ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2
CHƯƠNG 16
NHỮNG NHẬN THỨC TƯỞNG TƯỢNG * (tiếp theo)
10 - Để đạt đến sự kết hiệp nên một yêu thương với Thiên Chúa như thế, linh hồn phải cẩn thận không được dựa vào các thị kiến tưởng tượng, các hình ảnh, hình sắc hay những hiểu biết cụ thể bởi vì những thứ này không thể dùng làm phương tiện trực tiếp và phù hợp để đạt được hiệu quả ấy, ngược lại chúng còn có thể gây cản trở. Do đó linh hồn cần phải khước từ và cố gắng tránh né chúng. Đôi khi chúng ta đã chấp nhận và trân trọng chúng là vì lợi ích và hiệu quả tốt mà các thị kiến chân chính mang lại cho linh hồn. Tuy nhiên đâu nhất thiết phải chấp nhận chúng mới đạt được hiệu quả tốt ấy, cho nên nếu muốn tiến bộ, thì tốt hơn nên luôn biết chối từ chúng.
Cũng như điều chúng tôi đã nói về các thị kiến hữu hình bên ngoài, điều tốt lành mà các thị kiến tưởng tượng có thể đem lại cho linh hồn là thông ban sự hiểu biết, tình yêu hoặc sự dịu ngọt. Tuy nhiên để các thị kiến ấy sinh ra những hiệu quả này thì linh hồn cũng chẳng cần phải mong ước chấp nhận chúng. Như chúng tôi đã chỉ rõ, ngay lúc các thị kiến này xuất hiện nơi trí tưởng tượng, chúng đã cùng có mặt trong linh hồn và tuôn đổ cho nó sự hiểu biết, tình yêu, sự dịu ngọt hay bất cứ điều gì Thiên Chúa muốn chúng tạo ra.
Những thị kiến ấy cùng hiện diện cả nơi trí tưởng tượng lẫn nơi linh hồn, nhưng kết quả của chúng gây ra có thể không cùng một lúc. Chúng tạo kết quả chính yếu bất chấp sự hưởng ứng của linh hồn. Linh hồn có muốn ngăn cản cũng không sao ngăn cản nổi; đồng thời linh hồn cũng bất lực không biết làm cách nào thu nạp được kết quả ấy mặc dù đã biết rõ cách thức chuẩn bị từ trước. Tựa như tấm kính cửa sổ không thể ngăn cản tia nắng mặt trời chiếu dọi trên nó. Nhờ tinh sạch, đương nhiên nó nhận được sự chiếu dọi cách thụ động, chẳng phải nhọc công gì cả. Cũng thế, dù linh hồn có hết sức muốn chối từ các thị kiến này thì cũng vẫn phải nhận lấy các ảnh hưởng của chúng và những nhận thức về chúng. Bởi lẽ một khi lòng muốn đã tự lột bỏ, chỉ chống chõi cách khiêm nhường và trìu mến thì không thể nào cưỡng nổi các ân sủng siêu nhiên tuôn đổ vào mình. Chỉ sự bất toàn dơ bẩn của linh hồn mới cản trở những ân sủng này tựa như các vết bẩn trên tấm kính cửa cản trở tia sáng mặt trời chói lọi.
11 - Vậy rõ ràng là linh hồn càng siêu thoát khỏi lòng ước muốn và quyến luyến những điều đã biết được nơi những hình sắc, hình ảnh và hình dạng có tỳ vết ấy, tức các lớp vỏ bọc những sự thông hiệp tâm linh, thì linh hồn càng chuẩn bị để lãnh nhận được những điều tốt lành và thông hiệp do những thị kiến ấy gây ra. Khi gác qua một bên tất cả các thứ ấy là những bức màn che mất những điều tốt lành tâm linh mà chúng chứa đựng, linh hồn sẽ nhận được những điều tốt lành này cách sung mãn, tinh tuyền, tự do và giản dị hơn. Nếu linh hồn cứ mãi bám lấy những bức màn ấy thì cả tâm linh lẫn giác quan sẽ bị xâm chiếm đến nỗi không thể có được một sự thông hiệp tự do và giản dị. Vì đã hẳn, nếu bị vướng mắc trong lớp vỏ bọc ấy, trí hiểu sẽ không còn tự do để tiếp nhận những sự thông hiệp tâm linh kia nữa.
Và nếu linh hồn khao khát chấp nhận và chú tâm vào những điều đã biết được ấy thì chúng sẽ thành cản trở và rồi linh hồn sẽ mãi hài lòng với những thứ kém quan trọng nhất - tức hình sắc, hình ảnh và những hiểu biết cụ thể - là thứ hiểu biết duy nhất mà linh hồn gặt hái được từ những thị kiến ấy. Linh hồn không nắm bắt được, không hiểu được điều chính yếu hơn - tức sự sống tâm linh đang tuôn đổ vào linh hồn - cũng không thể hiểu được phương cách lãnh nhận cái tâm linh ấy và có lẽ cũng không biết diễn tả về nó vì nó thuần túy tâm linh. Với cách nhận thức riêng của linh hồn, điều duy nhất linh hồn biết được về những thị kiến này lại thuộc về những thứ kém nhất tức những hình ảnh thâu nhận được qua các giác quan. Do đó tôi xin xác định rằng dù không hề nỗ lực tìm hiểu - mà cũng chẳng biết nỗ lực ra sao - linh hồn vẫn được thông ban một cách thụ động điều mà nó không thể hiểu hay tưởng tượng nổi.
12 - Như thế linh hồn phải luôn ngoảnh mắt khỏi những nhận thức mình đã có thể thấy hoặc nghe được cách cụ thể. Đó là những thứ thuộc về giác quan và không đem lại được nền tảng vững chắc cho đức tin. Trái lại linh hồn phải dán mắt vào những gì vô hình, những gì không thuộc giác quan mà thuộc về tâm linh, những gì không rơi vào một hình hài khả giác nhưng dẫn đưa linh hồn đến chỗ kết hiệp nên một với Thiên Chúa trong đức tin là phương thế thích hợp của sự nên một này. Các thị kiến này nhờ vào những gì cốt yếu nơi chúng, sẽ sinh ích cho linh hồn và giúp đức tin được vững vàng hơn, nếu linh hồn biết cách loại bỏ khía cạnh khả giác và khả tri của chúng, đồng thời biết vận dụng theo đúng mục đích Thiên Chúa đã định cho chúng. Bởi cũng như tôi đã chỉ rõ khi nói về các thị kiến thể lý, Thiên Chúa ban những thị kiến ấy không phải để linh hồn khao khát chiếm hữu và dính bén với chúng.
13 - Tuy nhiên, như thế sẽ phát sinh một vấn nạn: Phải chăng Thiên Chúa vừa phú ban các thị kiến siêu nhiên lại vừa không muốn cho linh hồn khát khao, cậy dựa hoặc chú tâm đến chúng? Nếu vậy thì Ngài ban chúng làm chi? Phải chăng vì chúng có thể khiến linh hồn rơi vào vô số hiểm nguy lầm lạc hay ít là sẽ phải gặp nhiều cản trở cho sự tiến bộ như đã mô tả? Và rồi tại sao Thiên Chúa lại làm như thế đang khi, một cách cốt yếu và tâm linh, Ngài vẫn có thể ban qua những thị kiến và hình thể thuộc giác quan như đã nêu?
14 - Về vấn nạn trên, ở chương sau tôi sẽ đưa ra câu trả lời mà thiết nghĩ có thể xem như một nguyên tắc quan trọng và cần thiết cả cho người sống theo tâm linh lẫn những người dẫn dắt họ. Tôi sẽ trình bày phương cách và mục đích của Thiên Chúa khi Ngài phú ban các thị kiến ấy. Nhiều người, do không hiểu các thị kiến nên mù mờ chẳng biết phải xử lý thế nào và cũng chẳng biết cách dẫn dắt mình hay kẻ khác vượt qua các thị kiến ấy để đạt đến chỗ nên một với Thiên Chúa. Họ nghĩ một khi đã biết được rằng các thị kiến này chân thật và do Chúa thì có thể an tâm chấp nhận và tin vào chúng. Họ không chịu suy nghĩ rằng dù đó là những thị kiến đích thật, nếu họ ước muốn chiếm đoạt và quyến luyến chúng thì chúng có thể gây cản trở giống như của cải thế gian, cho nên họ cần biết chối từ chúng như chối từ của cải thế gian. Họ cho rằng nên đón nhận những thị kiến đích thật và loại bỏ những thị kiến sai lạc, thế rồi họ vừa tự lao vào vừa kéo những linh hồn khác lao vào biết bao vất vả và hiểm nguy để phân biệt thật giả nơi các thị kiến ấy... Thế nhưng Thiên Chúa đâu truyền bảo họ phải vất vả như thế và lại còn đẩy những linh hồn ngây thơ, dễ tin kia vào một cuộc chiến nguy hiểm. Những người này đã có sẵn đức tin, là giáo huấn chân thật và vững chắc làm phương tiện để tiến bước rồi.
15 - Vậy, linh hồn không thể tiến bước trong đức tin nếu không chịu nhắm mắt làm ngơ với mọi thứ thuộc giác quan cũng như với những nhận thực cụ thể, rõ ràng. Hãy xem Thánh Phêrô, mặc dù đã đích thân chứng kiến cuộc biến hình của Chúa và biết chắc về thị kiến Đức Kitô vinh quang, sau khi thuật lại sự kiện ấy trong bức thư thứ nhất của Ngài (x. 2Pr 1,16-18) thánh nhân vẫn không muốn bất cứ người nào lấy đó làm chứng lý chủ chốt cho sự chắc chắn. Để giúp cho đức tin của độc giả, ngài đã tuyên bố: "Như vậy chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ. Anh em chú tâm vào đó là phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm" (2 Pr 1,19).
Suy tư từ sự so sánh trên, chúng tôi khám phá ra nguyên tắc chúng tôi đang nói đây. Khi bảo ta hãy bám lấy đức tin từng được các ngôn sứ truyền dạy, như bám vào ngọn đèn soi nơi tăm tối, thánh Phêrô muốn nhắc ta hãy sống trong tăm tối, mắt nhắm lại trước mọi nguồn sáng khác. Ngài dạy ta phải dùng đức tin, cũng là một thứ tối tăm, làm đèn soi cho bóng tối ấy. Ngài tuyên bố rằng nếu ta muốn dựa vào những luồng sáng rực rỡ khác của những hiểu biết cụ thể, ta sẽ thôi dùng đến ngọn đèn tăm tối của đức tin và rồi ngọn đèn ấy không còn chiếu sáng cho ta trong nơi tối tăm ngài muốn nói. Cái nơi ấy tức là trí hiểu, khác nào cái trụ cắm ngọn đuốc đức tin, phải ở lại trong tăm tối cho tới ngày, ở đời sau, linh hồn được hưởng kiến Thiên Chúa thật rõ ràng; còn ở đời này thì cho đến khi được biến đổi và nên một với Thiên Chúa.
Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét