MỐI QUAN HỆ GIỮA NHO GIÁO VÀ CÔNG GIÁO Ở VIỆT NAM
Nguyễn Hồng Dương
Viện Nghiên cứu Tôn giáo
Đạo Công giáo truyền bá và bước đầu đứng chân ở Việt Nam vào thế kỷ XVII. Đây là thời kỳ nhà Lê Trung hưng, kế tục thời kỳ trước, nhà Lê vẫn sử dụng Nho giáo làm hệ tư tưởng trị nước. Các tôn giáo khác như Phật giáo, Đạo giáo vẫn thịnh hành trong nhân gian và cũng có những ảnh hưởng nhất định trong đường lối trị nước của nhà Lê.
Sự xuất hiện của Công giáo ở Việt Nam ngay từ buổi đầu đã là sự kiện tôn giáo đặc thù. Đó là việc truyền bá một tôn giáo hoàn toàn xa lạ với các tôn giáo truyền thống. Chẳng những thế tôn giáo này đã không thừa nhận các tôn giáo đang hiện diện, coi tất cả là tà giáo là đạo dối.
Các giáo sĩ Công giáo dựa vào tín lý, giáo lý Công giáo tấn công vào hệ tư tưởng Nho giáo, hệ tư tưởng trị nước thời bấy giờ.
Về phía Nho giáo để bảo vệ nền tảng tư tưởng của mình các nhà Nho mà đại biểu của nó là nhà Vua, là các Nho thần, tất nhiên cũng tấn công lại một cách mạnh mẽ những tư tưởng của Công giáo. Từ đó hình thành nên cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng mang tính học thuật.
Song cùng với thời gian, nhất là từ sau khi nhà Nguyễn bãi bỏ lệnh cấm đạo (1874) giữa Nho giáo và Công giáo dần dần hình thành nên mối tương giao và hoà hợp.
Bài viết này tập trung vào hai nội dung chính trong mối quan hệ giữa Nho giáo với Công giáo ở Việt Nam là xung đột và dung hợp.
Xung đột
Xung đột mà bài viết này đề cập là xung đột trên lĩnh vực tư tưởng có tính học thuật được thể hiện qua các văn kiện và các tác phẩm.
Về văn kiện là các đạo dụ, điều lệ của Vua, Chúa, hịch của phong trào Văn Thân, là các Thư chung và một số văn kiện khác của Giáo hội Công giáo.
Về tác phẩm là các trước tác của nhà vua, nhà nho và các giáo sĩ.
Trước hết xin bắt đầu từ phía Công giáo. Do khuôn khổ bài viết, về văn kiện chúng tôi chỉ đề cập đến thư chung, về tác phẩm là hai trước tác của giáo sĩ Alexandre de Rhodes và cuốn Hội đồng tứ giáo.
Thư chung: Thư chung là loại hình văn bản của giám mục soạn gửi cho cộng đồng tín hữu, hàng giáo phẩm vào tu sĩ thuộc giáo phận mà giám mục đó cai quản. Nội dung thư chung rất đa dạng trong đó có một số thư chung giám mục đề cập đến Nho giáo để rồi ngăn cấm không được tham dự các nghi lễ của Nho giáo. Thư chung được đọc công khai trong nhà thờ. Một trong những thư chung theo chúng tôi là tiêu biểu về việc đề cập đến Nho giáo là thư chung của Giám mục Phêrô Maria Đông giám mục giáo phận Tây Đàng Ngoài đề năm ? (1895). Thư chung được tập hợp trong cuốn: Sách thuật lại các thư chung địa phận tây Đàng Ngoài in tại Kẻ Sở 1908 với tựa đề: Về các việc dối trá. Nội dung: “Cắt nghĩa bốn điều sau này: Một là những sự không nên thờ; hai là những sự không nên làm về đàng phụng sự; ba là những sự không nên bàn về đàng hiếu sự; bốn là những việc dối trá không nên tin không nên kiêng”. Phần: Điều thứ I -Những sự không nên thờ viết: “Vậy trong những cách lỗi nhân đức thờ phượng, kẻ có đạo năng dịp mắc phải hơn thì có ba sự này: một là thờ Thần Phật, hai là thờ Khổng Tử, ba là thờ ông bà bà ông vải”. “Thờ Khổng Tử - Ông Khổng cũng là người thế gian như Bụt đã nói trên này, là quân tử nước Ngô đã làm thày đồ dạy những chữ nghĩa, song chẳng biết cội rễ và cũng sau hết mình là làm sao, nên không làm thày dạy dỗ thiên hạ được. Cho rằng là người khôn ngoan lý sự phần đời hơn nhiều người khác, nhưng mà nó dạy điều gì có lập công, gì trước mặt Đức Chúa Lời đáng thờ lạy đáng tế lễ đáng cầu khấn ru?
Mà bây giờ dù Thần dù Phật dù Khổng Tử cũng đã chết cả rồi, còn có quyền thế cứu giúp phù hộ người ta làm sao? Hẳn thật ai tin nó thờ nó là thờ dối trá và làm tôi ma quỉ”(1).
Phần: Điều thứ II - Những sự không được làm về đàng phụng sự viết: “Trong nước này kẻ vô đạo thờ Khổng Tử như đấng thánh có phép phù hộ, cùng xin người giúp sức cho mình được sáng dạ, được thi đỗ đơm tế mời về hưởng cỗ bàn vân vân, ấy là những điều dối trá tỏ tường kẻ có đạo chẳng nên thông công sự ấy, khi làm ở nhà thày đồ, hay là trong dịp thi cử nơi văn miếu văn chỉ; Cũng không nên lạy thần vị bàn án đã lập mà thờ ông Khổng bao giờ”.
Hai tác phẩm của giáo sĩ Alexandre de Rhodes. Trước hết là cuốn Phép giảng tám ngày. Đây là sách giáo lý đầu tiên bằng chữ quốc ngữ dùng cho cộng đồng tín đồ Công giáo ở Việt Nam lúc bấy giờ và còn ảnh hưởng lâu dài đến tận sau này. “Phép giảng tám ngày… là sách giáo lý trình bày trong mầu sắc minh giáo”(2). Sở dĩ tác giả Nguyễn Khắc Xuyên gọi như vậy là vì trong Phép giảng tám ngày, Rhodes dành một phần nội dung chỉ trích những tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống Việt Nam trong đó có Nho giáo, cho đó là đạo tà, đạo giả, dị đoan. Cuốn sách viết: “Trong Đại Minh còn giáo thứ ba, gọi là Đạo Nho, những kẻ hay chữ thì theo đấy, mà thờ ông Khổng vì sự ấy trong Đại Minh thì lấy ông Khổng làm nhất mà gọi Thánh hiền, là Thánh và hiền nhất vậy. Song le nói thể ấy chẳng phải lẽ đâu, vì chưng hay là ông Khổng Tử ấy biết đức Chúa cả làm nên mọi sự, là cội rễ mọi sự thánh, mọi sự lành, hay là chẳng biết. Ví bằng đã biết, mà làm thầy, thì phải dạy đầy tớ cho biết cùng, mà thờ đấy cho nên. Song le ông Khổng chẳng có làm sự ấy, vì vậy chẳng phải hiền, chẳng phải thánh, thật là độc dữ”(3).
So với tác phẩm: Phép giảng tám ngày, thì tác phẩm: Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài viết về Nho giáo và Khổng Tử có phần kĩ hơn: “Giáo phái thứ nhất và thời danh hơn cả là đạo Nho. Người khai sáng đạo này là một người Tầu tên là Khổng Tử, sinh sống ở nước Tàu, theo sử liệu vào cùng thời với Aristote bên Hi Lạp, nghĩa là vào khoảng ba trăm năm trước Thiên chúa giáng sinh. Người Đàng Ngoài tôn ông là thánh nhân, nhưng vô lý và trái lẽ, như tôi đã có lần thuyết phục họ. Bởi vì, theo tôi, nếu ngài được gọi là thánh nhân, thì ngài phải biết có một đức chúa Trời dựng nên trời và đất, nếu ngài không biết thì sao có thể là thánh được; không biết đấy là cội nguồn và là nguyên nhân mọi sự thánh, ngài chỉ thông truyền cho loài có lý trí bằng sự hiểu biết và yêu mến Thiên chúa cao cả. Nếu ông nhận biết, vì ông tự xưng là bậc tiến sĩ và tôn sư thì ông phải giảng dạy sự hiểu biết cần thiết cho sự cứu rỗi, đàng này ông không dạy rõ ràng trong kinh sách của ông, ông không đề cập tới Thiên Chúa nguyên lý mọi sự, thì sao có thể gọi ông là thánh(4).
Một trong những tác phẩm của Công giáo đề cập đến Nho giáo cần phải kể để là cuốn: Hội đồng tứ giáo (còn gọi là Hội đồng tứ giáo danh sư). Nội dung tác phẩm mang tính minh đạo. Thông qua một hội đồng mang tính giả định với tên gọi “Hội đồng tứ giáo” gồm 4 người đại diện cho 4 tôn giáo thời bấy giờ là Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo và Công giáo, gồm Nho sĩ (Nho giáo), Thượng Tọa (Phật giáo), Đạo giáo (Pháp sư), Tây Sĩ (Công giáo). Bốn vị đại diện “ngồi với nhau”, tranh luận về ba vấn đề:
Nguồn gốc con người.
Sống phải làm gì?
Chết rồi đi về đâu?
Trong tranh luận Nho sĩ luôn là người bắt đầu, Tây Sĩ là người sau cùng để kết luận vấn đề và tất nhiên là bác lại ý kiến của đại diện 3 tôn giáo. Ví dụ:
Để trả lời vấn đề thứ hai (Sống ở đời làm gì), Nho sĩ (…) lấy lời Đức Khổng mà giảng rằng: Sống ở đời người ta phải tu ngũ đức: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, và giữ ngũ luân: Quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu. Thầy pháp sư đưa ra câu của đức thánh Lão tử: Vật vi, vật ý, vật biện (chớ làm gì, chớ có ý gì, chớ phân biệt). Vị Hòa thượng thì nhắc lại người ta phải tu ngũ đức: Thí của, giữ chay, chịu nhục, tu đức, giữ lòng thật. Lại cấm 5 điều: một là cấm sát sinh, hai là cấm trộn cướp, ba là cấm tà dâm, bốn là cấm nói dối, năm là cấm uống rượu. Tây sĩ cũng dựa vào Thánh kinh Công giáo: Người ta phải giữ Thập giới (10 điều răn), phải giữ Thất qui (7 phép bí tích)(5).
Với ba vấn đề tranh luận trên, Công giáo đã trực diện đi vào ba vấn đề căn cốt mà các tôn giáo phải lý giải. Về hình thức là tranh luận là đối thoại nhưng thực chất là độc thoại với chủ ý là đánh đổ các tín lý của Nho, Phật, Đạo, đề cao, xác lập tín lý Công giáo.
Hội đồng tứ giáo là cuốn sách có kỷ lục về lần xuất bản. Có tác giả cho rằng nhà in Tân Định (Sài Gòn) đã tái bản cuốn sách này tới 15 lần. Một bản in tại nhà in Thái Bình, tới 12 lần(6).
Việc cuốn sách được tái bản nhiều lần ở hai miền Nam, Bắc cho thấy hẳn cuốn sách đã có tác dụng rất lớn không chỉ trong việc minh đạo mà còn thể hiện trong đấu tranh về tín lý của Công giáo ở Việt Nam với Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo.
Xung đột từ phía Nho giáo
Bắt đầu từ thời Lê(7), Nho giáo được dùng làm hệ tư tưởng trị nước. Nhà Vua đồng thời là nhà Nho, các bậc đại thần cũng đều là là Nho sĩ. Họ bước vào chốn quan trường qua thi cử Nho học. Vì vậy cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng của Nho giáo với Công giáo khá đa dạng và sinh động. Trước hết là cách nhìn nhận, phê phán của vua, chúa nhà Lê và tiếp theo là các vua Nguyễn qua các đạo dụ, qua các trước tác của nhà vua… Một quan điểm xuyên suốt cho đến khi nhà Nguyễn bãi bỏ lệnh cấm đạo (1874, Công giáo được xem là Tà đạo đối lập với Chính đạo - Nho học / giáo).
Thời Lê, năm Cảnh Trị thứ nhất (1663) đời vua Lê Huyền Tông, tháng 10, mùa đông. Nhắc rõ lai lịch cấm người theo tà đạo Gia Tô.
Trước đây có người Tây Dương gọi là Hoa Lang Di, vào nước ta, đem đạo dị đoan của Gia Tô lừa dối, dụ dỗ làm ngu muội dân chúng, những người quê mùa nông nổi phần nhiều tín mộ đạo ấy, họ lập tòa giảng, nghe giảng đạo, sự mê hoặc đắm đuối mỗi ngày càng rộng. Trước đã hạ lệnh đuổi người truyền đạo ấy đi, nhưng còn bọn tiểu nhân thấm sâu vào tập tục ấy chưa thay đổi được”(8).
Nhâm Thìn, năm thứ 8 (1712), tháng 3, mùa xuân, lại hạ lệnh cấm tà đạo Gia Tô. Triều đình đã nhiều lần ra điều lệnh cấm tà đạo Gia Tô nhưng quân và dân sở tại tham của đút lót của họ, che giấu lẫn nhau, nên đạo ấy lan ra làm người ta mê hoặc mỗi ngày một sâu rộng(9).
Năm 1754, tháng 9, mùa hạ. Lại cấm tà đạo Hòa Lan… Đạo Thiên chúa cũng gọi là “Thập tự giáo”. Giáo lý này dùng Thiên đường, địa ngục để phân biệt báo ứng về điều thiện, điều ác, cũng giống như đạo Phật, có thêm vào thuyết xưng tội, rửa tội nữa”(10).
Phong trào Tây Sơn nhìn nhận Công giáo là “Một tôn giáo không nhìn nhận cha, không nhìn nhận vua, không thờ kính thần linh”(11). Nhà Tây Sơn thực sự lo ngại ảnh hưởng tiêu cực của Công giáo tới Nho giáo “Từ khi các nước phương Tây lén lút đưa đạo của họ vào trong vương quốc này, ta biết rằng sự tôn thờ Đức Khổng Tử mỗi ngày một giảm và hầu như hoàn toàn bị bỏ rơi”(12).
Do tính chất phức tạp của Công giáo dưới triều Nguyễn nên các văn bản của triều Nguyễn khi đề cập đến Công giáo là gay gắt. Trong Điều lệ hương đảng, ban hành năm Giáp Tý (1804) thời vua Gia Long viết: “Lại như đạo Gia Tô là tôn giáo nước khác truyền vào nước ta, bịa đặt ra thuyết thiên đường, địa ngục khiến kẻ ngu phu, ngu phụ chạy vạy như điên, tiêm nhiễm thành quen mê mà không biết”(13).
Thời vua Minh Mạng, năm 1834 ban hành Thập huấn điều giáo dục dân chúng trên nền tảng Nho giáo và do vậy cũng đồng thời đả kích Công giáo, coi Công giáo là Tà đạo “làm cho bại hoại luân lý, hư hỏng giáo hóa, không thể tin được” (Điều 7 - Sùng Chính học)(14).
Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), nhân việc tha tội cho dân ở phường Nam Dương Tây, tỉnh Quảng Trị vốn theo Công giáo nay xin bỏ, vua Minh Mệnh dụ Bộ Hình rằng: Đạo Gia Tô nguyên từ người Tây Dương đem vào truyền bá đã lâu, dân ngu phần nhiều bị mê hoặc mà không biết hối. Thử nghĩ : Cái thuyết thiên đường, tóm lại chỉ đều là chuyện hoang đường, không có bằng chứng. Hơn nữa không kính thần minh, chẳng thờ tiên tổ, rất trái với chính đạo. Thậm chí lập riêng nhà giảng, tụ tập nhiều người, cám dỗ dâm ô phụ nữ, lừa gạt lấy mắt người ốm. Những việc trái luân lý, hại phong hóa, điều ấy kể ra còn nhiều, thực đã phạm đến pháp luật”(15).
Những nội dung trên về cơ bản được nhắc lại vào năm Minh Mệnh thứ 20 (1839) qua việc vua bảo Bộ Hình: “Thử nghĩ cái việc Thập ác, Giêsu, tóm lại chẳng có đạo lý gì, mà cái thuyết thiên đường, nước phép lại là vô lí. Thậm chí thác việc cầu hồn để lừa khoét con ngươi người (chết), mượn danh đồng trinh để dâm ô vợ con người ta, thương tổn phong hoá”(16).
Nhìn nhận Công giáo là tà đạo, không thờ tổ tiên, không kính quỉ thần đặt ra thuyết thiên đường, nước phép… cũng được các vua Thiệu Trị, Tự Đức nhắc trong các dụ.
Về trước tác đáng kể là tác phẩm Đạo biện (biện luận về đạo) trong Ngự chế văn tập của Tự Đức. Đạo biện ra đời có thể trước năm 1862. Trên cơ sở luận về đạo để rồi Tự Đức phê phán tín lý Công giáo: “Họ bảo Thiên Chúa tức là Thượng đế, Thượng đế là chúa tể của trời, tức là sáng tạo ra trời đất, vạn vật. Họ lại nói Thiên chúa không phải là trời, không phải là đất, không phải là lý, không phải là đạo, không phải là khí, không phải là tính, không phải là người, không phải là vật, không phải là quỉ, không phải là thần, đó là đầu mối của vạn vật, mà chính mình không bắt đầu từ đâu cả… đem so với Lão Tử khi nói “Vô danh là bắt đầu của trời vật, Đạo sinh ra một, một sinh ra hai” mới thấy thuyết của Gia Tô lại càng xuyên tạc thô sơ, họ chỉ biết mượn Thiên Chúa để che giấu cái dấu tích Gia Tô, và để làm văn hoa cho sự lầm lỗi vì đã thờ phụng xằng mà không kể gì đến gốc tích nữa”(17). Ở một đoạn khác Tự Đức phê phán: “Họ lại muốn người ta không được lễ tổ tiên, cha mẹ, thánh hiền, bảo rằng Thiên Chúa là gốc của nhân, vật, thần thánh, thì chỉ chuyên kính lễ Thiên chúa. Như thế họ lại càng sai lầm lớn lắm”(18).
Cách nhìn nhận, phê phán Công giáo của vua, chúa mà chúng tôi dẫn ra ở trên là do đứng trên quan điểm Nho giáo. Mặt khác có thể nói các vua, chúa, ngay cả vua Tự Đức một ông vua để tâm nghiên cứu Công giáo thì sự hiểu biết về Công giáo còn quá sơ sài. Thậm chí còn hiểu sai.
Bậc quân vương thì như vậy, các Nho thần hiểu biết về Công giáo thậm chí còn kém hơn, sai lạc hơn. Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) nhân nhà vua định rõ điều lệ cấm chỉ tà giáo Tây Dương, Tả phó đô ngự sử viện Đô sát Phan Bá Đạt tâu nói: “Tà giáo Tây Dương làm say đắm lòng người, thực là một đạo kiệt hiệt hơn hết trong các đạo dị đoan…Mã Song khai rằng thầy thuốc nước hắn, nhân người sắp chết, khoét lấy mắt phơi khô, hợp với hai vị a nguỵ và nhũ hương, tán nhỏ chế thuốc, trị bệnh ho đờm. Lại tục truyền tà giáo Tây Dương thường khoét mắt người, và cho 1 trai 1 gái, ở chung một nhà có tường ngăn cách, lâu ngày động tình dục, nhân đấy rập cho chết bẹp, lấy nước (xác chết đó) hoà thành bánh (thánh) mỗi khi giảng đạo cho mọi người ăn, khiến cho mê đạo không bỏ được. Cả đến người theo đạo khi trai gái lấy vợ chồng, thì đạo trưởng đem người con gái vào nhà kín, lấy danh nghĩa là để giảng đạo, thực ra là để dâm ô”(19).
Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng của Nho giáo với Công giáo còn được thể hiện qua tác phẩm Tây Dương Gia Tô bí lục (Ghi chép những chuyện kín của đạo Gia Tô Tây Dương). Về tác giả, tác phẩm và văn bản đã được đề cập trong Lời giới thiệu của cuốn sách(20). Do khuôn khổ của bài viết chúng tôi không thể phân tích sâu những ý kiến của mình khi cho rằng tác phẩm Tây Dương Gia Tô bí lục là cuốn sách do các nhà Nho viết ra nhằm mục đích phê phán Công giáo. Đây là công trình của nhiều người mặc dù trên đầu sách có tên tác giả.
Nội dung cuốn sách đề cập có nhiều phần sai lạc và phóng tác bởi sự hiểu biết hạn chế và còn bởi chủ đích của cuốn sách. Cách hành văn nhiều chỗ thô thiển, đôi khi thô lỗ. Bởi vì chủ đích của cuốn sách là thông qua việc đề cập đến lai lịch, hành trạng chúa Giêsu và việc truyền bá Công giáo vào Việt Nam, Trung Quốc để “đánh đổ” tôn giáo này về mặt học thuật. Điểm tựa để phê phán Công giáo là tín ngưỡng cổ truyền đặc biệt là hệ tư tưởng Nho giáo. Qua đó cũng chính là để xác lập tư tưởng Nho giáo.
Với độ dày hơn 300 trang cho thấy sự dày công của những nhà Nho khi soạn tác phẩm này. Vì vậy đây là cuốn sách dày nhất cho đến hết thời kỳ phong kiến mang nội dung đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng của Nho giáo với Công giáo. Chỉ riêng điều này thôi đã cho thấy tính quyết liệt của cuộc đấu tranh.
Khi nhà Nguyễn từng bước đầu hàng thực dân Pháp thì trong nước nổi lên phong trào Văn thân đánh Pháp. Khẩu hiệu của phong trào là: Bình Tây, sát tả” với lời hịch:
Than ôi, đạo dối Giêsu đã xâm nhập vào nước ta, lời cầu nguyện của họ chỉ tin vào chúa Trời và Thánh Thần.
Giáo lý của họ dạy rằng trên trái đất này chẳng có vua, chẳng có cha mẹ.
Lập luận của họ vừa vô lý vừa ngược đời:
Tư cách của họ đầy rẫy sự kiêu ngạo. Họ cướp đoạt đất đai phì nhiêu để xây dựng nhà thờ cho đạo dối.
Về mặt đạo lý họ tìm cách làm băng hoại nước ta để biến nước ta thành Công giáo. Họ làm nhục đạo lý Khổng Mạnh.
Dung hợp
Nếu như xung đột chỉ diễn ra trên bình diện tư tưởng thì dung hợp giữa Nho giáo và Công giáo diễn ra đa diện.
Về bình diện tư tưởng: Bên trên là việc trình bày về xung đột, tuy nhiên các giáo sĩ Công giáo không thể không thừa nhận cái hay cái tốt của Nho giáo mặc dù còn hạn hẹp và chỉ dưới góc độ tìm hiểu. Alexandre de Rhodes có những nhận xét sau về Khổng Tử: “Thực ra Khổng Tử nhà hiền triết này, trong những sách ông để lại, có nhiều giáo huấn về thuần phong mỹ tục: như khi ông nói, trước hết hãy sửa mình mà muốn thế thì xét mình mỗi ngày ba lần để sửa điều lầm lỗi. Sau đó mới đem tâm trí và chuyên cần xếp đặt, điều khiển gia đình. Và sau khi đã cẩn thận chu toàn chức vụ đầu tiên này chứ không trước khi đó, thì bấy giờ mới lo dìu dắt và cai trị quốc gia.
Ông còn luận về nhiều điều liên hệ tới pháp lý dân chính, về xét xử các vụ kiện và thi hành công lý, do đó các tiến sĩ Đàng Ngoài nghiên cứu kinh sách của ông một cách chuyên cần như chúng ta khảo sát hiến pháp hay bộ luật. Ông còn trình bày và phân giải những châm ngôn về chính trị và luật pháp tự nhiên. Vì thế ông không nói trái với những nguyên lí của Kitô giáo và cũng không nói những gì phải bác bỏ hay bị kẻ tin theo lên án”(21).
F.Buzômi, giáo sĩ người Italia xuất hiện ở Đàng Trong ngày 18-1-1615 nhận xét về vai trò của Nho giáo như sau: “Nhờ Khổng giáo, xã hội và gia đình Việt Nam đã có một tổ chức rất cao, người dân Việt Nam có những đức tính, phong tục rất đáng khâm phục nó đã giúp rất nhiều vào công cuộc truyền giáo”(22).
Thuyết “tam phụ” hay thần học “tam phụ”: Thiên chúa là Cha do Alexandre de Rhodes khởi xướng là sự ảnh hưởng của tư tưởng tam cương: quân thần, phụ tử, phu phụ của Nho giáo. Trong tam cương - ba giềng mối trong xã hội - Khổng Tử đã đề cập đến hai cha: Phụ tử - con đối với cha mẹ, quân thần - vua là cha mẹ dân để rồi A.Rhodes thêm một phụ/cha, với quan niệm Thiên chúa là Thượng phụ.
Trong phép giảng tám ngày A.Rhodes viết: “Bây giờ ta phải có ba đấng bề trên gọi là ba cha, ta phải thờ, ở đấng nào cho nên đấng ấy. Đấng dưới là cha mẹ sinh thân xác cho ta; đấng giữa là vua chúa trị nước; đấng trên tức đức chúa trời đất, làm chúa thật trên hết mọi sự. Có ba đấng này ta mới được sống, được ở. Vì chúng ta có cha mẹ, thì mới được thân xác thịt này sinh ra mà chớ… Vua Chúa cũng gọi là cha cả và nước cùng các dân. Chẳng có vua chúa, thì nước ở an lành chẳng được… Ắt thật thượng phụ là cha cả, chúa cả trên hết mọi sự, có thưởng có phạt trọng”(23).
Tư tưởng tam cương, ngũ thường còn được Công giáo vận dụng để hướng dẫn tín đồ sống đạo theo tín lý trong đó có việc hôn nhân. Công giáo đề cao hôn nhân một vợ một chồng gọi là “phép nhất phu, nhất phụ”. Thư của giám mục Hermosilla (Liêm) coi phép nhất phu nhất phụ thuộc về “cương” phu, phụ trong tam cương. Thư viết: “Các quân tử cứ lẽ tự nhiên đã suy đến sự ấy đã kể phép nhất phu, nhất phụ trong ba giềng mối can hệ nhất trong thiên hạ quen gọi là tam cương… Ví bằng người ta cẩn thận giữ cho phải mlễ trong việc nhất phu, nhất phụ thì các việc khác liền được an”(24).
Công giáo dù tạo ra chữ quốc ngữ nhưng một thời gian dài cho đến tận đầu thế kỷ XX kinh, bổn, giáo lý… lại soạn, in bằng Hán - Nôm mà dân gian quen gọi là chữ Nho. Tín đồ được xem là có hiểu biết trong xứ, họ đạo, làng Công giáo cho đến trước cách mạng Tháng Tám năm 1945 là những người biết “chữ Nho”, những người “Nho học”. Họ học chữ “Thánh hiền” bởi các “thầy đồ” ở làng lương. Họ được phép mang đồ lễ tặng thầày đồ, chỉ không được thờ cúng, bái lạy KhổngTử. Vì sợ tín đồ học “chữ Nho” với lương dân có thể bị chế nhạo, bị lôi kéo, nên với các xứ, họ đạo, làng Công giáo nào có “thầy đồ” là người Công giáo thì giáo dân phải học họ không được học thầy đồ là lương dân. Một trong những họ (hội đoàn) ra đời sớm là hội Nho gia tập hợp những thầy đồ là tín đồ Công giáo(25).
Chính vì vậy mà Công giáo đã để lại cho dân tộc một di sản Hán - Nôm quen gọi là Nôm đạo khá đồ sộ.
Tư tưởng Nho giáo thể hiện ở một số công trình kiến trúc Công giáo và cả trong những câu đối ở nhà thờ Công giáo. Nhà thờ chính toà Phát Diệm (Kim Sơn - Ninh Bình) mặt bằng kiến trúc theo hướng Bắc - Nam. Giữa ao hồ dựng tượng chúa Giêsu làm vua nhìn về hướng Nam, hai tay giang rộng. Hướng Nam là hướng của Thánh nhân theo quan niệm: Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ. Thánh nhân nhìn về hướng nam nghe thiên hạ giãi bày. Nhà thờ đá trong khu quần thể nhà thờ chính toà tạc biểu tượng lưỡng nghi/âm dương phía mặt sau hình sư tử và phượng hoàng. Chấn song phương đình là hình thân trúc. Trúc là biểu hiện tính ngay thẳng của người quân tử.
Nhà thờ xứ An Vân (Huế) có đôi câu đối.
Đạo sở cộng do chính tại càn khôn sắc bàng bạc
Nhân viết dư tri, cái vu tạo hóa tố uyên nguyên.
Dịch:
Đạo là con đường ai cũng phải đi, chính vì khắp càn khôn dáng của Thiên chúa luôn bàng bạc.
Người ta nói rằng: tôi biết (có Thiên Chúa) thấy công trình tạo hóa, ta phải truy tầm nguồn gốc.
“Đạo sở cộng do” là lấy lời của Khổng Tử trong câu: Đạo lộ dã, nhân sở cộng do. Hà nhân xuất bất do hộ.
Về phía Nho giáo, đại biểu của nó là tầng lớp Nho sĩ trên thực tế ít thấy có sự dung hợp với Công giáo. Điều này thật dễ hiểu bởi tư tưởng trung quân cũng có nghĩa là trung thành với hệ tư tưởng Nho giáo mà nhà vua sử dụng làm hệ tư tưởng chính thống. Khi nhà Nguyễn bãi bỏ lệnh cấm đạo thay đổi cách nhìn với Công giáo thì triều đại này dần dần mất vai trò trên chính vương quốc của họ. Nho giáo theo đó cũng tàn lụi dần để rồi chỉ còn là lớp trầm tích trong văn hóa Việt.
Tuy nhiên chính vào lúc Nho giáo tàn lụi người ta lại thấy lóe sáng tư tưởng của các nhà Nho cuối mùa của phong trào Đông Kinh nghĩa thục hồi đầu thế kỷ XX đề cao chữ quốc ngữ. Coi đây là một trong sáu đường mở mang dân trí. Việc các nhà Nho bỏ chữ thánh hiền dùng chữ quốc ngữ do các giáo sĩ Công giáo tạo ra rõ ràng là một “đột phá khẩu” về canh tân.
Con đường đầu tiên được đặt ra là: Dùng văn tự nước nhà “Phàm người trong nước đi học nên lấy chữ quốc ngữ làm phương tiện đầu tiên, để trong thời gian vài tháng đàn bà, trẻ con cũng đều biết chữ; và người ta có thể dùng quốc ngữ để ghi việc đời xưa, chép việc đời nay, và thư từ thì có thể chuốt lời và đạt ý. Đó thực là bước đầu tiên trong việc mở mang trí khôn vậy”(26).
Chú thích:
1. Sách thuật lại các thư chung địa phận Tây Đàng Ngoài, In tại Kẻ Sở 1908, tr.602-603.
2. Alexandre de Rhodes: Phép giảng tám ngày. Tủ sách Đại Kết. 1993 tr.XXIII.
3. Phép giảng tám ngày. Sđd, tr.112-113.
4. Alexandre de Rhodes: Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài. Tủ sách Đại Kết 1994, tr.39-40.
5. Linh mục Nguyễn Hưng: Sơ thảo thư mục Hán Nôm Công giáo, Lưu hành nội bộ, 2000, tr.187.
6 Sơ thảo thư mục Hán Nôm Công giáo, đd, tr.81.
7. Đây là nhận định của tác giả, song thực chất thì ngay từ thời Lý đã dựa theo Nho giáo để tổ chức Nhà nước và sang thời Trần thì bộc lộ rõ ràng hơn việc sử dụng Nho giáo làm hệ tư tưởng trị nước (BT)
8. Khâm định Việt sử thông giám Cương mục. Tập II, Nxb. Giáo dục, H. 1998, tr.300-301.
9. Khâm định Việt sử thông giám Cương mục, Sđd, tr 140.
10. Khâm định Việt sử thông giám Cương mục, Sđd, tr 627.
11. Launay A. Histoire de la Mission de Cochinchine. Vol III, tr.117 Dẫn theo Trương Bá Cần: Công giáo Đàng Ngoài thời Giám mục Pigneau (1771-1799). Tp. Hồ Chí Minh 1992.
12. Louvet E.L. Lacochinchine religieuse, tome I, tr.517. Dẫn theo Nguyễn Quang Hưng: Công giáo Việt Nam thời kỳ triều Nguyễn (1802-1883), Nxb. Tôn giáo, 2007, tr.159.
13. Đại Nam thực lục chính biên. T3, Đệ nhất kỉ, Nxb. KHXH, H. 1963, tr.168.
14. Đại Nam thực lục chính biên, T4 (Tái bản lần 2), Nxb. Giáo dục, H. 2004, tr.235.
15. Đại Nam thực lục chính biên, T11, Nxb. KHXH, H. 1964, tr.236.
16. Đại Nam thực lục chính biên, T21, Nxb. KHXH, H. 1969, tr.100.
17. Tự Đức: Đạo biện trong Tự Đức ngự chế văn tập. Tư liệu Viện Triết học, tr.44.
18. Tự Đức: Đạo biện, Sđd, tr.46.
19. Đại Nam thực lục chính biên, T17, Nxb. KHXH, H. 1966, tr.243.
20. Phạm Ngộ Hiên, Nguyễn Hoà Đường… Tây Dương Gia Tô bí lục, Nxb. KHXH, H. 1981, tr.111-25.
21. Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, Sđd, tr.39-40.
22. Dẫn theo Nguyễn Hồng: Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam. T1 Hiện Tại, Sài Gòn 1959, tr.57.
23. Phép giảng tám ngày. Sđd, tr.17-24.
24. Những thư chọn trong các thư chung các đấng Vicariô Apôstôlicô và Vicariô Prôvinciale về dòng ông thánh Du Mingô đã làm tự năm 1849, Quyển thứ 2. In tại Kẻ Sặt 1903, tr.63.
25. Xem: Sách thuật lại các thư chung địa phận Tây Đàng Ngoài In tại Kẻ Sở, 1908, tr.209-210; 228-229.
26. Đặng Thai Mai: Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX Nxb. Văn học, H. 1974, tr.216./.
Thông báo Hán Nôm học 2008; tr.196-211
*Tác giả Nguyễn Hồng Dương là PGS. TS,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện KHXH VN)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét