ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3
CHƯƠNG 26
LỢI ÍCH KHI BIẾT KHƯỚC TỪ (tiếp theo)
6 - Do đó, với kẻ đã tinh tuyền, thì mọi sự dù cao hay thấp, đều sinh ích lợi và giúp thêm tinh tuyền hơn nữa; ngược lại, kẻ ô uế thì dù gặp chuyện cao hay thấp, lớn hay nhỏ, đều tự rút lấy cái xấu xa từ sự ô uế của chúng. Ai không lướt thắng được sự vui thỏa theo mê thích sẽ không hưởng được cái thanh thoát, cái vui thỏa nơi Thiên Chúa giữa đời thường qua trung gian các thụ tạo của Ngài. Ai không còn sống theo giác quan thì mọi hoạt động thuộc các giác quan và các quan năng của họ đều được hướng tới sự chiêm niệm Thiên Chúa. Quả thực, theo nền triết học lành mạnh, “hoạt động của mỗi vật luôn phù hợp với hữu thể hay nếp sống của nó”. Nếu linh hồn nào đã biết hãm dẹp nếp sống thú tính để sống đời tâm linh thì nhất định sẽ cùng mọi sự thảnh thơi tiến đến Thiên Chúa, bởi lẽ mọi hành vi và chuyển động tâm linh của người ấy đều tuôn trào từ sức sống tâm linh. Do đó, nhờ trái tim tinh tuyền, người ấy sẽ tìm được nơi mọi sự cái nhận thức về Thiên Chúa đầy vui vẻ, dịu ngọt, trong trắng, tinh khiết, đầy tâm linh, nhẹ nhàng và trìu mến.
7 - Từ những gì nói trên, tôi suy ra nguyên tắc sau đây: Cần phải chối bỏ sự vui thỏa và sự thích thú nơi những điều tốt khả giác ngõ hầu kéo linh hồn ra khỏi nếp sống cảm giác cho tới khi tập cho giác quan quen với sự thanh tẩy khỏi sự vui thỏa khả giác, đến nỗi ngay từ chuyển động đầu tiên, họ đã rút ra được những lợi ích nói trên (tức qui hướng mọi vật về cho Thiên Chúa ngay). Phải sợ rằng, vì chưa phải là thuần tâm linh, từ những thứ vui thỏa ấy người ta sẽ rút ra sự thỏa mãn và sức mạnh cho giác quan hơn là cho tinh thần. Phải sợ rằng sức mạnh khả giác sẽ lấn lướt khiến nhục dục được dưỡng nuôi, củng cố và sẽ lớn mạnh thay vì giảm sút. Như lời Chúa Cứu Thế đã phán: "Sự gì sinh bởi xác thịt là xác thịt, sự gì sinh bởi tâm linh là tâm linh" (Ga 3,6). Cần nghiền ngẫm đào sâu lời ấy vì nó rất đúng. Ai chưa diệt trừ được cái thích thú với những điều khả giác thì chớ mong vận dụng được nhiều sức mạnh và hoạt động của giác quan để phục vụ tâm linh. Năng lực linh hồn sẽ tăng mạnh nhờ sự loại bỏ sức mạnh khả giác, nhờ sự dập tắt những vui thỏa và mê thích đối với những điều khả giác hơn là nhờ sự vận dụng chúng như người ta mong muốn.
8 - Không cần nêu ra đây những ơn lành của vinh quang đời sau Chúa dành cho những người chối từ sự vui thỏa này. Chỉ cần nhắc đến những đặc điểm thể chất của vinh quang ấy, chẳng hạn sự nhanh nhẹn và sáng chói, sẽ tuyệt vời hơn nhiều so với những kẻ đã lạm dụng sự vui thỏa ấy. Hơn nữa, vinh quang cốt yếu của linh hồn họ sẽ cao vượt hơn nhiều, bởi lẽ vinh quang ấy tỉ lệ với tình yêu họ dành cho Thiên Chúa, là tình yêu đã giúp họ chối bỏ những thú vui khả giác ấy. Như lời thánh Phaolô: Mỗi sự vui thỏa chốc lát chóng tàn mà họ đã chối từ sẽ "làm nên nơi họ mãi mãi một sức nặng vinh quang khôn lường" (2Cr 4,17).
Tôi sẽ không nói thêm ở đây những lợi ích khác về luân lý, về vật chất cũng như tâm linh đi kèm với sự khước từ những vui thỏa này, bởi khi đề cập các sự vui thỏa khác trước đây tôi đã nói rồi. Chỉ xin nói rằng những ích lợi ấy thuộc cấp độ siêu việt hơn, bởi lẽ những sự vui thỏa khả giác gắn chặt với bản tính tự nhiên hơn, cho nên khi chối bỏ chúng người ta gặt hái được một sự tinh tuyền thâm sâu hơn.
Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét