Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 28: Nơi những điều tốt về luân lý (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3
CHƯƠNG 28
NƠI NHỮNG ĐIỀU TỐT VỀ LUÂN LÝ (tiếp theo)

5 - Tệ hại thứ tư phát xuất từ tệ hại vừa nói, là họ sẽ chẳng được Thiên Chúa ban thưởng bởi vì ở đời này đã chỉ tìm vui thỏa và an ủi, lợi lộc về danh dự hay về những thứ khác từ các công việc mình làm. Chúa Cứu Thế bảo rằng "họ đã nhận được tiền công rồi" (Mt 6, 2). Như thế, họ sẽ bị bỏ lại một mình, trơ trụi với công việc lao nhọc và bị tủi hổ chẳng nhận được một phần thưởng nào cả.

Thiệt hại này gây cho loài người chúng ta biết bao khốn nạn. Tôi cho rằng phần lớn các công việc mà người ta làm trước mắt thiên hạ, nếu chẳng đầy tì vết hoặc chẳng giá trị gì thì cũng đều bất toàn trước nhan Thiên Chúa, bởi chúng không siêu thoát khỏi các thứ lợi lộc và sự kính nể của người đời. Thật vậy, làm sao có thể đoán định khác về một số công trình và đài tưởng niệm mà một số người đã thực hiện? Liệu họ có muốn làm những sự việc trên nếu chúng chẳng đem lại cho họ danh dự và sự nể trọng của thiên hạ? Nếu nơi những đền đài ấy danh tánh, dòng họ hoặc quyền uy của họ không được lưu truyền? Thậm chí họ còn đặt huy chương và chiến bào của họ vào các giáo đường như thể họ muốn đặt mình vào thay cho các ảnh tượng mà có lẽ mọi người đều quì gối! Nơi những công trình ấy, có thể nói rằng một số người đã tôn thờ bản thân hơn là tôn thờ Thiên Chúa! Điều chúng ta nói đây quả là đúng thực nếu như số người kia đã thực hiện các công trình của họ vì những lý do vừa nêu, mà nếu không thì hẳn họ đã không làm.

Tuy nhiên ngoài những cá nhân thuộc loại tồi tệ nhất đã nêu, còn biết bao kẻ khác đang rơi vào tệ hại này nơi các công trình của họ bằng nhiều cách thức khác nhau! Trong số những người này, kẻ thì muốn thiên hạ ca tụng họ về công trình ấy, kẻ thì muốn thiên hạ cảm ơn mình, kẻ khác thì muốn kể lại những chuyện ấy và thích thú vì kẻ nọ người kia thậm chí cả thế giới đều biết đến các công trình của họ. Đôi khi họ muốn những của họ bố thí hoặc những gì họ làm đến tai người thứ ba để thiên hạ biết rõ hơn, còn một số khác thì muốn được tất cả những gì đã nêu. Đây chẳng qua chỉ là chuyện “khua chuông gõ mõ” mà những kẻ háo danh vẫn thường làm, theo như lời Chúa Cứu Thế đã nói trong Tin Mừng (x. Mt 6,2). Chính vì thế, họ sẽ chẳng nhận được từ nơi Thiên Chúa một phần thưởng nào về các công việc họ làm.

6 - Để tránh tệ hại ấy, người ta cần che giấu các công việc mình làm hầu chỉ duy một mình Thiên Chúa nhìn thấy, chẳng nên mong được ai chú ý tới. Không những phải che giấu chúng đối với kẻ khác, người ta còn phải che giấu chúng đối với chính mình nghĩa là không được thỏa chí về chúng hoặc xem chúng là điều đáng giá, theo đúng tinh thần lời Chúa dạy: "Chớ gì tay trái của ngươi không biết được việc tay phải ngươi làm" (Mt 6,3), chẳng khác nào Chúa nói: Đừng dùng đôi mắt vật chất và xác thịt mà đánh giá công việc tâm linh ngươi đang thực hiện. Bằng cách ấy, người ta sẽ tập trung sức mạnh của lòng muốn vào Thiên Chúa và công việc của họ sinh được hoa trái trước nhan Ngài. Nhờ đó người ta sẽ không phí “công sức” mà trái lại gặt hái được “công trạng” lớn. Đây chính là ý nghĩa câu nói của ông Gióp: "Nếu tôi lặng lẽ để cho lòng bị lôi cuốn và đưa tay lên miệng mà hôn, thì đó cũng là tội ác đáng trừng phạt" (G 31,26-28). Bàn tay ở đây ám chỉ công việc đã làm và miệng ám chỉ cái lòng muốn vui thỏa nơi công việc đó. Như chúng tôi đã nói, đây là sự thỏa mãn với chính mình, nên Gióp mới nói: “Nếu lòng tôi thầm kín vui thỏa thì quả đây là một điều gian ác và chối bỏ Thiên Chúa”; nghĩa là Gióp muốn nói ông chẳng hề lặng lẽ thích chí cũng không lặng lẽ thỏa lòng.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: