Thứ Năm, 6 tháng 2, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 24: Hai loại thị kiến tâm linh (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 24
HAI LOẠI THỊ KIẾN TÂM LINH * (tiếp theo)

8 - Các thị kiến này chỉ liên quan đến các thụ tạo, không một chút tương xứng hay phù hợp thiết yếu nào cả đối với Thiên Chúa, cho nên không thể là một phương thế trực tiếp giúp trí hiểu được nên một với Thiên Chúa. Vì thế linh hồn nên tỏ ra hoàn toàn lãnh đạm với chúng cũng như đối với những loại nhận thức khác mà chúng tôi đã nói tới, ngõ hầu có thể tiến bộ bằng phương thế trực tiếp là đức tin. Cũng vì thế, linh hồn không được tích chứa hay giữ lại những hình ảnh các thị kiến ấy đã đập vào tâm trí mình và cũng không được dựa vào chúng. Nếu không, linh hồn sẽ bị vướng vào các hình thể, hình ảnh cũng như nhân vật và sẽ không từ bỏ được mọi sự để lên đường đến với Thiên Chúa.

Cho đi là các hình ảnh ấy vẫn cứ sờ sờ ra đó mãi nhưng nếu linh hồn không thèm lưu tâm đến thì chúng cũng chẳng cản trở gì nhiều cho linh hồn. Quả thực việc nhớ đến những thị kiến ấy có thôi thúc linh hồn thêm mến yêu và chiêm ngắm Thiên Chúa được đôi chút, tuy nhiên một đức tin tinh tuyền và trơ trụi, chẳng bận tâm gì tới mọi thứ ấy thì còn thôi thúc và nâng cao linh hồn hơn nhiều, dù rằng linh hồn chẳng biết thôi thúc ấy xảy đến cách nào và từ đâu.

Có thể xảy ra là linh hồn cháy bừng những nỗi khắc khoải vì tình yêu rất tinh tuyền dành Thiên Chúa mà chẳng biết chúng từ đâu đến và dựa trên nền tảng nào. Tựa như đức tin bám rễ ăn sâu hơn vào linh hồn nhờ sự nghèo khó tâm linh, hay nói cách khác là nhờ sự trống rỗng, tăm tối và trơ trụi với hết mọi thứ, thì lòng mến yêu Thiên Chúa cũng nhờ đó mà ăn sâu và bám rễ nhiều hơn nơi linh hồn. Do đó linh hồn càng muốn chịu tăm tối và hủy diệt hẳn mọi sự bên ngoài và bên trong mà nó có thể lãnh nhận, thì càng được đổ thêm đức tin cùng với đức ái và đức cậy bởi vì ba nhân đức hướng thần này luôn đi chung với nhau như một.

9 - Đôi khi linh hồn chẳng hiểu cũng chẳng cảm thấy được thứ tình yêu này bởi vì nó không ở nơi phần giác quan với những cảm xúc dịu dàng mà lại ở nơi phần linh hồn với sự mạnh mẽ, can đảm và bạo dạn hơn trước đó; mặc dù có khi nó cũng tràn ngập giác quan và tạo nên những cảm xúc dịu dàng êm ái. Thành ra, để đạt được tình yêu, niềm vui thỏa mà các thị kiến loại này gây ra cho nó, linh hồn phải có được sức mạnh, sự hy sinh và tình yêu ngõ hầu biết ước muốn ở lại trong tình trạng trống rỗng và tăm tối đối với tất cả những thứ đó, và biết đặt nền tảng cho tình yêu và sự vui thỏa này nơi điều mà linh hồn không thấy và không cảm nghiệm, mà cũng không thể thấy và không thể cảm nghiệm ở đời này, tức là nơi chính Thiên Chúa, Đấng ta không thể hiểu nổi và là Đấng siêu vượt trên tất cả. Vì thế ta hãy đến với Ngài bằng cách từ bỏ hết tất cả. Nếu không, dù cho linh hồn rất khôn khéo, khiêm nhu và mạnh mẽ đến độ ma quỷ không thể lừa gạt được linh hồn bằng các thị kiến ấy cũng không thể xui linh hồn rơi vào một sự tự phụ nào như nó vốn quen làm, thì những thứ đó vẫn khiến linh hồn không tiến được vì thiếu sự trơ trụi tâm linh, thiếu tinh thần nghèo khó và sự trống rỗng trong đức tin là những yếu tố cần phải có đối với sự nên một giữa linh hồn và Thiên Chúa.

10 - Ở các chương 21 và 22 chúng tôi đã trình bày nguyên tắc về các thị kiến và sự nhận thức siêu nhiên thuộc giác quan. Nguyên tắc ấy cũng áp dụng cho các thị kiến loại này, vì thế chúng tôi không muốn mất thời gian bàn đến nữa.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: