Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 32: Những cảm xúc tâm linh

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 32
NHỮNG CẢM XÚC TÂM LINH *

Bàn về những nhận thức mà trí hiểu lãnh nhận được từ những cảm xúc bên trong xảy đến cho linh hồn một cách siêu nhiên. Nguyên nhân của chúng và cách thức linh hồn phải xử sự để khỏi gây cản trở trên đường nên một với Thiên Chúa.

1 - Bây giờ xin bàn tiếp đến loại thứ tư và cũng là loại sau cùng của những nhận thức thuộc trí hiểu. Như vừa nói, cách nhận thức này có thể rơi vào trí hiểu từ những tình cảm tâm linh vốn thường được tạo ra một cách siêu nhiên nơi linh hồn người sống theo tâm linh. Chúng tôi liệt kê những nhận thức này vào số những cách nhận thức riêng biệt của trí hiểu.

2 - Những tình cảm tâm linh cụ thể này có thể thuộc về hai loại: Loại thứ nhất là những tình cảm nơi lòng muốn; loại thứ hai là những tình cảm nơi bản thể của linh hồn. Mỗi loại đều có thể chia thành nhiều loại nhỏ hơn. Loại thuộc lòng muốn thì rất cao siêu khi phát xuất tự Thiên Chúa, còn loại thuộc bản thể linh hồn thì cao siêu tột bực và lại rất tốt lành và hữu ích. Cả linh hồn lẫn người hướng dẫn nó đều không thể biết hoặc hiểu được căn nguyên chúng xuất phát tự đâu. Họ cũng không biết được vì những việc làm nào mà Thiên Chúa ban cho linh hồn những hồng ân như thế. Quả thật, những hồng ân này không lệ thuộc vào các công việc mà linh hồn thực hiện hay những suy tư mà linh hồn có được, mặc dù những điều này là những chuẩn bị tốt để có được chúng. Thiên Chúa ban chúng cho kẻ nào Ngài muốn và vì điều gì Ngài muốn. Rất có thể một người làm nhiều công việc mà chẳng được Chúa vuốt ve âu yếm như thế đang khi một người khác chỉ làm ít hơn nhiều, lại được những ơn rất cao siêu và rất dồi dào. Thành thử, linh hồn chẳng cần phải cố chú tâm vào những chuyện tâm linh (mặc dù điều này vẫn là một trạng huống rất tốt để linh hồn đáng được Thiên Chúa ban cho những vuốt ve âu yếm) từ đó linh hồn rút ra được những tình cảm nói trên bởi lẽ thường thì sự vuốt ve âu yếm xảy đến khi linh hồn không hề ngờ tới. Trong các vuốt ve âu yếm này một số có tính cụ thể và đi qua mau chóng, một số khác thì không cụ thể và kéo dài lâu hơn.

3 - Những tình cảm này, xét riêng về mặt tình cảm, thì không thuộc về trí hiểu mà thuộc về lòng muốn. Do đó, tôi không cố ý bàn đến ở đây, xin dành lại cho đến khi chúng ta nói về chủ đề “đêm” và sự thanh tẩy lòng muốn trong các nghiêng chiều của nó nơi cuốn thứ ba tiếp theo đây.

Tuy nhiên, bởi thường thì trong hầu hết các trường hợp, ơn này làm nảy sinh nơi trí hiểu rất dồi dào những nhận thức, hiểu biết và sự thật, cho nên cần nêu chúng ra ở đây.

Phải biết rằng những tình cảm này - kể cả tình cảm thuộc lòng muốn lẫn tình cảm nơi bản thể linh hồn - dẫu phát sinh từ những vuốt ve âu yếm đột nhiên của Thiên Chúa hoặc những vuốt ve âu yếm kéo dài và liên tục thì thông thường vẫn làm nảy sinh nơi trí hiểu dồi dào những nhận thức hay hiểu biết. Nhận thức này thường là một tri giác rất cao siêu và rất ngọt ngào về Thiên Chúa nơi trí hiểu mà người ta không thể gọi tên cũng như không thể gọi tên cái tình cảm từ đó nó phát sinh. Những nhận thức ấy khi theo cách này, lúc theo cách khác; khi thì rất cao siêu và sáng sủa khi thì ít cao siêu và sáng sủa hơn, tùy theo tính chất những vuốt ve âu yếm của Thiên Chúa. Những vuốt ve này gây ra những cảm tình mà từ đó những nhận thức trên phát sinh.

4 - Vì lý do cẩn trọng và nhằm dẫn dắt trí hiểu bằng đức tin vượt qua những nhận thức này để nên một với Thiên Chúa, chúng tôi không cần hao phí nhiều lời ở đây. Bởi lẽ, giống như những tình cảm mà chúng tôi đã nói, được tạo ra một cách thụ động trong linh hồn, mà tự phần mình linh hồn không hề phải tích cực làm gì để lãnh nhận chúng, thì những nhận thức về chúng cũng được nhận vào trong trí hiểu cách thụ động — theo cách mà các triết gia gọi là “khả thể” - mà chẳng hề đóng góp gì vào đó cả. Do đó, để khỏi lầm lạc trong các nhận thức này cũng như để khỏi ngăn cản lợi ích do chúng đem lại, trí hiểu chẳng nên làm gì cả đối với chúng ngoài việc xử sự thụ động với chúng và không vận dụng khả năng tự nhiên của mình để xen vào. Bởi lẽ, như chúng tôi đã nói nơi trường hợp các lời nói liên tiếp, do bởi hoạt động của mình, trí hiểu sẽ rất dễ gây xáo trộn và hủy hoại những nhận thức tinh tế ấy vốn là một sự hiểu biết siêu nhiên ngọt ngào mà yếu tố tự nhiên không thể đạt tới đồng thời chỉ có thể hiểu nó bằng cách lãnh nhận chứ không phải hành động.

Do đó, linh hồn không nên nỗ lực tìm kiếm hoặc ham nhận lãnh chúng kẻo trí hiểu sẽ tự mình chế ra những nhận thức khác rồi cùng lúc đó ma quỷ lại chêm vào những nhận thức khác và đầy sai lạc. Ma quỷ có thể làm điều này rất dễ dàng dựa vào các tình cảm nói trên hoặc các tình cảm mà nó có thể đặt vào linh hồn hiến mình cho những nhận thức ấy. Vậy các linh hồn nên biết nhẫn nại, khiêm nhu và thụ động đối với những nhận thức này. Nếu linh hồn lãnh nhận hồng ân với những tâm thái ấy, Thiên Chúa sẽ đổi mới chúng khi nào đẹp ý Ngài, khi Ngài thấy linh hồn biết khiêm nhu và siêu thoát. Bằng cách này, linh hồn sẽ không gây cản trở cho mình trong việc nhận được ơn lành mà các nhận thức này mang đến giúp linh hồn được nên một với Thiên Chúa, là sự nên một được tạo ra một cách thụ động nơi linh hồn (ơn lành này quả là lớn lao, bởi tất cả ơn vuốt ve âu yếm ở đây đều là ơn nên một).

5 - Thiết tưởng những gì đã nói về điểm trên đã đủ. Bởi lẽ tất cả những gì xảy đến cho linh hồn liên can đến trí hiểu đều tìm thấy được những điều cần cẩn trọng và những chỉ dẫn nơi những chương nêu trên. Mặc dù một điểm nào đó có vẻ khác biệt đến nỗi không được liệt kê vào một trong những điều kể trên thì phải vẫn nhớ rằng không một hiểu biết nào người ta lại không thể quy về cho một trong những điều ấy và qua đó rút ra được lời chỉ dẫn cần thiết.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: