ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2
CHƯƠNG 23
NHỮNG NHẬN THỨC THUẦN TÂM LINH *
Bắt đầu bàn về những điều trí hiểu đã biết được qua nẻo đường thuần túy tâm linh và nói về bản chất của chúng.
1 - Những ý kiến chúng tôi đã cống hiến liên quan tới những điều trí hiểu nhận biết được qua nẻo đường giác quan, so với những gì đã được bàn tới có phần hơi vắn tắt. Thế nhưng tôi chẳng muốn bàn rộng hơn, bởi lẽ để hoàn thành ý định ban đầu là giải tỏa cho trí hiểu khỏi chướng ngại do các chuyện ấy đồng thời dẫn đường cho trí hiểu tiến vào đêm dày đức tin thì tôi tin rằng mình đã quá dài dòng.
Giờ đây chúng tôi sẽ bàn về bốn cách nhận thức thuần túy tâm linh mà trí hiểu có thể nhận được, là các thị kiến [Thị là thấy, kiến là biết - “Thị kiến” nghĩa đơn giản là hình ảnh nhìn thấy, là điều biết được nhờ nhìn thấy, nhưng lại được dùng như một thuật ngữ chuyên môn để chỉ những hiện tượng nhìn thấy mang tính tâm linh, vượt kinh nghiệm giác quan thông thường - Ba cách nhận thức còn lại cũng có thể nói là những cách trí hiểu “nhìn thấy” cho nên ở cuối số 2 chúng được gọi chung là “thị kiến” (DG)], mạc khải, lời nói và cảm xúc tâm linh mà trong chương 10 chúng tôi đã gọi là những nhận thức thuần túy tâm linh. Những cách này được gọi là thuần túy tâm linh vì, không như những cách nhận thức hữu hình do tưởng tượng - những nhận thức này không được truyền đạt cho trí hiểu qua con đường các giác quan thể chất, nhưng được gợi ra nơi trí hiểu một cách sáng sủa và rõ ràng qua con đường siêu nhiên, chẳng cần đến một trung gian thuộc giác quan hữu hình bên ngoài hay bên trong nào cả. Việc truyền đạt này xảy đến một cách thụ động nghĩa linh hồn chẳng có một hành vi hay công việc nào cộng tác vào đó một cách chủ động.
2 - Hiểu rộng ra và nói cách chung, cả bốn loại nhận thức này đều có thể được gọi là các thị kiến của linh hồn vì đối với linh hồn hiểu biết chính là trông thấy. Những loại nhận thức này trí hiểu có thể hiểu được cho nên cũng chẳng khác nào thấy được về mặt tâm linh. Do đó những tri thức được hình thành bởi chúng nơi trí hiểu được gọi là những thị kiến thuộc trí hiểu. Mọi đối tượng của các giác quan - chẳng hạn những gì người ta có thể xem, nghe, ngửi, nếm và sờ mó - cũng đều là đối tượng của trí hiểu bởi vì chúng có thể đúng hay sai. Cũng thế, tựa như tất cả những gì thấy được xét về mặt hữu hình đối với đôi mắt xác thịt đều gây nên cho đôi mắt ấy một hình ảnh thể chất thì tất cả những gì khả tri (hiểu được) đối với đôi mắt của linh hồn - tức là đối với trí hiểu - đều gây nên cho nó một hình ảnh tâm linh - trên đây chúng tôi đã nói hiểu tức là thấy chính là vì vậy. Như thế nói một cách tổng quát, bốn cách nhận thức trên đều có thể được gọi chung là các thị kiến - điều này các giác quan khác không thể có bởi vì mỗi giác quan đều bất lực đối với đối tượng của giác quan khác.
3 - Tuy nhiên, bởi vì những nhận thức này xuất hiện nơi linh hồn theo cùng cách thức với các giác quan khác, cho nên nói một cách thích đáng và cụ thể, điều gì trí hiểu lĩnh nhận theo cách của thị giác (vì trí hiểu có thể thấy sự vật theo cách tâm linh giống như mắt phàm chúng ta nhìn thấy các sự vật cách hữu hình) chúng ta gọi là “thị kiến”; còn những gì trí hiểu nhận được như thế nhờ hiểu và nghe thấy các điều mới mẻ - giống như thính giác nghe được những sự việc trước đó chưa từng nghe được - chúng ta gọi là “mạc khải”; còn những gì trí hiểu nhận được nhờ thính giác chúng ta gọi là “lời nói”; và những gì trí hiểu nhận được theo các giác quan khác chẳng hạn như hiểu biết một hương tâm linh dịu dàng, một vị tâm linh, hay những hoan lạc mà linh hồn có cảm nếm về phương diện siêu nhiên, chúng ta gọi là những “cảm xúc tâm linh”. Từ tất cả những thứ ấy, trí hiểu rút ra được sự hiểu biết hay còn gọi là thị kiến tâm linh mà không cần nhờ qua bất cứ hình hài vóc dáng nào theo trí tưởng tượng hay óc sáng tạo vẽ vời tự nhiên, bởi chúng được truyền đạt trực tiếp cho linh hồn bằng hoạt động siêu nhiên và phương thế siêu nhiên.
4 - Trong những chương trước [Xem lại các chương 4, 8 và 12 (DG)], ta đã thấy cần thoát khỏi những nhận thức hữu hình qua trí tưởng tượng. Ở đây cũng thế, chúng ta cần phải gỡ cho trí hiểu khỏi vướng vào những nhận thức thuần tâm linh này, cần chỉ lối dẫn đường cho trí hiểu vượt qua chúng mà đạt đến đêm tâm linh của đức tin để được nên một với Thiên Chúa trong bản thể Ngài. Thật vậy, nếu bị lúng túng và bị kẹt vào những điều ấy, trí hiểu sẽ bị cản trở khó đạt được sự cô tịch và trần trụi đối với mọi sự, điều mà sự nên một đòi buộc phải có. Đành rằng những nhận thức tâm linh này cao quý hơn, hữu ích hơn và chắc chắn hơn nhiều so với những hiểu biết tưởng tượng qua các giác quan thể chất, đành rằng chúng sẵn tính cách nội tâm hơn, thuần túy tâm linh hơn, và khó bị ma quỷ xâm phạm vào hơn, đành rằng chúng đã được thông ban cho linh hồn một cách tinh tuyền và tinh tế hơn, mà không đòi linh hồn phải hoạt động hay phải vận dụng trí tưởng tượng, ít là xét về mặt chủ động, thế nhưng trên con đường này, nếu thiếu khôn ngoan cẩn trọng, trí hiểu vẫn có thể bị lúng túng, và hơn nữa, vẫn có thể bị sai lầm lớn.
5 - Chúng ta đã có thể kết luận chung cho tất cả bốn cách nhận thức này bằng lời khuyên mà chúng tôi đã đưa ra cho tất cả những cách hiểu biết khác, đó là đừng ước ao cũng đừng tìm kiếm chúng. Tuy nhiên, để giải thích thêm một số điểm cho từng cách, đồng thời để dọi thêm ánh sáng và chỉ dẫn thực hành, tưởng cũng cần bàn riêng đến những cách một. Do đó, chúng tôi sẽ đề cập đến cách nhận thức đầu tiên, tức là các thị kiến tâm linh hay còn gọi là thị kiến thuộc trí hiểu.
Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét