QUYỂN 1
CHƯƠNG 3
TƯỚC BỎ SỰ MÊ THÍCH *
Nói về nguyên nhân thứ nhất của đêm này, tức là nói về việc tước bỏ sự mê thích đối với mọi thụ tạo, và về lý do tại sao gọi đây là đêm.
1 — Đêm mà chúng tôi nói đây hiểu về việc tước bỏ sự mê thích mọi vật. Bởi vì, đêm không gì khác hơn là sự tước bỏ ánh sáng, và do đó, tước bỏ luôn tất cả những vật có thể thấy được nhờ ánh sáng; và điều ấy khiến quan năng thị giác chìm trong tối tăm và trở nên như không có. Cũng thế, ta có thể gọi việc giết chết mê thích là một đêm đối với linh hồn, bởi vì khi đã tước bỏ hết sự mê thích mọi vật, con mắt linh hồn chìm vào trong tối tăm và trở nên như không có. Quan năng thị giác hoạt động nhờ ánh sáng và nuôi mình bằng những gì có thể thấy được, và nếu ánh sáng tắt đi thì những thứ này cũng không còn thấy được. Cũng vậy, linh hồn nhờ sự mê thích mà nuôi mình bằng tất cả những gì có thể cảm nếm được theo các quan năng của nó. Dập tắt, hoặc nói đúng hơn, giết chết sự mê thích ấy, linh hồn sẽ thôi không còn nuôi mình bằng những mê thích mọi vật, và nhìn từ góc độ sự mê thích thì lúc ấy linh hồn chìm trong tối tăm và trở nên như không có.
2 — Hãy thử lấy một ví dụ áp dụng cho hết mọi quan năng. Khi linh hồn tự tước bỏ sự mê thích và nếm hưởng tất cả những gì làm vui thích thính giác, thì về phía quan năng này, linh hồn đã chìm trong tối tăm và trở nên như không có.
Khi linh hồn tự tước bỏ sự nếm hưởng tất cả những gì có thể làm vui thích thị giác cũng vậy, về phía quan năng này, linh hồn đã chìm trong tối tăm và trở nên như không có. Khi linh hồn tự tước bỏ sự nếm hưởng tất cả những mùi thơm dịu dàng đối với khứu giác thì về phía quan năng này, linh hồn đã chìm trong tối tăm và trở nên như không có. Cũng vậy, khi linh hồn từ khước nếm hưởng tất cả những thức ăn ngon có thể làm thỏa mãn vị giác, thì về phía quan năng này, linh hồn cũng đã chìm trong tối tăm và trở nên như không có. Sau cùng, linh hồn tự diệt trừ mọi thích thú và hài lòng có thể nhận được nhờ xúc giác, thì cũng thế, xét theo quan năng này, linh hồn đã chìm trong tối tăm và trở nên như không có.
Như thế, một khi linh hồn đã khước từ và loại bỏ sự mê thích mọi vật và diệt trừ sự mê thích các sự vật ấy, ta có thể nói được rằng nó đang ở trong đêm dày, và hiểu theo một cách nào đó, đêm này không gì khác hơn là một sự trống vắng nơi linh hồn, trống vắng tất cả mọi sự.
3 — Lý do là vì, theo triết học, khi mới được Thiên Chúa cho nên một với thân xác, linh hồn hệt như một tấm bảng trống trơn nhẵn nhụi, chưa có một chút gì vẽ lên đó cả. Linh hồn tựa như kẻ ở trong ngục tối, chẳng biết gì hơn những điều thấy được qua những cửa sổ của ngục tối; và nếu như qua đó mà chẳng thấy được gì thì đâu thấy được qua chỗ nào khác. Cũng thế, nếu loại bỏ những gì biết được qua các giác quan, tựa như những cửa sổ nhà tù, thì theo lẽ tự nhiên, linh hồn sẽ không biết được gì qua một con đường nào khác.
4 — Khi linh hồn vất bỏ và khước từ những hiểu biết nhận được bằng giác quan, nó như thể đã chìm trong tối tăm và rơi vào chỗ trống không. Vì như đã nói, bình thường ánh sáng không thể lọt vào cửa tò vò nào khác. Chắc hẳn linh hồn không thể nào thôi nghe, thôi thấy, thôi ngửi, thôi nếm, thôi cảm, nhưng những việc ấy không còn quan trọng đối với nó nữa. Vì đã khước từ và vất bỏ như thế, linh hồn không còn bị cản trở gì, cũng như nó không còn thấy, không còn nghe... Chẳng khác nào một người nhắm mắt cũng ở trong tăm tối như người mù không có khả năng nhìn thấy. Vì lý do ấy, vua Đavít có nói: Từ thuở bé con nghèo khổ đã nhiều và luôn ngắc ngoải (Tv 87,16). Ông tự xưng là kẻ nghèo mặc dù ông giàu có. Ông không đặt lòng muốn vào sự giàu có nên chẳng khác nào ông thật sự nghèo khó vậy. Còn nếu ông thật sự nghèo mà lòng không muốn nghèo thì vẫn không đích thực là người nghèo, bởi vì linh hồn vẫn giàu và đầy dục vọng. Chính vì thế, chúng tôi gọi sự trần trụi này là đêm tối đối với linh hồn. Ở đây chúng tôi không bàn tới sự vắng bóng các sự vật, sự thiếu vắng ấy vẫn không khiến linh hồn thành trần trụi nếu như nó vẫn cứ mê thích các vật ấy. Chúng tôi chỉ bàn tới việc lột bỏ nỗi thèm khát và mê thích các sự vật. Chính đây mới là yếu tố giúp linh hồn được tự do, không vướng mắc các sự vật ấy, mặc dù vẫn sở hữu chúng. Thật vậy, những sự vật của trần gian này không chiếm hữu được linh hồn, cũng không làm hại được linh hồn, vì chúng không xâm nhập được vào linh hồn. Chỉ có lòng muốn và sự mê thích các sự vật mới ở trong linh hồn, mới chiếm hữu và làm hại được linh hồn thôi.
5 — Loại đêm thứ nhất này, như sẽ nói sau, liên hệ đến phần dễ cảm của linh hồn, và là một trong hai loại đêm chúng tôi đã nói linh hồn phải vượt qua để đạt tới chỗ nên một.
6 — Bây giờ xin nói tại sao việc linh hồn lìa bỏ căn nhà mình trong đêm dày của giác quan để đi tìm nên một với Thiên Chúa là việc hết sức thích hợp.
- Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét