ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2
CHƯƠNG 22
TẠI SAO KHÔNG ĐƯỢC PHÉP? * (tiếp theo)
12 - Vì thế sách Giảng Viên đã nói rộng ra: "Khi chỉ có một mình mà bị ngã thì thật là khốn, vì chẳng có ai nâng dậy cả! Cũng vậy, hai người nằm chung thì ấm; một mình làm sao mà ấm được? Một mình dễ bị tấn công, có hai người, ắt sẽ đương đầu nổi; dây chập ba đâu dễ gì đứt?" Người này sẽ sưởi ấm cho người kia (nghĩa là có hơi ấm của Thiên Chúa ngự giữa họ); một người mà thôi thì làm sao tự sưởi ấm được? (nghĩa là làm sao y không lạnh lùng đối với những chuyện thuộc về Thiên Chúa). Nếu một kẻ nào đó mạnh hơn và lướt thắng một người (ý nói ma quỷ, nó biết lướt thắng những kẻ muốn đơn độc trong những chuyện thuộc về Thiên Chúa) thì hai người cùng chung nhau sẽ chống cự nổi nó (nghĩa là người môn đệ và tôn sư hợp nhau để nhận biết và thực thi chân lý). Như thế, người đơn độc sẽ cảm thấy nguội lạnh và yếu đuối trong sự thật, không đủ sức hành động, mặc dù người ấy có nghe sự thật từ Chúa bao nhiêu lần cũng vậy. Ta hãy xem Thánh Phaolô. Mặc dù thánh nhân đã rao giảng Tin Mừng trong một thời gian lâu dài, Tin Mừng mà ngài đã học được từ Thiên Chúa chứ không phải từ loài người (x. Gl 1,12), ngài vẫn không an tâm với mình cho đến khi đã đi bàn bạc với thánh Phêrô và các vị tông đồ. Ngài nói: "Vì sợ rằng tôi ngược xuôi, và đã ngược xuôi vô ích" (Gl 2,2); vì ngài vẫn không vững dạ cho tới khi người khác mang lại cho ngài sự an lòng. Như thế nghĩa là gì, thưa thánh Phaolô! Phải chăng Đấng mạc khải Tin Mừng cho ngài lại không thể nhắc cho ngài tránh khỏi sai lầm khi ngài rao giảng sự thật của Đấng ấy sao?
13 - Điều này rõ ràng cho thấy rằng ta chỉ có thể gắn bó an toàn vào một điều Thiên Chúa mạc khải trừ phi theo sát trật tự chúng tôi vừa chỉ vẽ. Một người đã ưa chuộng loại mạc khải ấy, thì dù có biết chắc mạc khải ấy đến từ Thiên Chúa, như thánh Phaolô chắc chắn về Tin Mừng của ngài vì ngài đã khởi sự rao giảng nó, họ vẫn có thể lầm lẫn về chuyện ấy hoặc về những gì liên quan tới chuyện ấy. Thật thế, không phải lúc nào Thiên Chúa mạc khải toàn diện. Ngài có thể tỏ cho thấy đó là việc phải làm nhưng lại không nói phải làm cách nào. Bởi vì thông thường tất cả những gì có thể làm được cho linh hồn nhờ nỗ lực và lời khuyên của con người thì Thiên Chúa chẳng hành động cũng chẳng nói năng đến, mặc dù có thể Ngài vẫn thường xuyên và thân mật tiếp xúc với linh hồn ấy. Thánh Phaolô dù đã hiểu rõ điều này, dù chắc chắn rằng Thiên Chúa đã mạc khải Tin Mừng cho ngài, ngài vẫn bàn bạc với các tông đồ khác.
Sách Xuất Hành còn cho một ví dụ rất rõ (x. Xh 18,21¬22). Thiên Chúa luôn cư xử rất thân tình với Môsê, thế nhưng Ngài không đích thân ban cho ông lời khuyên rất hữu ích mà nhạc phụ ông là Giêtrô khuyên ông, là chọn những thẩm phán khác để giúp đỡ ông và để cho dân chúng khỏi phải chờ đợi từ sáng cho tới đêm. Thiên Chúa đã chuẩn thuận lời khuyên ấy. Ngài chẳng đưa ra lời khuyên ấy vì đó là điều mà lý trí và phán đoán của con người có thể nắm bắt được. Thiên Chúa thường chẳng bày tỏ những chuyện ấy qua các thị kiến, mạc khải cũng như những lời nói của Ngài, vì Ngài luôn muốn người ta dùng đến lý trí và phán đoán tối đa, đồng thời mọi thứ phải được điều chỉnh bởi chúng trừ những gì thuộc về đức tin là những điều siêu vượt mọi phán đoán và lý trí, dù không ngược với lý trí.
14 - Giả thử có người chắc chắn rằng Thiên Chúa và các thánh vẫn trò chuyện thân tình về nhiều chuyện. Người này không nên vì đó mà tưởng rằng các vị ấy cũng phải nói cho biết những lầm lỗi cụ thể nơi một chuyện gì đó, khi mà mình vẫn có thể biết được những lầm lỗi ấy qua một con đường khác. Thế nên, đừng tưởng lầm. Trong sách Công Vụ Tông Đồ, ta thấy mặc dù là thủ lĩnh Hội Thánh và đã từng được Thiên Chúa trực tiếp giáo huấn, Thánh Phêrô vẫn mắc phải sai sót khi ứng xử với dân ngoại. Thiên Chúa vẫn lặng thinh, không nói cho biết. Thế nhưng rồi đã có thánh Phaolô lên tiếng, như về sau ngài kể lại: “Khi tôi thấy các ông ấy không đi đúng theo sự thật của Tin Mừng, thì tôi đã nói với ông Kêpha trước mặt mọi người: 'Nếu ông là người Do Thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do Thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do Thái?' " (Gl 2,14). Như thế Thiên Chúa đã không đích thân cảnh báo thánh Phêrô về sai sót ấy, bởi vì sự giả vờ ấy của ông là chuyện thuộc phạm vi lý trí mà ông có thể nhận biết nó qua con đường suy lý.
15 - Nhiều người đã từng được Thiên Chúa trò chuyện thân tình cũng như ban cho nhiều ánh sáng và sức mạnh nhưng lại dựa vào đó để bỏ bê phận vụ. Trong ngày phán xét, Thiên Chúa sẽ phạt những sai sót và tội lỗi của họ. Như Chúa Kitô đã nói trong Tin Mừng, lúc bấy giờ họ bàng hoàng lên tiếng: "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?" (Mt 7,22). Và Chúa bảo Ngài sẽ trả lời họ rằng: "Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!" (Mt 7,23). Trong số những kẻ làm điều gian ác ấy có ngôn sứ Balaam và những kẻ khác tương tự ông ta. Dù trước đó Thiên Chúa từng nói chuyện thân tình và ban cho họ các ân sủng, họ vẫn là những kẻ có tội. Cả nhiều bạn bè và những kẻ được Chúa chọn dù Chúa đã từng trò chuyện thân mật với họ trên cõi đời này, một ngày kia Chúa cũng sẽ khiển trách về lầm lỗi và bê trễ của họ, những lỗi mà Ngài không cần phải đích thân cảnh báo họ vì qua lề luật và lý trí tự nhiên Ngài đã cảnh báo họ rồi.
Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét