Thứ Tư, 20 tháng 11, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 1 - Chương 6: Hậu quả tệ hại của mê thích

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 1

CHƯƠNG 6
HẬU QUẢ TỆ HẠI CỦA MÊ THÍCH*

Chương này bàn về những tác hại chính do các mê thích gây cho linh hồn, vừa ngăn cản vừa gây rối.

1 - Để hiểu rõ hơn và phong phú hơn về vấn đề đã nêu, thiết tưởng ở đây cần nêu lên và giải thích làm sao các mê thích tác hại trên linh hồn về hai phương diện chính: Hậu quả thứ nhất là chúng ngăn cản sự hiện diện của Thần khí Thiên Chúa; hậu quả thứ hai là, chúng ở trong linh hồn nào thì gây mệt mỏi, hành hạ, làm tăm tối, ô nhiễm và suy yếu linh hồn ấy, như lời của ngôn sứ Giêrêmia: "Dân Ta đã làm hai điều bất hảo: Chúng đã bỏ Ta là mạch nước hằng sống, để tự đào lấy bể nước cho mình, nhưng các bể bị rò, không chứa được nước" (Gr 2,13). Bất cứ một hành vi nào bị xáo trộn vì mê thích cũng gây nên cả hai tác hại ấy, tức là ngăn cản và gây rối.
Trước hết xin nói về tác hại ngăn cản. Rõ ràng là, linh hồn nào nghiêng chiều về một vật thì do sự nghiêng chiều ấy nó đã rơi xuống thua kém cả hàng thụ tạo. Mỗi mê thích ấy càng ăn rễ sâu vào linh hồn càng khiến linh hồn mất khả năng tiếp nhận Thiên Chúa. Bởi lẽ, theo cách nói của các triết gia và chúng ta cũng đã bàn đến ở chương 4, hai điều mâu thuẫn nhau không thể nào cùng ở chung trong một chủ thể. Nghiêng chiều về Thiên Chúa và nghiêng chiều về thụ tạo là hai sự nghiêng chiều mâu thuẫn nhau, làm sao hai sự nghiêng chiều ấy có thể ở chung nơi cùng một lòng muốn? Bởi lẽ, nào có điều gì tương xứng giữa thụ tạo và Đấng Tạo Hóa? giữa điều thuộc giác quan và điều thuộc tâm linh? giữa cái hữu hình và cái vô hình? giữa cái nhất thời và cái vĩnh cửu? giữa lương thực bởi trời thuần túy thuộc về tâm linh với thứ lương thực thuộc giác quan hoàn toàn theo nhục cảm? giữa sự trần trụi của Đức Kitô và sự dính bén với một thụ tạo?

2 - Trong lãnh vực tạo hình tự nhiên, người ta không thể nào đưa một hình thù vào một vật thể nếu không xua đuổi khỏi vật thể ấy cái hình thù trái ngược vốn có trước. Bao lâu hình thù này còn thì nó sẽ là một cản trở cho hình thù kia. Hai hình thù ấy loại trừ nhau, không thể đội trời chung với nhau được. Cũng vậy, bao lâu linh hồn còn lệ thuộc sinh khí khả giác của nhục cảm thì Thần khí thuần túy tâm linh không thể nào vào trong nó được. Vì thế Chúa có nói: "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó" (Mt 15,26). Ở một đoạn khác, Ngài nói: "Đừng quăng của thánh cho chó" (Mt 7,6). Bằng những lời ấy, Chúa gọi là con Thiên Chúa những người từ bỏ hết những mê thích đối với thụ tạo và sắp sẵn để lãnh nhận Thánh Thần của Thiên Chúa cách thật tinh tuyền; còn những kẻ nào muốn được thỏa thuê các mê thích nơi các thụ tạo, Ngài so sánh họ với những con chó. Bởi vì, con cái thì được ăn cùng bàn và cùng món với Cha, tức là được nuôi dưỡng bằng Thần khí của Ngài, còn chó má thì chỉ được ăn những mẩu bánh từ bàn rơi xuống mà thôi.

3 - Do đó phải biết rằng mọi thụ tạo đều chỉ là những vụn bánh từ bàn của Thiên Chúa rơi xuống. Cho nên kẻ tìm no thỏa nơi các thụ tạo, có bị gọi là chó cũng đích đáng. Cũng bởi lý do đó, người ta lấy mất của nó phần bánh của con cái, vì nó không chịu nhắc mình lên khỏi những vụn bánh là các thụ tạo, để ngồi vào bàn tiệc Thần Khí tự hữu của Cha nó. Cũng vì thế, những loại người ấy thật như những con chó lúc nào cũng đói vì các vụn bánh chỉ tổ khiêu khích mê thích thay vì thỏa mãn cơn đói. Vua Đavít khi nói về những người ấy, có viết: "Chúng tru lên như chó và chạy rong khắp thành, chúng lang thang tìm kiếm của ăn, chúng gầm gừ khi không no bụng" (Tv 58/59,15-16).

Đó là đặc điểm của kẻ chạy theo các mê thích, lúc nào cũng bất mãn và chán chường, như kẻ phải chịu đói khát vậy. Liệu có thể tương hợp chút nào giữa cơn đói do các thụ tạo gây ra với sự no thỏa do Thần Khí Thiên Chúa đem lại không? Do đó, bao lâu người ta chưa tống khứ cơn đói thụ tạo ra khỏi linh hồn thì linh hồn không thể tiếp nhận được sự no thỏa Đấng Tạo Hóa. Bởi lẽ, như đã nói, cơn đói và sự no thỏa đã là hai điều mâu thuẫn nhau thì không thể ở chung trong cùng một chủ thể.

4 - Những điều ấy cho thấy khi gột sạch và thanh tẩy linh hồn khỏi những yếu tố mâu thuẫn ấy, Thiên Chúa còn phải hành động quyết liệt hơn khi tạo thành nó từ hư vô. Vì những cái mâu thuẫn nơi các tình cảm và mê thích trái ngược ấy còn đối nghịch và kháng cự lại Thiên Chúa hơn cả hư vô, vì hư vô đâu có kháng cự. Nói như thế là tạm đủ về tác hại chính yếu đầu tiên mà các mê thích gây ra cho linh hồn, tức là sự chống lại Thần Khí Thiên Chúa, như chúng tôi đã nói nhiều ở trên.

5 - Bây giờ chúng ta hãy nói tới hậu quả thứ hai các mê thích gây cho linh hồn. Hậu quả này có nhiều loại, vì các mê thích làm cho linh hồn mệt mỏi, hành hạ nó, khiến nó hóa tăm tối, bị hoen ố và yếu nhược. Sau đây chúng ta sẽ bàn từng điểm trong 5 điểm ấy.

6 - Trước hết, rõ ràng các mê thích làm cho linh hồn rã rời mệt mỏi. Chúng như những đứa bé bất an và rất khó vừa lòng, luôn đòi mẹ cái này cái nọ, và chẳng bao giờ chịu vừa lòng cả. Tựa như kẻ khao khát tìm kho tàng phải đào đất hết sức rã rời mệt mỏi, linh hồn cũng chán chường mệt mỏi vì theo đuổi những điều các mê thích của nó đòi hỏi. Kết cuộc, nó đã đào nên những giếng nứt nẻ không sao chứa được nước để thỏa mãn cơn khát của nó. Đó là điều ngôn sứ Isaia đã nói: "Như khi ai đói nằm mơ thấy mình ăn, nhưng bừng tỉnh dậy, bụng vẫn trống không; hay như ai khát nằm mơ thấy mình uống, nhưng bừng tỉnh dậy thấy mình vẫn kiệt quệ, bụng khô" (Is 29,8). Linh hồn mang đầy mê thích cũng phải mệt mỏi rã rời, y như môt người lên cơn sốt, chưa hết sốt là vẫn còn khó chịu, và cơn khát càng lúc càng tăng thêm. Vì như lời trong sách Gióp: "Nó sẽ gặp túng thiếu ngay trong dư dật, bàn tay của mọi kẻ khốn cùng sẽ chụp lên nó" (G 20,22). Linh hồn mệt mỏi và sầu não vì những mê thích của mình. Nó bị thương, bị chấn động và bị rối loạn vì chúng, như nước bị gió đánh mạnh. Chúng làm cho linh hồn xao động không được nghỉ yên, ở nơi đâu cũng vậy và việc gì cũng vậy. Ngôn sứ Isaia nói về các linh hồn này như sau: "Còn ác nhân, chúng như biển động, không thể lặng yên" (Is 57, 20). Ác nhân nói đây là những kẻ không chế ngự nổi những mê thích của mình. Linh hồn nào muốn làm thỏa mãn các mê thích sẽ rã rời mệt mỏi. Nó tựa như một người đói mở miệng để tớp cho đầy gió: Thay vì được no thỏa, lại càng khát hơn, vì gió đâu phải là thức ăn của người ấy. Như lời của Ngôn sứ Giêrêmia nói: "Nó xông vào sa mạc, lòng những tấp tểnh, nó rít hơi" (Gr 2,24) tức là do lòng muốn nó mê thích, nó vơ vào những thứ gió hợp với sự nghiêng chiều của nó. Tiếp đó, để giúp linh hồn ấy hiểu sự khô khan của nó, ngài khuyên: "Hãy ngừng chân lại kẻo mà long móng, kẻo họng ngươi chết khát" (Gr 2,25). Chân ấy tức là tư tưởng, phải giữ cho đừng trần trụi; họng ấy tức là cái ý muốn lấp đầy nỗi mê thích, phải giữ cho đừng khát, nếu không thì sẽ càng lúc càng khát khô hơn. Và như kẻ si tình phải rã rời mệt mỏi biết bao khi, đến ngày hẹn đã từng khao khát mong chờ, nó lại bị hụt hẫng! Cũng thế, linh hồn phải mệt mỏi rã rời với tất cả những mê thích nó muốn lấp đầy, vì tất cả chỉ gây cho nó một sự trống rỗng ghê gớm hơn và một cơn đói dữ dội hơn nữa. Vì, như người ta vẫn thường nói, nỗi mê thích giống như lửa, càng chất củi vào càng cháy mạnh, cháy hết củi thì thế nào cũng phải tắt.

7 - Về điểm này, tình trạng của sự mê thích còn bi đát hơn, bởi vì, lửa cháy hết củi sẽ tắt dần, còn sự mê thích một khi đã được gia tăng nhờ được no thỏa, có thiếu chất đốt nó cũng không tàn dần: Thay vì tàn dần như lửa thiếu chất đốt, nó rơi vào chán chường mệt mỏi, vì cơn đói cứ tăng mà đồ ăn lại thiếu. Ngôn sứ Isaia có bàn về điểm này rằng: "Người ta xẻo bên phải nhưng vẫn đói, người ta ngoặm bên trái nhưng cũng chẳng no" (Is 9,20). Thật vậy, những ai không chịu giết chết các mê thích của mình, thì nghiêng về bên phải tức là con đường của Thiên Chúa mà vẫn đói là đúng, vì họ chẳng đáng được no thỏa nhờ Thần Khí êm dịu. và khi họ nghiêng về phía bên trái, tức là khi đã để cho mê thích được thỏa mãn nơi một thụ tạo nào đó, họ vẫn không được no thỏa cách đích đáng, vì lúc ấy họ vừa bỏ mất điều duy nhất có thể làm thỏa lòng, vừa ngấu nghiến cái thứ làm họ đói thêm hơn. Do đó, rõ ràng các mê thích khiến linh hồn rã rời mệt mỏi.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: