ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3
CHƯƠNG 23
NƠI NHỮNG ĐIỀU TỐT TỰ NHIÊN (3)
Chương này bàn về những lợi ích linh hồn đạt được nhờ không chiều theo vui thỏa nơi những điều tốt tự nhiên.
1 - Kéo lòng mình ra khỏi thứ vui thỏa nói trên, linh hồn sẽ hưởng được nhiều lợi ích. Ngoài việc dọn lòng yêu mến Thiên Chúa và tập được các nhân đức khác, linh hồn còn trực tiếp tạo cho mình lòng khiêm nhường và lòng yêu thương mọi người nói chung. Vâng, một khi không còn bị quyến luyến với bất cứ ai do những điều tốt tự nhiên hào nhoáng gạt gẫm, linh hồn được tự do và trong sáng để yêu hết mọi người như Thiên Chúa muốn họ được yêu mến. Ta biết rằng chẳng ai đáng được yêu trừ phi người ấy có đức hạnh. Nếu ai vì động lực này mà yêu, chính là yêu như Thiên Chúa yêu và lòng sẽ cảm thấy rất mực tự do. Nếu tình yêu ấy có pha chút gắn bó thì sự gắn bó với Thiên Chúa còn lớn lao hơn. Khi tình yêu này càng tăng triển, tình yêu mến Thiên Chúa càng tăng thêm và khi lòng mến Thiên Chúa tăng, tình yêu tha nhân cũng tăng theo. Chúng đều phát xuất từ cùng một duyên cớ lý lẽ, đó là tình yêu nơi Thiên Chúa.
2 - Việc chối bỏ thứ vui thỏa nói trên còn mang lại một lợi ích tuyệt hảo khác là giúp ta thực thi và tuân giữ lời khuyên của Chúa: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình" (Mt 16,24). Linh hồn không thể nào từ bỏ được chính mình nếu còn tìm vui thỏa nơi những điều tốt tự nhiên ấy. Hễ ai còn có phần chăm chút coi trọng bản thân thì chưa từ bỏ chính mình và chưa bước theo Chúa Kitô được!
3 - Một lợi ích khác phát sinh do việc khước từ sự vui thỏa nói trên là sự đại tịnh đại an trong linh hồn: Khi loại trừ hết những tư tuởng lông bông, linh hồn sẽ giữ cho giác quan được lắng đọng, cách riêng là đôi mắt. Một khi không còn tìm vui thỏa nơi đó, linh hồn sẽ không muốn ngắm nhìn cũng không muốn để cho các giác quan khác dính vào đó kẻo bị lôi cuốn và trói buộc phải lãng phí thời giờ tuởng nghĩ đến đó. Như thế linh hồn sẽ thành con rắn khôn ngoan biết "bịt tai chẳng thèm nghe tiếng người dụ rắn, người thạo nghề thôi miên" (Tv 57,5-6). Nhờ canh giữ được những cổng ngõ của linh hồn là các giác quan, nguời ta sẽ giữ được và gia tăng sự bình an và tinh sạch của linh hồn mình.
4 - Còn một lợi ích khác không kém quan trọng dành cho những nguời đã tiến bộ trong việc khuớc từ thứ vui thỏa nói trên. Các đối tượng và những nhận thức thiếu lành mạnh không gây được ấn tượng ô uế đối với họ như đối với những kẻ vẫn còn vui thỏa chút ít với chúng. Như thế sự cắt bỏ và chối từ cái vui thỏa ấy sẽ đem đến cho nguời sống theo tâm linh sự tinh tuyền cả linh hồn lẫn thể xác, tức cả nơi tâm trí lẫn giác quan, họ sẽ có được sự tương hợp thần thiêng với Thiên Chúa, biến cả linh hồn lẫn thể xác họ trở nên một đền thờ xứng đáng của Chúa Thánh Thần. Sự tinh tuyền ấy không thể có được nếu lòng họ vẫn còn tìm vui thỏa nơi những vẻ tốt lành và duyên sắc tự nhiên. Ở đây, chẳng cần phải có sự ưng thuận hay hồi tuởng đến điều ô uế mới khiến linh hồn và giác quan thành nhơ nhớp, chỉ cần tìm vui thỏa trong nhận thức đối với một điều như thế cũng đủ khiến linh hồn và giác quan thành ô uế. Như lời sách Khôn Ngoan: "Thần khí thánh là thầy dạy dỗ, luôn tránh thói lọc lừa, rời xa những lý luận ngu dốt, và ghê tởm những chuyện bất công tức là những tư tưởng không được thượng tầng lý trí qui hướng về Thiên Chúa" (Kn 1,5).
5 - Lại còn một lợi ích tổng quát khác nữa. Ngoài việc được giải thoát khỏi các tệ hại nói trên, người ta còn tránh được vô số chuyện hão huyền và mất mát khác cả về mặt tâm linh lẫn trần tục, nhất là khỏi rơi vào chỗ tự hạ thấp phẩm giá, điều vốn thường xảy đến cho những kẻ tự hào và vui thỏa với những cái tự nhiên ấy nơi chính họ hoặc nơi người khác. Bởi thế, những ai không quí chuộng những chuyện như thế mà chỉ quí chuộng những gì làm đẹp lòng Thiên Chúa mới thực sự là người khôn ngoan và cẩn trọng.
6 - Từ những lợi ích trên còn phát sinh ra một lợi ích cuối cùng. Ta sẽ có được một tâm hồn quảng đại, rất cần cho việc phụng sự Thiên Chúa. Ấy là sự tự do tâm linh giúp ta lướt thắng các cám dỗ dễ dàng, vượt qua được các thử thách và tiến xa trên các nhân đức.
Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét