Thứ Năm, 27 tháng 2, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 3 - Chương 2: Giải trừ nhận thức tự nhiên của dạ nhớ

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 3

CHƯƠNG 2
GIẢI TRỪ NHẬN THỨC TỰ NHIÊN CỦA DẠ NHỚ *

Chương này bàn về những nhận thức tự nhiên của dạ nhớ, và cách giải trừ chúng để linh hồn có thể nên một với Thiên Chúa theo quan năng này.

1 - Bắt đầu mỗi quyển, bạn đọc cần nhớ rõ chủ đích chúng tôi đã nhắm đến khi biên soạn. Nếu không, đọc những điều chúng tôi sắp bàn về dạ nhớ và lòng muốn, các bạn có thể lại gặp những thắc mắc tương tự như đã gặp khi đọc những điều bàn về trí hiểu. Thật vậy, nói đến triệt tiêu các quan năng nơi những hoạt động của chúng thì có vẻ như đang phá hủy chúng. Khi thấy chúng tôi nói như thế hẳn các bạn sẽ nghĩ rằng chúng tôi đang phá hủy con đường linh thao thay vì xây dựng nó. Điều ấy quả là đúng nếu như chúng tôi chỉ muốn nói riêng với những người mới bắt đầu, đang cần được trang bị bằng những nhận thức suy lý dễ hiểu.

2 - Tuy nhiên ở đây chúng tôi lại muốn hướng dẫn nhằm giúp tiến xa hơn, để người sống theo tâm linh có thể nhờ chiêm niệm mà được nên một với Thiên Chúa. Theo hướng này, mọi phương thế và mọi thao luyện khả giác về ba quan năng này đều phải vất bỏ lại đằng sau và đều phải dìm vào thinh lặng, để Thiên Chúa có thể tự thực hiện sự nên một với Ngài nơi linh hồn. Cần phải theo một con đường khác, tức là vất bỏ và triệt tiêu các quan năng ấy, cần tước lột thẩm quyền tự nhiên và những hoạt động của chúng để nhường chỗ cho ơn thiên phú và soi sáng siêu nhiên. Thật vậy, các quan năng ấy không thể nào đạt tới một mục tiêu cao vời như thế, trái lại, còn có thể gây trở ngại nếu ta còn vương vấn chúng.

3 - Linh hồn đạt tới chỗ nhận biết Thiên Chúa qua những gì Ngài không là, nhiều hơn là qua những gì Ngài thực sự là. Do đó, để đạt tới Thiên Chúa, linh hồn cần phải đi qua sự từ bỏ ngần nào có thể, từ bỏ những gì đã tiếp nhận cách tự nhiên cũng như siêu nhiên. Đây chính là điều giờ đây ta cần làm đối với dạ nhớ, chúng ta cần phải lôi dạ nhớ ra khỏi phạm vi và những giới hạn tự nhiên của nó và phải đưa nó vượt lên trên chính nó, tức là vượt lên trên tất cả mọi nhận thức cụ thể, khỏi mọi tính cách dễ hiểu và đặt nó vào niềm hi vọng tối cao hướng tới Thiên Chúa, là Đấng ta không sao hiểu thấu.

4 - Chúng ta hãy đi từ những nhận thức tự nhiên. Những nhận thức tự nhiên nơi dạ nhớ là tất cả những gì dạ nhớ có thể ghi khắc từ các đối tượng của năm giác quan thể chất gồm: nghe, thấy, ngửi, nếm và sờ mó (thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác và xúc giác), và tất cả những gì tương tự mà dạ nhớ có thể tạo lập và làm nên. Dạ nhớ phải lột bỏ và làm cho mình trống rỗng khỏi mọi ghi nhận và hình sắc ấy, đồng thời phải cố gắng loại trừ nhận thức tưởng tượng về chúng. Nó phải làm sao để không còn khắc ghi một nhận thức hay một dấu vết nào của những nhận thức ấy nơi mình. Nói khác đi, dạ nhớ phải trở thành trơ trụi và trống vắng như chưa từng có sự gì đi ngang qua, quên bẵng và dửng dưng với mọi sự.

Dạ nhớ chẳng thể nào nên một với Thiên Chúa, nếu không giải trừ khỏi mọi thứ hình sắc không phải là Thiên Chúa vì Thiên Chúa không hề rơi vào một hình sắc hay một ghi nhận cụ thể nào như chúng tôi đã nói khi bàn về đêm của trí hiểu. Đức Kitô đã dạy: "Không ai có thể làm tôi hai chủ" (Mt 6,24). Do đó, dạ nhớ không thể vừa nên một với Thiên Chúa vừa quấn quít với những hình sắc và nhận thức rõ rệt. Thiên Chúa chẳng mang hình hài hay sắc tướng nào cho dạ nhớ có thể thấu hiểu, do đó một khi dạ nhớ nên một với Thiên Chúa nó sẽ thành không hình không dạng, trí tưởng tượng như biến mất. Nói tóm, lúc ấy dạ nhớ chìm sâu vào một sự thiện tối cao, quên hẳn không còn nhớ bất cứ điều gì. Đó là điều hằng ngày ta vẫn cảm nghiệm. Sự nên một với Thiên Chúa khiến óc tưởng tượng vẽ vời thành trống rỗng, xóa sạch mọi hình sắc và nhận thức, đồng thời nâng nó lên tới cấp độ siêu nhiên.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: