Thứ Ba, 28 tháng 1, 2025

CHÚC MỪNG NĂM MỚI ẤT TỴ 2025

 


Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 22: Tại sao không được phép? (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 22
TẠI SAO KHÔNG ĐƯỢC PHÉP? * (tiếp theo)

16 - Vậy để kết luận phần này, tôi xin nói và đúc kết từ những gì đã được nói như sau: Tất cả những gì linh hồn lãnh nhận được bằng bất cứ cách nào qua con đường siêu nhiên cần phải thông báo ngay cho cha linh hướng của mình cách rõ ràng, chân thành, toàn vẹn và đơn sơ. Có lẽ linh hồn thấy việc tường trình này không cần thiết, phí thời giờ và nếu muốn an toàn thì, như chúng tôi đã nói, linh hồn chỉ cần khước từ, đừng bận tâm hay mong muốn những chuyện ấy. Điều ấy có vẻ càng đúng hơn nữa khi đó là những thị kiến, mạc khải hay những thông tri siêu nhiên khác, vì chúng đã rất rõ hoặc nếu không rõ thì cũng ít quan trọng. Tôi xin nói rằng, ngay cả trong trường hợp ấy, và mặc dù linh hồn chẳng thấy cần thiết gì, vẫn luôn luôn cần phải trình bày toàn bộ sự việc cho cha linh hướng. Điều này có ba lý do:

Thứ nhất, như chúng tôi đã nói, nhiều khi Thiên Chúa ban ơn trong linh hồn mà những hậu quả cũng như sức mạnh, ánh sáng và sự đảm bảo về chúng không được xác định rõ. Thiên Chúa đợi cho tới khi - như chúng tôi đã nói - linh hồn này đem ra bàn bạc với người đã được Ngài chỉ định làm vị thẩm phán tâm linh cho nó, là người có quyền tháo, buộc, chấp thuận và phi bác đối với nó. Đó là điều chúng tôi đã chứng minh qua những trích dẫn trên đây cũng như qua các cảm nghiệm thường ngày. Nhìn kỹ sẽ thấy điều vẫn diễn ra nơi các linh hồn khiêm nhường là sau khi đã bàn bạc những chuyện ấy với người có thẩm quyền, các linh hồn ấy liền cảm nghiệm được sự thỏa mãn, sức mạnh, ánh sáng và sự vững tâm hoàn toàn mới mẻ. Đến nỗi đối với một số người, dường như mãi đến lúc đã trao đổi xong với vị linh hướng, chuyện ấy mới bén rễ và thuộc về họ, như thể là bấy giờ chuyện ấy lại được ban cho họ một lần nữa.

17 - Lý do thứ hai là, theo lẽ thường, linh hồn thấy cần có được lời khuyên về những ơn siêu nhiên này, cần được giúp đỡ để ngang qua những ơn này lần bước tìm đến sự trơ trụi và nghèo khó tâm linh tức là đêm tăm tối. Thiếu sự hướng dẫn đó, có thể linh hồn sẽ không sẵn lòng đón nhận những ơn ấy, sẽ không hiểu được mình và vô tình trở nên chai sạn trên đường tâm linh rồi sẽ chiều theo nẻo đường giác quan mà qua đó phần nào các chuyện cụ thể ấy đã diễn ra.

18 - Lý do thứ ba là, về phía linh hồn, đức khiêm nhường, đức tuân phục và sự khổ hạnh đòi hỏi nó phải tường trình cho linh hướng dù vị này chẳng quan tâm và quý chuộng gì những chuyện siêu nhiên ấy. Quả thật, một số linh hồn rất ngại nói ra chuyện ấy, chính họ nghĩ rằng chúng chẳng đáng gì cả, nên cũng sợ khó được người nghe đón nhận câu chuyện. Sự sợ hãi ấy là do thiếu đức khiêm nhường. Vì vậy, các linh hồn này cần phải bắt ép mình nói chuyện ấy ra. Còn một số khác lại thấy quá xấu hổ khi phải nói lên các chuyện ấy vì tưởng chừng đây là những chuyện thuộc về các thánh nhân; rồi lại còn thêm những khó khăn khác nữa. Thành ra họ đành im lặng, vì tự thâm sâu họ chẳng quý chuộng gì những chuyện ấy. Tuy nhiên chính vì thế mà họ cần phải ép mình và phải thổ lộ cho linh hướng. Họ cần khiêm nhường, đơn sơ, dịu dàng và sẵn sàng nói ra những chuyện ấy, cho đến khi có thể bộc lộ cách thật dễ dàng.

19 - Xin lưu ý, chúng tôi đã cứng rắn đòi phải gạt bỏ những chuyện này và các vị linh hướng không được gợi cho các linh hồn kể lể dài dòng về chuyện này, thế nhưng các vị linh hướng không được tỏ ra chán ngán, ngăn cản họ về những chuyện ấy hoặc khinh bỉ họ đến nỗi khiến họ co rúm lại và chẳng dám bày tỏ nữa và như vậy sẽ đóng mất cánh cửa, khiến họ gặp phải nhiều điều khó khăn. Bởi lẽ, như chúng tôi nói, những ơn ấy cũng là một phương thế. Vì nó là một phương thế, một con đường Thiên Chúa dùng để hướng dẫn các linh hồn, thì ta không nên chê khinh, cũng không nên ngạc nhiên hoặc lấy làm chướng về chuyện này. Tốt hơn là nên hành sự một cách rất dịu dàng và trân trọng, nên khích lệ và giúp họ mạnh dạn bộc lộ ra, và nếu cần, hãy truyền cho họ phải nói. Do cái khó khăn nhiều linh hồn gặp phải, đôi khi phải sử dụng hết mọi phương cách.

Tiếp đến, cần dẫn dắt họ theo con đường đức tin bằng cách tế nhị dạy họ biết ngoảnh mặt khỏi tất cả những chuyện siêu nhiên ấy, biết làm cho dục vọng và tâm linh họ thành trơ trụi, không còn dính bén gì tới những chuyện ấy thì họ mới có thể tiến bộ được. cũng phải giúp họ hiểu rằng một công việc hay một hành vi của lòng muốn được thực hiện trong đức ái thì làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn tất cả thị kiến, mạc khải và truyền đạt họ có thể có được tự trời cao, vì những thứ ơn này chỉ là vô thưởng vô phạt. Nhiều linh hồn chẳng hề có được những thứ ấy thế mà lại tiến xa hơn vượt hẳn những linh hồn khác từng được nhiều thị kiến và mạc khải.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Hai, 27 tháng 1, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 22: Tại sao không được phép? (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 22
TẠI SAO KHÔNG ĐƯỢC PHÉP? * (tiếp theo)

12 - Vì thế sách Giảng Viên đã nói rộng ra: "Khi chỉ có một mình mà bị ngã thì thật là khốn, vì chẳng có ai nâng dậy cả! Cũng vậy, hai người nằm chung thì ấm; một mình làm sao mà ấm được? Một mình dễ bị tấn công, có hai người, ắt sẽ đương đầu nổi; dây chập ba đâu dễ gì đứt?" Người này sẽ sưởi ấm cho người kia (nghĩa là có hơi ấm của Thiên Chúa ngự giữa họ); một người mà thôi thì làm sao tự sưởi ấm được? (nghĩa là làm sao y không lạnh lùng đối với những chuyện thuộc về Thiên Chúa). Nếu một kẻ nào đó mạnh hơn và lướt thắng một người (ý nói ma quỷ, nó biết lướt thắng những kẻ muốn đơn độc trong những chuyện thuộc về Thiên Chúa) thì hai người cùng chung nhau sẽ chống cự nổi nó (nghĩa là người môn đệ và tôn sư hợp nhau để nhận biết và thực thi chân lý). Như thế, người đơn độc sẽ cảm thấy nguội lạnh và yếu đuối trong sự thật, không đủ sức hành động, mặc dù người ấy có nghe sự thật từ Chúa bao nhiêu lần cũng vậy. Ta hãy xem Thánh Phaolô. Mặc dù thánh nhân đã rao giảng Tin Mừng trong một thời gian lâu dài, Tin Mừng mà ngài đã học được từ Thiên Chúa chứ không phải từ loài người (x. Gl 1,12), ngài vẫn không an tâm với mình cho đến khi đã đi bàn bạc với thánh Phêrô và các vị tông đồ. Ngài nói: "Vì sợ rằng tôi ngược xuôi, và đã ngược xuôi vô ích" (Gl 2,2); vì ngài vẫn không vững dạ cho tới khi người khác mang lại cho ngài sự an lòng. Như thế nghĩa là gì, thưa thánh Phaolô! Phải chăng Đấng mạc khải Tin Mừng cho ngài lại không thể nhắc cho ngài tránh khỏi sai lầm khi ngài rao giảng sự thật của Đấng ấy sao?

13 - Điều này rõ ràng cho thấy rằng ta chỉ có thể gắn bó an toàn vào một điều Thiên Chúa mạc khải trừ phi theo sát trật tự chúng tôi vừa chỉ vẽ. Một người đã ưa chuộng loại mạc khải ấy, thì dù có biết chắc mạc khải ấy đến từ Thiên Chúa, như thánh Phaolô chắc chắn về Tin Mừng của ngài vì ngài đã khởi sự rao giảng nó, họ vẫn có thể lầm lẫn về chuyện ấy hoặc về những gì liên quan tới chuyện ấy. Thật thế, không phải lúc nào Thiên Chúa mạc khải toàn diện. Ngài có thể tỏ cho thấy đó là việc phải làm nhưng lại không nói phải làm cách nào. Bởi vì thông thường tất cả những gì có thể làm được cho linh hồn nhờ nỗ lực và lời khuyên của con người thì Thiên Chúa chẳng hành động cũng chẳng nói năng đến, mặc dù có thể Ngài vẫn thường xuyên và thân mật tiếp xúc với linh hồn ấy. Thánh Phaolô dù đã hiểu rõ điều này, dù chắc chắn rằng Thiên Chúa đã mạc khải Tin Mừng cho ngài, ngài vẫn bàn bạc với các tông đồ khác.

Sách Xuất Hành còn cho một ví dụ rất rõ (x. Xh 18,21¬22). Thiên Chúa luôn cư xử rất thân tình với Môsê, thế nhưng Ngài không đích thân ban cho ông lời khuyên rất hữu ích mà nhạc phụ ông là Giêtrô khuyên ông, là chọn những thẩm phán khác để giúp đỡ ông và để cho dân chúng khỏi phải chờ đợi từ sáng cho tới đêm. Thiên Chúa đã chuẩn thuận lời khuyên ấy. Ngài chẳng đưa ra lời khuyên ấy vì đó là điều mà lý trí và phán đoán của con người có thể nắm bắt được. Thiên Chúa thường chẳng bày tỏ những chuyện ấy qua các thị kiến, mạc khải cũng như những lời nói của Ngài, vì Ngài luôn muốn người ta dùng đến lý trí và phán đoán tối đa, đồng thời mọi thứ phải được điều chỉnh bởi chúng trừ những gì thuộc về đức tin là những điều siêu vượt mọi phán đoán và lý trí, dù không ngược với lý trí.

14 - Giả thử có người chắc chắn rằng Thiên Chúa và các thánh vẫn trò chuyện thân tình về nhiều chuyện. Người này không nên vì đó mà tưởng rằng các vị ấy cũng phải nói cho biết những lầm lỗi cụ thể nơi một chuyện gì đó, khi mà mình vẫn có thể biết được những lầm lỗi ấy qua một con đường khác. Thế nên, đừng tưởng lầm. Trong sách Công Vụ Tông Đồ, ta thấy mặc dù là thủ lĩnh Hội Thánh và đã từng được Thiên Chúa trực tiếp giáo huấn, Thánh Phêrô vẫn mắc phải sai sót khi ứng xử với dân ngoại. Thiên Chúa vẫn lặng thinh, không nói cho biết. Thế nhưng rồi đã có thánh Phaolô lên tiếng, như về sau ngài kể lại: “Khi tôi thấy các ông ấy không đi đúng theo sự thật của Tin Mừng, thì tôi đã nói với ông Kêpha trước mặt mọi người: 'Nếu ông là người Do Thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do Thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do Thái?' " (Gl 2,14). Như thế Thiên Chúa đã không đích thân cảnh báo thánh Phêrô về sai sót ấy, bởi vì sự giả vờ ấy của ông là chuyện thuộc phạm vi lý trí mà ông có thể nhận biết nó qua con đường suy lý.

15 - Nhiều người đã từng được Thiên Chúa trò chuyện thân tình cũng như ban cho nhiều ánh sáng và sức mạnh nhưng lại dựa vào đó để bỏ bê phận vụ. Trong ngày phán xét, Thiên Chúa sẽ phạt những sai sót và tội lỗi của họ. Như Chúa Kitô đã nói trong Tin Mừng, lúc bấy giờ họ bàng hoàng lên tiếng: "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?" (Mt 7,22). Và Chúa bảo Ngài sẽ trả lời họ rằng: "Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!" (Mt 7,23). Trong số những kẻ làm điều gian ác ấy có ngôn sứ Balaam và những kẻ khác tương tự ông ta. Dù trước đó Thiên Chúa từng nói chuyện thân tình và ban cho họ các ân sủng, họ vẫn là những kẻ có tội. Cả nhiều bạn bè và những kẻ được Chúa chọn dù Chúa đã từng trò chuyện thân mật với họ trên cõi đời này, một ngày kia Chúa cũng sẽ khiển trách về lầm lỗi và bê trễ của họ, những lỗi mà Ngài không cần phải đích thân cảnh báo họ vì qua lề luật và lý trí tự nhiên Ngài đã cảnh báo họ rồi.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 22: Tại sao không được phép? (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 22
TẠI SAO KHÔNG ĐƯỢC PHÉP? * (tiếp theo)

8 - Quả thực người ta phải luôn luôn gắn bó với những điều Chúa Kitô dạy bảo, còn tất cả những gì khác không phù hợp với giáo huấn Ngài đều chẳng là gì cả và cũng chẳng đáng tin. Giờ đây những ai còn muốn thông giao với Thiên Chúa theo lối Luật cũ, sẽ chỉ tiến bước hoài công. Hơn nữa, vào thời Luật cũ không phải ai cũng được phép thỉnh vấn Thiên Chúa và Thiên Chúa cũng đâu trả lời cho hết mọi người mà chỉ trả lời cho các tư tế và ngôn sứ, rồi dân phải học lại nơi họ cả về lề luật và giáo lý. Nếu ai đó muốn biết một điều gì đó từ Thiên Chúa, sẽ không tự mình nhưng phải nhờ ngôn sứ hay tư tế thỉnh vấn giùm. Vua Đavít thỉnh thoảng có tự mình thỉnh vấn Thiên Chúa, chính vì ông là một ngôn sứ và khi làm điều ấy ông luôn khoác lên người phẩm phục tư tế như người ta thấy nơi sách Samuel quyển I (23,9), chỗ Đavít nói với tư tế Abiathar: "Đem ê-phốt lại đây!", tức là hãy khoác áo thụng êphốt vào người ông. Áo thụng này là thứ phẩm phục quyền quý nhất của chức tư tế. Chính vua Đavít đã khoác nó lên người khi thỉnh vấn Thiên Chúa. Còn những lần khác vua Đavít thỉnh vấn Thiên Chúa qua ngôn sứ Nathan và qua các ngôn sứ khác. Qua miệng các ngôn sứ và các tư tế ấy, người ta phải tin rằng chính Thiên Chúa phán họ chứ không phải do ý kiến riêng của các vị ấy.

9 - Những gì Thiên Chúa phán thời ấy chẳng có quyền uy hay sức mạnh buộc người ta phải hoàn toàn tin vào đó nếu chúng không được miệng các tư tế và ngôn sứ chuẩn y. Đó là vì Thiên Chúa rất mong muốn cho con người được điều khiển và dẫn dắt do người đồng loại của họ cũng như biết ứng xử và làm chủ bản thân theo lý trí tự nhiên. Ngài hoàn toàn mong muốn rằng những gì Ngài thông ban cho ta cách siêu nhiên chỉ được chúng ta tin vững và chỉ đem lại xác tín và sức mạnh để hành động khi chúng đi qua con kênh nhân loại, tức qua miệng con người. Do đó, mỗi lần phán dạy hoặc mạc khải một điều gì đó cho linh hồn, Thiên Chúa thường tạo cho họ xu hướng bày tỏ điều ấy cho một ai đó thích hợp. Linh hồn sẽ chỉ được hoàn toàn thỏa mãn khi nhận được sự tán thành từ một người đồng loại. Trong sách Thủ Lãnh (7,9¬11) ta thấy điều ấy đã xảy đến cho thủ lĩnh Ghítôn. Thiên Chúa nhiều lần nói rõ với ông rằng ông sẽ thắng quân Mandian nhưng ông vẫn cứ hoài nghi và nhát đảm. Thiên Chúa cứ để ông yếu nhược như thế cho tới khi ông nghe được qua miệng người phàm điều chính Thiên Chúa đã nói với ông. Thấy ông nhát đảm như thế, Thiên Chúa bảo ông: "Đứng lên! Đi xuống doanh trại, vì Ta sẽ trao nó vào tay ngươi... Ngươi sẽ nghe ngóng xem chúng nói gì; sau đó tay ngươi sẽ ra cứng rắn, và ngươi sẽ xuống đánh trại". Ông nghe một tên lính người Mađian kể cho một tên lính khác rằng hắn mơ thấy Ghítôn sẽ chiến thắng chúng. Ghítôn liền được tăng thêm sức mạnh và bắt đầu sẵn sàng xông trận thật hoan hỉ. Như vậy chúng ta thấy, Thiên Chúa không muốn Ghítôn vững dạ chỉ nhờ vào phương thức siêu nhiên thôi bởi lẽ ông chỉ an lòng một khi đã được củng cố bằng phương thức tự nhiên.

10 - Trường hợp ông Môsê cũng tương tự. Thiên Chúa truyền cho Môsê đi giải thoát con cái Israel với nhiều lý lẽ. Ngài còn xác nhận điều đó qua dấu chỉ cây gậy biến thành con rắn rồi bàn tay thành phong cùi. Thế nhưng Môsê vẫn nhát đảm và thấy tối tăm trước sứ mệnh ấy. Thiên Chúa đã nổi giận nhưng ông vẫn không thu được can đảm để vững dạ lên đường. Thế rồi Thiên Chúa đã trấn an ông qua người anh ông là Aharôn: Nào chẳng có Aharôn, anh ngươi, là người Lêvi đó sao? Ta biết: Nó ăn nói được lắm; hơn nữa, kìa nó ra đón ngươi, và khi thấy ngươi, lòng nó sẽ hoan hỷ. Ngươi sẽ nói với anh ngươi và đặt lời lẽ vào miệng nó. Chính Ta sẽ ngự nơi miệng ngươi và nơi miệng nó (Xh 4,14-15) để mỗi người các ngươi sẽ nhận được sự khích lệ qua miệng người kia.

11 - Nghe những lời ấy, Môsê thấy an tâm, hy vọng sẽ có được sự an ủi nhờ lời tư vấn của anh mình. Với tâm hồn khiêm nhường, ông không dám mạo muội một mình giao tiếp với Thiên Chúa đồng thời không thể an lòng khi không có sự hướng dẫn khuyên bảo của một người. Thiên Chúa cũng muốn thế. Ngài vẫn ở với những kẻ tụ họp nhau để tìm sự thật nhằm soi sáng và chứng thực sự thật ấy nơi họ, là sự thật dựa trên lý trí tự nhiên, như khi Môsê và Aharôn hiệp lại với nhau Ngài đã hứa sẽ thực hiện, sẽ nói qua cả miệng người này lẫn miệng người kia. Chính vì thế trong Tin Mừng Chúa nói: Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ (Mt 18,20). Ngài soi sáng và củng cố nơi lòng họ những sự thật thuộc về Thiên Chúa. Cần lưu ý rằng Chúa không bảo chỉ một người mà thôi là Ngài sẽ ở đó, nhưng phải ít là hai người. Ngài nói thế để giúp ta hiểu rằng Thiên Chúa muốn, trong những chuyện được cho là phát xuất tự Thiên Chúa, đừng ai chỉ tin cậy nơi chính mình, cũng đừng ai xác nhận hay quả quyết những chuyện ấy vượt ngoài quan điểm của Hội Thánh hay ý kiến các thừa tác viên của Hội Thánh. Chúa cho thấy Ngài sẽ không soi sáng và xác nhận sự thật trong tâm hồn kẻ nào hành động đơn lẻ. Một người như thế sẽ ở trong tình trạng yếu đuối và lạnh nhạt.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 22: Tại sao không được phép? (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 22
TẠI SAO KHÔNG ĐƯỢC PHÉP? * (tiếp theo)

5 - Chính vì thế, giờ đây kẻ nào còn muốn thỉnh ý Thiên Chúa hay muốn được một thị kiến hoặc mạc khải nào đó, không những là đang làm một điều khờ dại mà còn xúc phạm tới Thiên Chúa, vì kẻ ấy đã không biết hoàn toàn dán mắt vào Chúa Kitô nhưng lại muốn đi tìm một điều gì đó hay một chuyện mới lạ nào khác.

Quả thực Thiên Chúa hẳn sẽ trả lời cho họ như sau: Nếu nơi Lời của Ta, tức nơi Con của Ta, Ta đã nói với ngươi hết mọi điều phải nói thì giờ đây Ta đâu còn lời nào khác để có thể trả lời hay mạc khải ngoài Lời ấy? Hãy cứ dán mắt vào Ngài bởi vì Ta đã nói và mạc khải cho ngươi hết mọi sự nơi Ngài, và ngươi sẽ khám phá nơi Ngài nhiều hơn những gì ngươi nài xin và ước muốn. Bởi lẽ việc ngươi xin một lời nói hay một mạc khải chỉ là cái vụn vặt đang khi nếu chăm chú dán mắt nhìn Ngài, ngươi sẽ tìm thấy được cái toàn thể nơi Ngài, vì Ngài là tất cả lời nói và câu trả lời của Ta, là tất cả thị kiến và mạc khải của Ta. Đó là tất cả những gì Ta đã nói, đã trả lời, đã tỏ bày và mạc khải cho ngươi, khi ban Ngài cho ngươi để Ngài làm Anh, làm Bạn đồng hành, làm Tôn sư, làm tiền chuộc và làm phần thưởng cho ngươi. Vì từ cái ngày cùng với Thánh Thần của Ta, Ta đã ngự xuống trên Ngài tại núi Tabor và phán: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngài. Các ngươi hãy vâng nghe lời Ngài! (Mt 17,5) thì Ta đã ngưng tất cả mọi cách giáo huấn và trả lời ngày trước và đã giao hết mọi sự cho Ngài. Các ngươi hãy lắng nghe Ngài, vì Ta chẳng còn đức tin để mạc khải, chẳng còn những việc diệu kỳ để tỏ bày nữa. Vậy nếu trước đây Ta có phán dạy thì chính là để hứa Đức Kitô và nếu người ta có thỉnh ý Ta, thì cũng chỉ nhắm đến việc cầu xin và mong chờ Đức Kitô, để từ nơi Ngài họ sẽ nhận lãnh mọi ơn lành, như toàn thể giáo lý của các thánh sử và các tông đồ hiện đang giảng giải. Và lúc này, kẻ nào còn thỉnh ý Ta theo cách trước đây và muốn Ta trả lời hay mạc khải cho một chuyện gì thì, xét một cách nào đó, kẻ ấy đang xin Ta Đức Kitô lần nữa cũng như xin thêm đức tin vì cho rằng niềm tin được ban trong Đức Kitô đã suy giảm rồi, và như thế, kẻ ấy gây xúc phạm nặng nề cho Người Con Chí Ái của Ta, không chỉ vì đã thiếu đức tin về điểm này mà còn ép buộc Ngài tái nhập thể và trải qua lần nữa cuộc sống và cái chết trước đây của Ngài. Ngươi chẳng còn gì để xin Ta, cũng chẳng nên ao ước các mạc khải hay thị kiến từ nơi Ta. Hãy chăm chú nhìn Ngài, ngươi sẽ tìm thấy tất cả chuyện đó đã được thực hiện và ban tặng, và còn nhiều hơn thế nữa là khác.

6 - Nếu ngươi muốn Ta đáp trả ngươi một lời an ủi thì hãy chiêm ngắm Con Ta, Ngài đã vâng phục Ta và chịu lụy phục kẻ khác vì lòng yêu mến Ta và Ngài đã phải chịu đau chịu khổ, và rồi ngươi sẽ thấy được câu trả lời của Ngài cho ngươi. Nếu ngươi muốn Ta tuyên bố với ngươi những điều kín ẩn hay các sự kiện biến chuyển thì ngươi chỉ cần hướng mắt về Ngài và ngươi sẽ nhìn thấy những huyền nhiệm thâm kín nhất lẫn sự khôn ngoan, và các kỳ công của Thiên Chúa vây bọc quanh Ngài, như lời vị Tông đồ của Ta đã nói: "Trong Ngài có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết" (Cl 2,3). Những kho tàng khôn ngoan và thông biết này đối với ngươi sẽ cao siêu, dịu ngọt hơn và hữu ích hơn nhiều so với những điều ngươi muốn biết. Vì thế chính vị Tông đồ nói trên đã lấy làm hãnh diện nói rằng: "Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá" (1Cr 2,2). Vậy nếu ngươi còn ước muốn những thị kiến, những mạc khải thần linh hay thể chất khác thì hãy chiêm ngắm Ngài, Đấng hóa thân làm người, và ngươi sẽ gặp được nơi Ngài nhiều hơn ngươi tưởng nghĩ, vì thánh Tông đồ cũng đã nói: "Nơi Ngài, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể " (Cl 2,9).

7 - Vậy chẳng nên dò hỏi Thiên Chúa theo cách ấy nữa và không cần Thiên Chúa phải nói thêm nữa vì sau khi hoàn tất việc mạc khải trọn vẹn đức tin nơi Đức Kitô, Thiên Chúa không còn và sẽ chẳng bao giờ còn đức tin để mạc khải nữa. Và lúc này bất cứ ai còn muốn lãnh nhận một điều gì đó qua con đường siêu nhiên, như chúng tôi đã nói, thì khác nào tố cáo Thiên Chúa đã thiếu sót trong việc ban cho chúng ta mọi thứ cần thiết nơi Con Ngài. Cho dầu khi làm điều này, giả định người ấy có đức tin và niềm tin, thì chính sự tò mò ấy chứng tỏ đức tin của người ấy còn non kém. Do đó, không được mong đợi một học thuyết hay một chuyện gì khác qua nẻo đường siêu nhiên.

Khi Chúa Kitô phán trên thập giá: "Mọi sự đã hoàn tất" (Ga 19,30) rồi trút hơi thở thì không những các kiểu cách cũ chấm dứt mà tất cả các lễ nghĩa và nghi thức của lề Luật cũ cũng hoàn tất. Do đó, trong tất cả mọi sự, theo cách thức nhân loại và hữu hình chúng ta phải vâng giữ Luật của Đức Kitô - Nhập Thể và luật của Hội Thánh Ngài thông qua các thừa tác viên, và dùng con đường này để sửa chữa những dốt nát và yếu nhược tâm linh của chúng ta; và qua nẻo đường ấy chúng ta sẽ tìm được phương dược dồi dào cho hết mọi vấn đề. Những gì ra khỏi con đường này thì sẽ không chỉ là tò mò mà còn là rất liều lĩnh. Chẳng nên tin điều gì qua đường nẻo siêu nhiên ngoại trừ những điều được Đức Kitô - Nhập Thể và các thừa tác viên nhân loại của Ngài dạy bảo - như tôi đã nói - Đến nỗi như lời thánh Phaolô: "Nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi!" (Gl 1,8).

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 22: Tại sao không được phép?

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 22
TẠI SAO KHÔNG ĐƯỢC PHÉP? *

Giải thích tại sao dưới thời đại của Luật ân sủng, ta không được phép hỏi ý Thiên Chúa qua con đường siêu nhiên như người ta từng làm trong thời luật cũ. Minh chứng qua giáo huấn của thánh Phaolô.

1 - Nhiều vấn nạn chợt hiện đến khiến chúng tôi không thể tiến nhanh như lòng mong muốn. Bởi vì đã nêu ra thì cần phải làm sáng tỏ để sự thật của học thuyết này luôn sáng rõ và vững mạnh. Những vấn nạn này dù khiến chúng ta chậm bước một chút, nhưng có cái lợi là giúp cho học thuyết được sáng tỏ và được giải thích cặn kẽ hơn.

2 - Trong chương trước, chúng tôi đã nhấn mạnh Thiên Chúa không muốn cho các linh hồn khao khát dùng con đường siêu nhiên để nhận được các thị kiến và mạc khải về những chuyện cụ thể. Thế nhưng cũng trong chương đó, khi suy diễn điều ấy từ các điển chứng Kinh Thánh, ta thấy phương cách ấy đã từng được dùng để tiếp xúc với Thiên Chúa và được xem là hợp pháp. Hơn nữa, Thiên Chúa không những cho phép điều ấy mà còn truyền làm như vậy nữa, và khi người ta bỏ qua không làm thì Ngài đã khiển trách. Chẳng hạn Thiên Chúa đã quở mắng con cái Israel vì họ muốn qua Ai Cập mà không hỏi ý kiến Ngài trước. Thiên Chúa phán: "Các ngươi đã chẳng dò hỏi từ miệng Ta trước để biết điều gì là thích hợp" (Is 30,2). Trong sách Giôsuê chúng ta còn đọc thấy chuyện con cái Israel sau khi bị dân Gabaon phỉnh gạt, đã được Chúa Thánh Thần nhắc cho họ về lầm lỗi này như sau: "Chúng đã lãnh nhận lương thực của bọn đó và đã không dò hỏi từ miệng Thiên Chúa" (Gs 9,14). Chúng ta cũng thấy trong Kinh Thánh Môsê luôn hỏi ý Thiên Chúa. Vua Đavít và các vua khác của Israel đều làm thế khi có chiến tranh hoặc túng thiếu và kể cả các vị tư tế và ngôn sứ thời cổ cũng làm thế và Thiên Chúa đã trả lời họ mà chẳng hề giận dữ. Họ đã hành động đúng trong việc ấy đến nỗi nếu họ không làm thế tức họ đã làm sai. Quả thật như thế. Vậy tại sao, ngày nay, trong Luật mới của ân sủng, lại không như trước đây?

3 - Về điểm này, chúng ta phải trả lời rằng lý do chính khiến cho trong Luật Cũ người ta được phép dò hỏi Thiên Chúa và việc các ngôn sứ cũng như tư tế muốn có được các thị kiến và mạc khải của Thiên Chúa được xem là hợp pháp, chính là vì lúc bấy giờ đức tin chưa có nền tảng vững chắc và Luật Tin Mừng cũng chưa được công bố. Do đó người ta cần dò hỏi Thiên Chúa và Ngài cần trả lời họ khi thì bằng lời nói khi thì qua các thị kiến hoặc mạc khải, khi thì bằng hình ảnh hay ví dụ minh họa, khi thì qua các biểu thị khác. Tất cả những gì Thiên Chúa trả lời, nói, biểu lộ kỳ công hay mạc khải đều là những mầu nhiệm của đức tin và những chuyện liên can hoặc bồi đắp cho đức tin. Những sự thật đức tin không phát xuất tự loài người mà là từ miệng Thiên Chúa mạc khải. Vào thời ấy người ta cần phải dò hỏi chính lời từ miệng Thiên Chúa. Do đó Thiên Chúa đã khiển trách họ vì trong các vấn đề của họ, họ không chịu hỏi ý để Ngài nói rõ ý Ngài cho họ. Ngài dẫn dắt công việc và sự việc của họ đến với đức tin mà họ chưa hay biết vì nó chưa được thiết lập. Thế nhưng giờ đây đức tin đã được thiết lập nơi Đức Kitô và luật Tin Mừng đã được bày tỏ trong kỷ nguyên ân sủng này thì không còn lý do gì để thỉnh ý Thiên Chúa theo cách đó để xin Ngài phán dạy hoặc trả lời như xưa kia nữa. Bởi vì khi ban cho chúng ta Con Ngài — là lời duy nhất của Ngài 一 Thiên Chúa không còn lời nào khác. Thiên Chúa đã phán và mạc khải cho chúng ta mọi sự qua chỉ một lần nơi Lời duy nhất ấy và Ngài chẳng còn gì để nói thêm nữa.

4 - Và đó chính là ý nghĩa đoạn văn thánh Phaolô viết để thuyết phục dân Do Thái từ bỏ những lối thực hành trước kia, những lối giao tiếp với Thiên Chúa dưới thời Luật Môsê, và thay vào đó, hãy chăm chú nhìn vào mỗi một mình Chúa Kitô. "Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta nơi Con của Ngài" (Hr 1,1-2). Qua đó thánh tông đồ cho chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa đã trở nên như thể câm lặng và không còn gì để nói nữa vì những gì trước đây Ngài đã nói từng phần qua các ngôn sứ thì Ngài đã nói hết toàn bộ trong một lần duy nhất qua việc ban cho chúng ta Đấng Toàn Thể tức Con của Ngài.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 21: Sự tò mò không cần thiết (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 21
SỰ TÒ MÒ KHÔNG CẦN THIẾT * (tiếp theo)

12 - Theo cách ấy Thiên Chúa cho phép ma quỷ khiến nhiều nguời mù tối và lầm lạc. Những nguời này đáng bị như vậy vì tội lỗi và tính ngạo mạn của họ. Ma quỷ có thể và đã thành công tới mức khiến họ tin những gì nó nói và xem nó là thần trí tốt lành. Niềm tin tưởng của họ mãnh liệt đến nỗi không ai có thể thuyết phục được họ rằng những chuyện ấy là do ma quỷ. Do sự để mặc của Thiên Chúa, những nguời này đã bị xâm nhập tật hiểu ngược nghĩa hệt như truờng hợp các ngôn sứ của vua Akáp khi Thiên Chúa để cho họ bị thần dối trá lừa gạt. Thiên Chúa cho phép ma quỷ khi nói với nó như sau: "Ngươi sẽ thắng bằng các lời dối trá của ngươi và sẽ lừa được chúng; hãy ra đi và hãy làm như thế" (1V 22,22). Thế là ma quỷ đã áp đặt quyền lực nó trên các ngôn sứ của nhà vua và chính nhà vua để gạt họ tới nỗi họ chẳng muốn tin vào ngôn sứ Mikê, là nguời nói lên sự thật cho họ, ngược với những điều mà những ngôn sứ kia đã tiên báo. Sở dĩ Thiên Chúa để cho họ mù tối là vì họ quyến luyến việc mong muốn các sự cố xảy ra theo ý họ và đòi Thiên Chúa phải trả lời theo những dục vọng và mê thích của riêng họ. Hẳn đó là phương cách và sự chuẩn bị chắc chắn Thiên Chúa dùng để bỏ mặc cho họ mù lòa và lầm lạc.

13 - Ngôn sứ Êzêkiel đã nói về điều ấy nhân danh Thiên Chúa. Ông quở trách những kẻ muốn qua nẻo đường siêu nhiên, biết chuyện này chuyện nọ cho thỏa sự ham danh và tò mò của tâm trí họ. Ông nói: "Quả thật, bất cứ kẻ nào... dựng các ngẫu tượng trong tâm hồn... , rồi đến thỉnh ý ngôn sứ, thì này chính Ta, Đức Chúa, Ta sẽ đích thân trả lời cho nó. Ta sẽ quay mặt lại phạt nó, ... Còn ngôn sứ, nếu nó để cho mình bị mê hoặc mà nói ra lời nào, thì chính Ta, Đức Chúa, Ta sẽ để cho ngôn sứ ấy bị mê hoặc" (Ed 14,7-9). Điều này có nghĩa là Thiên Chúa không ban ân huệ trợ giúp để vị ngôn sứ ấy khỏi lầm lạc; đúng theo nghĩa của câu: “Chính Ta, Đức Chúa, Ta sẽ đích thân trả lời cho nó. Ta sẽ quay mặt lại phạt nó, ...”. Do đó nhất định kẻ kia sẽ bị lừa gạt vì đã bị Thiên Chúa khước từ sự trợ giúp. Bấy giờ ma quỷ thường trả lời hợp theo các thích thú và mê thích của người ấy, và vốn là người mê thích chuyện đó mà lại được đáp lại và nhận thức theo ý muốn của mình thỉ hẳn gã phải rơi vào sai lầm lớn lao.

14 - Xem ra chúng ta đã hơi ra ngoài đề tài của chương này nhằm minh chứng rằng cho dù Thiên Chúa có trả lời thì đôi khi Ngài vẫn phẫn nộ. Tuy nhiên nếu xem xét kỹ, tất cả những gì nói trên đều góp phần cho chủ ý của chúng tôi. Sự kiện Thiên Chúa để cho các linh hồn bị lầm lạc nơi những thị kiến ấy qua nhiều cách thức như vậy cho thấy rằng Thiên Chúa không thích gì với việc người ta khao khát các thị kiến ấy.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Tư, 22 tháng 1, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 21: Sự tò mò không cần thiết (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 21
SỰ TÒ MÒ KHÔNG CẦN THIẾT * (tiếp theo)

9 - Ta cũng có thể biết được những biến cố và những hậu quả siêu nhiên nhờ các nguyên nhân của chúng là những điều Thiên Chúa quan phòng sẽ sắp đặt cách công bằng và ngay chính trước những điều tốt và những điều xấu mà con cái loài người gây ra. Người ta có thể theo lẽ tự nhiên mà suy đoán để biết được một người nào đó, một thành phố nào đó hoặc một tổ chức nào đó sẽ lâm vào tình trạng cùng quẫn đến độ - theo sự công bình và lòng nhân hậu của Thiên Chúa - Ngài sẽ can thiệp bằng hình phạt hoặc sự cứu giúp, nói tắt là bằng cách thức phù hợp với nguyên nhân đang đòi hỏi. Rồi với sự hiểu biết ấy người ta có thể nói: “Vào thời điểm đó, Thiên Chúa sẽ ban cho các bạn chuyện đó hoặc sẽ làm chuyện đó, hoặc vấn đề đó chắc chắn sẽ xảy ra... ” Thánh nữ Giuđitha đã giúp Holopherne hiểu sự thật ấy. Để thuyết phục ông tin rằng con cái Israel chắc chắn sẽ bị diệt vong, trước hết bà đã kể cho ông nghe nhiều tội lỗi và những điều xấu xa họ đã làm (Gđt 11,8-12). Rồi bà nói thêm: "Vì họ đã làm những chuyện đó, chắc chắn họ sẽ bị diệt vong" (Gđt 11,15). Đây là vấn đề xem nhân mà biết quả như người ta vẫn nói: “Những tội thế nọ chắc chắn sẽ gây ra những hình phạt thế kia”. Đúng như lời trong sách Khôn Ngoan: "Mỗi người sẽ bị trừng phạt theo tội trạng của mình" (Kn 11,17).

10 - Ma quỷ có thể biết chuyện đó không chỉ theo lẽ tự nhiên mà còn do kinh nghiệm từng được trông thấy Thiên Chúa làm những chuyện tương tự. Từ kinh nghiệm ấy, nó có thể tiên đoán một điều gì đó và rồi đã xảy ra đúng như thế. Cũng như thánh Tôbia đã biết được hình phạt sẽ đến trên thành Ninivê (x. Tb 14,6) qua nguyên nhân của nó. Ông đã cảnh báo con ông: "Này con, sau khi ta và mẹ con qua đời, con hãy rời khỏi mảnh đất này vì nó sẽ không tồn tại nữa đâu. Bởi lẽ cha thấy chính tội ác của nó là nguyên cớ tận số của nó" (x. Tb 14,12-13). Cả ma quỷ lẫn Tôbia đều có thể biết được chuyện đó không chỉ do nơi tội ác của thành ấy mà còn do kinh nghiệm khi quan sát thấy dân cư thành ấy đã phạm những tội ác từng khiến Thiên Chúa phá hủy thế gian trong trận đại hồng thủy (x. St 6,5-7); và những tội ác của dân Sôđôma cũng từng khiến dân này bị lửa diệt vong (x. St 19,24-25). Dĩ nhiên Tôbia biết được chuyện ấy còn là nhờ thần khí Thiên Chúa nữa.

11 - Và ma quỷ cũng có thể biết được một người nào đó theo lẽ tự nhiên sẽ không thể nào sống lâu quá ngần ấy năm và báo trước điều đó. Có biết bao nhiêu chuyện như thế, không sao nói hết. Ma quỷ có thể dùng tất cả để dệt nên một mạng lưới những điều dối trá phức tạp và tinh tế. Muốn thoát khỏi những cạm bẫy ấy, cần tránh hết mọi lời mạc khải, mọi thị kiến cũng như những lời nói siêu nhiên.

Thiên Chúa có lý để nổi giận với những người chạy theo những thứ ấy bởi Ngài thấy rằng như thế là họ liều lĩnh lao mình vào nhiều nguy hiểm, là tự phụ, tò mò, tích tụ lòng kiêu căng, gốc rễ của hư vinh hão huyền, đưa đến chỗ coi khinh những gì thuộc về Thiên Chúa và khởi đầu cho nhiều điều xấu xa như đã từng xảy đến cho nhiều người. Những kẻ liều lĩnh ấy khiêu khích cơn giận của Thiên Chúa đến nỗi Ngài cố tình để họ rơi vào lệch lạc và sai lầm, tâm trí u mê và xa lìa những nẻo đường ngay chính của cuộc sống, lao theo những thứ hão huyền viển vông như lời ngôn sứ Isaia: "Đức Chúa đã đổ tràn xuống giữa chúng một thần khí hoang mang" (Is 19,14), nói nôm na ra là "tật hiểu ngược nghĩa". Điều Isaia nói đây đụng thẳng vào vấn đề chúng ta đang bàn. Ông chống lại những kẻ cứ gắng tìm biết chuyện này chuyện nọ trong tương lai qua con đường siêu nhiên. Chính vì thế ông nói Thiên Chúa đã gieo vào tâm trí họ tật hiểu ngược nghĩa. Chẳng phải vì Thiên Chúa đã muốn hay đã thực sự ban cho họ tâm linh lầm lạc nhưng chính vì họ muốn dây mình vào bnhững chuyện mà theo lẽ tự nhiên họ không thể đạt tới. Nổi giận về chuyện ấy, Thiên Chúa đã để mặc cho họ rơi vào lầm lạc và không ban ánh sáng Ngài cho họ trong những chuyện mà Ngài không muốn cho họ dây mình vào. Nhu thế, Isaia có ý nói Thiên Chúa tuớc đoạt ánh sáng để gieo cho họ thứ tật hiểu ngược nghĩa. Hiểu theo cách ấy chính Thiên Chúa đã gây nên sự thiệt hại này, Ngài là căn nguyên tước đoạt, bởi lẽ Ngài rút hết ánh sáng và sự phù giúp của Ngài, rút mất nhiều đến nỗi nhất thiết họ phải rơi vào lầm lạc.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Ba, 21 tháng 1, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 21: Sự tò mò không cần thiết (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 21
SỰ TÒ MÒ KHÔNG CẦN THIẾT * (tiếp theo)

5 - Từ đó, trong mọi nhu cầu, mọi vất vả và khó khăn của ta, ta chẳng có phương tiện nào tốt hơn và bảo đảm hơn là cầu nguyện và hy vọng Thiên Chúa sẽ đến cứu giúp ta bằng những phương thế Ngài muốn. Chúng ta đọc thấy lời khuyên này trong Kinh Thánh qua chuyện vua Giôsaphat, giữa lúc rất đau buồn bị quân thù vây hãm, vị vua thánh thiện này cầu nguyện và thưa với Thiên Chúa: "Quả thật, chúng con không đủ sức địch nổi đám dân đông đảo đến tấn công chúng con đâu. Chúng con chỉ biết ngước mắt nhìn lên Ngài" (2Sb 20,12). Ông cầu nguyện như thế để Thiên Chúa ban phát cho theo cách thức đẹp lòng Ngài hơn cả.

6 - Tới đây, bạn đã hiểu vì sao, dù đôi khi Thiên Chúa đáp lại những yêu sách ấy nhưng Ngài vẫn thịnh nộ. Tôi xin được nêu thêm một số điển chứng trong Kinh Thánh.

Sách Samuel quyển I có viết rằng vua Saulê đã xin ngôn sứ Samuel, là nguời đã quá cố, về nói chuyện với vua và vị ngôn sứ này đã hiện về. Tuy vậy Thiên Chúa đã thịnh nộ vì ngay tức khắc Samuel đã khiển trách nhà vua vì đã làm điều đó, Samuel nói: "Tại sao ông lại quấy rầy tôi, bắt tôi phải sống dậy?" (1Sm 28,15).

Sách Dân Số kể rằng con cái Israel đòi được ăn thịt và Thiên Chúa đã đáp ứng nhung Ngài đã thịnh nộ với họ và đã khiến lửa từ trời xuống trừng phạt nhiều nguời trong bọn họ (Ds 11,33). Vua Đavít cũng kể lại: "Nhưng khi họ chưa kịp đã thèm, khi miếng ăn còn chưa kịp nuốt, thì cơn giận Chúa Trời đã bừng lên phạt họ" (Tv 77,30-31).

Cũng sách Dân Số còn kể rằng Thiên Chúa rất thịnh nộ với ngôn sứ Balaam vì ông đã theo lời yêu cầu của Balac vua dân Mađian để đến với họ. Thiên Chúa có bảo Balaam đi nhưng vì ông còn vụ lợi, thiên thần đã hiện ra cùng ông tay cầm thanh gươm như muốn giết chết ông và nói: "Chính Ta đứng ra chặn đường ngươi, vì trước mặt Ta, con đường này nguy hiểm" (Ds 22,32). Và vì thế thiên thần đã muốn giết ông ấy.

7 - Bằng cách này hay cách khác, Thiên Chúa vẫn thịnh nộ ngay khi đoái thương chiều theo những sự mê thích của các linh hồn. Trong Kinh Thánh những bằng chứng cũng như nhiều ví dụ về điều ấy đã quá rõ, ta không cần lặp lại. Tôi chỉ xin nói rằng — và còn hơn những gì tôi có thể nói — ai muốn tiếp xúc với Thiên Chúa qua những nẻo đường như thế là rất nguy hiểm, ai bám vào những cách thức ấy sẽ rất lầm lạc và thường phải chịu nhiều thất vọng, và ai đã từng quý chuộng những cách thức ấy hẳn sẽ hiểu được điều tôi đang nói đây bằng kinh nghiệm.

Ngoài cái khó khăn vốn có trong việc nhận biết để khỏi sai lầm về các lời nói và các thị kiến phát xuất từ Thiên Chúa, còn có chuyện là giữa những lời nói và thị kiến ấy, thường xen vào nhiều điều do ma quỷ. Trong việc cám dỗ các linh hồn, ma quỷ thường khoác chính bộ áo của Thiên Chúa, đề ra cho linh hồn những chuyện giống hệt những điều Thiên Chúa thông ban, như sói khoác lốt chiên để xâm nhập đàn chiên (x. Mt 7,15). Nói tắt là hầu như không thể phân biệt. Ma quỷ nói nhiều điều có vẻ rất thật, hợp lý và cả những điều được thực hiện cách chính xác, cho nên người ta dễ hiểu lầm, tưởng rằng hễ điều được tiên báo và rồi được thực sự thực hiện thì hẳn phải là từ Thiên Chúa. Người ta đâu biết rằng, với ánh sáng tự nhiên thật rõ ràng, thì rất dễ dựa vào các nguyên nhân của một chuyện để biết được quá khứ và tương lai của chuyện ấy. Bởi vậy, vì ma quỷ có được thứ ánh sáng này rất mạnh nên nó có thể từ một nguyên nhân nào đó dễ dàng suy diễn một hậu quả nào đó. Tuy nhiên không phải luôn xảy ra như thế - vì mọi nguyên nhân đều lệ thuộc ý muốn của Thiên Chúa.

8 - Thử lấy một ví dụ: Ma quỷ biết tình trạng của trái đất, mặt trời và những điều kiện khí hậu, trong một không gian nhất định, không khí bị nhiễm độc và nạn dịch bùng nổ trên thế giới, vùng này sẽ bị nặng, vùng kia sẽ bị nhẹ. Đó là nguyên nhân đã biết được. Có lạ gì khi ma quỷ mạc khải cho một linh hồn, bảo linh hồn ấy rằng trong vòng một năm hay nửa năm nữa sẽ có ôn dịch và điều đó đã xảy đến cách xác thực. Tuy nhiên đó vẫn là lời tiên báo của ma quỷ.

Cũng tương tự như thế, nó có thể thấy trước sẽ có động đất và có thể báo trước rằng vào “một thời gian đặc biệt nào đó sẽ xảy ra động đất”. Đó chỉ là kết quả của một thứ tri thức tự nhiên, để có nó, chỉ cần giữ cho tâm linh, không bị dục vọng chi phối, như lời Boèce đã nói: Nếu bạn muốn biết sự thật với thứ ánh sáng tự nhiên, bạn hãy đuổi xa bạn niềm vui, nỗi sợ, hy vọng và đau đớn (Xem “Niềm an ủi của Triết Học” q. 1,7).

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 21: Sự tò mò không cần thiết

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 21
SỰ TÒ MÒ KHÔNG CẦN THIẾT *

Chương này nhằm minh giải rằng, mặc dù đôi khi Thiên Chúa có đáp ứng, bày tỏ những điều người ta xin Ngài mạc khải, nhưng Ngài không thích thấy họ dùng cách này. Dù Thiên Chúa có đáp ứng thì thường Ngài vẫn phẫn nộ vì những lời yêu cầu ấy.

1 - Như chúng tôi đã nói, một số người sống theo tâm linh đôi khi đã theo tính tò mò để tìm biết một số việc qua con đường siêu nhiên và đôi khi Thiên Chúa cũng có đáp lại những yêu cầu của họ, nên họ xác tín rằng cách ấy là tốt và hẳn Thiên Chúa cũng vui thích lắm. Thật ra, dù Thiên Chúa có trả lời đi nữa thì đó cũng không phải là phương sách tốt, chẳng những Thiên Chúa không thích thú mà còn bực mình. Hơn nữa, Ngài còn phẫn nộ và bị xúc phạm nhiều về điều ấy.

Lý do là vì không một thụ tạo nào được phép vượt khỏi những giới hạn tự nhiên Thiên Chúa đã vạch ra cho nó vận hành. Ngài đã đặt ra cho con người những giới hạn tự nhiên và hợp lý để tự điều khiển lấy mình. Vì thế họ không được phép tìm cách vượt quá những giới hạn ấy. Cố sức kiểm chứng hay hiểu biết các sự việc thông qua con đường siêu nhiên là vượt qua những ranh giới tự nhiên và điều này là không được phép. Cho nên Thiên Chúa chẳng thích thú gì điều đó vì tất cả những điều gì không được phép đều xúc phạm đến Ngài. Vua Akab biết rõ điều ấy cho nên khi Chúa phán với ông qua lời ngôn sứ Isaia, bảo ông hãy xin một dấu lạ, ông đã trả lời: "Tôi sẽ chẳng xin một điều như thế và tôi sẽ không thử thách Thiên Chúa" (Is 7,12). Bởi lẽ, muốn thông giao với Ngài qua những đường nẻo khác thường, hay siêu nhiên, tức là thử thách Thiên Chúa.

2 - Hẳn các bạn sẽ nói: Nếu thực sự Thiên Chúa không vui với những câu hỏi ấy thì tại sao đôi khi Ngài vẫn trả lời? Tôi xin thưa đôi khi chính là ma quỷ trả lời. Còn nếu đó là Thiên Chúa, chính là vì Ngài chiều theo sự yếu đuối của linh hồn muốn đi qua con đường ấy, để nó khỏi nản mà lùi bước, hoặc để nó khỏi nghĩ rằng Thiên Chúa bất bình với nó rồi vì thế mà rơi vào cám dỗ, cũng có thể vì nhiều lý do khác tùy theo sự mỏng dòn của linh hồn ấy mà Thiên Chúa thấy nên trả lời nó qua nẻo đường ấy. Ngài cũng hành động như thế đối với nhiều linh hồn yếu đuối và nhu nhược khi ban cho họ sự vui thích và dịu dàng đầy cảm giác lúc họ giao tiếp với Ngài, như chúng tôi đã nói trên. Đó chẳng phải vì Thiên Chúa thích người ta giao tiếp với Ngài qua lối ấy, mà chính vì như chúng tôi đã nói, Ngài thường ban ơn cho mỗi người theo theo cách thế hay tầm mức của họ. Có thể nói Thiên Chúa như một dòng suối, ai mang theo bình nào thì múc theo sức chứa của bình ấy. Đôi khi Ngài để họ lấy nước qua các ống dẫn khác thường nhưng không phải vì thế mà người ta được phép tìm lấy nước nơi các ống dẫn ấy. Chỉ riêng Thiên Chúa mới có thể ban điều đó khi nào, cách nào và cho kẻ nào Ngài muốn hoặc vì một lý do nào đó Ngài thấy là tốt, mà loài người không được phép đòi hỏi. Như thế, như chúng tôi đã nói, đôi khi Thiên Chúa chiều theo sự thèm muốn và khẩn khoản của một số linh hồn vì họ quá ngay thật đơn sơ, khiến Ngài đã không nỡ từ chối kẻo họ buồn lòng, chứ chẳng phải vì Ngài thích thú gì chuyện đó.

3 - Xin nêu một minh họa khác để có thể hiểu rõ hơn. Một ông bố trong gia đình dọn lên bàn nhiều thức ăn khác nhau, một số bổ hơn số khác. Có một em bé muốn dùng món ở trong một đĩa nọ mặc dù món này chẳng phải là ngon hơn nhưng đã chạm mắt nó đầu tiên và nó xin món này bởi nó khoái ăn món ấy hơn những món khác. Ông bố thấy rằng nếu cho thằng bé món tốt hơn nó sẽ không thích, nó chỉ nhận món nó xin mà thôi và nó chỉ khoái mỗi món đó; e rằng thằng bé chẳng chịu ăn và đâm ra buồn phiền, ông đành miễn cưỡng cho nó món nó xin. Thiên Chúa cũng đã hành động như thế đối với con cái Israel khi họ xin Ngài ban cho họ một vị vua. Ngài đã miễn cưỡng ban cho họ, dầu điều ấy không tốt cho họ. Vì vậy Ngài đã phán với Samuel: "Ngươi cứ nghe theo tiếng của dân trong mọi điều chúng nói với ngươi, vì không phải chúng gạt bỏ ngươi, mà là chúng gạt bỏ Ta, không chịu để Ta làm vua của chúng" (1S 8,5-7). Thiên Chúa cũng xử sự như thế đối với một số linh hồn. Ngài ban cho họ điều chẳng phải là tốt nhất cho họ, chỉ vì họ không muốn hoặc không biết đi qua một lối khác. Nếu nhiều lúc họ nhận được những an ủi và những sự dịu dàng êm ái về tâm linh hay giác quan, chính là vì Thiên Chúa thấy họ không thể ăn được thứ thức ăn mạnh mẽ cứng cáp hơn, tức là những thử thách nơi thập giá của Con Ngài. Đó mới là thức ăn mà Thiên Chúa muốn họ quý mến hơn bất cứ thứ gì khác.

4 -Tôi cho rằng việc muốn biết chuyện này chuyện nọ qua con đường siêu nhiên còn tệ hại hơn nhiều so với việc muốn có những thích thú tâm linh nơi giác quan. Bởi lẽ tôi chẳng hề thấy linh hồn nào có tham vọng những chuyện ấy mà tránh được tội, ít ra là tội nhẹ, mặc dù linh hồn đó có những chủ đích tốt và đã đạt mức độ hoàn thiện cao. Cả những người bảo người khác hoặc chuẩn thuận cho người khác làm những chuyện ấy cũng thế. Bởi không có gì đòi ta phải làm như thế, bởi lẽ lý trí tự nhiên, lề luật và giáo lý Tin Mừng đã quá đủ để hướng dẫn chúng ta. Không một nỗi khó khăn hay một nhu cầu nào mà không thể được giải quyết và chữa trị bằng các phương thế thông dụng này, vừa đẹp lòng Thiên Chúa vừa lợi ích cho các linh hồn.

Ta cần bám lấy lý trí và giáo lý Tin Mừng đến độ nếu giờ đây, vô tình hay hữu ý, ta nhận được một số mạc khải siêu nhiên, ta sẽ chỉ tiếp nhận những gì hoàn toàn phù hợp với lý trí và luật Tin Mừng mà thôi. Ta tiếp nhận như thế chẳng phải vì đó là chuyện được mạc khải mà chỉ vì nó hợp lý trí và đồng thời ta sẽ bỏ qua một bên tất cả những gì chỉ là thuần túy mạc khải. Cần nhớ rằng một khi có chuyện mạc khải thì việc cứu xét về tính hợp lý này còn cần phải kỹ hơn nhiều so với trường hợp không có chuyện mạc khải. Bởi lẽ, để lường gạt ta, ma quỷ thường nói nhiều điều thuộc vị lai có vẻ hết sức chân thật, lại còn phù hợp với lý trí nữa.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 20: Vì sao không chắc chắn? (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 20
VÌ SAO KHÔNG CHẮC CHẮN * (tiếp theo)

5 - Khi nào những điều ấy lệ thuộc các nguyên nhân này, thì Thiên Chúa biết nhưng Ngài không luôn bày tỏ ra. Ngài nói hoặc mạc khải ra nhưng vẫn giữ thinh lặng, không cho biết các điều kiện của Ngài. Chẳng hạn đối với dân thành Ninivê, Ngài đã quả quyết báo cho họ là họ sẽ bị tiêu diệt sau 40 ngày (Gn 3,4). Và những lần khác Ngài lại tuyên bố rõ - như đối với Rôbôam: "Nếu ngươi vâng nghe tất cả những điều Ta truyền cho ngươi... mà tuân giữ các giới răn và mệnh lệnh của Ta như Đavít tôi tớ Ta đã làm, thì Ta sẽ ở với ngươi và xây cho ngươi một ngôi nhà bền vững như Ta đã xây cho Đavít" (1 Sm 11,38). Tuy nhiên, dầu Thiên Chúa có tuyên bố điều kiện ấy hay không thì ta vẫn không thể tự tiện giải thích lời Ngài, bởi vì làm sao ta có thể hiểu được những sự thật ẩn tàng và biết bao ý nghĩa hàm chứa nơi các sấm ngôn của Ngài. Ngài ngự trên trời cao thẳm và tuyên phán theo đường lối đời đời, còn chúng ta chỉ là những kẻ đui mù đáng thương trên mặt đất này, chúng ta chỉ hiểu được những đường lối của xác phàm mau qua. Như lời Đấng Khôn Ngoan đã nói: "Thiên Chúa ngự trên trời, còn bạn ở dưới đất. Vậy hãy ít lời" (Gv 5,1).

6 - Hẳn các bạn sẽ bảo tôi rằng nếu chúng ta không thể hiểu và cũng chẳng nên xen vào những chuyện ấy thì tại sao Thiên Chúa lại thông ban chúng cho chúng ta? Tôi đã nói rằng mỗi chuyện sẽ được hiểu vào lúc của nó theo lệnh của Đấng phán ra nó và Ngài muốn cho ai hiểu thì người ấy sẽ hiểu. Mà như thế là đúng, vì Thiên Chúa chẳng làm gì vô cớ hoặc sai sự thật. Do đó phải tin chắc rằng ta không thể nào hiểu thấu ý nghĩa những lời và những sự thuộc về Thiên Chúa, cũng không thể quyết đoán về ý nghĩa những gì mình nghe hoặc thấy, nếu không sẽ bị lầm to và sẽ gặp nhiều bối rối.

Các ngôn sứ là những người nắm giữ lời Thiên Chúa, họ biết rõ điều ấy. Đối với họ, truyền đạt lời loan báo cho dân chúng quả là thách đố lớn bởi vì, như đã nói, nhiều lời trong số các lời ấy không xảy ra đúng theo mặt chữ. Điều đó khiến các ngôn sứ trở nên lố bịch và phải hứng chịu nhiều diễu cợt, đến nỗi Giêrêmia đã phải thốt lên: "Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con. Mỗi lần nói năng là con phải la lớn, phải kêu lên: ‘Bạo tàn! Phá hủy!’ Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày. Có lần con tự nhủ: Tôi sẽ không nghĩ đến Ngài" (20,7-9). Vị ngôn sứ thánh nói thế không phải vì đã mất sự nhẫn nhục nhưng như một con người không còn chịu đựng nổi những đường lối khúc mắc của Thiên Chúa. Tuy nhiên những lời ấy cũng cho ta hiểu rõ sự cách biệt trời vực giữa những lời Thiên Chúa phán với việc chúng phải xảy ra theo đúng mặt chữ. Các ngôn sứ của Thiên Chúa thường bị xem là những kẻ bịp bợm và họ phải chịu đựng nhiều vì những lời họ loan báo, đến nỗi ở một nơi khác, Giêrêmia nói: "Số phận của chúng tôi là vực thẳm và kinh hoàng, là đổ nát và tan hoang" (Ai ca 3,47).

7 - Ông Giôna bỏ trốn khi Thiên Chúa sai ông tới rao giảng về sự hủy diệt thành Ninivê, vì ông vốn biết rằng những lời Thiên Chúa phán có thể biến đổi so với sự am hiểu của loài người khi các nguyên nhân của những lời ấy biến đổi. Vì thế, để thiên hạ khỏi chế nhạo ông nếu lời tiên báo của ông không được thực hiện, Giôna đã chạy trốn, không chịu loan báo những lời ấy (x. Gn 1,1-3). Rồi Giôna đã lưu lại ngoài thành suốt 40 ngày chờ xem lời ngôn sứ ấy có được thực hiện không (Gn 1,4-5). Khi lời ấy không được thực hiện, ông hết sức buồn phiền đến nỗi đã thưa với Chúa: "Ôi, lạy Đức Chúa, đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao? Chính vì thế mà con đã vội vàng trốn đi Tácsít". Rồi ông đã phẫn uất và cầu xin Thiên Chúa cất mạng sống ông đi (x. Gn 4,2-3).

8 - Vậy có gì phải ngạc nhiên khi những điều Thiên Chúa phán và mạc khải cho các linh hồn không được thực hiện như họ tưởng nghĩ? Thiên Chúa quả quyết hoặc bày tỏ cho một linh hồn về một điều lành hoặc dữ nào đó, cho chính nó hay cho một người khác, đều dựa trên duyên cớ một sự nhiệt tình, một sự phục vụ hay một xúc phạm mà linh hồn ấy hoặc linh hồn khác thực hiện. Nếu duyên cớ này cứ bền bỉ kéo dài, điều ấy ắt sẽ được thực hiện; tuy nhiên vì không chắc gì cái duyên cớ nói trên bền bỉ kéo dài cho nên sự thực hiện lời quả quyết ấy cũng không chắc chắn. Do đó, chớ bao giờ an tâm nơi sự hiểu biết của mình mà chỉ nên chắc dạ nơi đức tin mà thôi.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 20: Vì sao không chắc chắn?



ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 20
VÌ SAO KHÔNG CHẮC CHẮN *

Chương này trích dẫn Kinh Thánh để chứng minh, làm thế nào, những lời Thiên Chúa nói, mặc dù luôn chân thực, lại không phải là luôn chắc chắn trong mọi trường hợp cụ thể của chúng.

1 - Bây giờ chúng ta cần minh chứng nguyên nhân thứ hai khiến cho các thị kiến và lời nói phát xuất từ Thiên Chúa dầu tự nơi chúng luôn chân thực, không phải bao giờ cũng chắc chắn đối với chúng ta. Điều này là do bởi các duyên cớ làm chỗ dựa nền tảng cho chúng. Vì thông thường Thiên Chúa nói những điều ấy như những phán quyết dành cho các thụ tạo và những hành vi của chúng, là những yếu tố hay thay đổi và có thể bất thành. Nếu những yếu tố ấy thay đổi hoặc bất thành thì phán quyết về chúng cũng sẽ như thế. Bởi lẽ khi một sự việc dựa vào một sự việc khác thì nếu bên này hỏng, bên kia cũng hỏng luôn. Chẳng hạn Thiên Chúa phán: “Trong một năm nữa Ta sẽ giáng một tai ương nào đó trên vương quốc này” và nguyên nhân đưa đến lời đe dọa ấy là một sự xúc phạm nào đó mà tại vương quốc ấy người ta đã phạm đến Thiên Chúa. Nếu sự xúc phạm ấy ngừng lại hoặc đổi thay thì hình phạt cũng có thể sẽ ngừng lại. Như thế, lời đe dọa ấy vẫn chân thực vì nó dựa trên sự lầm lỗi cụ thể và hẳn lời đe dọa ấy đã được thi hành nếu như lầm lỗi ấy cứ kéo dài.

2 - Chuyện ấy đã xảy ra tại thành Ninivê. Thiên Chúa đã phán: "Còn 40 ngày nữa Ninivê sẽ bị phá hủy" (Gn 3,4). Dân thành đã ăn năn sám hối. Cái nguyên nhân của lời đe dọa (tức tội lỗi dân thành) không còn nữa cho nên lời đe dọa đã không được thực hiện. Nếu như dân thành không sám hối thì ắt hẳn lời đe dọa ấy đã được thực hiện rồi. Chuyện trong sách Các Vua quyển I (21,21) cũng vậy. Vua Akab đã phạm một tội rất nặng. Thiên Chúa đã sai thánh phụ Êlia của chúng ta làm sứ giả đến báo cho vua một hình phạt rất lớn dành cho chính nhà vua, hoàng gia và vương quốc.

Thế nhưng vua Akab đã đớn đau xé áo mình, mặc áo nhặm, kiêng ăn và ngủ trên bao bị, rất sầu não và khiêm hạ. Thiên Chúa liền gửi đến cho vua những lời sau đây cũng qua chính vị ngôn sứ ấy: "Vì nó đã hạ mình trước mặt Ta, nên Ta sẽ không giáng họa trong buổi sinh thời của nó, nhưng đến đời con nó, Ta sẽ giáng họa xuống nhà nó" (1V 21,27-29). Ở đây chúng ta thấy rằng vì Akab đã thay đổi tâm hồn và sự quyến luyến của ông nên Thiên Chúa cũng thay đổi án quyết của Ngài.

3 - Từ đó chúng ta có thể suy ra nhiều điều cho chủ đề đang bàn ở đây. Dù Thiên Chúa đã mạc khải hay đã nói quả quyết với một linh hồn sự việc nào đó, hoặc lành hoặc dữ liên can đến người ấy hoặc nhiều người khác, điều ấy vẫn có thể thay đổi hoặc tăng giảm nhiều ít, hoặc bị hủy bỏ hoàn toàn tùy theo sự thay đổi hay biến cải tâm tình của linh hồn ấy hoặc tùy theo duyên cớ mà Thiên Chúa đã dựa vào nay còn hay mất. Thế là điều ấy không được hoàn tất như người ta mong đợi và, ngoại trừ một mình Thiên Chúa, thường chẳng ai biết tại sao. Vì lẽ mặc dù Thiên Chúa phán, dạy và hứa nhiều điều thì đâu phải để người ta phải am hiểu hay chiếm hữu chúng ngay nhưng là để về sau họ sẽ hiểu chúng đúng vào lúc họ cần được soi sáng về chúng hoặc thấy có hậu quả phát sinh từ chúng. Đó là cách Chúa Giêsu đã xử sự với các môn đệ Ngài. Ngài đưa ra nhiều dụ ngôn và phán quyết mà họ không hiểu nổi sự khôn ngoan trong đó, nhưng đến khi họ phải giảng giải thì Chúa Thánh Thần đã đến trên họ. Chính Chúa Kitô đã báo cho họ rằng Chúa Thánh Thần sẽ cắt nghĩa cho họ tất cả những gì Ngài đã loan báo cho họ trong cuộc đời dương thế của Ngài (Ga 14,26). Và khi đề cập việc Chúa Kitô vào thành Giêrusalem thánh Gioan cũng nói: "Lúc đầu, các môn đệ không hiểu những điều ấy. Nhưng sau khi Đức Giêsu được tôn vinh, các ông mới nhớ lại là Kinh Thánh đã chép những điều đó về Ngài" (Ga 12,16). Như thế, nhiều sự việc rất cụ thể thuộc về Chúa có thể xảy đến trong linh hồn một người mà cả người ấy lẫn những kẻ dẫn dắt người ấy đều không hiểu được cho mãi đến thời điểm thích hợp của chúng.

4 - Chuyện trong sách Samuel quyển I cũng thế. Thiên Chúa phẫn nộ với Hêli, vị tư tế của Israel, vì các tội lỗi con cái ông phạm mà ông không sửa phạt. Ngài sai Samuel đến nói với ông: "Quả Ta có nói là nhà của ngươi và nhà cha ngươi sẽ đi trước nhan Ta mãi mãi, nhưng giờ đây thì không đời nào!" (1Sm 2,30). Chức vị tư tế đã được thành lập nhằm đem lại vinh quang và danh dự cho Thiên Chúa và theo đó Thiên Chúa đã hứa ban vĩnh viễn cho nhà ông Hêli, nhưng khi lòng nhiệt thành của ông đối với danh dự của Thiên Chúa đã sa sút, ông coi trọng con cái mình hơn Thiên Chúa, che giấu tội lỗi chúng vì sợ làm chúng bẽ mặt, do đó lời hứa cũng thành tiêu ma. Hẳn lời hứa ấy sẽ mãi mãi kéo dài nếu họ vẫn luôn tiếp tục nhiệt thành phụng sự Thiên Chúa.

Do đó, đừng nghĩ rằng những lời nói và mạc khải đã phát xuất tự Thiên Chúa là nhất định phải xảy ra theo đúng từng chữ, nhất là khi chúng lại lệ thuộc các yếu tố nhân loại là những yếu tố có thể thay đổi, biến cải hoặc bất thành.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 19: Tại sao ta dễ bị gạt (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 19
TẠI SAO TA DỄ BỊ GẠT * (tiếp theo)

12 - Để hiểu vấn đề này hơn, chúng ta hãy đua ra vài ví dụ: Bạn hãy thử đặt ra trường hợp một vị thánh đang sầu não vì bị các kẻ thù bắt bớ thì được Thiên Chúa trả lời nhu sau: “Ta sẽ giải thoát con khỏi tất cả kẻ thù của con”. Lời tiên tri ấy vẫn rất chân thực cả khi đám kẻ thù lướt thắng và vị thánh ấy phải chết vì tay chúng. Kẻ nào hiểu điều ấy theo nghĩa trần tục hẳn sẽ lầm to: vì có thể Thiên Chúa đã nói về sự tự do cũng như sự chiến thắng chân thực và chính yếu, tức ơn cứu độ, nhờ đó linh hồn được giải thoát và chiến thắng mọi kẻ thù của mình một cách chân thực và cao vời hơn nhiều so với việc được giải thoát ở đời này. Do đó lời tiên tri ấy chân thực và phong phú hơn nhiều so với điều người ta có thể hiểu (nếu người ta hiểu theo trần tục ở đời này; qua lời Ngài Thiên Chúa luôn nhắm đến cái ý nghĩa chính yếu và hữu ích hơn) còn loài người thì lại có thể hiểu theo cách thức và ý định của mình (tức theo cái ý nghĩa ít chính yếu hơn) vì thế dễ rơi vào sai lầm. Như chúng ta thấy trong lời tiên tri về Đức Kitô mà vua Đavít đã nói lên nơi Thánh vịnh thứ 2, "Con sẽ dùng trượng sắt đập chúng tan tành, nghiền nát chúng như đồ sành đồ gốm" (Tv 2,9). Ở đây Thiên Chúa phán về quyền thống trị chính yếu, toàn vẹn và vĩnh cửu - quyền này đã được hoàn tất rồi. Ngài không nói về thứ quyền thống trị trần thế, thứ yếu, đã không được thực hiện trong cuộc đời trần thế của Đức Kitô.

13 - Chúng ta hãy đưa ra một ví dụ khác. Một linh hồn nọ rất khao khát được tử đạo. Thiên Chúa cho biết: “Con sẽ được tử đạo” rồi ban cho sự an ủi thâm sâu và niềm tin chắc vào lời hứa ấy. Cuối cùng linh hồn ấy không hề bị giết vì đạo.

Hẳn nhiên, lời hứa trên vẫn chân thực, nhưng tại sao nó lại không được thực hiện? Là vì nó sẽ được hoàn tất khi điều chính yếu và cốt cán được làm tròn. Thiên Chúa sẽ cốt yếu thông ban cho linh hồn ấy tình yêu và phần thưởng tử đạo. Ngài biến linh hồn ấy thành một vị tử đạo vì yêu mến, ban cho người ấy một chuỗi dài đau khổ còn đau đớn hơn cả cái chết. Bằng cách đó, Thiên Chúa đã thực sự thực hiện cả nguyện vọng của linh hồn lẫn lời hứa của Ngài. Bởi vì điểm chính yếu nơi nguyện vọng của linh hồn không phải là cách chết mà là khát mong dâng lên Thiên Chúa chứng từ tình yêu của một vị tử đạo và sự thực thi tình yêu đối với Thiên Chúa như việc tử đạo vậy. Vì cái chết tử đạo tự nó chẳng có giá trị gì nếu không có thứ tình yêu này. Qua nhiều phương cách khác rất hoàn hảo Thiên Chúa đã thương ban cho linh hồn thứ tình yêu này cùng với việc thể hiện tình yêu và phần thưởng của việc tử đạo. Thành thử cho dù không chết tử đạo, linh hồn vẫn được toại nguyện vì đã đạt được điều nó khao khát.

Khi những khát vọng này cũng như những khát vọng tương tự phát sinh từ một thứ tình yêu mãnh liệt thì dầu chúng không được hoàn tất theo cách người ta tưởng nghĩ hoặc hiểu về chúng thì chúng vẫn được hoàn tất một cách khác cao cả hơn và tôn vinh Thiên Chúa nhiều hơn cách người ta thỉnh cầu. Vì thế Đavít đã nói: "Lạy Chúa, Ngài nghe thấy ước vọng của kẻ nghèo hèn" (Tv 10,17) và Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa cũng nói trong sách Châm Ngôn: "Chính nhân mong ước gì, ắt sẽ được ban cho" (Cn 10,24). Do đó, chúng ta thấy nhiều vị thánh từng ước mong nhiều điều đặc biệt cho Thiên Chúa nhưng những khát vọng ấy đã không được hoàn tất cho họ ở đời này, dù vậy phải tin rằng vì khát vọng của họ chính đáng và chân thực nên sẽ được thực hiện một cách hoàn hảo ở đời sau. Do đó, lời Thiên Chúa vẫn là chân thực khi Ngài hứa với các vị ấy ở đời này: “Khát vọng các con sẽ được thực hiện” dù cho điều này không xảy đến theo cách các vị ấy nghĩ.

14 - Những lời nói và thị kiến Thiên Chúa có thể chân thực vì chắc chắn theo cách này và nhiều cách khác, nhưng chúng ta vẫn lầm lẫn về chúng vì không biết hiểu về chúng một cách cao siêu và chính yếu cũng như theo những ý định và ý nghĩa mà Thiên Chúa che giấu ở đó. Do đó, điều chắc chắn và an toàn hơn hết là các linh hồn nên khôn ngoan tránh hẳn những chuyện siêu nhiên này bằng cách, như chúng tôi đã nói, tập quen giữ cho tâm linh được tinh tuyền trong đức tin tăm tối, đó là phương thế để được kết hiệp nên một với Thiên Chúa.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 19: Tại sao ta dễ bị gạt (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 19
TẠI SAO TA DỄ BỊ GẠT * (tiếp theo)

7 - Do đó, chẳng nên lưu tâm đến giác quan cũng như ngôn ngữ của chúng ta, bởi chúng ta biết rằng ngôn ngữ của Thiên Chúa thì khác; nó thuộc về thần trí và rất khác với cách hiểu chúng ta đồng thời lại rất khó. Và khó đến nỗi chính Giêrêmia, mặc dù là ngôn sứ của Thiên Chúa, khi thấy các ý tưởng và lời Thiên Chúa quá khác biệt với lý trí thông thường của loài người, dường như ông đã hoảng loạn và muốn biện hộ cho dân chúng, ông nói: "Ôi, lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, quả thật Ngài đã gạt gẫm dân này và Giêrusalem. Ngài từng nói: 'Các ngươi sẽ được bình an', thế mà gươm lại đã thọc vào cổ!" (Gr 4,10). Thứ bình an Thiên Chúa hứa thực hiện là thứ an bình giữa Thiên Chúa và loài người qua trung gian Đấng Mêsia mà Ngài sẽ sai đến cho họ, thế mà họ lại hiểu về thứ bình an tạm bợ. Thế nên khi chiến tranh và lao nhọc xảy đến cho họ thì có vẻ như Thiên Chúa đã lừa gạt họ bởi vì mọi thứ xảy ra đều ngược với những gì họ mong đợi. Và cũng theo lời ngôn sứ Giêrêmia, họ đã thốt lên: "Người ta đợi hòa bình, nhưng chẳng được may lành chi hết!" (8,15). Thực là họ không thể không lầm lẫn một khi cứ dẫn dắt mình sát theo mặt chữ.

Vì nếu bám sát mặt chữ thì ai mà chẳng bối rối và sai lầm trước lời tiên tri của Đavít về Đức Kitô trong suốt thánh vịnh 71? Cách riêng ở chỗ Đavít nói: "Ngài làm bá chủ từ biển này qua biển nọ, từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất" (câu 8 ). Và ở câu: "Người giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương" (Tv 71,12). Thế mà rồi lại chỉ thấy Thiên Chúa sinh ra quá thấp hèn, sống một cuộc đời nghèo nàn, và chết trong khốn khổ đến nỗi chẳng những không thống trị quả đất nhất thời trong lúc bình sinh mà Ngài lại còn phục tùng nhiều kẻ bé mọn cho tới khi phải chết dưới quyền của Phongxiô Philatô? Chẳng những Ngài không nhất thời giải thoát các môn đệ đáng thương của Ngài khỏi tay quyền thế trần gian mà còn để họ bị chúng bách hại và tàn sát vì danh Ngài?

8 - Chính các lời tiên tri ấy lẽ ra phải được hiểu theo nghĩa tâm linh để chỉ về Chúa Kitô, và theo nghĩa ấy chúng sẽ hết sức chân thực. Vì Chúa Kitô là Chủ Tể không những toàn cõi đất mà cả cõi trời bởi lẽ Ngài là Thiên Chúa. Còn những người nghèo khó đi theo Ngài chẳng những được chuộc lại và được giải thoát khỏi quỷ ma, là thứ quyền lực mà họ chẳng trông nhờ được ai cứu giúp để chống lại, mà hơn nữa, họ còn được Ngài làm cho trở nên những kẻ thừa kế Nước Trời. Như thế khi nói về Chúa Kitô và những kẻ theo Ngài, Thiên Chúa đã nói theo nghĩa chính yếu, nói về vương quốc vĩnh cửu và tự do vĩnh hằng. Đang khi đó người ta lại theo cách trần tục để hiểu về những thứ không chính yếu, như về quyền làm chủ ở đời và tự do trần thế, những thứ này Thiên Chúa ít quan tâm và trước nhan Ngài chúng cũng chẳng phải là vương quốc hay tự do gì cả. Do đó, vì họ bị mù tối do sự thấp kém của văn tự cũng như vì không hiểu được thần trí và sự thật hàm chứa trong đó, họ đã sát hại Thiên Chúa và là Chúa của họ theo như cách nói của thánh Phaolô: Dân cư thành Giêrusalem và các thủ lãnh của họ đã không nhận biết Đức Giêsu; khi kết án Ngài, họ đã làm cho ứng nghiệm những lời ngôn sứ đọc mỗi ngày Sabát (Cv13,27).

9 - Việc hiểu đúng đắn lời Thiên Chúa thật khó, đến nỗi ngay cả các môn đệ Đức Kitô vốn từng chung sống với Ngài, thế mà vẫn lầm lẫn về lời Ngài. Chẳng hạn như sau khi Chúa chịu tử nạn, có hai người lên đường về Emmau, lòng buồn rầu và thất vọng. Họ nói: "Chúng tôi cứ hy vọng là Ngài sẽ giải thoát Israel" (Lc 24,21) bởi lòng họ cứ hiểu ơn cứu độ và quyền cai trị của Ngài theo cách trần thế nhưng Đức Kitô Đấng cứu chuộc chúng ta đã hiện ra cho họ và khiển trách họ khờ dại, chậm trí và cứng lòng tin đối với những điều các ngôn sứ đã tiên báo (x. Lc 24,25). Thậm chí ngay cả khi Chúa về trời, một số người vẫn còn ngớ ngẩn hỏi Ngài: "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục lại vương quốc Israel chăng?" (Cv 1,6)...

Chúa Thánh Thần còn khiến nhiều điều được nói lên với một ý nghĩa khác hẳn điều người ta muốn hiểu. Chẳng hạn việc Ngài khiến Caipha nói về Chúa Kitô rằng: "Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt" (Ga 11,50) - Caipha đã không tự mình nói ra lời ấy; ông đã nói và hiểu lời ấy theo một mục đích, đang khi Chúa Thánh Thần lại nhắm đến mục đích khác.

10 - Do đó cho dù các lời nói và các mạc khải phát xuất từ Thiên Chúa, ta vẫn không thể tin chắc vào chúng bởi chúng ta có thể lầm lẫn nhiều và rất dễ theo cách hiểu của chúng ta về chúng. Ý nghĩa tâm linh của tất cả những điều ấy đều có thể là vực thẳm và rất sâu. Nếu ta muốn khoanh vùng vào phạm vi ta có thể hiểu về chúng cũng như vào giới hạn mà các giác quan của ta có thể nhận thức thì khác nào ta muốn xòe tay nắm bắt khí trời! Khí trời sẽ vuột mất, còn lại bàn tay trống không.

11 - Chính vì thế, vị linh hướng cần phải ngăn cản đệ tử mình để họ đừng hạ thấp tâm linh xuống chỗ coi trọng những nhận thức siêu nhiên. Dù ra sao đi nữa, chúng chỉ là những bụi bặm không đáng kể. Khi chiếm hữu chúng, người ta chỉ chiếm được những ơn lành cực nhỏ, không mảy may giá trị về mặt tâm linh. Vị linh hướng cần phân cách người đệ tử khỏi mọi thị kiến và mọi lời nói siêu nhiên, đồng thời dạy họ biết lưu lại trong tự do và trong tăm tối của đức tin, vì đó là nơi Thiên Chúa sẽ tuôn đổ cho họ sự tự do tâm linh và ân sủng dồi dào, nhờ đó, họ sẽ được ơn khôn ngoan để hiểu được đúng đắn những lời của Thiên Chúa.

Nếu chẳng phải là người tâm linh, người ta không thể nào xét định những vấn đề thuộc về Thiên Chúa cũng không thể hiểu được chúng cho đúng đắn. Bao lâu còn xét đoán theo giác quan, họ chưa phải là người tâm linh. Vì thế, dù những lời ấy đến dưới lớp áo giác quan họ vẫn không hiểu được chúng. Quả đúng như lời thánh Phaolô nói: "Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thần Khí Thiên Chúa, vì cho đó là sự điên rồ; họ không thể biết được, bởi vì phải nhờ Thần Khí mới có thể xét đoán. Nhưng con người sống theo Thần Khí thì xét đoán được mọi sự" (1Cr 2,14-15). "Con người sống theo tính tự nhiên" ở đây được hiểu về những người chỉ để cho giác quan dẫn dắt mình, còn "người sống theo Thần Khí" là những người không để cho giác quan dẫn dắt. Do đó thật là liều lĩnh khi dám giao tiếp với Thiên Chúa qua con đường những nhận thức siêu nhiên nhờ giác quan, hoặc cho phép kẻ khác làm như thế.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 19: Tại sao ta dễ bị gạt

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 19
TẠI SAO TA DỄ BỊ GẠT *

Giải thích và minh chứng tại sao, cả khi các thị kiến và lời nói ấy có tính chân thực và phát xuất từ Thiên Chúa, ta vẫn rất dễ bị chúng lừa gạt. Minh chứng bằng thẩm quyền của Kinh Thánh.

1 - Mặc dù các thị kiến và các lời của Thiên Chúa tự bản chất luôn chắc chắn và chân thực, nhưng đem đặt vào bối cảnh chúng ta thì không phải lúc nào cũng chắc chắn và chân thật. Thứ nhất là do cách hiểu của chúng ta về chúng còn khiếm khuyết. Thứ hai là do đôi khi các nguyên nhân của chúng thay đổi. Chúng tôi xin minh chứng cho cả hai lý do trên qua các dữ kiện Kinh Thánh.

Về lý do thứ nhất, rõ ràng là các thị kiến và lời Thiên Chúa không như chúng ta quan niệm và không phải lúc nào cũng xảy ra theo cách chúng ta hiểu. Nguyên nhân là vì Thiên Chúa vốn vô biên và sâu thẳm nên trong các lời ngôn sứ, lời nói và mạc khải của ngài, Thiên Chúa thường sử dụng những con đường khác, những nhận thức và cách hiểu biết rất khác với câu nói và cách thức chúng ta vẫn có thể hiểu theo một nghĩa chung. Chúng càng chân thực và chắc chắn thì dường như càng không phải thế đối với chúng ta. Điều này ta có thể gặp rất thường trong Kinh Thánh. Do đó, đối với nhiều người thời xưa, lắm sấm ngôn và lời của Thiên Chúa đã không được thể hiện như họ mong đợi bởi vì họ hiểu chúng theo cách của họ, tức theo một cách khác, sát mặt chữ. Ta có thể thấy rõ điều đó trong các bản văn có thẩm quyền sau đây:

2 - Trong sách Sáng thế, sau khi đưa ông Abraham đến đất Canaan, Thiên Chúa đã phán với ông: "Ta sẽ ban cho ngươi đất này" (St 15,7). Thiên Chúa cứ nhắc chuyện đó nhiều lần, còn Abraham thì đã rất cao niên mà Thiên Chúa vẫn chẳng ban cho ông điều ấy, nên khi Thiên Chúa phán thêm một lần nữa, Abraham liền đáp lại: "Lạy Chúa, làm sao mà biết là con sẽ được đất này làm sở hữu?" (St 15,8). Bấy giờ Thiên Chúa mới mạc khải cho Abraham rằng không phải bản thân ông mà là hậu duệ của ông, 400 năm sau sẽ chiếm hữu đất ấy. Thế là cuối cùng Abraham đã hiểu ra lời hứa ấy. Lời ấy rất chân thực bởi lẽ, khi Thiên Chúa ban đất ấy cho hậu duệ ông vì lòng Ngài yêu thương ông thì khác gì Ngài ban cho ông. Như thế Abraham đã lầm lẫn trong cách hiểu. Nếu lúc ấy Abraham đã hành động theo như cách ông hiểu thì ông đã lầm to, vì lời sấm ấy đâu phải cho thời điểm ấy. Còn những ai đã nghe rằng Thiên Chúa sẽ ban đất ấy cho ông Abraham, thấy ông qua đời mà không chiếm hữu được đất ấy, chắc hẳn sẽ bối rối và cho rằng lời sấm ấy là giả dối.

3 - Sự việc cháu ông Abraham là Giacóp khi được người con là Giuse lôi kéo sang Ai Cập vì nạn đói ở đất Canaan cũng thế. Trên đường đi, Thiên Chúa đã hiện ra với Giacóp và bảo: "Ta là Thiên Chúa của cha ngươi. Đừng sợ xuống Ai Cập, vì ở đó Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn. Chính Ta sẽ xuống Ai Cập với ngươi và chính Ta cũng sẽ đưa ngươi lên. Giuse sẽ vuốt mắt cho ngươi" (St 46,3-4). Rồi điều này đâu xảy ra như cách hiểu của chúng ta bởi vì chúng ta biết rằng cụ già Giacóp đã chết nơi đất Ai Cập (St 49,32) và lúc sinh thời cụ đâu có ra khỏi đó. Điều ấy chỉ được thực hiện nơi hậu duệ của cụ Giacóp, mãi nhiều năm sau mới ra khỏi đó và chính Thiên Chúa là người dẫn đường cho họ. Chắc hẳn ai đã biết lời Thiên Chúa hứa với Giacóp như trên đều có thể tin rằng sau khi đích thân đến sống tại Aicập theo mệnh lệnh và hồng ân của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã hứa đưa cụ ra và hứa ủng hộ cụ, chắc chắn cụ Giacóp sẽ đích thân ra khỏi đó cùng một cách cũng như lúc đến vậy; và thế là người ấy đã hiểu sai và ngạc nhiên khi thấy Giacóp qua đời tại đất Ai Cập và sự việc đã không được thực hiện như người ấy mong đợi. Thành ra mặc dù lời nói của Thiên Chúa tự nó rất chân thực, người ta vẫn có thể có ngộ nhận lớn về lời ấy.

4 - Chúng ta cũng đọc thấy trong sách Thủ Lãnh chuyện tất cả các chi tộc Israel họp nhau giao chiến chống chi tộc Benjamin để trừng phạt một tội đại ác mà chi tộc này đã toa rập dung túng. Được Thiên Chúa chỉ định cho một chi tộc dẫn đầu, họ chắc mẩm là sẽ thắng trận, nhưng rồi bị đánh bại trận với số tổn thất 22 ngàn người (x. Tl 20,1-21). Họ sửng sốt và khóc lóc trước nhan Thiên Chúa suốt ngày, chẳng hiểu nguyên nhân tại sao bại trận. Khi họ hỏi Thiên Chúa có nên trở lại giao chiến không thì Thiên Chúa bảo họ hãy đi. Cầm chắc thắng trận, họ đã xuất quân một cách rất gan dạ và lần thứ hai này họ lại bị đánh tan với số thương vong 18 ngàn người (x. Tl 20,23-25). Họ bối rối cuống cuồng không hiểu tại sao mình bại trận khi chính Thiên Chúa truyền cho họ giao chiến, và đàng khác quân số của họ lại trội hơn đối phương, chi tộc Benjamin chỉ có 25 ngàn 600 lính đang khi họ có tới 400 ngàn (x. Tl 20,17). Thật ra họ đã lầm lẫn trong cách hiểu của họ chứ Thiên Chúa không hề lừa dối. Ngài không bảo rằng họ sẽ chiến thắng, mà chỉ bảo họ hãy chiến đấu. Qua những lần bại trận ấy Thiên Chúa muốn trừng phạt họ vì một sự xao lãng hoặc khinh thị nào đó, để làm cho họ được khiêm nhường. Còn lần cuối, khi trả lời cho họ, Ngài bảo họ sẽ chiến thắng thì họ đã thắng mặc dù khá vất vả và phải dùng nhiều mưu lược.

5 - Đó là một trong những cách các linh hồn thường lầm lẫn về những lời nói và mạc khải của Thiên Chúa bởi họ hiểu chúng cách thiển cận theo nghĩa đen. Vì, như tôi đã giải thích, mục tiêu chính của Thiên Chúa trong những chuyện ấy là nhằm nói lên và thông ban cái thần trí chứa đựng trong đó, là điều vốn khó hiểu. Cái thần trí ấy phong phú hơn văn tự nhiều, đồng thời lại vượt xa các giới hạn của văn tự. Thành thử kẻ nào cứ bám vào văn tự, vào câu nói, vào hình sắc và những hình ảnh có thể biết được nơi thị kiến, sẽ không tránh khỏi lầm lẫn nhiều và sau đó sẽ tự thấy xấu hổ và bối rối vì đã để cho mình bị dẫn dắt theo giác quan, không dành chỗ cho thần trí trong sự trơ trụi của giác quan. Như thánh Phaolô có nói: "Văn tự giết chết, thần trí mới làm cho sống" (2Cr 3,6). Như thế cần phải khước từ văn tự, mà trong trường hợp này chính là giác quan, và lưu lại trong tăm tối của đức tin, tức là thần trí, là thứ mà giác quan không thể thấu hiểu được.

6 - Nhiều người dân Israel đã hiểu các lời nói và sấm ngôn của các ngôn sứ theo nghĩa đen, không thấy thành hiện thực như họ đã hy vọng, cho nên đâm ra xem nhẹ và chẳng thèm tin, đến nỗi cứ lặp lại một câu ngạn ngữ chế nhạo các ngôn sứ. Isaia đã than phiền như sau: "Liệu nó dạy được ai, giải thích được cho ai am hiểu? Có chăng là cho trẻ thơ cai sữa vừa thôi bú! Thôi thì: “Xáp la-xáp, xáp la-xáp, cáp la- cáp, cáp la-cáp, dơ-e sam, dơ-e sam!”" Phải, Người sẽ dùng môi miệng cà lăm và tiếng nói xa lạ mà nói với dân này (Is 28,9-11). Câu ngạn ngữ ấy dịch ra là: "Cứ hứa và hứa nữa đi, cứ chờ và chờ thêm nữa ở đây một chút, ở kia một chút". Ở đây rõ ràng là Isaia cho chúng ta hiểu rằng đám dân ấy đã nhạo báng các lời ngôn sứ và chế diễu bằng lời ngạn ngữ: "Cứ chờ và chờ thêm nữa đi". Isaia cho chúng ta hiểu rằng các sấm ngôn ấy chẳng bao giờ được thực hiện bởi họ đã bám vào văn tự, tức sữa của con nít, và bám vào giác quan, tức núm vú mẹ, là những thứ đi ngược với sự cao cả của ơn minh triết nơi thần trí. Vì điều này mà ngôn sứ Isaia đã nói: "Ngài sẽ dạy sự khôn ngoan của các lời ngôn sứ Ngài? Và Ngài sẽ làm cho ai hiểu được giáo lý của Ngài nếu chẳng phải là những kẻ đã xa lìa thứ “sữa” văn tự và các “núm vú” giác quan của họ?" Thảo nào họ chỉ hiểu lời các ngôn sứ theo thứ sữa của lớp vỏ, của từ ngữ và của các núm vú giác quan của họ, họ cứ lải nhải: "Hãy cứ hứa và hứa nữa đi, hãy chờ và chờ thêm nữa đi" vv... Bởi vì Thiên Chúa phải nói với họ bằng giáo lý từ miệng Ngài chứ không theo giáo lý của họ và bằng thứ ngôn ngữ khác với ngôn ngữ họ dùng.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 18: Những vị linh hướng bị lầm lạc (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 18
NHỮNG VỊ LINH HƯỚNG BỊ LẦM LẠC * (tiếp theo)

5 - Giờ đây chúng tôi xin nói đôi điều về cung cách một số cha giải tội đối với các linh hồn và việc các ngài dạy dỗ họ chưa được tốt. Chắc hẳn tôi rất ước mong biết cách trình bày vấn đề này cho cặn kẽ, bởi vì thật khó giúp hiểu được rằng tinh thần người môn đệ thường được khuôn đúc theo tinh thần vị linh hướng của người ấy cách bí ẩn. Đây là chuyện quá tỉ mỉ khiến tôi thấy mỏi mệt bởi vì dường như không thể nói rõ điều này mà không đề cập điều kia bởi lẽ trong những chuyện thuộc tâm linh, các vấn đề thường liên quan với nhau.

6 - Tôi có thể xác quyết rằng nếu cha linh hướng thiên về các chuyện mạc khải và tỏ ra coi trọng chúng, thì cho dù ngài không nhận thấy, nhất định ngài sẽ trút cái sở thích ấy vào tâm trí người đệ tử ngoại trừ trường hợp người đệ thử này tiến xa hơn thầy. Mà cho dẫu người đệ tử tiến xa hơn thầy đi nữa, nếu vị thầy ấy vẫn tiếp tục hướng dẫn đệ tử, tâm thái của ông sẽ gây cho người này nhiều thiệt hại. Sự kiện cha linh hướng nghiêng về và thích các thị kiến sẽ làm nảy sinh nơi người thụ hướng một niềm quí chuộng nào đó đối với chúng và nếu ngài không hết sức dè chừng, thì thế nào cũng gây dấu ấn lên người mà ngài hướng dẫn. Nếu người này lại có một tâm trí cùng nghiêng chiều như thế thì, theo ý tôi, người này sẽ khiến người kia dính bén vào chuyện này hơn.

7 - Đây chưa phải là lúc luận bàn quá tỉ mỉ. Chúng tôi chỉ xin nói đến trường hợp vị giải tội không đủ cẩn trọng trong việc gỡ rối cho linh hồn. Dù vị này có thiên về chuyện các thị kiến ấy hoặc không, nhưng thay vì giúp môn đệ tước bỏ lòng mê thích các thị kiến ấy, lại đi luận bàn với họ về chúng, loay hoay nêu cho họ các dấu chỉ để nhận rõ những thị kiến tốt và những thị kiến xấu. Thế nhưng dù việc nhận biết các dấu chỉ ấy là điều tốt thì vẫn không nên đẩy họ vào chỗ phải vất vả, âu lo và bị nguy hiểm như thế. Bởi lẽ, chỉ cần coi nhẹ các thị kiến ấy, gạt bỏ chúng đi, là thoát được tất cả những điều trên và làm được điều cần phải làm. Mà không chỉ có thế; khi thấy các linh hồn ấy có được những tiếp xúc với Thiên Chúa như vậy, chính các vị ấy lại yêu cầu họ xin với Thiên Chúa tỏ cho hoặc nói cho họ chuyện nọ chuyện kia liên can đến họ hoặc đến người khác. Thế rồi các linh hồn khờ khạo ấy đã làm như thế vì cứ tưởng rằng thỉnh ý Thiên Chúa theo kiểu ấy là điều được phép. Sở dĩ thế là vì họ nghĩ rằng nếu Thiên Chúa đã muốn mạc khải hoặc bày tỏ với ta cách siêu nhiên một đôi điều như Ngài muốn và vì mục đích Ngài muốn, thì đương nhiên ta cũng có thể ao ước được Ngài mạc khải điều ấy cho ta, và ngay cả đến được phép xin Ngài tỏ cho điều ấy.

8 - Rồi nếu xảy ra là Thiên Chúa hạ cố cho lời xin đó thì càng khiến họ liều lĩnh nghĩ rằng Thiên Chúa thỏa thích với lời xin xỏ của họ vì Ngài đã đáp lại. Thực ra Thiên Chúa không thích cũng không muốn điều ấy. Nhiều lúc các vị linh hướng này hành động và tin theo những gì được mạc khải hay được đáp lời cho mình, bởi vì các vị đã quen xử sự với Thiên Chúa như thế. Các vị càng tự tin và lòng muốn càng nghiêng về đó cách tự nhiên. Các vị tự nhiên hài lòng về chúng và cũng tự nhiên thích nghi chúng theo cách hiểu của các vị. Thường thì các vị bị lầm rất nhiều và khi thấy các sự việc không xảy ra như dự tính các vị đâm ngạc nhiên và rồi đâm ra hoài nghi không biết có phải chúng do Thiên Chúa không bởi vì chúng chẳng xảy ra theo cách thức các vị ngóng đợi.

Thế là các vị tự giả định hai điều: thứ nhất, các mạc khải đến từ Thiên Chúa, vì ngay từ đầu các vị đã bám chặt vào chúng, sự xác tín này là do khuynh hướng tự nhiên thiên đã nghiêng về đó. Thứ hai, do phát xuất từ Thiên Chúa, các mạc khải ấy phải được thể hiện đúng theo các vị hiểu hoặc tưởng nghĩ.

9 - Tin tưởng như vậy quả là một sai lầm nghiêm trọng, bởi lẽ những điều mạc khải hay những lời của Thiên Chúa đâu phải luôn luôn được thực hiện như người ta hiểu hay như người ta mơ. Thế nên không được quá chắc chắn vào chúng, cũng chẳng nên tin chúng một cách mù quáng, dù biết rằng những mạc khải, những câu đáp hay những lời nói ấy là do Thiên Chúa. Dù tự chúng là chắc chắn và chân thực, chưa hẳn chúng đã luôn chắc chắn và chân thực như vậy từ trong nguyên nhân cũng như theo cách hiểu của chúng ta. Chúng tôi sẽ chứng minh điều này ở chương kế tiếp. Tiếp đó chúng tôi cũng sẽ chứng tỏ cho thấy, mặc dù đôi khi Thiên Chúa vẫn trả lời cách siêu nhiên cho những gì người ta hỏi Ngài nhưng Ngài không ưa thích chuyện ấy và đôi khi dù có trả lời đi nữa Ngài vẫn bực mình.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)