ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3
CHƯƠNG 26
LỢI ÍCH KHI BIẾT KHƯỚC TỪ
Chương này bàn về những lợi ích tâm linh và vật chất linh hồn có được khi khước từ sự vui thỏa nơi những điều khả giác.
1 - Chối bỏ sự vui thỏa nói trên đây, linh hồn sẽ thu gặt được nhiều lợi ích kỳ diệu cả về phương diện tâm linh
lẫn vật chất.
2 - Lợi ích thứ nhất: nhờ rút khỏi sự vui thỏa nơi những điều khả giác, linh hồn tu chỉnh lại bản thân, giảm bớt sự chia trí đã mắc phải do dùng giác quan vô độ. Họ lắng lòng tập trung vào Thiên Chúa; giữ vững các nhân đức đã đạt được. Nhân đức lớn mạnh và linh hồn tiến nhanh.
3 - Lợi ích tâm linh thứ hai linh hồn đạt được nhờ chẳng muốn tìm vui thỏa nơi điều khả giác quả là tuyệt vời. Có thể nói rất thật rằng từ chỗ ham nhục dục họ trở nên người tâm linh, từ thú vật trở thành loài có lý trí, và hơn nữa, từ phận người tiến tới trạng huống thiên thần, từ chỗ là người phàm dưới đất thành thần linh thượng giới. Thật vậy, những kẻ tìm vui thích nơi các vật khả giác và đặt sự thỏa mãn của họ vào đó thì chỉ đáng gọi bằng những thứ chúng ta đã nói, là: nhục dục, thú tính và vật chất vv... Ngược lại, khi biết vượt lên trên những sự vật khả giác ấy, họ đáng được gọi bằng những tước hiệu cao quí, là: sống theo tâm linh, thuộc về thiên giới vv...
4 - Điều này thật hiển nhiên. Theo lời thánh Tông đồ (Gl 5,17), việc vận dụng các giác quan và sức mạnh của nhục dục mâu thuẫn với sức mạnh và việc thao luyện tâm linh cho nên hễ sức mạnh của bên này yếu kém và suy nhược đi thì bên kia sẽ tăng lên, bởi không còn đối thủ cản ngăn việc tăng trưởng nữa. Do đó, chính khi làm cho tâm linh nên hoàn thiện (tâm linh tức phần thượng đẳng của linh hồn vốn thường chiêm ngắm Thiên Chúa và thông giao với Ngài) người ta sẽ đáng nhận được tất cả những thuộc tính nói trên bởi nó đã kiện toàn trong những điều tốt và ân huệ tâm linh và thiên giới được Thiên Chúa ban. Thánh Phaolô đã minh chứng về cả hai loại người nói trên (1Cr 2,14-15), ngài gọi con người nhục cảm, tức con người chỉ lo sử dụng lòng muốn mình vào những vật khả giác, "là thú vật, không thấu hiểu được các vấn đề thuộc về Thiên Chúa", còn người biết nâng lòng muốn lên với Thiên Chúa thì ngài gọi là "con người sống theo Thần Khí, xét đoán được mọi sự" (1Cr 2,14). Và như thế ở đây linh hồn rút được mối lợi diệu kỳ là tư thế sẵn sàng để lãnh nhận những điều tốt của Thiên Chúa và các ân huệ tâm linh.
5 - Lợi ích thứ ba là sự hưởng nếm và vui thỏa của lòng muốn đối với những sự vật trần thế lại được tăng lên vô hạn, như lời Chúa Cứu Thế đã phán: "Ngay ở đời này họ sẽ được hoàn lại gấp trăm lần" (Mt 19,29). Thành thử nếu bạn từ chối một sự vui thỏa, Thiên Chúa sẽ ban cho bạn gấp trăm ngay ở đời này, cả về tâm linh lẫn vật chất. Ngược lại, nếu chiều theo một sự vui thỏa dành cho những sự vật khả giác nói trên, bạn sẽ phải chịu cả trăm nỗi phiền muộn và cay đắng. Từ đôi mắt đã được thanh tẩy khỏi những sự vui thỏa của thị giác, linh hồn được hưởng sự vui thỏa tâm linh, nhìn điều gì, dù thuộc phạm vi thần linh hay thế tục, cũng thấy lòng hướng lên Thiên Chúa. Từ thính giác đã được thanh tẩy khỏi những vui thỏa khi nghe chuyện này chuyện nọ, linh hồn sẽ được hưởng sự vui thỏa tâm linh lớn gấp trăm, vì nghe điều gì, dù thuộc phạm vi tâm linh hay phàm tục, cũng đều thấy lòng hướng lên Thiên Chúa. Nơi các giác quan khác đã được thanh tẩy, cũng y như thế. Như xưa, lúc còn trong tình trạng “ngây thơ vô tội”, tất cả những gì ông bà nguyên tổ chúng ta đã xem, đã nói, đã ăn... trong vườn địa đàng đều giúp họ vui sướng gấp bội khi chiêm ngắm Thiên Chúa, bởi phần khả giác đã được qui phục và tuân theo lý trí. Cũng thế, người nào giác quan đã được thanh tẩy khỏi mọi sự vật khả giác và phục tùng lý trí thì ngay từ rung động đầu tiên đã nhận được cái thích thú của sự chú tâm chiêm ngắm Thiên Chúa đầy ngọt ngào.
Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét