế, vì đã có đủ mọi cách thế ở dạng thực chất. Muốn đạt tới đó, cần rời khỏi tình trạng tự nhiên, cần ra khỏi mình, lìa bỏ những gì ở dưới thấp này để vươn tới điều cao vượt hơn mọi chiều cao.
6 - Vì thế một khi vượt khỏi tất cả những gì có thể biết được và hiểu được về mặt tâm linh cũng như về mặt tự nhiên, linh hồn phải hết sức khao khát đạt tới điều mà ở đời này nó không thể biết được và lòng nó không thể nghĩ ra được. Vất lại đàng sau tất cả những gì nó đã nếm, đã cảm hoặc có thể nếm, cảm được ở đời này, cả về mặt thế tục và tâm linh, nó phải hết sức khao khát đạt tới điều vượt hẳn mọi khả năng nếm, cảm... Muốn được tự do và rỗng đi để đón nhận một ơn lành như thế, nó phải đánh giá mọi thứ khác là hết sức kém giá trị và không được bám víu chút nào vào những gì nó sẽ đón nhận, cả về mặt tâm linh và cảm giác (như chúng tôi sẽ nói sau, khi bàn đặc biệt về điểm này). Bởi vì càng tưởng nghĩ đến những gì đã nghe, đã nếm, đã tưởng tượng, và càng quý chuộng những điều ấy, hoặc thuộc bình diện tâm linh hoặc không, linh hồn càng lìa bỏ sự thiện tối thượng và càng không chịu vươn tới đó. Ngược lại càng ít tưởng nghĩ tới những gì nó có thể có được, dù cao quý đến đâu, thì đối với sự thiện tối thượng, linh hồn càng tán dương và quý chuộng và do đó càng tiến gần tới sự thiện ấy hơn. Bằng cách đi trong đêm tối như thế, linh hồn sẽ tiến những bước thật xa hướng đến sự nên một với Thiên Chúa nhờ đức tin. Chính đức tin cũng tăm tối và nhờ đó mà sẽ ban được cho linh hồn một ánh sáng kỳ diệu. Còn nếu linh hồn cứ đòi thấy, chắc chắn khi nhìn vào Thiên Chúa nó sẽ bị tối tăm mặt mày còn hơn cả kẻ mở mắt nhìn chòng chọc vào ánh sáng mặt trời chói chang.
7 - Trên con đường này, có khiến các quan năng mình mù tối đi, ta mới thấy được ánh sáng, như lời Đấng Cứu Thế phán trong Tin Mừng: "Ta đến trong thế gian này chính là để phán xét, ngõ hầu kẻ không thấy thì được thấy, và kẻ thấy được lại hóa đui mù" (Ga 9,39). Trên con đường tâm linh đang nói đây, những lời ấy phải được hiểu sát theo mặt chữ, tức là linh hồn nào chịu ở trong tăm tối và chịu hóa mù về hết mọi ánh sáng riêng và tự nhiên của mình, thì sẽ xem thấy được về phương diện siêu nhiên; còn linh hồn nào muốn dựa vào một ánh sáng cá nhân nào đó thì sẽ bị mù tối hơn và sẽ phải khựng lại trên nẻo đường nên một.
8 - Để tiếp tục cách sáng sủa hơn, trong chương kế tiếp đây tôi sẽ giải thích về bản chất của điều vẫn gọi là sự nên một với Thiên Chúa. Hiểu được điều đó, ta sẽ có thêm được nhiều ánh sáng cho những gì sẽ nói sau này. Thiết tưởng đây chính là chỗ thích hợp để nói về điểm ấy. Mặc dù phải gián đoạn luồng tư tưởng, nhưng sẽ soi sáng nhiều cho vấn đề đang bàn luận. Do đó, chương này có thể coi như một dấu ngoặc. Liền sau đó chúng ta sẽ trở lại bàn tiếp ba quan năng của linh hồn trong liên hệ với ba nhân đức hướng thần, trong đêm tâm linh thứ hai này.
Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét