ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2
CHƯƠNG 29
NHỮNG LỜI NÓI "LIÊN TIẾP" *
Bàn về loại thứ nhất trong số những lời nói mà đôi khi một tâm linh lắng đọng có thể tự tạo ra. Nêu rõ căn do của chúng cũng như ích lợi và tai hại có thể gặp thấy nơi chúng.
1 - Những lời nói “liên tiếp” này luôn xảy đến khi tâm trí lắng đọng và chăm chú đắm mình vào một nhận định nào đó. Thông qua những gì nó đang nghiền ngẫm, từ một điểm này tâm trí rút ra một điểm khác rồi tạo ra nhiều lời nói và lý lẽ phù hợp một cách rất dễ dàng và cụ thể rồi lập luận và khám phá ra nơi điều ấy nhiều điều quá ư xa lạ đối với nó đến nỗi tâm trí thấy dường như không phải chính nó làm điều đó mà là một người nào khác đang lý luận nơi nội tâm, đang trả lời hay đang dạy bảo những điều ấy. Và quả thực rất có lý do để nghĩ như thế bởi chính tâm trí tự lập luận, tự trả lời cho mình như thể một người đang hiện diện với một người khác vậy. Và xét một cách nào đó, quả thật là như thế. Vì mặc dù chính tâm trí thực hiện điều đó như là một dụng cụ, song Chúa Thánh Thần vẫn thường xuyên giúp nó sản sinh và hình thành những nhận thức, lời nói và lý lẽ chân thực ấy. Do đó, tâm trí tự nói với chính mình như thể với một người khác. Vì một khi trí hiểu lắng đọng và nên một với sự thật về điều nó tưởng nghĩ thì Chúa Thánh Thần cũng nên một với nó nơi sự thật ấy - như Ngài luôn nên một nơi tất cả sự thật. Nhờ hiệp thông với Thánh Thần Thiên Chúa theo cách này qua sự thật ấy, trí hiểu sẽ hình thành trong nội tâm và một cách liên tục những sự thật khác liên quan đến sự thật n đang tưởng nghĩ đang khi Chúa Thánh Thần, Đấng dạy dỗ, mở cửa và thông ban cho nó ánh sáng của Ngài. Đây là một trong những cách dạy dỗ của Chúa Thánh Thần.
2 - Do được vị Tôn sư này soi sáng và dạy dỗ theo cách thức ấy, nên khi hiểu được các sự thật kia, trí hiểu liền góp phần tự hình thành nên những sự thật đã nhận được từ nơi khác. Thành thử có thể nói là: "Tiếng thì của Gacob, nhưng đôi bàn tay thì của Esau" (St 27,22). Khi điều ấy xảy đến cho ai thì người này không thể nào không tin rằng các lời lẽ ấy là do một người khác nói với họ. Bởi họ không biết được làm sao trí hiểu lại có thể dễ dàng tự tạo ra những lời lẽ giống như thể do một người khác nói với nó, về những nhận thức và sự thật đã từng được thông tri cho nó từ một người khác trước rồi.
3 - Nơi sự truyền đạt và soi sáng ấy trí hiểu không hề phỉnh gạt, tuy nhiên vẫn có thể và thường xảy ra chuyện phỉnh gạt này nơi những lời nói rõ ràng và những lập luận mà trí hiểu rút ra từ sự truyền đạt và soi sáng ấy. Thứ ánh sáng ban cho nó đôi khi quá tinh tế và thuần tâm linh đến nỗi trí hiểu không đạt được đến chỗ am hiểu kỹ lưỡng, rồi như chúng tôi đã nói, chính trí hiểu tự mình hình thành các lập luận nên nó thường chế ra những lý lẽ thiếu chính xác, cũng lắm khi có vẻ đúng hoặc không đạt. Bởi lẽ lúc đầu trí hiểu nắm lấy một đầu dây của sự thật, rồi liền đó nó chêm vào phần riêng là sự khéo léo hay ngờ nghệch thấp kém của nó, cho nên sự thật dễ dàng theo khả năng của nó mà bị biến chất để rồi tất cả đều như thể cùng do một người khác nói lên.
4 - Tôi đã biết một người có được những lời nói liên tiếp này. Giữa những lời rất chân thực và cốt yếu được nói ra về bí tích Thánh Thể chí thánh thì lại có xen những lời khác rất là lạc giáo. Tôi rất kinh ngạc về những gì đang xảy ra trong thời buổi này. Bất luận linh hồn nào, sau khi đạt được đôi chút nguyện ngắm, nếu trong lúc lắng đọng mà cảm nhận được đôi lời trong những lời nói trên, lập tức liền gán hết cho Thiên Chúa, rồi cứ đinh ninh là thế và nói: “Thiên Chúa đã bảo tôi”, “Thiên Chúa đã trả lời tôi”. Nhưng thực ra đâu phải vậy, mà như chúng tôi đã nói, thường là chính các linh hồn tự nói cho mình những lời nói ấy.
5 - Hơn thế nữa, nỗi khao khát do những thứ ấy gợi lên cũng như sự nghiêng chiều của tâm trí gắn chặt vào đó khiến linh hồn cứ suy nghĩ như thế. Lúc nào họ cũng bảo chính Thiên Chúa đã nói, chính Ngài đã trả lời. Nếu những người này không biết tự kiềm chế, nếu các vị linh hướng không buộc họ phải chấm dứt ngay những suy lý kiểu ấy, họ sẽ rơi vào nhiều ảo tưởng nặng nề. Bởi lẽ nơi các chuyện ấy, linh hồn thường dệt ra nhiều điều rỗng tuếch làm nhơ bẩn tâm hồn hơn là sự khiêm nhường và tinh thần hy sinh hãm mình. Họ cứ nghĩ rằng Thiên Chúa đã phán cho họ điều trọng đại nào đó, nhưng thực ra thì điều ấy chỉ hơn cái số không một chút, hay chẳng là gì cả hoặc còn kém hơn cái số không là đàng khác. Bởi vì điều gì chẳng đem lại lòng khiêm nhường, lòng bác ái, sự hãm mình, sự đơn sơ thánh thiện và sự thinh lặng... thì có đáng gì?
Vì vậy, tôi xin thưa những chuyện này có thể gây lệch lạc rất nhiều trên con đường dẫn đến sự nên một với Thiên Chúa bởi một khi linh hồn xem trọng chúng thì chúng sẽ khiến cho linh hồn lệch xa vực thẳm đức tin, nơi mà trí hiểu phải nằm trong tăm tối và bước đi bằng tình yêu trong đức tin chứ không phải bằng nhiều lý nhiều lẽ.
Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét