Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 13: Những dấu hiệu phải có

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 13
NHỮNG DẤU HIỆU PHẢI CÓ *

Chương này trình bày những dấu hiệu người theo đường tâm linh phải có nơi mình để nhờ đó mà nhận biết khi nào nên bỏ nguyện gẫm suy lý để bước qua bậc chiêm niệm.

1 - Để học thuyết khỏi trở thành tối nghĩa, chương này xin dành để giúp bạn hiểu được vào giai đoạn nào và lúc nào người theo đường tâm linh nên bỏ lối nguyện gẫm suy lý (tức là nguyện gẫm dựa theo những tưởng tượng, mô hình và hình ảnh như đã nói trên), không quá sớm hay quá muộn, so với đòi hỏi của tâm linh. Ta cần rời bỏ chúng đúng lúc, không chậm trễ, để khỏi bị chúng ngăn cản trên đường đến với Thiên Chúa; nhưng không nên rời bỏ chúng quá sớm, e rằng sẽ bị thụt lùi mất. Bởi vì, dù những nhận thức của các quan năng ấy không là phương thế trực tiếp giúp những người đã tiến xa được nên một với Thiên Chúa, nhưng vẫn có thể là phương thế dọn đường giúp những người mới khởi đầu, có thể nhờ giác quan mà thu xếp và tập cho tâm trí được quen với những vấn đề tâm linh, đồng thời cũng giúp giác quan được rảnh rang khỏi vướng vào những mô hình và nhận thức thấp kém và mau qua thuộc tự nhiên và thế tục. Vì thế ở đây chúng tôi xin nói về một số dấu chỉ và đặc điểm mà người theo đường tâm linh phải gặp thấy nơi bản thân để biết được đã đến lúc lìa bỏ chúng hay chưa.

2 - Dấu chỉ thứ nhất là thấy mình không còn có thể suy niệm hoặc suy lý với trí tưởng tượng, không thể nếm cảm chúng như trước nữa. Trái lại, từ ít lâu nay cứ thấy khô khan ngay ở điểm trước đây thường thu hút giác quan và đem lại dịu ngọt. Thế nhưng bao lâu còn cảm thấy dịu ngọt và có thể suy lý trong nguyện ngắm thì đừng bỏ, cứ ở lại cho đến khi nào linh hồn được sự bình an thư thái sẽ nói đến ở dấu chỉ thứ ba.

3 - Dấu chỉ thứ hai là thấy mình không còn tha thiết gì với việc vận dụng trí tưởng tượng và giác quan vào những điều riêng rẽ khác, cả bên ngoài lẫn nội tâm. Tôi không bảo rằng phải đợi đến lúc trí tưởng tượng không còn bay nhảy đó đây (vì ngay cả khi ta lắng lòng tối đa, nó vẫn cứ rong chơi), nhưng là linh hồn chẳng thích thú gì trong việc tận dụng nó vào các điều ấy.

4 - Dấu chỉ thứ ba và chắc chắn nhất là, linh hồn thích thú được ở một mình với Thiên Chúa, được đắm đuối ngắm nhìn Ngài mà không cần một suy xét riêng nào cả, chỉ nhìn Ngài trong bình an nội tâm, thư thái và nghỉ ngơi; các quan năng, dạ nhớ, trí hiểu và lòng muốn chẳng phải làm một động tác hay một thao luyện nào, (tôi muốn nói về những động tác có giá trị suy lý, đi từ ý này sang ý khác), chỉ có sự chú tâm và nhận thức tổng quát đầy trìu mến như đã nói, mà không cần một sự hiểu biết hay am tường về một điều gì riêng.

5 - Người theo đường tâm linh phải gặp thấy nơi bản thân ít là ba dấu chỉ ấy hợp lại mới có thể an tâm lìa bỏ bậc nguyện gẫm suy lý theo giác quan để bước vào bậc chiêm niệm thuần túy tâm linh.

6 - Chỉ có dấu hiệu thứ nhất mà không có dấu hiệu thứ hai thì chưa đủ, vì lắm khi tình trạng không thể tưởng tượng và suy niệm những điều thuộc về Thiên Chúa như trước đã quen, là do sự chia trí và thiếu lắng lòng. Do đó còn phải thấy cả dấu chỉ thứ hai, tức là không còn tha thiết lưu luyến gì với việc nghĩ đến những chuyện xa lạ khác; vì nếu là do chia trí và thiếu lắng lòng mà không thể vận dụng tưởng tượng và giác quan để suy về Thiên Chúa, thì tức khắc linh hồn sẽ thích quay sang những chuyện khác, và tìm ra đủ lý do để bỏ cầu nguyện.

Nếu chỉ có dấu hiệu thứ nhất và thứ hai thôi cũng không đủ, cần phải có cả dấu hiệu thứ ba nữa. Bởi vì, mặc dù thấy mình không thể suy lý hoặc tưởng nghĩ tới những sự thật thuộc về Thiên Chúa, và cũng không ham nghĩ tới những điều gì khác, nhưng tình trạng ấy vẫn có thể là do tính đa sầu hoặc do khí huyết xấu của tim óc gây cho giác quan một sự chán chê hoặc ngưng trệ, chẳng còn nghĩ gì, muốn gì, và cũng chẳng còn thiết nghĩ đến chuyện gì khác, chỉ muốn ở lại trong tình trạng lửng lơ êm ái ấy thôi. Để đề phòng ảo tưởng ấy, người theo đường tâm linh cần phải có dấu hiệu thứ ba, tức là một nhận thức và chú tâm trìu mến trong bình an, như đã nói trên.

7 - Quả thật, trong những bước đầu của bậc này, hầu như người ta không nhận ra mình đang có một nhận thức đầy yêu mến, vì hai lý do: Một đàng, vì trong những bước đầu, sự nhận thức đầy yêu mến này, thường rất tinh vi, tế nhị và hầu như vô cảm giác; đàng khác, vì linh hồn đã quá quen với cách tập nguyện ngắm kia, nên không nhận ra và hầu như không cảm thấy sự mới mẻ này, vừa vô cảm giác vừa thuần túy tâm linh. Điều này xảy ra nhất là khi linh hồn vì không hiểu điều ấy nên không để cho mình được yên nghỉ ở đó, cứ lo tìm cái gì khác dễ cảm hơn; cho nên mặc dù đang được chan hòa sự bình an nội tâm đầy yêu mến, linh hồn vẫn không quan tâm cảm nhận và vui hưởng. Tuy nhiên, linh hồn càng quen ở yên lặng, sự nhận thức tổng quát đầy yêu mến ấy về Thiên Chúa càng gia tăng, linh hồn càng cảm nhận được và càng thích thú về điều ấy hơn mọi điều khác, bởi vì nó đem lại cho linh hồn sự bình an, nghỉ ngơi, ý vị và hoan lạc mà không cần phải vất vả.

Để vấn đề được sáng rõ hơn, trong chương tiếp theo chúng tôi sẽ trình bày thêm những nguyên nhân và lý do tại sao những dấu chỉ nêu trên lại cần thiết để tiến bước trên đường tâm linh.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: