Thứ Ba, 26 tháng 11, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 1 - Chương 9: Mê thích gây hoen ố

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 1

CHƯƠNG 9
MÊ THÍCH GÂY HOEN Ố*

Bàn về việc các mê thích khiến linh hồn bị nhơ nhớp như thế nào: Minh chứng điều ấy bằng những hình ảnh so sánh và bằng thế giá Thánh Kinh.

1 - Tác hại thứ tư mà các mê thích gây ra là chúng khiến cho linh hồn bị nhơ nhớp, bị hoen ố, đúng như lời trong sách Huấn ca: "Ai chạm phải nhựa thông sẽ lấm" (Hc 13,1). Kẻ chạm vào nhựa thông là kẻ làm vui thỏa ý muốn mê thích nơi một thụ tạo nào đó. Cần lưu ý cách nhà hiền triết so sánh các thụ tạo với nhựa thông. Bởi vì, giữa sự ưu việt của linh hồn so với tất cả những gì tốt nhất nơi các thụ tạo, sự khác biệt còn cách xa hơn sự khác biệt giữa ngọc sáng hay vàng ròng so với nhựa thông. Nếu đem một viên ngọc hay vàng đã nung nóng đặt trên nhựa thông, chúng sẽ hóa đen và bị nhơ nhớp tùy theo độ nóng làm chảy nhựa và dìm chúng xuống. Cũng thế, linh hồn bị mê thích nung nấu, quyến luyến với các thụ tạo nào đó, cũng sẽ bị sức nóng của mê thích hút sự nhơ nhớp vào mình và bị hoen ố.

Giữa linh hồn và các thụ tạo mà ta cảm giác được, sự khác biệt còn lớn hơn cả sự khác biệt giữa một chất lỏng trong sáng và một thứ bùn rất nhơ bẩn. Như chất lỏng này sẽ bị hư hoại nếu đem đổ vào bùn, linh hồn nào gắn bó với thụ tạo cũng bị nhơ bẩn như vậy.

Những vết nhọ nồi làm hỏng khuôn mặt rất xinh đẹp kiều diễm. Cũng thế, linh hồn vốn là hình ảnh rất xinh đẹp kiều diễm về Thiên Chúa, nhưng nếu linh hồn chiều theo các mê thích vô trật tự thì sẽ bị chúng làm cho xấu xa và nhơ nhớp.

2 - Vì thế, khi ngôn sứ Giêrêmia than phiền về sự suy thoái và xấu xí mà những quyến luyến lệch lạc ấy gây ra cho linh hồn, ông đã diễn tả vẻ đẹp của nó trước rồi mới nói đến sự xấu xa của nó: "Những người nazir (những người khấn để tóc) sáng chói hơn tuyết, trắng hơn sữa, cốt cách của họ thắm hơn san hô, nước da họ rực rỡ như bích ngọc. Bây giờ nước da đen đỉu quá mồ hóng, ngoài đường không thể nào nhận ra" (Ac 4,7-8). Ông muốn nói: Mái tóc của họ (tức là của linh hồn ) trắng hơn tuyết, sáng hơn sữa, bóng hơn ngà thời cổ, đẹp hơn lam ngọc. Thế mà nay mặt họ lại đen hơn than, và tại các nơi công cộng, người ta không còn nhận ra họ nữa. Ở đây chúng ta phải hiểu tóc là những tình cảm và tư tưởng của linh hồn, tóc này, nếu được hướng dẫn tới chỗ mà Thiên Chúa đã định cho chúng - tức là hướng đến chính mình Ngài, thì tóc này sẽ trắng hơn tuyết, sáng hơn sữa, bóng hơn ngà và đẹp hơn bích ngọc. Bốn vật này ám chỉ đến đủ mọi thứ đẹp đẽ và tuyệt hảo của các thụ tạo mang thể chất. Bên trên những vẻ đẹp ấy là linh hồn và các hoạt động của nó, tức là những nazir hay những tóc trắng nói trên. Nếu linh hồn và những hoạt động của nó bị hỗn loạn và bị hướng tới chỗ Thiên Chúa không định cho nó, tức là nếu chúng bị đem phục vụ các thụ tạo, thì ngôn sứ Giêrêmia nói rằng mặt chúng trở nên đen và cứ tiếp tục đen hơn than.

3 - Chính sự mê thích các vật đời này cách vô trật tự đã gây nên mọi tệ hại ấy và cả những tệ hại lớn hơn nữa, tàn phá mất vẻ kiều diễm của linh hồn. Đến nỗi nếu phải trình bày rõ về những xấu xa và nhơ bẩn các mê thích ấy có thể gây ra cho linh hồn, chắc rằng chúng ta sẽ chẳng thấy có gì ở đời này so sánh được, cho dù là sánh với cảnh đầy mạng nhện và rắn rết, với sự hôi thối ghê tởm của của xác chết, hoặc với bất cứ điều nhơ nhớp bẩn thỉu nào khác người ta có thể thấy hay tưởng tượng ra, cũng chẳng thấm vào đâu. Cho dù trong thực tế, xét về mặt hữu thể tự nhiên, một linh hồn lệch lạc vẫn tiếp tục là một hữu thể tốt đẹp vì đã được Thiên Chúa tạo dựng; thì xét về mặt luân lý, nó đã thành xấu xa, ghê tởm, nhơ nhớp và tăm tối, với tất cả những tác hại chúng tôi sắp quảng diễn đây và còn tệ hơn thế nhiều. Chúng kinh khủng đến nỗi chỉ một mê thích vô trật tự thôi (như chúng tôi sẽ nói sau) dù chẳng phải là chuyện đáng tội trọng, cũng đủ khiến linh hồn bị lệ thuộc, nhơ nhớp và xấu xa đến nỗi không thể nào hòa hợp với Thiên Chúa trong ơn nên một, khi mê thích ấy chưa được thanh tẩy. Thử hỏi linh hồn sẽ mang hình dáng quái dị đến mức nào một khi nó hoàn toàn mất trật tự trong các đam mê và bị bỏ mặc cho các mê thích của nó? Nó sẽ xa lìa Thiên Chúa và sự thánh thiện của Ngài đến mức nào?

4 - Không thể nào lấy lời mà diễn tả hoặc lấy trí khôn mà quan niệm được đủ các thứ nhơ bẩn mà các mê thích đủ loại gây ra trong linh hồn. Nếu ta có thể nói lên được hoặc giúp người khác hiểu được điều đó, hẳn họ sẽ kinh ngạc và rất đau lòng khi thấy mỗi mê thích, bất kể lớn nhỏ, tùy chất lượng của nó, đều để lại cho linh hồn một vết thẹo và một tình trạng nhơ bẩn xấu xa như thế nào; và càng đau lòng hơn nữa khi thấy rằng chỉ riêng nơi một sự vô trật tự nào đó của lý trí thôi, đã có thể có vô số điều nhơ bẩn lớn nhỏ khác nhau, mỗi điều đều tàn phá theo một cách riêng của nó. Nếu linh hồn người công chính chỉ cần một sự toàn thiện là sự chính trực của linh hồn thôi, đã có vô vàn những thiên ân rất phong phú và nhiều nhân đức diễm lệ, mỗi nhân đức đều độc đáo và duyên dáng tùy theo số lượng và vẻ độc đáo của các tâm tình yêu mến mà người đó đã bày tỏ với Thiên Chúa, - thì cũng vậy, một linh hồn lệch lạc sẽ tùy theo những mê thích khác nhau của nó đối với các thụ tạo, mà chuốc lấy bao điều khốn nạn khác nhau, đủ thứ nhơ bẩn hèn hạ, tùy theo những mê thích ấy vẽ nên trong nó.

5 - Những mê thích khác nhau ấy được gợi hình khéo léo trong sách ngôn sứ Êzêkiel (x. Êd 8,10-16). Sách ấy thuật lại rằng Thiên Chúa tỏ cho vị ngôn sứ thấy chung quanh các bức tường phía trong đền thờ, những hình hài vẽ đủ các giống vật bò sát trên đất và tất cả sự ghê tởm của các thú vật nhơ nhớp. Rồi Thiên Chúa phán cùng Êzêkiel: "Hỡi con người, ngươi đã thấy chưa, ngươi có thấy những điều ghê tởm mà những người này làm trong tối tăm, mỗi người nơi am thờ kín ẩn nhất của nó hay chăng?" Rồi Thiên Chúa đã truyền cho ông tiến vào sâu hơn, để thấy nhiều điều ghê tởm kinh khủng hơn nữa. Ông cho biết ông đã thấy tại đó nhiều người đàn bà đang ngồi than khóc Adonis, thần tình yêu của họ. Thiên Chúa còn truyền cho ông vào sâu hơn nữa để thấy nhiều tội ác còn ghê gớm hơn, và ông cho biết ông nhận thấy ở đó có “hai mươi lăm người đang quay lưng về phía đền thờ”.

6 - Những giống bò sát và thú vật nhơ bẩn đủ loại vẽ trong khu thứ nhất của đền thờ là những tư tưởng và những quan niệm của trí hiểu về các vật hèn hạ dưới đất này và về hết mọi loài thụ tạo. Có thể nói chúng được vẽ nên trong đền thờ linh hồn mỗi khi linh hồn để cho chúng làm mờ trí hiểu, là căn phòng thứ nhất của linh hồn. Vào sâu hơn, trong căn phòng thứ hai, có những phụ nữ đang khóc than thần Adonis, ấy là những mê thích ngụ tại quan năng thứ hai của linh hồn, là lòng muốn. Những mê thích ấy như thể đang khóc than, bởi chúng đang ao ước điều mà lòng muốn quyến luyến. Chúng là những loài bò sát đã được vẽ vời trong trí hiểu. Và những người nam ở trong căn phòng thứ ba là những hình ảnh và biểu tượng về các thụ tạo mà dạ nhớ, là phần thứ ba của linh hồn, cứ duy trì và cứ nghiền đi ngẫm lại trong mình. Nói rằng những người này quay lưng lại đền thờ, là vì khi nào linh hồn quyến luyến một vật nào dưới đất này và ôm ấp nó cách trọn vẹn hoàn toàn theo cả ba quan năng, thì có thể nói nó đã quay lưng lại đền thờ Thiên Chúa là lương tri [Nguyên văn: lý trí ngay chính của linh hồn], vốn không chấp nhận một thụ tạo nào chống lại Thiên Chúa.

7 - Thiết tưởng những điều nói trên đủ để hiểu đôi chút về sự lộn xộn dơ bẩn do các mê thích gây ra cho linh hồn. Còn nếu cứ phải bàn riêng đến cả sự xấu xa ít hệ trọng hơn mà những bất toàn và các biến thái của nó gây ra trong linh hồn, và rồi về sự xấu xa mà các tội nhẹ và bao nhiêu biến thái của chúng gây ra (sự xấu xa này còn trầm trọng hơn sự xấu xa của những điều bất toàn kia nữa), cũng như về sự xấu xa mà những mê thích của tội trọng và bao nhiêu biến thái của chúng gây ra (đây quả là sự xấu xa toàn diện của linh hồn). Nếu cứ phải nói hết mọi sự với bao nhiêu khía cạnh khác biệt nhau của chúng thì chẳng bao giờ xong, cả đến trí hiểu của thiên thần chắc cũng không đủ để có thể am tường hết. Điều tôi nói và điều nằm trong đề tài của chúng ta, chính là: mọi mê thích, dù chỉ nghiêng về một bất toàn hết sức nhỏ, cũng vẫn làm cho linh hồn thành nhơ nhớp và hoen ố.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: