ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2
CHƯƠNG 17
MỤC ĐÍCH CÁC ƠN BAN *
Bàn về cách thức và mục đích của Thiên Chúa khi ban những điều tốt về mặt tâm linh qua đường giác quan. Câu trả lời cho vấn nạn đã nêu.
1 - Có thể nói nhiều về mục đích Thiên Chúa nhắm đến cũng như cách thức Ngài dùng khi ban những thị kiến này. Đó là Ngài nhằm nâng một linh hồn từ trạng thái thấp hèn lên kết hiệp nên một với Ngài. Nhiều sách về đường tâm linh đã bàn đến vấn đề này. Chuyên luận của tôi cũng mong đóng góp thêm phần nào. Trong chương này, tôi sẽ chỉ đưa ra giải đáp ngắn gọn cho vấn nạn được nêu lên đó là: Nếu như đã nói, những thị kiến siêu nhiên ấy có nhiều hiểm nguy và có thể cản trở cho bước tiến của linh hồn thì tại sao Thiên Chúa là Đấng rất khôn ngoan và luôn muốn cho linh hồn tránh khỏi những chướng ngại và cạm bẫy, lại ban những thị kiến ấy cho họ làm gì?
2 - Để trả lời vấn nạn này, cần phải dựa trên ba nguyên lý nền tảng. Thứ nhất là thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma: "những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập" (Rm 13,1), tức là mọi việc được thực hiện đều do Thiên Chúa an bài. Thứ hai là lời Chúa Thánh Thần trong sách Khôn Ngoan "Đức Khôn Ngoan vươn mạnh tới chân trời kia, cai quản mọi loài thật tốt đẹp" (Kn 8,1) nghĩa là Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa chạm đến từ khởi nguyên tới tận điểm, từ thái cực này đến thái cực kia, và bài trí mọi thứ một cách dịu dàng. Thứ ba là lời các thần học gia: "Thiên Chúa vận hành mọi sự theo cách thức của chúng" (Thánh Tôma Aquinô: De veritate).
3 - Theo các nguyên lý ấy, để kích động và nâng linh hồn lên từ thân phận cực kỳ thấp hèn của nó đến tình trạng cực kỳ siêu vời được nên một với Thiên Chúa, chắc hẳn Thiên Chúa phải thực hiện điều này một cách trật tự, nhịp nhàng, và theo cách thức của chính linh hồn. Bởi lẽ cái trật tự linh hồn phải tuân theo trong tiến trình nhận thức bao gồm các hình sắc và hình ảnh của các thụ tạo, còn cách thức nhận biết và am hiểu của linh hồn là nhờ vào giác quan, khi Thiên Chúa muốn nâng linh hồn lên tới tri thức tối cao một cách dịu dàng, Ngài phải bắt đầu từ chỗ thấp nhất, chạm đến mút cùng bên này lộ trình của linh hồn là các giác quan để rồi dần dần dìu dắt linh hồn theo cách riêng của nó đến mút cùng bên kia là sự khôn ngoan tâm linh, nơi không còn thuộc lãnh vực giác quan nữa. Để được như vậy, trước tiên Thiên Chúa dạy dỗ linh hồn qua lối nguyện gẫm suy lý và qua những hình sắc, hình ảnh và những phương tiện khả giác tùy theo cách hiểu của nó, khi thì tự nhiên, lúc thì siêu nhiên rồi dẫn đưa lên tới Thần khí tối cao của Thiên Chúa.
4 - Đó là lý do tại sao Thiên Chúa ban cho linh hồn các thị kiến, hình sắc, hình ảnh và những nhận thức khả giác, khả tri và tâm linh khác. Chẳng phải vì Ngài không muốn ban cho linh hồn sự khôn ngoan tâm linh ngay từ động tác đầu tiên. Hẳn Ngài sẽ làm điều này nếu như hai thái cực ấy (nhân loại và thần linh, giác quan và tâm linh) có thể liên kết với nhau chỉ bằng một động tác, qua một tiến trình bình thường, chẳng cần sự can thiệp của nhiều động tác chuẩn bị đi trước. Quả thế, những động tác này liên kết nhau trật tự hài hòa, cái này làm nền và chuẩn bị cho cái kia hệt như nơi các tác nhân tự nhiên vậy. Các động tác đầu phục vụ cho các động tác thứ hai, rồi các động tác thứ hai phục vụ các động tác thứ ba và cứ như thế ... Cũng thế, Thiên Chúa hoàn thiện con người theo cách của loài người nghĩa là từ chỗ thấp nhất và bên ngoài nhất đến chỗ cao nhất và nội tâm nhất.
Trước tiên Thiên Chúa hoàn thiện các giác quan thể chất, động viên linh hồn dùng các sự việc tự nhiên và hoàn hảo bên ngoài chẳng hạn như nghe giảng và dự lễ, hành hương viếng các di tích thánh, hãm mình trong việc ăn uống, chế ngự xúc giác bằng sám hối và khổ hạnh. Khi các giác quan này đã khá an định, Thiên Chúa thường hoàn thiện chúng bằng cách ban cho một số ân huệ và quà tặng tâm linh để củng cố chúng thêm trong điều thiện. Những truyền đạt siêu nhiên này có thể là thị kiến về các thánh hay các đồ vật thánh, những hương vị rất ngọt ngào, những câu nói, cùng sự vui thỏa dạt dào nơi xúc giác. Nhờ các truyền đạt ấy, các giác quan này được củng cố rất nhiều về mặt nhân đức và không còn mê thích những chuyện xấu xa. Ngoài ra, các giác quan hữu hình bên trong mà chúng ta đang bàn ở đây, chẳng hạn trí tưởng tượng và óc sáng tạo vẽ vời cũng đồng thời được hoàn thiện hóa và tập quen với điều thiện nhờ những xét định, nguyện gẫm và suy lý thánh thiện. Rồi nhờ vào tất cả những điều ấy, tâm linh được dạy dỗ.
Một khi nhờ sự thao luyện tự nhiên này mà an định xong các giác quan bên trong, Thiên Chúa thường hay soi sáng các linh hồn ấy và đẩy họ tiến xa thêm trên đường tâm linh bằng một số thị kiến siêu nhiên nặng tưởng tượng, sẽ cùng với những thị kiến trước kia, giúp cho tâm linh lợi được rất nhiều và rồi nhờ cả hai loại thị kiến ấy, tâm linh dần dà được tinh luyện và cải đổi.
Đây là cách thức Thiên Chúa nâng linh hồn từng bước tới chỗ nội tâm nhất, mặc dù không phải chính xác theo cùng một trật tự. Đôi khi Thiên Chúa vẫn hành động cách khác, ban điều này mà không ban điều kia, hoặc đi từ cái rất thâm sâu tới cái ít thâm sâu hơn, hoặc cả hai cùng một lúc, tùy theo cách Thiên Chúa thấy thích hợp đối với linh hồn và tùy theo cách Ngài muốn ban ơn cho nó. Tuy nhiên thông thường Chúa vẫn dùng con đường phù hợp với những gì đã nói trên.
5 - Như thế, đây là cách Thiên Chúa thường dùng để đào tạo các linh hồn và thúc đẩy họ tiến trên đường tâm linh. Khởi đầu Ngài thông ban cho linh hồn sự sống tâm linh qua những yếu tố bên ngoài, dễ nắm bắt và thích hợp với giác quan, đồng thời cũng phù hợp với sự bé nhỏ và khả năng ít ỏi của linh hồn. Ngài làm như thế để, thông qua lớp vỏ của những điều khả giác và tốt lành ấy, phần tâm linh sẽ được tiến bộ qua những hành vi đặc thù và nhận được bao nhiêu là ngụm thông giao tâm linh. Bằng cách đó, linh hồn quen dần với những gì là tâm linh và tiến về phía bản chất thực sự của tâm linh, tức là về phía cái vốn xa lạ với mọi giác quan và, như chúng tôi đã nói, về phía điều mà linh hồn chỉ có thể đạt được dần dần theo cách của nó, tức là qua những giác quan mà đến lúc này nó vẫn luôn gắn bó. Như thế, càng tiến gần hơn trong tương giao tâm linh với Thiên Chúa, linh hồn càng lột bỏ và làm rỗng hết các nẻo đường giác quan tức nẻo đường của nguyện gẫm suy lý và tưởng tượng. Do đó, một khi hoàn toàn đạt tới tương giao với Thiên Chúa theo tâm linh thì nhất thiết linh hồn phải đẩy lùi tất cả những gì liên quan đến Thiên Chúa mà có thể rơi vào giác quan. Cũng tựa như một vật càng tiến về mút cùng bên này thì càng xa cách với mút cùng bên kia và một khi đã hoàn toàn đạt tới thái cực này thì sẽ hoàn toàn xa lìa thái cực kia. Do đó mới có câu châm ngôn tâm linh: "Một khi đã nếm được điều tâm linh rồi, mọi thứ thuộc xác thịt đều gây chán ngán", nghĩa là những con đường của xác thịt không còn mang lại hữu ích hay thích thú gì nữa. Nói cách khác, trên những nẻo đường tâm linh, mọi tương giao khả giác đều đáng chán. Thật hiển nhiên: Điều gì thuộc tâm linh sẽ không còn rơi vào giác quan, còn nếu nó có thể được giác quan nhận biết thì nó đâu thuộc về tâm linh thuần túy. Quả vậy, giác quan và tri giác tự nhiên càng có thể nhận biết điều gì thì điều ấy càng ít tâm linh và ít siêu nhiên.
Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét