ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 1
CHƯƠNG 5
CUỘC VƯỢT QUA CẦN THIẾT* (2)
Tiếp tục đề tài, chương này dùng thế giá và các hình ảnh của Thánh Kinh để tỏ rõ điều hết sức cần thiết là: Linh hồn phải tiến đến với Thiên Chúa nhờ đêm dày, tức là bằng cách giết chết lòng mê thích đối với mọi sự.
1 - Qua những gì đã nói trước đây, ta có thể nhận thức được phần nào về khoảng cách giữa tất cả những gì là bản tính các thụ tạo với chính bản tính Thiên Chúa. Chúng ta cũng thấy những linh hồn nghiêng chiều về một thụ tạo, phải ở cách xa Thiên Chúa như thế nào. Bởi vì, chúng tôi xin nói lại, tình yêu khiến cho người ta ngang hàng và nên giống với điều mình yêu. Về điểm này thánh Âu Tinh đã rất thấm thía, khi thưa cùng Thiên Chúa trong cuốn “Độc thoại” của ngài như sau: "Thật khốn thân con! Cho đến bao giờ sự nhỏ hèn và bất toàn của con mới có thể hòa hợp với sự chính trực của Chúa. Chúa thật tốt lành, còn con thật xấu xa; Chúa nhân từ còn con thì phụ bạc; Chúa thánh thiện, còn con thì khốn nạn; Chúa công chính còn con thì bất chính; Chúa là sự sáng còn con thì mù lòa; Chúa là sự sống, còn con là chết chóc; Chúa là linh dược, con là bệnh nhân; Chúa là thực tại tối cao, con hoàn toàn hư ảo!" (Soli loq. đ. 2 GPLT, 40, 866). Đó là những điều thánh nhân nêu lên để tố cáo mình có xu hướng nghiêng chiều về các thụ tạo.
2 - Vậy, quả là dốt nát tột độ nếu linh hồn nghĩ rằng có thể vươn cao trong việc nên một với Thiên Chúa, mà trước hết không chịu trút bỏ hết mọi mê thích mọi cái tự nhiên cũng như siêu nhiên có thể ngăn cản sự nên một ấy (như trước đây chúng tôi đã nêu rõ). Thật vậy, có một khoảng cách hết sức xa giữa những sự vật ấy và ơn sẽ được ban ở đây, là ơn được hoàn toàn biến đổi trong Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Chúa Cứu Thế, khi dạy chúng ta con đường từ bỏ, đã phán trong Tin mừng: "Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được" (Lc 14,33). Điều ấy rất rõ ràng, vì giáo lý Con Thiên Chúa đã đến dạy chúng ta chính là khinh miệt hết mọi sự, để có thể lãnh nhận phần thưởng là chính bản thân Thánh Thần Thiên Chúa. Vậy, bao lâu linh hồn chưa gỡ mình khỏi những điều ấy thì không có khả năng lãnh nhận được Thánh Thần Thiên Chúa và đạt tới sự hoàn toàn biến đổi trong Ngài.
3 - Về sự thật ấy, chúng ta có một hình ảnh trong sách Xuất Hành (x. 16,3-4), theo đó, Thiên Chúa đã chỉ ban lương thực bởi trời là manna cho con cái Israel sau khi họ đã dùng hết thứ bột mang đi từ Ai Cập. Với hình ảnh ấy, Ngài muốn nói rằng, trước tiên phải từ bỏ hết mọi sự, vì thứ lương thực các thiên thần ấy không dung hợp với miệng lưỡi nào còn muốn thưởng thức chút hương vị nơi lương thực loài người. Linh hồn nào dừng lại để vui với những hương vị ngoại lai xa lạ thì chẳng những không tiếp nhận được Thần Khí Thiên Chúa, mà hơn nữa còn làm buồn lòng Chúa Uy Linh rất nhiều, vì họ đòi hỏi lương thực tâm linh nhưng lại không mãn nguyện với một mình Thiên Chúa mà vẫn còn lưu luyến và nghiêng chiều đối với nhiều sự vật khác. Hình như cũng chính trong sách Thánh Kinh ấy [Thực ra là sách Dân số 11, 4] có nói rằng họ không hài lòng với thứ đồ ăn nhẹ này, nên đã ước ao và kêu nài được ăn thịt. Thiên Chúa rất phẫn nộ vì họ đã muốn pha trộn một thứ đồ ăn thấp hèn thô tục như vậy vào món ăn cao siêu và tinh tế đến thế, cũng là món ăn bao gồm hương vị và phẩm chất của hết mọi thứ thực phẩm. Cho nên vua Đavít mới nói: "Khi họ chưa kịp đã thèm, miếng ăn còn chưa kịp nuốt, thì cơn giận Chúa Trời đã bừng lên phạt họ" (Tv 77/78,30-31). Ngài khiến lửa bởi trời sa xuống thiêu hủy nhiều nghìn người trong bọn họ, vì Ngài ban cho họ thức ăn bởi trời như thế mà họ còn mê thích một đồ ăn khác thì quả là điều bất xứng.
4 - Ôi! Giá như những kẻ theo đường tâm linh biết được rằng khi họ không biết dứt bỏ lòng ham muốn những điều ấu trĩ chẳng đáng giá gì, thì họ đã đánh mất đi những điều quý giá nhường bao, và mất đi một kho tàng tâm linh phong phú nhường bao!... Giá như họ biết được rằng chỉ cần đừng muốn nếm hưởng chúng là họ sẽ tìm được, nơi lương thực tâm linh giản dị ấy, cái hương vị của tất cả mọi sự như thế nào. Tuy nhiên họ không nếm được. Nguyên nhân khiến họ không cảm nhận được hương vị của mọi thứ lương thực tích chứa trong manna, chính là vì họ đã không chịu chú ý tập trung sự mê thích vào chỉ nguyên một mình manna mà thôi. Nếu họ đã không tìm được nơi manna tất cả sự thích thú và sức mạnh đã ao ước không phải vì manna không có khả năng ấy, nhưng là vì chính họ đang mải tìm những chuyện khác. Kẻ nào muốn yêu điều gì khác cùng lúc với yêu Thiên Chúa là đã coi thường Thiên Chúa, vì đã lấy một yếu tố hết sức xa cách Thiên Chúa đem đặt chung với Ngài trên cùng một bàn cân.
5 - Kinh nghiệm cũng dạy ta rằng, khi nào lòng muốn nghiêng chiều về một vật gì, nó liền quý vật ấy hơn bất cứ vật nào khác, vì lẽ những vật này dù có tốt hơn vật được quý chuộng kia nhiều nhưng nếu không gây được thích thú cho nó thì nó vẫn không coi trọng. Còn nếu nó muốn nếm thử cả bên này và bên kia, nó sẽ gây điếm nhục cho bên xứng đáng hơn, vì nó coi cả hai bên như nhau. Vậy, vì không một vật nào có thể ngang hàng với Thiên Chúa, nên linh hồn sẽ gây sỉ nhục lớn cho Ngài khi nó vừa yêu Ngài vừa yêu sự khác, gắn bó với sự khác. Đã vậy, ta sẽ nói gì nếu linh hồn yêu sự vật ấy hơn cả Thiên Chúa?
6 - Đó cũng là điều được nhấn mạnh khi Chúa truyền cho ông Môsê lên núi thưa chuyện với Ngài (Xh 34,2-3). Ngài truyền cho ông lên núi một mình, bỏ con cái Israel dưới chân núi, Ngài còn cấm cả loài vật không được gặm cỏ trước núi ấy. Qua đó Ngài cho thấy rằng linh hồn nào muốn leo lên ngọn núi hoàn thiện để hiệp thông với Thiên Chúa, không những phải từ bỏ mọi sự, vất lại phía dưới, mà còn không được để cho các mê thích tức là những súc vật trong linh hồn được chăn thả trong đồng cỏ phía trước ngọn núi ấy, nghĩa là không được để chúng vui hưởng những gì khác không thuộc Thiên Chúa. Chính nơi Thiên Chúa mọi mê thích đều được lấp đầy, đó là tình trạng hoàn thiện. Như vậy, trên con đường và con dốc tiến lên cùng Thiên Chúa, cần thiết phải thường xuyên quan tâm trấn áp và giết chết các mê thích. Như thế linh hồn sẽ đạt đỉnh nhanh hơn là khi vội vội vàng vàng nhưng lòng vẫn dính chặt với thụ tạo. Bao lâu chua tự thắng được như vậy thì dù có thực hành các nhân đức nhiều đi nữa vẫn không đạt được hoàn thiện. Sự hoàn thiện này cốt ở chỗ giữ linh hồn được trống rỗng, trần trụi, và được thanh tẩy khỏi mọi mê thích.
Chúng ta có một hình ảnh sống động về vấn đề này trong sách Sáng thế (35,2-3), ở đoạn Tổ phụ Giacóp muốn lên núi Bêthel dựng một bàn thờ kính Thiên Chúa để dâng của lễ trên đó. Trước hết ông truyền cho gia nhân phải giữ ba điều: Một là phải vất bỏ tất cả các thần ngoại lai, hai là phải thanh tẩy mình, ba là phải thay đổi y phục.
7 - Ba điều kiện ấy giúp ta hiểu những điều một linh hồn phải làm khi muốn lên được núi thánh này để biến chính mình thành bàn thờ, dâng lên Thiên Chúa của lễ tình yêu tinh tuyền, của lễ ca ngợi và tôn kính thuần khiết. Trước khi lên đỉnh núi, linh hồn ấy phải chu toàn trọn vẹn ba điều kiện tương tự: Thứ nhất, phải vất bỏ tất cả các thần ngoại lai - tức là tất cả mọi nghiêng chiều lệch lạc và mọi dính bén; thứ hai, phải nhờ đêm tối giác quan mà tự thanh tẩy khỏi những tàn tích do các mê thích ấy để lại trong linh hồn, phải diệt trừ chúng và thật lòng thống hối về chúng; rồi điều kiện thứ ba cần có để lên được ngọn núi cao ấy, là phải thay đổi y phục: Nhờ việc thực hiện hai điều kiện trên, Thiên Chúa sẽ thay đổi những y phục ấy bằng những y phục mới, Ngài sẽ lột bỏ cách nhận biết cũ kỹ của con người và ban cho linh hồn một khả năng mới để nhận biết Thiên Chúa trong Thiên Chúa. Ngài sẽ ban cho nó một tình yêu mới để yêu mến Thiên Chúa trong Thiên Chúa, vì lòng muốn từ nay đã được lột bỏ hết những ước muốn và sở thích cũ kỹ của con người. Ngài sẽ đặt linh hồn vào một hiểu biết mới và một vực thẳm hoan lạc, vì những hiểu biết khác và những hình ảnh cũ kỹ từ nay bị gạt ra một bên. Ngài sẽ chấm dứt tất cả những gì thuộc về con người cũ — là sự khôn khéo của khả năng tự nhiên — và dùng tất cả quyền năng Ngài mà mặc cho nó sự khôn khéo siêu nhiên mới mẻ. Cho đến nỗi, từ nay, những hành động của nó vốn là hành động của con người lại trở thành hành động của Thiên Chúa, tức là điều người ta sẽ đạt được trong tình trạng nên một, trong đó linh hồn chẳng còn được dùng vào việc gì khác ngoài việc dùng làm bàn thờ, nơi mà Thiên Chúa được thờ phượng trong lời ca tụng và tình yêu, và chỉ có một mình Thiên Chúa ngự đó mà thôi. Do đó ta hiểu tại sao xưa kia Thiên Chúa truyền rằng bàn thờ để đỡ khám giao ước phải rỗng ở bên trong: Chính là để linh hồn hiểu rằng nó phải hết sức trống rỗng đối với mọi sự, ngõ hầu nó xứng đáng là một bàn thờ cho uy linh Ngài ngự trị (x. Xh 27,8). Trên bàn thờ ấy, Thiên Chúa cũng không cho phép được có lửa lạ, và lửa riêng của bàn thờ không bao giờ được tắt. Nađáp và Abiút là các con của thượng tế Aaron, dâng lửa lạ trên bàn thờ, đã khiến Thiên Chúa nổi giận, giết họ tức khắc ngay trước bàn thờ (x. Lv 10,1-2). Đó là để chúng ta hiểu rằng muốn cho linh hồn được nên bàn thờ xứng đáng, thì ở đó không được thiếu tình yêu Thiên Chúa và cũng không được pha trộn tình yêu ngoại lai nào.
8 - Thiên Chúa không cho phép một vật nào khác được ở chung với Ngài. Do đó chúng ta đọc thấy trong sách Các Vua quyển I (tức là Samuel I: 1Sm 5,3-5) rằng khi dân Philitinh đặt khám giao ước trong đền thờ có để tượng thần của họ, thì mỗi sáng thức dậy đều thấy đám tượng ấy nằm lăn dưới đất, vỡ tan tành. Thiên Chúa không chấp nhận cho ta có một mê thích nào khác ngoài mê thích giữ luật Ngài cách hoàn hảo và vác lấy thánh giá Chúa Giêsu Kitô. Ngài muốn rằng Ngài ở đâu thì sự mê thích phải ở đó. Vì thế nên chúng ta không thấy có lời nào trong Thánh Kinh nói rằng Thiên Chúa đã truyền đặt điều gì khác vào khám giao ước nơi có manna, ngoại trừ sách Luật và gậy ông Aaron là biểu hiệu của Thánh giá (Xh 16,34 và 25,16). Linh hồn nào không nhắm điều gì khác hơn là gìn giữ cách hoàn hảo Luật Thiên Chúa và vác lấy Thánh giá Chúa Giêsu Kitô, sẽ nên khám giao ước đích thật, có được manna chân chính, là chính Thiên Chúa. Nó sẽ đi đến chỗ chẳng cần bất cứ điều gì khác mà vẫn có được lề luật và cây gậy ấy cách hoàn hảo (Đnl 31,26; Ds 17,16-26).
Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét