Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 17: Mục đích các ơn ban (tiếp theo)

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 17
MỤC ĐÍCH CÁC ƠN BAN * (tiếp theo)

6 - Do đó, con người tâm linh một khi đã hoàn thiện thì không để tâm đến giác quan, không tiếp nhận các ơn lành qua chúng, rất ít dùng đến chúng mà cũng chẳng cần phải dùng đến chúng trong tương giao với Thiên Chúa như trước kia, khi chưa tiến bộ về mặt tâm linh. Đây chính là điều thánh Phaolô ám chỉ khi ngài viết cho tín hữu Corintô: "Khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con" (1Cr 13,11).

Chúng tôi đã giải thích cho thấy làm thế nào những điều khả giác cũng như những nhận thức mà phần tâm linh có thể rút được từ các giác quan ấy chỉ là những tập tành của trẻ con. Do đó, nếu ai cứ bám vào chúng mãi, chẳng chịu rút ra khỏi chúng, sẽ mãi còn là trẻ con, nói về Thiên Chúa như trẻ con, hiểu biết và nghĩ về Thiên Chúa như trẻ con. Thật vậy, hễ còn bám víu vào lớp vỏ giác quan, tức trẻ con, linh hồn chẳng bao giờ đạt đến được bản chất của tâm linh, tức con người hoàn hảo. Vì thế, để lớn lên về mặt tâm linh, linh hồn không được thu nhận những khải thị nói trên cho dù chúng đến từ Thiên Chúa. Chẳng khác nào đứa trẻ phải rời bỏ vú mẹ để tập cho khẩu vị của nó quen với những thức ăn đặc và có chất bổ hơn.

7 - Hẳn bạn sẽ hỏi tôi phải chăng bao lâu còn ở tình trạng trẻ con, linh hồn còn cần sử dụng chúng và rồi sẽ bỏ chúng khi hồn đã lớn, như thể một em bé phải được nuôi bằng vú mẹ cho đến khi nó đủ lớn để thôi bú?

Tôi xin trả lời rằng đối với việc nguyện gẫm suy lý tự nhiên mà lúc đầu linh hồn đã dùng để kiếm tìm Thiên Chúa thì linh hồn phải dùng nó để nuôi mình, không được bỏ phương tiện khả giác ấy cho tới thời gian thích hợp để gạt chúng sang một bên, tức là lúc Thiên Chúa đưa linh hồn vào một cuộc gặp gỡ có tính tâm linh hơn, tức là chiêm niệm, như đã bàn đến ở chương 13 của quyển này.

Nhưng đối với những thị kiến tưởng tượng hoặc những điều khác đã biết được cách siêu nhiên, đã đập vào các giác quan ngoài sự ưng thuận tự do của con người thì tôi xin nói rằng bất cứ khi nào chúng xảy đến, dù hoàn hảo hay kém hoàn hảo, dù là phát xuất từ Thiên Chúa, thì linh hồn vẫn không được ao ước tiếp nhận chúng. Tại sao? Có hai lý do:

+ Lý do thứ nhất: Như đã nói, về hiệu quả của thị kiến thì Thiên Chúa đã làm phát sinh hiệu quả ấy nơi linh hồn mà linh hồn không thể nào ngăn cản nổi (mặc dù chính thị kiến thì linh hồn có thể ngăn cản và điều này vẫn thường xảy ra). Ở đây thứ hiệu quả của thị kiến đã được ban cho linh hồn theo bản thể nhiều hơn là qua một con đường khác. Vì, linh hồn không thể ngăn cản nổi những ơn lành Thiên Chúa muốn ban cho nó. Linh hồn chỉ có thể gây cản trở do một sự bất toàn hay do lòng ham muốn chiếm hữu. Thế nhưng nếu linh hồn đã biết từ bỏ những nhận thức ấy với lòng khiêm nhường kính sợ thì đâu còn gì là sự bất toàn hay ham muốn chiếm hữu nữa.

+ Lý do thứ hai: Nhờ không ao ước tiếp nhận, linh hồn thoát khỏi mối nguy và nỗi vất vả phải phân biện giữa thị kiến tốt và thị kiến xấu, giữa thần ánh sáng và thần tăm tối. Điều ấy chẳng đem lại lợi lộc gì mà chỉ tổ mất thời gian và gây phiền phức cho linh hồn, lại có nguy cơ rơi vào nhiều thứ bất toàn và tụt lại mãi phía sau, lấy chuyện chẳng đáng gì làm quan trọng. Ngược lại, linh hồn gỡ được mình khỏi kẹt vào những nhận thức thứ yếu và những hiểu biết riêng lẻ như chúng tôi đã từng nói khi bàn về những thị kiến hữu hình và rồi sẽ còn nói thêm về chúng nhiều hơn.

8 - Có thể tin rằng nếu không nhằm hướng dẫn linh hồn theo cách thức riêng hợp với nó như chúng tôi đã nói thì hẳn Chúa chúng ta chẳng bao giờ thông ban cho nó dư dật thần trí Ngài qua những con kinh nhỏ hẹp của các hình sắc, hình ảnh và những hiểu biết cụ thể. Điều linh hồn nhận được làm lương thực tâm linh chẳng khác nào bánh được chia thành những mảnh vụn bé nhỏ. Vua Đavít đã nói: "Làm mưa đá, Chúa tung từng miếng nhỏ, chịu nổi làm sao giá lạnh của Ngài!" (Tv 147,17). Có thể hiểu là Thiên Chúa gởi Đức Khôn Ngoan của Ngài tới các linh hồn như qua những mẩu nhỏ. Quả rất đáng than phiền khi linh hồn đã có được khả năng vô biên mà người ta vẫn cho nó ăn những mẩu nhỏ qua giác quan, vì tâm linh nó còn yếu kém và giác quan chưa bén nhạy.

Và thánh Phaolô, khi viết cho tín hữu Corintô cũng đau buồn về sự yếu đuối và thiếu chuẩn bị nơi họ để lãnh nhận điều tâm linh. Ngài nói: "Thưa anh em, về phần tôi, tôi đã không thể nói với anh em như với những con người sống theo Thần Khí, nhưng như với những con người sống theo tính xác thịt, như với những trẻ nhỏ trong Đức Kitô. Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi. Nhưng bây giờ anh em cũng vẫn còn không chịu nổi" (1Cr 3,1-2).

9 - Vậy bây giờ vấn đề còn lại là linh hồn cần hiểu rõ mình phải ứng xử thế nào. Trước hết, linh hồn không được dán mắt vào lớp vỏ là những hình ảnh và đối tượng được đề ra cho mình một cách siêu nhiên, liên quan tới giác quan bên ngoài: Chẳng hạn những lời vang vọng bên tai, những hình ảnh các thánh hoặc những tia sáng chói đập vào mắt, những làn hương nơi khứu giác, những thích thú ngọt ngào nơi vị giác, những êm ái mềm mại nơi xúc giác, vốn phát xuất từ tâm linh, và là điều rất thường thấy nơi những người sống theo tâm linh. Đồng thời linh hồn cũng không được dán mắt vào bất cứ thị kiến nào thuộc giác quan bên trong chẳng hạn các tưởng tượng, trái lại, phải từ bỏ tất cả.

Linh hồn chỉ được dán mắt vào phần tâm linh tốt đẹp mà những kinh nghiệm ấy gây nên, cố gắng giữ gìn phần tâm linh ấy bằng cách đem ra thực hành những gì phục vụ Thiên Chúa một cách trật tự. Đừng bận tâm tới những hình ảnh ấy, đừng ước ao bất cứ mê thích khả giác nào.

Làm như thế, người ta sẽ chỉ rút ra từ các thị kiến ấy những gì Thiên Chúa muốn họ rút ra được, đó là tâm tình sùng mộ, vì Ngài ban những hình ảnh ấy không nhằm điều chính yếu nào khác. Người ta sẽ loại trừ yếu tố khả giác mà có lẽ Thiên Chúa chẳng ban, nếu như họ có thể tiếp nhận ơn Ngài trong tâm linh mà chẳng cần gì đến yếu tố ấy (mà như chúng tôi đã nói, đó là sự tập luyện và những nhận thức của giác quan).

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: