Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2024

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 1 - Chương 4: Cuộc vượt qua cần thiết

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 1

CHƯƠNG 4
CUỘC VƯỢT QUA CẦN THIẾT*

Bàn về điều hết sức cần thiết, là linh hồn phải thật sự vượt qua đêm dày của giác quan, tức là giết chết mê thích, để bước tới nên một với Thiên Chúa.

1 - Tại sao muốn đạt tới việc nên một với Thiên Chúa, linh hồn phải trải qua đêm dày ấy, tức là phải giết chết những mê thích và chối bỏ những mê thích về mọi sự? Chính là vì trước mặt Thiên Chúa, mọi quyến luyến của linh hồn đối với thụ tạo đều là những bóng tối không hơn, không kém. Nếu linh hồn để mình bị những quyến luyến ấy bao phủ thì không thể được soi sáng và thấm nhuần ánh sáng tinh ròng và đơn thuần của Thiên Chúa. Linh hồn phải tống khứ những bóng tối ấy trước đã, bởi vì ánh sáng không đi đôi với tối tăm. Như lời thánh Gioan: "Tối tăm không thấu triệt được ánh sáng" (Ga 1,5). Có nghĩa là bóng tối không thể nhận được ánh sáng.

2 - Thật vậy, triết học dạy rằng hai điều mâu thuẫn nhau thì không thể tồn tại trong cùng một chủ thể. Những quyến luyến lệch lạc với thụ tạo là bóng tối, còn Thiên Chúa là ánh sáng, hai đàng mâu thuẫn nhau, không có gì tương tự và phù hợp nhau, như lời thánh Phaolô dạy người Côrintô: "Thông đồng thế nào được giữa ánh sáng và tối tăm?" (2Cr 6,14). Do đó, ánh sáng của ơn nên một với Thiên Chúa không thể nào ngự trị được trong linh hồn nếu trước đó nó không xua trừ hết các quyến luyến lệch lạc.

3 - Để sáng tỏ vấn đề hơn, cần nhớ rằng sự nghiêng chiều và gắn bó với thụ tạo khiến cho chính linh hồn bị hạ xuống ngang hàng với thụ tạo. Sự nghiêng chiều càng lớn càng khiến linh hồn ngang hàng và nên giống thụ tạo. Bởi vì, tình yêu làm cho người yêu và đối tượng được yêu nên giống nhau. Chính vì thế, khi nói tới những người nghiêng chiều về các thần tượng, vua Đavít thốt lên: "Ước gì kẻ làm ra hoặc tin ở tượng thần cũng giống như chúng vậy" (Tv 113/115,8). Như vậy, ai yêu một thụ tạo cũng thành thấp kém như thụ tạo ấy, và một cách nào đó còn thấp kém hơn, vì không những tình yêu hạ người ta xuống ngang hàng với đối tượng mình yêu, mà còn bắt phải lụy phục đối tượng ấy nữa. Do đó khi linh hồn yêu mến một thụ tạo, thì mất khả năng nên một cách tinh ròng với Thiên Chúa và đối với việc biến đổi chính mình. Nếu bóng tối không thể tiếp nhận ánh sáng thì sự thấp hèn của thụ tạo càng không thể tiếp nhận sự cao cả của Thiên Chúa. Bởi vì, hết mọi vật trên trời dưới đất, đem so sánh với Thiên Chúa, đều không là gì cả, như lời Giêrêmia đã nói: "Tôi nhìn xuống đất thì này trống không mông quạnh, và nhìn lên trời, ánh sáng trên trời đã hết" (Gr 4,23). Khi nói mặt đất trống không mông quạnh, vị ngôn sứ cho ta hiểu rằng mọi thụ tạo trên mặt đất đều không là gì, và cả trái đất cũng thế. Còn nhìn lên các tầng trời chẳng thấy ánh sáng, có nghĩa là hết mọi luồng sáng trên trời so với Thiên Chúa đều chỉ là tăm tối. Như thế, hết mọi thụ tạo đều là hư không, và có thể nói rằng những sự nghiêng chiều về chúng còn kém thua sự hư không, bởi vì những nghiêng chiều ấy ngăn cản và loại trừ ánh sáng. Kẻ ở trong bóng tối không thâu nhận được ánh sáng. Cũng vậy, linh hồn nào nghiêng chiều về thụ tạo sẽ không thể nhận biết Thiên Chúa. Bao lâu linh hồn chưa tự thanh tẩy khỏi sự nghiêng chiều ấy, nó không thể nào chiếm hữu Ngài, cả ở đời này nhờ sự biến đổi thật tinh ròng của tình yêu, cả ở đời sau nhờ sự huởng kiến nhãn tiền. Để sáng tỏ vấn đề hơn, chúng tôi xin nói riêng thêm về điều này như sau:

4 - Toàn bộ hữu thể của các thụ tạo, so sánh với hữu thể vô biên của Thiên Chúa chỉ là hư không. Do đó linh hồn nào đặt nghiêng chiều về chúng, chẳng những thành hư không truớc mặt Thiên Chúa mà còn kém thua hư không nữa. Bởi lẽ như đã nói, tình yêu khiến người ta thành ngang hàng với đối tượng mình yêu, giống đối tượng ấy, thậm chí còn khiến nguời ta kém thua đối tượng ấy. Một linh hồn như thế sẽ không làm sao nên một được với hữu thể vô biên của Thiên Chúa. Thật vậy, cái không có thì chẳng thể nào tương hợp với cái có. Tuơng tự, tất cả mọi vẻ đẹp của thụ tạo, đem so sánh với vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa, đều xấu xí tột độ. Đúng như lời vua Salômôn trong sách Châm ngôn: "Duyên dáng là giả dối, sắc đẹp là hư vô" (Cn 31,30). Vì thế, linh hồn nào nghiêng chiều về vẻ đẹp của một thụ tạo thì, trước nhan Thiên Chúa cũng hết sức xấu. Linh hồn xấu xa ấy sẽ vì đó mà không thể nào biến đổi đuợc thành vẻ đẹp là chính Thiên Chúa, vì sự xấu xa đâu có chạm tới vẻ đẹp đuợc. Tất cả vẻ duyên dáng và thanh nhã của các thụ tạo cũng rất mực vô duyên và vô vị khi sánh với ân sủng của Thiên Chúa, và do đó không thể nào đón nhận được sự duyên dáng và vẻ đẹp vô biên của Ngài. Vì lẽ điều vô duyên cách xa một trời một vực với cái vô cùng duyên dáng. Tương tự, tất cả sự tốt lành của mọi thụ tạo thế gian đem so với sự tốt lành vô biên của Thiên Chúa, có thể gọi được là gian ác, vì "không có ai tốt lành ngoại trừ một mình Thiên Chúa" (Lc 18,19). Vì thế linh hồn nào dồn tâm huyết vào những của cải thế gian thì rất mực gian ác trước mặt Thiên Chúa. Điều ác không bao gồm điều thiện, cũng vậy, một linh hồn như thế sẽ không thể nào nên một với Thiên Chúa, Đấng là sự thiện tối thượng.

Rồi, tất cả sự khôn ngoan thế gian, tất cả sự khéo léo của nhân loại, đem so với khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa chỉ là ngu dốt tột độ, như thánh Phaolô viết cho tín hữu Côrintô: "Sự khôn ngoan thế gian này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa" (1Cr 3,19).

5 - Do đó trên đường đi tới chỗ nên một với sự khôn ngoan Thiên Chúa, linh hồn nào cậy dựa vào kiến thức và tài khéo của mình quả là rất dốt nát trước mặt Ngài và ở rất xa sự khôn ngoan. Thật vậy, sự dốt nát đâu biết thế nào là khôn ngoan, như lời thánh Phaolô: “Thứ khôn ngoan ấy đối với Thiên Chúa chỉ là điên rồ”. Trước mặt Thiên Chúa, những người tưởng mình biết được điều gì, là những người ngu dốt nhất. Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Tông đồ đã nói về họ rằng: "Họ khoe mình khôn ngoan nhưng đã trở nên điên rồ" (Rm 1,22). Vậy, ai mới có được sự khôn ngoan Thiên Chúa? Chỉ có những kẻ biết trở nên như những trẻ em dốt nát, vất bỏ sự hiểu biết của mình đi và tiến bước trong việc phục vụ Thiên Chúa với tình yêu. Đó cũng là thứ khôn ngoan thánh Phaolô đã dạy tín hữu Côrintô: "Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật. Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa" (1Cr 3,18-19). Thành thử để nên một với Đức Khôn Ngoan Thiên Chúa, linh hồn phải tiến bước bằng sự không hiểu biết nhiều hơn là bằng sự hiểu biết.

6 - Vì thế, tất cả quyền thống trị, tất cả sự tự do thế gian so với sự tự do và quyền thống trị của Thần khí Thiên Chúa, chỉ là một thứ nô lệ tột độ, chỉ là đau buồn và tù túng.

Do đó linh hồn nào say đắm quyền cao chức trọng, danh giá, hoặc mong được tự do thỏa mãn các mê thích thì, trước mặt Thiên Chúa, sẽ bị coi và bị đối xử không phải như con cái mà như nô lệ thấp hèn, như tù nhân, vì đã chẳng muốn theo giáo lý thánh thiện của Chúa dạy rằng: "Ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ" (Lc 22,26). Một linh hồn như thế sẽ không thể nào đạt tới sự tự do vương giả của tâm linh, thứ tự do chỉ đạt được trong sự nên một với Thiên Chúa. Thật vậy, sự nô lệ không thể có phần gì với tự do. Tự do không thể nào ở trong một trái tim lụy phục nhiều ý muốn vặt vãnh vì đó là một trái tim nô lệ. Tự do chỉ ở trong một trái tim tự do, tức là trái tim của người con. Đó là lý do tại sao bà Sara đã yêu cầu chồng bà là ông Abraham “đuổi kẻ nô tỳ và con của nó” ra khỏi nhà, vì bà nói "con của kẻ nô tỳ không có quyền thừa tự cùng với con của người tự do" (x. St 21,10).

7 - Tương tự, tất cả những vui thú, những hương vị mà ý muốn tìm được nơi những sự vật trần gian, đem so với tất cả những niềm hoan lạc tìm được nơi bản thể Thiên Chúa thì chỉ là đau đớn, khổ não và đắng cay tột cùng mà thôi. Cho nên người nào đặt tâm huyết vào những thứ ấy thì, trước nhan Thiên Chúa, sẽ đáng chịu đau đớn, khổ não và đắng cay tột độ. Nó sẽ không thể nào đạt tới những hoan lạc được ôm ấp trong sự nên một với Thiên Chúa, nó chỉ đáng chịu đau đớn và đắng cay.

Tất cả mọi sự giàu có và vinh sang nơi toàn thể thụ tạo, đem so với sự giàu có là chính Thiên Chúa, thì quả là vô cùng nghèo nàn và khốn nạn. Do đó, linh hồn nào yêu thích và chiếm hữu chúng thì, trước mặt Thiên Chúa, thật nghèo và khốn nạn đến tột cùng. Và do đó, nó sẽ không thể nào đạt tới tình trạng diễm phúc của giàu có và vinh quang — tức là tình trạng được biến đổi nên Thiên Chúa. Thật vậy, do sự khốn nạn và nghèo nàn tột cùng của nó, linh hồn ấy hết sức cách xa những gì là giàu có và vinh sang tối cao.

8 - Vì thế, Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã kêu lên trong sách Châm ngôn, than phiền về những con người như vậy, những kẻ vì yêu chuộng những thứ có vẻ xinh tốt và sang trọng của thế gian nên đã tự làm cho mình thành xấu xa, thấp hèn, khốn nạn và nghèo nàn: "Phàm nhân hỡi, ta mời gọi các ngươi đó, ta ngỏ lời với các ngươi, hỡi con cái loài người. Hỡi những kẻ ngây thơ, hãy học cho biết điều khôn khéo; hỡi những người ngu xuẩn, hãy học cho biết lẽ phải chăng. Nghe đây, ta sẽ công bố những lời cao quý, môi ta sẽ thốt lên những điều ngay thẳng... Bên cạnh ta là giàu sang, danh giá, là phú quý bền lâu và thịnh vượng... để làm giàu cho những kẻ yêu ta, khiến kho tàng của họ thêm phong phú" (Cn 8,4-6 và 18.21). Ở đây Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa ngỏ lời với tất cả những ai đặt tâm huyết và nghiêng chiều vào bất cứ vật gì của trần gian, như đã nói trên. Đức Khôn Ngoan gọi họ là "những kẻ nhỏ bé", vì họ nên giống với điều họ yêu mến, là điều nhỏ bé cỏn con. Và vì thế, Đức Khôn Ngoan nhắn nhủ họ hãy khôn khéo và chú ý, vì Đức Khôn Ngoan đang bàn về những điều quan trọng chứ không phải những chuyện cỏn con như họ. Ngài nhắn nhủ họ rằng của cải, giàu có và sự vinh quang họ yêu mến phải ở với Đức Khôn Ngoan và trong Đức Khôn Ngoan chứ không phải ở nơi họ vẫn tưởng nghĩ. Những sự giàu có cao sang và sự công chính vốn đều ở nơi Đức Khôn Ngoan Thiên Chúa. Trước mắt họ những của cải thế gian này có vẻ giàu có và vinh sang đấy, thế nhưng sự Khôn ngoan nhắc nhở họ nên lưu ý rằng những điều Đức Khôn Ngoan đem lại còn tốt đẹp hơn nhiều, rằng hoa trái mà họ sẽ gặp được nơi những điều ấy còn quý báu cho họ hơn cả vàng và châu ngọc; và điều mà sự Khôn ngoan làm nảy sinh trong các linh hồn còn tốt hơn cả thứ bạc chọn lọc mà họ rất mực quý mến. Tất cả những của cải ấy phải được hiểu về hết mọi thứ nghiêng chiều người ta có thể có trong cõi đời này.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: