Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 20: Vì sao không chắc chắn? (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 20
VÌ SAO KHÔNG CHẮC CHẮN * (tiếp theo)

5 - Khi nào những điều ấy lệ thuộc các nguyên nhân này, thì Thiên Chúa biết nhưng Ngài không luôn bày tỏ ra. Ngài nói hoặc mạc khải ra nhưng vẫn giữ thinh lặng, không cho biết các điều kiện của Ngài. Chẳng hạn đối với dân thành Ninivê, Ngài đã quả quyết báo cho họ là họ sẽ bị tiêu diệt sau 40 ngày (Gn 3,4). Và những lần khác Ngài lại tuyên bố rõ - như đối với Rôbôam: "Nếu ngươi vâng nghe tất cả những điều Ta truyền cho ngươi... mà tuân giữ các giới răn và mệnh lệnh của Ta như Đavít tôi tớ Ta đã làm, thì Ta sẽ ở với ngươi và xây cho ngươi một ngôi nhà bền vững như Ta đã xây cho Đavít" (1 Sm 11,38). Tuy nhiên, dầu Thiên Chúa có tuyên bố điều kiện ấy hay không thì ta vẫn không thể tự tiện giải thích lời Ngài, bởi vì làm sao ta có thể hiểu được những sự thật ẩn tàng và biết bao ý nghĩa hàm chứa nơi các sấm ngôn của Ngài. Ngài ngự trên trời cao thẳm và tuyên phán theo đường lối đời đời, còn chúng ta chỉ là những kẻ đui mù đáng thương trên mặt đất này, chúng ta chỉ hiểu được những đường lối của xác phàm mau qua. Như lời Đấng Khôn Ngoan đã nói: "Thiên Chúa ngự trên trời, còn bạn ở dưới đất. Vậy hãy ít lời" (Gv 5,1).

6 - Hẳn các bạn sẽ bảo tôi rằng nếu chúng ta không thể hiểu và cũng chẳng nên xen vào những chuyện ấy thì tại sao Thiên Chúa lại thông ban chúng cho chúng ta? Tôi đã nói rằng mỗi chuyện sẽ được hiểu vào lúc của nó theo lệnh của Đấng phán ra nó và Ngài muốn cho ai hiểu thì người ấy sẽ hiểu. Mà như thế là đúng, vì Thiên Chúa chẳng làm gì vô cớ hoặc sai sự thật. Do đó phải tin chắc rằng ta không thể nào hiểu thấu ý nghĩa những lời và những sự thuộc về Thiên Chúa, cũng không thể quyết đoán về ý nghĩa những gì mình nghe hoặc thấy, nếu không sẽ bị lầm to và sẽ gặp nhiều bối rối.

Các ngôn sứ là những người nắm giữ lời Thiên Chúa, họ biết rõ điều ấy. Đối với họ, truyền đạt lời loan báo cho dân chúng quả là thách đố lớn bởi vì, như đã nói, nhiều lời trong số các lời ấy không xảy ra đúng theo mặt chữ. Điều đó khiến các ngôn sứ trở nên lố bịch và phải hứng chịu nhiều diễu cợt, đến nỗi Giêrêmia đã phải thốt lên: "Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con. Mỗi lần nói năng là con phải la lớn, phải kêu lên: ‘Bạo tàn! Phá hủy!’ Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày. Có lần con tự nhủ: Tôi sẽ không nghĩ đến Ngài" (20,7-9). Vị ngôn sứ thánh nói thế không phải vì đã mất sự nhẫn nhục nhưng như một con người không còn chịu đựng nổi những đường lối khúc mắc của Thiên Chúa. Tuy nhiên những lời ấy cũng cho ta hiểu rõ sự cách biệt trời vực giữa những lời Thiên Chúa phán với việc chúng phải xảy ra theo đúng mặt chữ. Các ngôn sứ của Thiên Chúa thường bị xem là những kẻ bịp bợm và họ phải chịu đựng nhiều vì những lời họ loan báo, đến nỗi ở một nơi khác, Giêrêmia nói: "Số phận của chúng tôi là vực thẳm và kinh hoàng, là đổ nát và tan hoang" (Ai ca 3,47).

7 - Ông Giôna bỏ trốn khi Thiên Chúa sai ông tới rao giảng về sự hủy diệt thành Ninivê, vì ông vốn biết rằng những lời Thiên Chúa phán có thể biến đổi so với sự am hiểu của loài người khi các nguyên nhân của những lời ấy biến đổi. Vì thế, để thiên hạ khỏi chế nhạo ông nếu lời tiên báo của ông không được thực hiện, Giôna đã chạy trốn, không chịu loan báo những lời ấy (x. Gn 1,1-3). Rồi Giôna đã lưu lại ngoài thành suốt 40 ngày chờ xem lời ngôn sứ ấy có được thực hiện không (Gn 1,4-5). Khi lời ấy không được thực hiện, ông hết sức buồn phiền đến nỗi đã thưa với Chúa: "Ôi, lạy Đức Chúa, đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao? Chính vì thế mà con đã vội vàng trốn đi Tácsít". Rồi ông đã phẫn uất và cầu xin Thiên Chúa cất mạng sống ông đi (x. Gn 4,2-3).

8 - Vậy có gì phải ngạc nhiên khi những điều Thiên Chúa phán và mạc khải cho các linh hồn không được thực hiện như họ tưởng nghĩ? Thiên Chúa quả quyết hoặc bày tỏ cho một linh hồn về một điều lành hoặc dữ nào đó, cho chính nó hay cho một người khác, đều dựa trên duyên cớ một sự nhiệt tình, một sự phục vụ hay một xúc phạm mà linh hồn ấy hoặc linh hồn khác thực hiện. Nếu duyên cớ này cứ bền bỉ kéo dài, điều ấy ắt sẽ được thực hiện; tuy nhiên vì không chắc gì cái duyên cớ nói trên bền bỉ kéo dài cho nên sự thực hiện lời quả quyết ấy cũng không chắc chắn. Do đó, chớ bao giờ an tâm nơi sự hiểu biết của mình mà chỉ nên chắc dạ nơi đức tin mà thôi.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: