ĐƯỜNG LÊN NÚI CÁT MINH
QUYỂN 2
CHƯƠNG 20
VÌ SAO KHÔNG CHẮC CHẮN *
Chương này trích dẫn Kinh Thánh để chứng minh, làm thế nào, những lời Thiên Chúa nói, mặc dù luôn chân thực, lại không phải là luôn chắc chắn trong mọi trường hợp cụ thể của chúng.
1 - Bây giờ chúng ta cần minh chứng nguyên nhân thứ hai khiến cho các thị kiến và lời nói phát xuất từ Thiên Chúa dầu tự nơi chúng luôn chân thực, không phải bao giờ cũng chắc chắn đối với chúng ta. Điều này là do bởi các duyên cớ làm chỗ dựa nền tảng cho chúng. Vì thông thường Thiên Chúa nói những điều ấy như những phán quyết dành cho các thụ tạo và những hành vi của chúng, là những yếu tố hay thay đổi và có thể bất thành. Nếu những yếu tố ấy thay đổi hoặc bất thành thì phán quyết về chúng cũng sẽ như thế. Bởi lẽ khi một sự việc dựa vào một sự việc khác thì nếu bên này hỏng, bên kia cũng hỏng luôn. Chẳng hạn Thiên Chúa phán: “Trong một năm nữa Ta sẽ giáng một tai ương nào đó trên vương quốc này” và nguyên nhân đưa đến lời đe dọa ấy là một sự xúc phạm nào đó mà tại vương quốc ấy người ta đã phạm đến Thiên Chúa. Nếu sự xúc phạm ấy ngừng lại hoặc đổi thay thì hình phạt cũng có thể sẽ ngừng lại. Như thế, lời đe dọa ấy vẫn chân thực vì nó dựa trên sự lầm lỗi cụ thể và hẳn lời đe dọa ấy đã được thi hành nếu như lầm lỗi ấy cứ kéo dài.
2 - Chuyện ấy đã xảy ra tại thành Ninivê. Thiên Chúa đã phán: "Còn 40 ngày nữa Ninivê sẽ bị phá hủy" (Gn 3,4). Dân thành đã ăn năn sám hối. Cái nguyên nhân của lời đe dọa (tức tội lỗi dân thành) không còn nữa cho nên lời đe dọa đã không được thực hiện. Nếu như dân thành không sám hối thì ắt hẳn lời đe dọa ấy đã được thực hiện rồi. Chuyện trong sách Các Vua quyển I (21,21) cũng vậy. Vua Akab đã phạm một tội rất nặng. Thiên Chúa đã sai thánh phụ Êlia của chúng ta làm sứ giả đến báo cho vua một hình phạt rất lớn dành cho chính nhà vua, hoàng gia và vương quốc.
Thế nhưng vua Akab đã đớn đau xé áo mình, mặc áo nhặm, kiêng ăn và ngủ trên bao bị, rất sầu não và khiêm hạ. Thiên Chúa liền gửi đến cho vua những lời sau đây cũng qua chính vị ngôn sứ ấy: "Vì nó đã hạ mình trước mặt Ta, nên Ta sẽ không giáng họa trong buổi sinh thời của nó, nhưng đến đời con nó, Ta sẽ giáng họa xuống nhà nó" (1V 21,27-29). Ở đây chúng ta thấy rằng vì Akab đã thay đổi tâm hồn và sự quyến luyến của ông nên Thiên Chúa cũng thay đổi án quyết của Ngài.
3 - Từ đó chúng ta có thể suy ra nhiều điều cho chủ đề đang bàn ở đây. Dù Thiên Chúa đã mạc khải hay đã nói quả quyết với một linh hồn sự việc nào đó, hoặc lành hoặc dữ liên can đến người ấy hoặc nhiều người khác, điều ấy vẫn có thể thay đổi hoặc tăng giảm nhiều ít, hoặc bị hủy bỏ hoàn toàn tùy theo sự thay đổi hay biến cải tâm tình của linh hồn ấy hoặc tùy theo duyên cớ mà Thiên Chúa đã dựa vào nay còn hay mất. Thế là điều ấy không được hoàn tất như người ta mong đợi và, ngoại trừ một mình Thiên Chúa, thường chẳng ai biết tại sao. Vì lẽ mặc dù Thiên Chúa phán, dạy và hứa nhiều điều thì đâu phải để người ta phải am hiểu hay chiếm hữu chúng ngay nhưng là để về sau họ sẽ hiểu chúng đúng vào lúc họ cần được soi sáng về chúng hoặc thấy có hậu quả phát sinh từ chúng. Đó là cách Chúa Giêsu đã xử sự với các môn đệ Ngài. Ngài đưa ra nhiều dụ ngôn và phán quyết mà họ không hiểu nổi sự khôn ngoan trong đó, nhưng đến khi họ phải giảng giải thì Chúa Thánh Thần đã đến trên họ. Chính Chúa Kitô đã báo cho họ rằng Chúa Thánh Thần sẽ cắt nghĩa cho họ tất cả những gì Ngài đã loan báo cho họ trong cuộc đời dương thế của Ngài (Ga 14,26). Và khi đề cập việc Chúa Kitô vào thành Giêrusalem thánh Gioan cũng nói: "Lúc đầu, các môn đệ không hiểu những điều ấy. Nhưng sau khi Đức Giêsu được tôn vinh, các ông mới nhớ lại là Kinh Thánh đã chép những điều đó về Ngài" (Ga 12,16). Như thế, nhiều sự việc rất cụ thể thuộc về Chúa có thể xảy đến trong linh hồn một người mà cả người ấy lẫn những kẻ dẫn dắt người ấy đều không hiểu được cho mãi đến thời điểm thích hợp của chúng.
4 - Chuyện trong sách Samuel quyển I cũng thế. Thiên Chúa phẫn nộ với Hêli, vị tư tế của Israel, vì các tội lỗi con cái ông phạm mà ông không sửa phạt. Ngài sai Samuel đến nói với ông: "Quả Ta có nói là nhà của ngươi và nhà cha ngươi sẽ đi trước nhan Ta mãi mãi, nhưng giờ đây thì không đời nào!" (1Sm 2,30). Chức vị tư tế đã được thành lập nhằm đem lại vinh quang và danh dự cho Thiên Chúa và theo đó Thiên Chúa đã hứa ban vĩnh viễn cho nhà ông Hêli, nhưng khi lòng nhiệt thành của ông đối với danh dự của Thiên Chúa đã sa sút, ông coi trọng con cái mình hơn Thiên Chúa, che giấu tội lỗi chúng vì sợ làm chúng bẽ mặt, do đó lời hứa cũng thành tiêu ma. Hẳn lời hứa ấy sẽ mãi mãi kéo dài nếu họ vẫn luôn tiếp tục nhiệt thành phụng sự Thiên Chúa.
Do đó, đừng nghĩ rằng những lời nói và mạc khải đã phát xuất tự Thiên Chúa là nhất định phải xảy ra theo đúng từng chữ, nhất là khi chúng lại lệ thuộc các yếu tố nhân loại là những yếu tố có thể thay đổi, biến cải hoặc bất thành.
Nguyên tác: Subida al Monte Carmelo của Thánh GIOAN THÁNH GIÁ. Bản dịch của NGUYỄN UY NAM và Lm. TRĂNG THẬP TỰ.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét