Thứ Năm, 9 tháng 1, 2025

Đường Lên Núi Cát Minh - Quyển 2 - Chương 16: Những nhận thức tưởng tượng

 


ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2

CHƯƠNG 16
NHỮNG NHẬN THỨC TƯỞNG TƯỢNG *

Bàn về những nhận thức tưởng tượng được gợi ra cách siêu nhiên nơi óc sáng tạo vẽ vời. Chúng không thể là phương tiện giúp linh hồn nên một với Thiên Chúa. Tại sao?

1 - Chúng ta đã bàn về những điều linh hồn biết được cách tự nhiên mà trí tưởng tượng và óc sáng tạo vẽ vời đã tiếp thu và sử dụng qua nguyện gẫm suy lý. Giờ đây đến lúc thích hợp để bàn tới những điều linh hồn biết được cách siêu nhiên còn gọi là những thị kiến tưởng tượng. Hệt như những điều đã biết được cách tự nhiên, các thị kiến này cũng đến với trí tưởng tượng dưới dạng những hình ảnh, hình sắc và hình thể.

2 - Qua thuật ngữ “thị kiến tưởng tượng” này chúng tôi muốn nói tới tất cả những gì đến với trí tưởng tượng một cách siêu nhiên dưới dạng hình ảnh, hình sắc, hình thể hay những loại đối tượng khả giác. Mọi nhận thức và loại đối tượng khả giác đến với linh hồn cách tự nhiên qua năm giác quan thể chất, và tác động trên linh hồn thì cũng có thể đến được với linh hồn cách siêu nhiên, chẳng cần gì các giác quan bên ngoài. Bởi lẽ cái giác quan bên trong này, tức óc sáng tạo vẽ vời cùng với dạ nhớ được xem như một nơi tàng trữ dành cho trí hiểu, cất giữ mọi hình thể và hình ảnh khả tri đã tiếp nhận. Quan năng này tiếp nhận những hình thể ấy dù chúng đến từ năm giác quan thể chất hay đến bằng phương cách siêu nhiên và giữ lại nơi mình tựa như trong một tấm gương, rồi sẽ đưa ra cho trí hiểu để trí hiểu xem xét và phán định. Óc sáng tạo vẽ vời không những giữ mọi sự lại như thế mà còn có thể sáng tạo cũng như tưởng tượng ra những điều khác giống với những gì nó đã biết.

3 - Năm giác quan bên ngoài giới thiệu cho các quan năng bên trong những hình ảnh theo loại đối tượng của chúng. Cũng thế, một cách siêu nhiên và không cần đến các giác quan bên ngoài, Thiên Chúa có thể trình bày cho các quan năng bên trong này những hình ảnh theo loại đối tượng của chúng, mà còn xinh đẹp và hoàn hảo hơn nhiều. Đây là điều ma quỷ cũng làm được.

Chính Thiên Chúa đã lắm lần bày tỏ cho các linh hồn nhiều điều qua những hình ảnh này và dạy cho họ nhiều lẽ khôn ngoan. Đó là điều ta vẫn thường thấy nơi mỗi bước đường Kinh Thánh. Chẳng hạn Isaia nhìn thấy Thiên Chúa trong vinh quang Ngài dưới hình ảnh làn khói che phủ đền thờ và hình ảnh các thiên thần sốt mến (Seraphim) đang dùng cánh che mặt và chân (x. Is 6,2-4); Giêrêmia thì được cho thấy ngọn roi canh giữ (x. Gr 1,11); còn Đaniel thì được chiêm niệm nhiều thị kiến (x. Dn 7,10 vv... )
Về phần ma quỷ, chúng cũng bày ra những điều có vẻ tốt lành để lừa gạt linh hồn. Chẳng hạn trong sách các Vua, ma quỷ đã lừa bịp tất cả ngôn sứ của vua Akháp bằng cách vẽ ra trong trí tưởng tượng của họ những chiếc sừng mà nó bảo là sẽ sử dụng để hủy diệt quân Assyri. Đó quả là một lời dối trá (x. 1 Vua 22,11-12; 21-22). Cũng như những thị kiến của vợ Philatô liên quan đến việc kết án Chúa Kitô (x. Mt 27,19) và nhiều thị kiến khác nữa vv...

Có thể nói, nơi tấm gương trí tưởng tượng này, với những linh hồn đã tiến khá xa, các thị kiến tưởng tượng này xảy đến thường xuyên hơn loại thị kiến hữu hình bên ngoài. Xét về khía cạnh hình ảnh và loại đối tượng khả giác thì hai loại thị kiến này không khác nhau nhưng xét về sự hoàn thiện và hậu quả phát sinh thì có sự khác biệt rất lớn. Các thị kiến càng siêu nhiên và nội tâm hơn thì càng tinh tế và tạo ra hiệu quả nơi linh hồn nhiều hơn những thị kiến siêu nhiên bên ngoài. Dù vậy vẫn có thể có một số thị kiến hữu hình bên ngoài gây hiệu quả lớn hơn bởi vì nói cho cùng, mỗi sự thông giao ấy có uy lực tới mức nào là tùy theo ý Thiên Chúa muốn. Điều tôi muốn nói ở đây là tính biểu thị, những thị kiến mang tính bên trong hơn thì có tính cách tâm linh hơn.

4 - Chính tại nơi quan năng tưởng tượng và sáng tạo này ma quỷ thường thường gài các cạm bẫy của nó - về mặt tự nhiên hoặc siêu nhiên - vì đây là cổng và đường vào linh hồn. Trí hiểu đến đây như thể đến một cửa khẩu hoặc một khu chợ để mua bán đồ vậy. Cả Thiên Chúa và cả ma quỷ đều đem đến đây đủ thứ ngọc đá quý là những hình ảnh và dạng thức siêu nhiên khác nhau để chào hàng với trí hiểu. Tuy nhiên đây không phải là phương cách duy nhất Thiên Chúa dùng để dạy dỗ linh hồn. Thiên Chúa ngự nơi linh hồn và Ngài có thể tự mình dạy dỗ linh hồn hoặc dùng các phương thế khác mà dạy dỗ.

5 - Tôi sẽ không dừng lại đây để nói về những dấu chỉ giúp phân biệt các thị kiến tốt xấu cũng như để kể hết những loại thị kiến khác nhau. Tôi chỉ có ý định khai mở cho trí hiểu nắm vững về các thị kiến ấy để nó khỏi bị cản trở trên đường nên một với Đức Khôn Ngoan thần linh nhờ các thị kiến tốt, đồng thời khỏi bị các thị kiến giả tạo phỉnh gạt.

6 - Vậy tôi xin nói rằng khi gặp những điều biết và thấy được qua trí tưởng tượng cũng như bất cứ hình sắc hay những loại đối tượng khả giác nào khác xuất hiện qua một hình sắc, hình ảnh hay một ý tưởng cụ thể nào đó, hoặc là những thị kiến giả tạo thuộc ma quỷ hoặc dù là những thị kiến được nhìn nhận là chân thực phát xuất từ Thiên Chúa đi nữa, trí hiểu không nên vội bám lấy hay vơ hết vào. Linh hồn không được khao khát, chấp nhận hay cầm giữ chúng, nếu muốn được siêu thoát, trần trụi, tinh tuyền giản dị không một tí kiểu cách nào, đúng như ơn nên một đòi hỏi.

7 - Sở dĩ thế là vì, như đã nói, các hình ảnh nêu trên khi được nhận thức thì đều xuất hiện dưới một cách thức giới hạn. Còn Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa, Đấng mà trí hiểu phải kết hiệp nên một, lại chẳng hề có kiểu hay cách gì cả. Ngài không có giới hạn mà cũng chẳng thuộc về một nhận thức cụ thể hay đặc thù nào bởi Ngài hoàn toàn tinh tuyền và giản dị. Như thế muốn cho hai cực ấy, linh hồn và Đức Khôn Ngoan thần linh, có thể nên một với nhau, cả hai cần phải có một sự tương tự nào đó để làm nhịp cầu. Do đó, linh hồn cũng phải tinh tuyền và giản dị, không giới hạn, không bám víu vào bất cứ một nhận thức đặc thù nào cũng như không bị đổi thay theo giới hạn các hình sắc, hình ảnh hay các loại đối tượng khả giác. Thiên Chúa không thể bị bất cứ hình ảnh, hình sắc hay bất cứ hiểu biết cụ thể nào vây bọc; do đó, nếu muốn nên một với Ngài, linh hồn không được để cho mình bị giới hạn bởi bất cứ hình sắc hay hiểu biết nào.

8 - Trong sách Đệ Nhị Luật, Chúa Thánh Thần nói rõ rằng Thiên Chúa chẳng mặc lấy hình thù nào cả. "Chúa đã phán với anh em từ trong đám lửa: anh em nghe thấy tiếng nói nhưng không thấy hình bóng nào, chỉ có tiếng thôi" (Đnl 4,12). Tuy nhiên Chúa Thánh Thần cũng xác nhận rằng ở đó có sự mịt mù, áng mây và tăm tối, tức là nhận thức mù mờ tăm tối mà chúng ta đã nhắc đến, nơi linh hồn được kết hiệp nên một với Thiên Chúa. Ngài còn nói thêm: "Ngày Đức Chúa phán với anh em tại núi Khô-rếp, từ trong đám lửa, anh em đã không thấy hình bóng nào" (Đnl 4,15).

9 - Nơi sách Dân Số, Chúa Thánh Thần cũng xác nhận rằng bao lâu còn sống ở đời này, linh hồn không thể đạt thấu sự cao cả của Thiên Chúa dù qua bất cứ hình sắc hay ảnh tượng nào. Thiên Chúa đã quở trách Aaron và Myriam về việc họ lẩm bẩm chống lại Môsê, người em của họ. Ngài cho họ biết tình trạng nên một cao vời và tình bằng hữu Ngài đã ban cho Môsê: "Nếu trong các ngươi có ai là ngôn sứ, thì Ta, Đức Chúa, Ta sẽ tỏ mình ra cho nó trong thị kiến, hoặc sẽ phán với nó trong giấc mộng. Nhưng với Môsê tôi tớ Ta thì khác: Tất cả nhà Ta, Ta đã trao cho nó. Ta nói với nó trực diện, nhãn tiền, chứ không nói bí ẩn, và hình dáng Đức Chúa, nó được ngắm nhìn" (Ds 12,6-8).

Rõ ràng là trong tình trạng nên một cao siêu này, Thiên Chúa tự thông giao với linh hồn không phải ẩn sau một thị kiến tưởng tượng, hoặc một hình ảnh tương tự nào đó nhưng là trực diện, mặt đối mặt; một bên là yếu tính tinh tuyền trơ trụi của Thiên Chúa, tức là đôi môi yêu thương của Thiên Chúa và một bên là yếu tính tinh tuyền trơ trụi của linh hồn, tức là đôi môi của linh hồn yêu mến Thiên Chúa.

Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)

0 nhận xét: